Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
 
TẠI SAO CHÚNG TA TÔN KÍNH ĐỨC MARIA?
 
Lời giới thiệu
 
“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc. 1,42).

Giáo Hội Công Giáo qua các thời đại vẫn hằng trân trọng, kính mến Đức Maria thật xứng như lời Bà Elizabeth chúc tụng Người được ghi ở chương đầu sách Tin Mừng Thánh Luca. Tuy nhiên tâm điểm của niềm tin và lòng sùng mộ của người Công Giáo là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã được chúc tụng ngay từ khi Mẹ cưu mang trong cung lòng Người.

Nhiều thánh đường trên thế giới đã chọn tên Maria làm bổn mạng của mình. Những điểm hành hương như Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp hoặc Đức Mẹ Guadalupe ở Mễ-Tây-Cơ trở thành những trung tâm cầu nguyện. Những ngày lễ được kính nhớ hằng năm là Lễ Truyền Tin 25 tháng 3 và Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng 8. Lời kinh của chuỗi Mân Côi vang vọng khắp chốn, cả nơi công cộng lẫn trong gia đình. Bằng nhiều cách, người tín hữu Công Giáo bày tỏ lòng yêu mến và tôn sùng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Tại sao ngườì Công Giáo chúng ta tôn kính Đức Maria như thế
? Và câu trả lời là mục tiêu chính của bài viết này. Nhưng khi đưa ra những hình ảnh đó, chúng ta cũng sẽ xác định cách chúng ta tôn kính Đức Maria và trả lời một số câu hỏi về Người. Trong phần kết luận, chúng ta nhấn mạnh việc tôn sùng Đức Maria không có gì gọi là quá đáng. Đó là một tính cách đặc biệt trong đời sống người Công Giáo.

Thánh Phêrô nhắc chúng ta, nhớ luôn chuẩn bị giải thích cho những ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta, nhưng phải giải thích một cách hiền hoà và kính trọng (1Pr. 3,15-16). Nếu sự hợp nhất của các Kitô hữu trở thành hiện thực, ắt hẳn chúng ta sẽ hiểu nhau và cầu nguyện cho nhau hơn là kết tội, trách cứ, hiểu lầm và nhận định sai về nhau. Người Công Giáo xác tín rằng, khi tôn kính Đức Maria, chúng ta chỉ làm những gì Thiên Chúa đã làm khi mời gọi Mẹ trở thành Mẹ Đức Giêsu Kitô.
 
I- NGUYÊN DO CHÚNG TA TÔN KÍNH ĐỨC MARIA

Để hiểu lý do vì sao chúng ta tôn kính Đức Maria, hãy tìm hiểu tóm tắt xem Người là ai và Người đã làm gì? Đức Maria có nhiều tước hiệu, nhưng tước hiệu được Elizabeth xưng tụng là quan trọng nhất, và điều này chính là điều vĩ đại nhất: Người được đặc ân là Mẹ Ngôi Lời Giêsu Kitô (Lc. 1,43).

Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế, Người Con duy nhất của Thiên Chúa. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga. 1,14) bởi niềm tin và sự vâng phục của Đức Maria. Cả trong hai Kinh Tin Kính, một gọi là của các Tông Đồ và một của Công Đồng Nicé đều xem yếu tố này là khía cạnh quan trọng nhất trong đời Đức Maria. Theo Kinh Tin Kính các Tông đồ, Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa, “được thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần và được sinh ra  bởi Đức Trinh Nữ Maria”. Cùng một niềm tin như thế, Tín điều... công bố: “Bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, Ngài đã trở thành nhục thể trong lòng trinh nữ Maria”. Những tín điều này không chỉ là niềm tin đặc biệt và độc đáo trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng còn là nền tảng trong hầu hết những người mệnh danh là Kitô hữu. Không có Đức Maria, niềm tin của chúng ta có vẻ không chính đáng. Kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa yêu cầu đến niềm tin, đức cậy và lòng mến của Đức Maria. Người đã đáp lời xin vâng: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc. 1,38).

Như vậy, vai trò của Đức Maria là phần cốt lõi và không thể thiếu trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Năm 431, trong cuộc họp Giáo hội dạy và công bố, Đức Maria có thể và thật sự phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. “Nếu ai không thừa nhận Đấng Emmanuel là Thiên Chúa thật và Đức Trinh Nữ Diễm Phúc là Mẹ Thiên Chúa vì Người đã sinh ra Ngôi Lời Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, thì kẻ ấy đáng bị nguyền rủa”. Chính việc Đức Maria sinh Chúa Giêsu “theo cách phàm nhân” đã chứng tỏ Mẹ không có nguồn gốc thần thánh. Nhưng chính bản chất Thiên Chúa và loài người trong Đức Giêsu không thể phân ly, nên Mẹ Maria có thể đáng được gọi là Mẹ Thiên Chúa.

