CÂU CHUYỆN VỀ BỨC HÌNH KHẢM ĐỨC MẸ ĐƯỢC KỂ NHÂN SINH NHẬT CHÂN PHƯỚC GIOAN PHAOLÔ II

Bức hình khảm "Mater Ecclesiae" (Mẹ Giáo Hội)
trên khung cửa sổ của Dinh Tông toà tại Quảng trường Thánh Phêrô
Ảnh: Br. Lawrence Lew, OP
(Vatican City, CNA/EWTN News) Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II sinh ngày 18.5.1920. Nhân sinh nhật của ngài, một trong những đồng nghiệp thân tín của ngài đã kể câu chuyện thật đằng sau bức khảm hình Đức Mẹ mà Đức cố Giáo Hoàng đã cho đặt tại Quảng trường Thánh Phêrô.
“Sau vụ mưu sát ngày 13.5.1981, các quan chức Vatican đã lượng định khả năng đặt một tấm bảng, hoặc một dấu hiệu nào có thể nhìn thấy, tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong khu vực mà Đức Giáo Hoàng bị bắn, nhằm tưởng nhớ một trang sử đau đớn của Giáo Hội, cũng như gợi lên một minh chứng về sự bảo vệ của Thiên Chúa” - Đức Hồng y Giovanni Battista Re viết trong một bài báo đăng trên tờ L'Osservatore Romano của Vatican ngày 18-5.
Đức Hồng y Re là một nhân vật cao cấp trong Giám mục đoàn và là Quốc vụ khanh của Vatican dưới thời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
“Đức Gioan Phaolô II, tin chắc rằng Đức Trinh Nữ Maria đã bảo vệ ngài vào ngày hôm đó, đã bày tỏ mong muốn có ngay lập tức một bức ảnh của Đức Trinh Nữ đặt ở quảng trường”. Đức Hồng y Re nói thêm rằng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận ra rằng có điều gì đó “còn thiếu sót” tại Quảng trường Thánh Phêrô mãi cho đến lúc đó - đó là bức ảnh của Đức Mẹ.
Vì vậy, vào mùa hè năm 1981, Đức Giám mục Re lúc đó được mời tham gia vào một nhóm nhỏ để tìm giải pháp. Cuộc thảo luận của nhóm đã không kéo dài.
“Hai giờ sau, chúng tôi đã đứng tại Quảng trường Thánh Phêrô và Đức Giám mục Fallani (người phụ trách việc bảo tồn di sản ở Vatican lúc đó) chỉ tay vào một cửa sổ của Dinh Tông toà, nơi hiện nay có bức hình khảm (mosaic), và nói: ‘Đối với tôi, một giải pháp thích hợp với bối cảnh này là một bức khảm hình vuông được đặt trong khung cửa sổ ở đó’. Rồi ngài hỏi ‘cái gì ở phía sau cửa sổ đặc biệt đó’” - Đức Hồng y Re viết.
Đức Hồng y Re nói ĐGM Fallani giải thích rằng đó là căn phòng “nơi hai nữ tu lo việc đánh máy cho Phủ Quốc vụ khanh, đó là một căn phòng lớn và có một cửa sổ ở phía bên cạnh”.
Vì vậy, nhóm đã quyết định về vị trí và sử dụng bức hình khảm, nhưng hình ảnh nào về Đức Mẹ sẽ được chọn?
“Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng góp ý rằng ngài thích một bức ảnh về Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội, bởi vì - ĐGH giải thích - ‘Mẹ Thiên Chúa đã luôn luôn kết hợp với Giáo Hội và đặc biệt gần gũi trong những thời điểm khó khăn trong lịch sử của Giáo Hội’. Ngài nói thêm rằng cá nhân ngài tin chắc Đức Trinh Nữ Maria đã hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 13-5, để cứu mạng sống của ĐGH”, ĐHY Re viết.
Bức ảnh chính xác đã được lấy từ một bức tranh cổ về Đức Mẹ và Hài Nhi và có một lịch sử lâu đời. Bức tranh được trưng bày trong Đền thờ Thánh Phêrô cũ, do Hoàng đế Constantine xây dựng vào thế kỷ 4, và sau đó được đặt trong Đền thờ Thánh Phêrô hiện nay, được xây dựng vào thế kỷ 16 dưới sự hướng dẫn của Michelangelo. Cuối cùng, vào năm 1964, bức hình đã được phục hồi và đổi tên thành “Mater Ecclesiae” để ghi dấu việc Công đồng Vatican II công bố Đức Maria là “Mẹ của Giáo Hội” - Đức Hồng y Re giải thích.
“Ngày 08.12.1981, trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Gioan Phaolô II đã làm phép bức ảnh Đức Mẹ, là dấu hiệu từ trời bảo vệ cho Đức Giáo Hoàng, cho Giáo Hội và cho tất cả những ai đến Quảng trường Thánh Phêrô”.
Hùng Nguyễn
(Truyenthongconggiao)