CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM B
CHUẨN BỊ ĐÓN CHỜ CHÚA ĐẾN
Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, mùa đón chờ Chúa đến, vì Chúa đến cách bất ngờ không ai hay biết trước được, nên phải chuẩn bị đón chờ Ngài, chuẩn bị bằng cách nghe theo lời mời gọi của bài Tin Mừng vừa nghe, đó là: “Hãy sám hối, hãy dọn đường cho Chúa”. Sám hối là gì? Dọn đường cho Chúa bằng cách nào?
Trước hết là sám hối. Sám hối gồm hai động tác, động tác I là đoạn tuyệt với tội lỗi (cải tà); động tác II là hướng về Chúa (qui chính). Sám hối là nhìn nhận mình đã phạm tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Sám hối là ăn năn vì mình đã sống dửng dưng ích kỷ trước nỗi đau khổ của người khác. Sám hối vì mình đã gây bất hòa, hiểu lầm nghi kỵ. Sám hối vì đã làm thiệt hại về vật chất hay tinh thần cho anh em.
Tuy nhiên, sám hối không chỉ dừng ở đó để mà đấm ngực và than khóc, sám hối còn đòi hỏi ta hướng về Chúa, Đấng là Chân Thiện Mỹ; đòi hỏi ta lấy lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc đời, nhờ đó, ta không còn đi trong bóng tối, đi theo những nẻo đường lầm lạc, bởi vì “Lời Chúa là đèn soi chân con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”.
Mặt khác, theo lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả, sự sám hối đúng nghĩa có hai đặc tính:
· Đặc tính I là triệt để. Sám hối không chỉ là thực hiện cho xong một nghi thức. Thí dụ: Mùa Vọng, Mùa Chay, tôi đi xưng tội theo kiểu “đến hẹn lại lên” rồi thôi.. Như vậy, sám hối đòi hỏi phải triệt để thay đổi cuộc sống, đòi hỏi phải phát sinh hoa trái là việc lành, là cách sống công bằng bác ái. Gương điển hình của sự sám hối là ông trưởng ban thu thuế Giakêu.
· Đặc tính II của sám hối là sự cấp bách và khẩn trương. Ta không thể nói: từ từ rồi tôi sẽ sám hối, hoặc chờ gần đến ngày Giáng Sinh tôi sẽ sám hối, mà phải sám hối ngay, vì ta không biết ngày nào, giờ nào Chúa sẽ gọi ta.
· Bước hai để chuẩn bị đón Chúa là hãy dọn đường cho Chúa. Bài Tin Mừng viết: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Con đường mà Tin Mừng nói ở đây không phải là con đường bằng đất đá, bằng xi măng hay trải nhựa, cũng chẳng phải là đường bộ, đường thủy hay đường hàng không, nhưng “con đường” ở đây là hình bóng những con đường trong đời người, ta vẫn bảo: ĐƯỜNG ĐỜI. Kinh nghiệm cho thấy, trong cuộc đời, có những con đường khác nhau mà ta đang đi trên đó:
· Có những con đường rào dây kẽm gai, không cho người qua kẻ lại. Đó là con đường của những kẻ thù hận, đố kỵ, ghen ghét nhau, nó ngăn chặn những tương giao, hệ quả là người ta sống bên cạnh nhau, nhưng không sống với nhau và không sống cho nhau. Hỏi rằng, có con đường rào dây kẽm gai trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta chăng?
· Có những con đường hầm âm u tăm tối. Đó là con đường của những kẻ lọc lừa gian dối, hậu quả là người ta dè chừng, nghi ngờ; chẳng còn tin nơi nhau, và, mất niềm tin là mất tất cả.
· Có những con đường cỏ dại mọc đầy. Đó là con đường của những người không mắc tội nặng, nhưng có rất nhiều tội nhẹ. Tội nhẹ không giết chết tâm hồn, nhưng làm tâm hồn trở nên suy yếu, làm giảm sức đề kháng trước những cám dỗ, cuốn hút người ta lìa xa Chúa.
· Có những con đường sa mạc cát nóng. Đó là con đường của những người vô cảm, nguội lạnh. Tâm hồn họ cằn cỗi như cây khẳng khiu trụi lá, họ có trái tim khô, trái tim mùa đông …
Như vậy, hãy dọn đường cho Chúa có nghĩa là hãy điều chỉnh, uốn nắn, phát quang những con đường đan dệt nên đời tôi. Sao cho con đường đời tôi trở nên bằng phẳng đưa tôi đến với Chúa, và đưa Chúa đến với tôi.
Tóm lại, chúng ta đang ở trong Mùa Vọng, mùa đón chờ Chúa đến. Xin Chúa giúp chúng ta biết chuẩn bị đón Chúa bằng cách sám hối thực lòng, và bằng cách dọn một con đường bằng phẳng trong tâm hồn cho Chúa đến. Có như vậy thì tâm hồn chúng ta sẽ trở thành máng cỏ đơn sơ cho Chúa Hài Đồng ngự vào, Ngài ngự vào không chỉ trong Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, nhưng trong suốt cuộc đời chúng ta.
Lm. Antôn Trần Thanh Long, OP.
|