Từ nhận định này, chúng ta dễ hiểu tại sao người Công Giáo lại tôn kính Đức Maria đến thế. Mẹ là người đã sinh ra Đức Giêsu, con Thiên Chúa, vị Cứu Tinh toàn thế giới. Và dĩ nhiên, những ai thừa nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Thế, cũng sẽ tỏ lòng tôn kính, nể trọng Mẹ của Ngài là Đức Maria. Chẳng phải chúng ta thường bảo rằng, các vị lãnh đạo, các nghệ sĩ, nhà khoa học và học giả nổi tiếng hàm ơn nhiều nơi người mẹ của họ sao? Và khi kính trọng họ, chúng ta lại không kính trọng người sinh thành họ sao? Vậy thì với Đức Giêsu và Mẹ Maria cũng thế.

1- Thiên Chúa Cha tôn kính Mẹ Maria.

Sứ thần Gabriel được Thiên Chúa phái đến loan báo: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà... vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc. 1,28-30). Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy vóc dáng con người đến trong lòng Maria?

2- Đức Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa, tôn kính Mẹ Maria.

Bắt đầu cuộc đời công khai, Ngài đã biến nước thành rượu nơi tiệc cưới Cana vì lời yêu cầu của Mẹ (Ga. 2,1). Cuối cuộc đời, khi bị treo trên thập giá, Ngài vẫn tôn kính Mẹ Maria qua việc ủy thác Mẹ cho môn đệ dấu yêu săn sóc và ủy thác môn đệ ấy cho Mẹ trông nom (Ga.19, 26-27). Hầu hết các nhà chú giải Kinh Thánh nhìn nhận rằng, người môn đệ ở đây thay mặt cho tất cả các môn đệ Kitô giáo và Mẹ Maria không chỉ là Mẹ của môn đệ dấu yêu ấy nhưng là Mẹ của tất cả các môn đồ Đức Kitô.

Trong Tin Mừng Thánh Luca, có đến hơn ba lần Mẹ được thượng tôn và sùng kính. Chúng ta đã từng dẫn chứng vai trò trung tâm của Đức Maria trong các câu chuyện về sứ thần truyền tin, thăm viếng bà Elizabeth, sinh nhật Chúa Giêsu. Nhưng có một chi tiết xảy ra trong cuộc đời hoạt động công khai của Đức Giêsu khiến ta bối rối. Có một lần nọ, khi Đức Giêsu đang bận rộn rao giảng và dạy dỗ dân chúng, Mẹ và anh em Ngài đến và cần gặp Ngài. Ngài đã trả lời: “Mẹ ta và anh em ta là những ai nghe và thực hành lời Chúa” (Lc. 8, 21). Có phải Đức Giêsu chối bỏ Mẹ? Dĩ nhiên là không. Còn hơn thế, Ngài công nhận Mẹ là một con người cao cả thật sự không chỉ vì Người là mẹ của Ngài theo bản chất loài người, theo ràng buộc thể xác; nhưng vì Người là mẫu gương nổi bật về nghe và giữ lời Thiên Chúa. Mẹ là một môn đệ đích thực. Người là mẫu gương toàn hảo của tất cả những ai tin theo Đức Giêsu , những môn đệ biết nghe và giữ lời Thiên Chúa.

3- Các môn đệ tiên khởi đã đặt Mẹ vào vị trí danh dự.

Khi Mẹ cùng họ cầu nguyện đợi chờ Thánh Thần đến. “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu”.

4- Các vị đại thánh trong lịch sử Kitô giáo đã tôn kính Đức Maria qua việc giảng dạy và bút tích của họ.

Chúng ta có thể nêu ra như Thánh Bênađô, Thánh Tôma thành Aquina, Thánh Têrêsa thành Avila, Thánh Đôminicô, Thánh Anphôngsô. Quả vậy, thật khó tìm ra vị thánh nào không kính nhớ và kêu cầu đến sự trung gian của Mẹ Maria.

5- Qua các bức họa, các họa sĩ tỏ lòng tôn kính Đức Maria đã hàng thế kỷ.

Trong khi miêu tả lại các biến cố mang lại ơn cứu rỗi chúng ta, Đức Maria được khắc họa rất gần gũi Đức Giêsu. Đây chính là cái hồn trong những bức họa đẹp nói về bé Giêsu luôn quấn quít bên Mẹ; đấy cũng chính là cái tinh anh trong bức họa đầy năng lực ”Đóng đinh trên đồi Canvariô”, trong đó chúng ta luôn thấy Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá. Các họa sĩ đầy lòng tin này, cố bảo ta biết Đức Giêsu là ai; và để làm việc này, họ thường đặt Đức Giêsu cạnh bên Mẹ Maria, chúng ta không thể hiểu đầy đủ về Đức Giêsu.

