CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Hôm nay Giáo hội hân hoan mừng đại lễ Các thánh Tử đạo Việt Nam, giòng máu các ngài đổ ra đã đặt nền móng xây dựng Giáo hội Việt Nam mà chúng ta được thừa hưởng. Đây chính là dịp thuận tiện để chúng ta nhìn vào gương mẫu các ngài mà sống lấy gương mẫu ấy trong cuộc đời chúng ta.
Nhìn vào tiểu sử các thánh tử đạo Việt Nam, ta thấy các ngài xuất thân từ nhiều thành phần xã hội khác nhau. Có người làm quan lớn trong triều đình như thánh Hồ Đình Hy; người làm lý trưởng như thánh Lý Mỹ, người làm quân nhân như thánh Đaminh Đạt, hoặc lái buôn như thánh Gẫm. Có người còn rất trẻ tuổi như thánh Toma Thiện; hoặc là người mẹ trong gia đình như thánh Anê Lê Thị Thành. Tuy xuất thân từ nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhưng lại giống nhau ở điểm các ngài có một niềm tin dũng cảm kiên cường. Vì trung thành với Chúa, các ngài đã cam chịu thiệt thòi mất mát, nhất là phải chịu muôn vàn khổ hình và chịu mất mạng sống vì đức tin. Các ngài đã sống trọn vẹn lời mời gọi của Đức Kitô trong bài Tin Mừng.
Một trong những hình thức quan quân bắt các ngài bỏ đạo, đó là quá khóa, tức là bước qua thánh giá. Bước qua thánh giá là dấu chỉ bỏ đạo. Bước qua thì được tiếp tục sống, tiếp tục an nhàn. Không bước qua thì phải chịu tù đày đòn vọt, mất tất cả, và mất chính mạng sống. Cho hay, chỉ cần một bước chân là mọi sự thay đổi. Đã có người bước qua, và cũng có người không. Lịch sử kể lại rằng, Linh mục Duyệt đã đạp thánh giá trước mắt nhiều linh mục và giáo dân, lại còn tuyên bố: “Chỉ có tao là khôn, còn chúng mày là dại hết!”. Có người bị khiêng qua thánh giá, nhưng đã co chân lên để tránh đạp vào thánh giá như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận quay trở lại tuyên xưng đức tin và chịu chết; đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âu tinh Huy; Nicôla Thể, và Đaminh Đạt. Có người được gợi ý giả vờ bước qua thánh giá, để quan có cớ mà tha, như thánh Micae Hồ Đình Hy ... Các thánh tử đạo Việt Nam đã không bước qua thánh giá, nhưng các ngài đã can đảm vác lấy thập giá để trở nên môn đệ trung tín của Đức Kitô, và trở nên những chứng nhân tuyệt vời cho Chúa trước mặt người đời.
Tử đạo là cách làm chứng cho Chúa trong thời bắt bớ cấm cách của vua quan ngày xưa. Ngày nay không còn trường hợp bắt đạo, cấm đạo, giết người có đạo tại Việt Nam như xưa. Nhưng trong bất cứ thời đại nào, Giáo hội cũng cần đến những người dám sống đức tin, dám làm chứng cho Chúa. Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng lại đòi hy sinh cả một tương lai vững vàng và ổn định. Đặt biệt trong thời đại hôm nay, khi mà chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ và nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, kết quả của nó là tiền bạc và quyền lực đang trở thành thước đo giá trị con người, chi phối toàn bộ đời sống con người. Nhờ quyền lực, tôi kiếm được nhiều tiền. Nhờ tiền bạc, tôi sở hữu được nhiều quyền lực. Để có tiền, có quyền, người ta đã không từ chối một phương tiện nào: lường gạt, lừa đảo, rút ruột công trình, làm hàng giả, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ v.v. Tiền bạc và quyền lực quả là cơn cám dỗ đang làm chao đảo xã hội, tàn phá những giá trị và làm thoái hóa, biến chất những con người.
Như các vị tử đạo xưa, phải lựa chọn khi đối diện với thập giá Chúa, nghĩa là có quá khóa hay không. Ngày nay, người Kitô thường bị đặt trước những chọn lựa. Có khi ta bước qua thánh giá, bước qua Tin Mừng, bước qua lương tâm, khi ta lựa chọn chính mình, lựa chọn tiền bạc, địa vị, an toàn khoái lạc. Ngược lại, khi ta lựa chọn Chúa, thì những chọn lựa đó làm ta đau đớn xót xa chẳng kém gì những khổ hình.
Các thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần, còn ta phải chọn lựa muôn ngàn lần trong cuộc sống. Các thánh tử đạo chỉ chết một lần, còn ta phải chết mỗi ngày, phải vác thập giá hằng ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau. Sống Tin Mừng trong thời đại mới đúng là một cuộc tử đạo liên tục. Sống vì đạo như thế cũng cao đẹp và anh hùng chẳng kém gì chết vì đạo. Bởi lẽ, qua việc sống vì đạo như thế, ta góp phần làm chứng nhân cho Chúa như các thánh tử đạo ngày xưa.
Xin các thánh tử đạo Việt Nam cầu thay nguyện giúp, để chúng ta không đánh mất đức tin đã được mua bằng giá máu của biết bao anh hùng tử đạo và chớ gì, chúng ta cũng không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho đồng bào trên quê hương đất nước chúng ta.
Lm. Antôn Trần Thanh Long, OP.
|