6- Các Ki-tô hữu khác cũng tỏ ra hết sức tôn kính Đức Maria.

Martin Luther vẫn tiếp tục rao giảng về các ngày lễ tôn giáo là ông đã bị dứt phép thông công với Giáo Hội La Mã. Ông vẫn trân trọng Đức Maria như một kiểu mẫu và mẫu gương sống đức tin. Ông có đủ niềm tin và sự dũng cảm để nói lên một cách đơn sơ và dễ thương: “Chúng ta là con cái của Mẹ Maria”. Thật sự, Luther đã đề cao Đức Maria, nhưng sự đề cao của những người theo nhóm cải cách truyền thống thất bại cũng theo họ mà đi. Tuy nhiên, hiện nay ta thấy người Công giáo và Tin Lành đang cùng nhau xem lại vị thế của Đức Maria trong Kinh Thánh và ý nghĩa việc tôn sùng Đức Maria trong đời sống các Kitô hữu. Một bằng chứng sinh động của sự cộng tác này là quyển “Đức Maria trong Tân ước” được viết ra do sự cộng tác của các học giả Công giáo và Tin Lành.

Dĩ nhiên, lý do chủ yếu của lòng tôn kính này là Tình yêu. Nếu chúng ta yêu Thiên Chúa, tất nhiên chúng ta cũng yêu những người Thiên Chúa yêu, trong đó Đức Maria nổi bật nhất trong những người Thiên Chúa yêu. Nếu chúng ta yêu Đức Giêsu Kitô và tin Ngài là Ngôi Lời và là Đấng Cứu Thế, chúng ta phải yêu Đức Maria, Mẹ Ngài, vì Người đã cho Ngài vào cuộc sống và nuôi nấng, săn sóc Ngài cho đến khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai. Chúng ta yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ, thân nhân, bạn bè vì họ có quá nhiều ý nghĩa đối với chúng ta. Và tình yêu này lớn lên theo thời gian ta sống trên trần đời. Cái chết cũng không xoá bỏ họ ra khỏi cuộc sống hoặc ký ức của chúng ta. Chúng ta không quên họ, ngược lại hay nghĩ đến và nói về những việc làm của họ cho dù họ đang thực sự xa cách chúng ta. Với Mẹ Maria cũng thế. Do vai trò quan trọng của Mẹ trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, chúng ta phải có lòng biết ơn yêu mến Người. Thương nhớ, biết ơn và tán dương Mẹ, dĩ nhiên đồng thời chúng ta cũng phải thương tưởng, biết ơn và tán dương Thiên Chúa và Thánh Tử Giêsu.
 
II- CÁCH THỨC CHÚNG TA TÔN KÍNH ĐỨC MARIA

Chúng ta tôn kính Đức Maria bằng nhiều cách khác nhau. Để tỏ lòng tôn kính tổ tiên và các bậc vĩ nhân, chúng ta thường tạc tượng hoặc đặt tên công trình theo danh tánh của họ. Cũng thế, vì yêu mến người Mẹ dấu yêu, chúng ta đặt tên hoặc tước hiệu của Đức Maria cho các thánh đường, tạc tượng hoặc khắc họa nhiều hình ảnh của Người.

Chúng ta đừng đồng nghĩa việc này với việc thờ phượng Đức Maria. Chỉ có Thiên Chúa - Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần - là đối tượng để thờ phượng. “Các ngươi sẽ không có Thiên Chúa nào khác ngoài Ta” (Xh. 20,2 ). Nếu bảo rằng chúng ta thờ phượng Đức Maria là đã đặt Người lên ngang hàng với Thiên Chúa. Và điều này hoàn toàn sai đối với giáo huấn và tinh thần Công giáo. Đức Maria là con cái, là thụ tạo và đầy tớ của Thiên Chúa.

Chúng ta tôn kính và kính trọng Đức Maria vì Người là trường hợp độc nhất là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta tôn kính Đức Maria và tất cả các thánh, vì cuộc sống và cái chết thánh thiện của các Ngài, giờ này các Ngài đang ở trên thiên quốc.

Chúng ta xem các ngài là những người trung gian đầy uy tín trước Thiên Chúa vì các ngài rất gần Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cầu xin Đức Maria và các thánh cầu bầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta, chuyển lời của chúng ta đến toà Thiên Chúa. Thế có cần thiết hay bắt buộc phải làm điều này không? Không, vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa là “Đấng ở cùng chúng ta”, đặc biệt là trong Đức Giêsu, chúng ta đang tiếp cận với Thiên Chúa. Chúng ta trực tiếp cầu xin Thiên Chúa bằng những lời nguyện cố hữu dâng về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng chúng ta còn có thể cầu nguyện cùng các thánh là những vị cận kề Thiên Chúa. Qua bao nhiêu thế kỷ, các tín đồ Thiên Chúa đã tìm ra cách cầu nguyện đầy khả quan này giúp họ đến gần với Thiên Chúa.

Nhờ tiếp cận với Thiên Chúa, chúng ta thấu hiểu khái niệm các thánh thông công và khái niệm chúng ta là anh chị em với nhau, là con cái Thiên Chúa. Khi bệnh hoạn hoặc gặp khó khăn, chúng ta thường nhờ bạn bè cầu nguyện giúp. Thật sự bạn bè không thể chữa lành bệnh tật hoặc giải quyết được tình cảnh khó khăn ấy; nhưng chúng ta vẫn hy vọng lời cầu của họ đánh động Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sức khoẻ và sức mạnh. Nói cách khác, khi nhờ bạn bè hay các thánh cầu thay nguyện giúp, là chúng ta đã xin Thiên Chúa giúp đỡ qua trung gian bạn bè hoặc các thánh. Chúng ta noi theo gương của thánh Phaolô tông đồ đã nhờ các tín hữu Kitô cầu nguyện cho mình:

“Thưa anh em, vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và vì tình yêu của Thánh Thần, tôi khuyên nhủ anh em cùng chiến đấu với tôi, bằng cách cầu xin Thiên Chúa cho tôi” (Rm. 15,30).

Bây giờ, chúng ta hiểu được cách chúng ta cầu nguyện với Đức Maria, vì Người rất gần Thiên Chúa, vì Người là Mẹ Đức Giêsu, lấy đức tin ta tin rằng, qua trung gian của Người, chúng ta sẽ tốt lành và thánh thiện để tiếp cận Thiên Chúa. Chúng ta không cầu xin Mẹ trực tiếp, nhưng tốt hơn là nhờ Mẹ cầu bầu với Chúa cho chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng nên nhớ, đó không phải là việc luôn luôn và tuyệt đối cần thiết. Chúng ta vẫn luôn có thể đến với Thiên Chúa và cầu nguyện trực tiếp với Ngài.

Chúa Giêsu và Mẹ Maria không hề tranh giành nhau. Người Công giáo quan niệm, tất cả quyền năng, tình yêu, cứu chữa, ân sủng xuất phát từ Thiên Chúa duy nhất, từ Thiên Chúa Cha thông qua Thiên Chúa Con trong tình yêu Chúa Thánh Thần. Vì vậy, chúng ta cầu nguyện trong kinh Kính Mừng:

“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử”.

Chúng ta xin Mẹ Maria dâng những lời nguyện, những nhu cầu của chúng ta lên Thiên Chúa. Điều này không có nghĩa hoặc hàm ý Mẹ Maria không có tí quyền năng nào trong việc thông ban ơn cứu độ của Thiên Chúa; cũng không có nghĩa là Mẹ ngang bằng với Thiên Chúa. Trong khi chúc tụng Mẹ là người con đầy diễm phúc của Thiên Chúa, chúng ta cũng chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa về những quyền năng và tình yêu Ngài đổ xuống trên Mẹ.

Lời kinh Mân Côi là một trong những cánh thức tôn vinh Đức Maria, một hình thức tôn sùng Mẹ, có từ thế kỷ thứ 9. Lúc ấy các tu sĩ hát 150 câu Thánh Vịnh dâng lời ca nguyện hằng ngày lên Thiên Chúa. Sau đó - đặc biệt là đối với người dân thường - đã đổi 150 câu Thánh Vịnh ấy thành 150 kinh Kính Mừng. Mãi về sau, người ta mới thêm kinh Lạy Cha và kinh Sánh Danh trước và sau mỗi chục kinh Kính Mừng. Mỗi khi lần hạt, chúng ta nhắc lại những biến cố giáng sinh và tử nạn của Chúa Giêsu một cách đặc biệt. Những biến cố ấy nhắc nhở chúng ta về vai trò đặc biệt của Mẹ Maria trong chương trình cứu rỗi.

Một cách khác tôn vinh Mẹ nữa, là kinh Truyền Tin ta đọc mỗi ngày vào sáng, trưa, chiều. Kinh nhắc chúng ta nhớ đến ơn cứu độ nhờ sự sinh ra, lớn lên, chết đi và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, con Mẹ. Một cách khác tôn vinh Mẹ là Kinh Ngợi Khen, dùng lại chính lời của Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen những điều cao cả của Thiên Chúa” (Lc. 1,46-55). Lời kinh này được mọi Kitô hữu nhớ mãi và nhắc lại không thôi.

Chúng ta tôn kính Đức Maria vì chức năng trung gian cầu bầu cho chúng ta và còn hơn thế nữa, vì những nhân đức của Người. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI kêu gọi chúng ta:

“Đức Maria được xem như là mẫu mực của đức tin và chính trong cuộc đời cá biệt của Người, Người đã chấp nhận đầy đủ và đầy trách nhiệm thánh ý Thiên Chúa, vì Người đã nghe và thực hành theo lời Thiên Chúa, và vì lòng nhân ái và tinh thần phục vụ là động lực sai khiến Người hành động. Người đáng đuợc chúng ta bắt chước vì là người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất của Đức Kitô. Những điều này có giá trị vĩnh cửu và toàn cầu”.

Như vậy, cộng với sự kính trọng, tôn sùng Đức Maria, chúng ta sẽ học nơi Người và nhận thấy qua cuộc sống đầy ân sủng và Thánh Thần của Người một mẫu gương của đức tin, đức cậy và đức ái. Chúng ta nhận ra lòng tin tưởng của Mẹ trong lời đáp”xin vâng” khi sứ thần Gabrien đề nghị Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Trong lời Kinh Ngợi Khen, chúng ta thấy được niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương người nghèo khó, Đấng chăm sóc dân Ngài. Chúng ta chứng kiến niềm cậy trông của Mẹ khi Người và thánh Giuse nhận được những cái xua tay của các chủ quán trọ làng Bêlem, khi gia thất thánh thiện bị lưu vong ở Ai Cập, và khi Đức Giêsu bị “lạc” nơi đền thờ. Chúng ta nhận ra lòng nhân ái của Mẹ khi Người đi thăm chị Elizabeth họ hàng, ở lại giúp đỡ chị trong thời gian mang thai và ở cử của chị. Rồi ở Cana và đặc biệt dưới chân thập giá, chúng ta đều thấy rõ lòng trắc ẩn của Người. Ở mọi nơi, mọi lúc, Đức Maria luôn cho ta thấy Người là tấm gương hoàn hảo để ta noi theo.

Chúng ta còn thấy Đức Maria luôn liên kết với Đức Giêsu và phụ thuộc vào Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Chính Đức Maria đã xác nhận: “Này tôi là tôi tớ Thiên Chúa” (Lc. 1,38). Trong khi tôn kính và tôn vinh Đức Maria, nữ tỳ và tôi tớ Thiên Chúa, chúng ta cũng tôn kính và tôn vinh Thiên Chúa chúng ta.
 
III- TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI VỀ ĐỨC MARIA.

Có những vấn đề khác biệt và bất đồng giữa những người Công giáo và Tin lành về nhận thức và tôn sùng Đức Maria. Qua nhiều thời kỳ, những bất đồng này đưa đến thù nghịch và thậm chí phân rẽ những tín hữu Kitô. Để giúp nhận thức rõ ràng niềm tin và để củng cố niềm hy vọng trong chúng ta, đây là vài vấn đề và cách giải quyết liên quan đến Đức Maria:
 
1- Tôn sùng Đức Maria có thay thế cho việc cầu nguyện và tận hiến cho Thiên Chúa Ba Ngôi được không?

- Xin trả lời: KHÔNG. Đức Maria tự nhận mình là tôi tớ Thiên Chúa. Người bảo các gia nhân phục vụ tiệc cưới Cana làm bất cứ điều gì Đức Giêsu bảo; và đó cũng chính là thái độ của chúng ta. Cũng như Gioan Tẩy Giả, Đức Maria cho ta thấy Đức Giêsu là Đấng Cứu rỗi duy nhất. Vì Người là Mẹ Đấng Cứu thế và cùng được vinh quang với Con Mẹ, chúng ta có thể đến với Đức Giêsu qua trung gian của Người. Chúng ta không có đặc ân đó nhưng vẫn có thể được hưởng; và nhiều người Công giáo đã tìm thấy sự trợ giúp này.

2- Chúng ta giải thích ra sao về tín điều Mẹ Đồng Trinh?

Theo giáo thuyết của tín điều Mẹ Đồng Trinh, Đức Maria được thoát khỏi tội nguyên tổ từ khi Người thụ thai. Tội nguyên tổ truyền từ Adam và Eva đã không lụy vào Đức Maria. Tính đúng đắn của giáo điều này đã được bàn cải, thảo luận qua các thời kỳ lịch sử Công giáo, và đến năm 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX long trọng ban sắc chỉ:

“Trong lúc thụ thai bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa Toàn Năng, và xét đến công lao nhận thức trước của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu tinh nhân loại, Đức Trinh Nữ Maria đầy diễm phúc đã được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ tội nguyên tổ”.

Như những người khác, Đức Maria nhận lãnh ơn huệ của Thiên Chúa, thông qua con của Người: Đức Giêsu Kitô. Người cũng cần được cứu rỗi và giải thoát khỏi tội lỗi như chúng ta nhờ vào sự cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, ngay từ lúc tượng hình, Thiên Chúa đã đặc biệt giữ gìn và ban đầy diễm phúc. Người là một thụ tạo được cứu rỗi hoàn thiện nhất vì Người gần gũi Đức Giêsu, Đấng Cứu chuộc loài người nhất.

3-
Chúng ta giải thích thế nào về giáo điều Đức Mẹ về trời cả hồn lẫn xác?

Sau gần 100 năm ban bố tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh, ngày 01.11.1950 Đức Giáo Hoàng Piô XII long trọng tuyên bố: “Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, được vinh dự về trời cả hồn lẫn xác ngay khi Người từ giã cõi đời này”.

Việc này cho ta thấy Mẹ Maria đã được hoàn toàn cứu rỗi, đã chứng kiến lời hứa phục sinh của Con Mẹ. Đối với niềm tin xác hồn sẽ sống lại, chúng ta trông cậy vào Đức Maria là thụ tạo đầu tiên được hưởng đặc ân đó vì Người là môn đệ đầu tiên và tin tưởng nhất nơi Đức Giêsu. Là người không tì vết tội lỗi và thoát khỏi tội nguyên tổ, Mẹ Maria nhìn cái chết khác với cách nhìn của chúng ta - Việc “hồn xác lên trời” có liên quan mật thiết với sự phục sinh của Con Mẹ, và đó là một chia sẻ đời sống thiên quốc đặc biệt. Chính sự Phục Sinh của Đức Giêsu là dấu chỉ hy vọng của chúng ta, thì việc Mẹ Hồn Xác Lên Trời cũng trở thành dấu chỉ hy vọng chúng ta sẽ được sống cuộc sống mới với Đức Giêsu trên thiên đàng.

Tín điều này (cùng với tín điều Mẹ Đồng Trinh) không phải là vấn đề chính của đời sống người Công Giáo vì cái chính là tín điều Thiên Chúa tam vị nhất thể và công cuộc cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô. Thế nhưng hai tín điều về Mẹ có liên quan đến niềm tin vào cuộc sống mới mà Đức Giêsu mang lại cho chúng ta. Mẹ Maria đã chia sẻ hoàn toàn vào cuộc sống mới này từ khi Người nói tiếng “xin vâng”. Người đã đạt tới sự viên mãn ơn cứu độ khi Người giã từ cõi đời.

4- Tại sao chúng ta gọi Đức Maria “vẫn đồng trinh”?

Theo Kinh Thánh, chúng ta tin rằng Đức Maria cưu mang Con Thiên Chúa nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt. 1,18; Lc. 1,34-35).

Việc này còn được gọi là Đức Maria thụ thai đồng trinh. Việc hạ sinh Ngôi Hai không cần sự can thiệp của loài người nhấn mạnh vào yếu tố với Đức Giêsu Kitô, sự cứu rỗi bắt đầu được tái lập, không qua sự can thiệp đầy quyền năng của Thiên Chúa. Đó là quà tặng của Thiên Chúa.

Truyền thống Công Giáo cũng nói về Đức Maria vẫn là một trinh nữ khi sinh nở. Đức Maria sinh con nhưng không hề đau đớn và có vết thương. Giáo huấn và truyền thống Công giáo cũng cùng xác nhận về việc Đức Maria vẫn đồng trinh sau khi sanh Đức Giêsu, lần sinh đầu tiên của Người. Điều này có thể gặp nhiều chống đối.

Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu đoạn 1 câu 25, chúng ta đọc thấy Đức Maria không hề biết đến thánh Giuse mãi đến khi có thai. Nhưng điều này không giải lý hay hàm ý nói họ có quan hệ xác thịt sau khi sanh. Từ “mãi đến khi” trong câu này không mang nghĩa này hay hàm ý nói bất cứ điều gì về việc xảy ra sau thời gian nói trên. Chúng ta cũng đọc thấy trong Kinh Thánh có những đoạn nói về anh em của Đức Giêsu (Mc 6, 3). Theo truyền thống Công giáo, điều này được giải thích đó không phải là các đứa con khác của Đức Maria, nhưng thật ra là anh em họ rất gần của Đức Giêsu. Trong khi không có những bằng chứng về việc này, chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng thánh Gioan một vấn đề. Mẹ Maria được ủy thác cho Gioan, và việc này chẳng lẽ lại không xác nhận Mẹ Maria không có người con nào khác hay sao.

Điều người Công giáo tin tưởng khi gọi Mẹ Maria vẫn đồng trinh, chính là cả con người và cuộc đời của Mẹ đã tận hiến hoàn toàn cho mỗi một việc phục vụ Thiên Chúa. Nhờ mối liên hệ với Đức Giêsu, Người đã nhận ra ý nghĩa và trọng tâm việc phục vụ. Người là Mẹ Đức Giêsu, rồi là một môn đệ hoàn hảo, là người nghe và giữ lời Thiên Chúa chu toàn. Ngay cả Luther King và John Calvin (một nhà lãnh đạo nhóm cải cách Công giáo) cũng đều biện hộ và truyền rao tín điều Đức Maria vẫn còn đồng trinh này.

Chúng ta thừa nhận những giáo điều về Mẹ Đồng Trinh, Mẹ Hồn Xác Về Trời, và việc xác tín Mẹ vẫn đồng trinh suốt cuộc đời không được dẫn chứng bằng từng từ ngữ chính xác trong Kinh Thánh. Nhưng đó là niềm tin và giáo điều cốt cựu của Giáo Hội Công Giáo. Đó là những học thuyết xuất phát từ niềm tin của chúng ta vào thành quả cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô. Ơn cứu độ ấy đã đơm hoa kết quả nơi con người Mẹ Maria. Theo chiều hướng này, những giáo huấn dựa vào Kinh Thánh, bắt nguồn từ ý nghĩa Kinh Thánh rồi dần dần được các Kitô hữu chấp nhận với cả tâm tình. Người Công Giáo rất trân trọng những lời của Đức Giêsu bảo, Người sẽ phái Thần Khí đến và Thần Khí sẽ hướng dẫn họ đến sự thật toàn vẹn (Ga. 16,13). Nói cách khác, Thần Khí hoạt động dạy dỗ, hướng Giáo Hội như đã từng làm; Giáo Hội cố tin vào nguồn gốc của mình và gắng hiểu đầy đủ hơn Tin Mừng của Thiên Chúa Tình Yêu qua Đức Giêsu Kitô.

5- Một số người Công Giáo có tôn sùng Đức Maria thái quá không
?

Có thể có đấy; nhưng họ không cần và không nên làm thế. Chẳng hạn họ xem Đức Maria như người ban phát các ơn huệ nhưng không hề biết chính Đức Giêsu là nhà tổ chức. Đức Maria đưa ta đến với Đức Giêsu nhưng không thể thay thế Ngài được.

Công đồng Vaticanô đệ nhị tuyên bố, chúng ta có thể cầu xin Đức Maria như một người hỗ trợ, thậm chí như người ban phát. Tuy nhiên, những từ này “được hiểu quá rõ là họ không được bỏ bớt hoặc thêm vào bản tính Thiên Chúa và quyền năng của Đức Kitô”(Hiến chế Giáo Hội, số 62).

Một thí dụ khác về việc tôn sùng thái quá, có lẽ là các nơi Đức Mẹ hiện ra như ở Lộ Đức và Fatima hoặc những nơi linh thiêng khác trên thế giới. Người ta có thể sai lầm khi nghĩ những tiết lộ ở những nơi ấy quan trọng như những mạc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Cũng thế, nếu chúng ta nghĩ Thiên Chúa và Đức Giêsu xa cách quá, và chúng ta tuyệt đối cần đến Đức Maria như cầu nối hoặc mối liên kết với Thiên Chúa xa vời, thái độ của chúng ta đối với Đức Maria hoàn toàn sai lầm. Cuối cùng, như lời Đức Phaolô VI nhắc nhở người tín hữu, nếu chúng ta chỉ đơn thuần dựa và những thói quen bên ngoài trong việc tôn sùng Đức Maria hơn là lời cam kết nghiêm chỉnh đối với thánh ý Thiên Chúa, việc tôn sùng của chúng ta khiếm khuyết. Ngược lại, tôn sùng Đức Maria đúng nghĩa không thể nào thái quá nếu điều ấy đưa chúng đến gần Thiên Chúa và dân Ngài. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dạy rấy rõ ràng “Tôn sùng Đức Mẹ Thiên Chúa Đồng Trinh không làm ta ngăn cách với Người, nhưng được xem là một hỗ trợ hết sức tự nhiên đưa ta đến với Đức Kitô”.

IV. KẾT LUẬN

Đạo Công Giáo vượt trội hơn các đạo thuộc Kitô giáo khác vì noi theo thánh Phêrô và các tông đồ. Nhưng đạo Công giáo còn vượt trội vì được liên kết mật thiết với việc tôn sùng Đức Maria.

Trong đạo Công Giáo, có sự chú tâm rõ rệt đến nghi thức và bí tích thánh thể, đến những cách thế Thiên Chúa nhập thế. Người Công Giáo tin tưởng Thiên Chúa chọn cách gần gũi với thụ tạo của Ngài, cách tự mạc khải quyền năng và tình yêu của Ngài qua tạo vật, nhất là loài người. Đức Giêsu là con duy nhất của Thiên Chúa, là sự mạc khải hoàn hảo về tình yêu Thiên Chúa. Bên cạnh Đức Giêsu, theo gương của Ngài là các thánh và trên hết là Đức Maria. Trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, bên cạnh nhân vật trung tâm là Đức Giêsu còn có những người liên quan khác. Ngài theo dõi để tuyển chọn chúng ta trong kế hoạch của Ngài như đã từng làm đối với Đức Maria, Mẹ của chính con Thiên Chúa. Các nhà thần học Công Giáo lập luận, Thiên Chúa tạo nên chúng ta không cần sự cộng tác của chúng ta. Nhưng Ngài cần chúng ta hợp tác trong việc cứu rỗi này. Người Công Giáo tôn kính Đức Maria vì Người cộng tác toàn diện nhất.

Do đó, đạo Công Giáo xem trọng và tôn sùng Đức Maria là muốn dạy chúng ta về đức tin, một cách thức riêng biệt chứng tỏ là Kitô hữu. Chúng ta tin vào một Thiên Chúa điều hành thế giới một cách nghiêm túc, đã đến với chúng ta qua và trong thế giới này. Trong khi đó Đức Giêsu, một dấu chỉ và phước lộc tuyệt nhất của tình yêu Thiên Chúa, vẫn là nhà tổ chức ban phát và vị cứu tinh duy nhất, chúng ta tin rằng với Đức Giêsu và vì Ngài, chúng ta có những con người và dấu chỉ khác là hiện thân và mạc khải của mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa.

Trong thời Cưụ Ước, các bậc trưởng thượng và các ngôn sứ dẫn dắt Dân Chúa chọn, là lèo lái và hồi tâm họ mỗi khi họ lầm đường lạc lối. Trong thời Tân Ước, Gioan Tẩy Giả, các tông đồ, môn đệ, thầy giảng được Thiên Chúa kêu gọi, dạy dỗ và sai đi trước để loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu Kitô, được Mẹ Maria sinh ra, là một độc đạo để đến với Chúa Cha (Ga. 14,4-11). Giáo hội luôn khẳng định điều này và không có hành động hay lòng sùng mộ nào làm phai mờ học thuyết này. Nhưng với hướng dẫn của Thần Khí và ân phúc kinh nghiệm từ bao thế kỷ tích góp, Giáo Hội nhận biết, việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Đầy Ơn Phúc quan hệ đến sự kính thờ Đấng Cứu Thế; và trong mối tương quan ấy, nảy sinh một hiệu quả to lớn và tạo nên một sức mạnh cho sự đổi mới đời sống Kitô hữu.

Vì vậy, người Công Giáo biểu lộ lòng tôn sùng Đức Maria trong gia đình hoặc nơi công cộng bằng niềm tin sâu xa. Tôn kính Mẹ là cách nhắc nhớ mình về những điều lạ lùng Thiên Chúa đã và đang làm cho chúng ta. Chính Người đã dâng lời trong Kinh Ngợi Khen: “Từ nay, hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48).

Tôn sùng Mẹ Maria là cố gắng thực hiện câu Kinh Thánh này. Chúng ta tự hào vì được xếp vào những thế hệ gọi Đức Maria là diễm phúc. Chính quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa kêu gọi và thúc ép chúng ta tôn kính Đức Maria, Đấng quá cao trọng trong các con cái Thiên Chúa. Cũng chính quyền năng và tình yêu đó hiện diện trong Đức Giêsu Kitô đang hướng dẫn, soi sáng và tăng sức cho chúng ta trong cuộc hành trình đến vương quốc Thiên Chúa.
 
Why we honor Mary, Peter Schineller, SJ.
Jos. Nguyễn Hùng Cường chuyển dịch


Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm B (28/2/2024)

Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm B (21/2/2024)

Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm B (15/2/2024)

Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B (1/12/2023)

Tây Bắc - Trời Xanh, Mây Trắng, Nắng Vàng… (27/11/2023)

Lời nguyện truyền giáo (19/10/2023)

Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia (23/9/2023)

Danh sách Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xếp theo ngày lễ (7/7/2023)

Viết về người cha nhân ngày hiền phụ (18/6/2023)

Cảm nghiệm về một Mùa Chay – Mùa Phục Sinh (9/4/2023)

Sinh Nhật là ngày nào nhỉ ? (10/5/2011)

Đức Gioan Phaolô II, vị cầu bầu quyền năng (7/5/2011)

Đức Gioan Phaolô II: LỜI THIÊNG (29/4/2011)

Đức Thánh Cha đọc sứ điệp phục sinh và phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới (25/4/2011)

Ánh Mắt Người Thầy (22/4/2011)

Tam nhật Thánh: “Đón nhận và sống theo ý Chúa” (21/4/2011)

Vài phút thinh lặng: Thứ Năm Tuần Thánh - Dầu Thánh (20/4/2011)

Vài phút thinh lặng - GIUĐA (18/4/2011)

Theo Thầy lên Giêrusalem – Cuộc đào luyện thứ ba (14/4/2011)

Theo Thầy lên Giêrusalem – cuộc đào luyện thứ hai (11/4/2011)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối


 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn