CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – NĂM A
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Trong kinh 10 điều răn Đức Chúa Trời, câu kết thúc như sau: “Mười điều răn ấy tóm lại trong hai điều: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy Amen”. Sở dĩ 10 điều răn tóm lại trong hai điều, ấy là do giáo huấn của Đức Kitô mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng.
“Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Khi đặt ra cho Đức Giêsu câu hỏi đó, nhà thông luật vừa thách đố Đức Giêsu, vừa nói lên nỗi băn khoăn của dân chúng, băn khoăn vì họ muốn tìm một phương thế khả dĩ, để có thể giữ trọn được Lề Luật. Quả vậy, Luật Do thái có đến 613 điều, bao gồm 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Ấy vậy mà, đối với họ, lề luật diễn tả ý muốn của Thiên Chúa, nên điều luật nào cũng phải tuân giữ. Giữ 612 điều mà bỏ một điều xem như là bỏ tất cả. Rút cục, lề luật trở nên gánh nặng chồng chất lên đôi vai của những người bé mọn.
Đứng trước câu hỏi hóc búa này, Đức Giêsu đã tóm gọn lề luật trong hai điều, đó là mến Chúa yêu người. Kỳ thực thì hai điều răn này đã được ghi chép trong Cựu Ước, ở sách Đệ Nhị Luật và sách Lêvi, ai cũng biết, nhưng khi Đức Giêsu đã rút chúng ra từ đám rừng Lề Luật, và nối kết cả hai với nhau, thì Ngài đã mặc cho chúng nét mới mẻ. Mới mẻ ở hai chỗ:
· Một là, Đức Giêsu đã nâng việc yêu người lên ngang hàng việc mến Chúa, đồng thời cho hai điều răn này tầm quan trọng ngang nhau.
· Hai là, Đức Giêsu đã gồm tóm tất cả lề luật và các ngôn sứ vào hai điều răn này. Có nghĩa là, kể từ nay, ai tuân giữ hai điều răn mến Chúa yêu người thì đã tuân giữ tất cả lề luật, và cũng kể từ nay, mọi lời nói, cử chỉ, hành động của con người, phải lấy Tình Yêu làm động lực thúc đẩy, và làm tiêu chuẩn để lượng định mọi giá trị trong cuộc sống. Cả hai điều răn gắn chặt vào nhau để làm nên căn tính của đời sống người Kitô hữu, chẳng khác nào hai động tác hít vào và thở ra của cùng một nhịp thở, nhằm đem lại sự sống cho con người. Làm thế nào để sống hai điều răn này trong đời mình.
Trước hết là yêu mến Chúa: kinh nghiệm cho thấy, khi yêu thương ai ta muốn gặp gỡ, tâm sự, gắn bó với người ấy. Cha ông ta bảo: “yêu nhau mấy núi cũng trèo …”. Như vậy, yêu mến Chúa nghĩa là chuyên cần gặp gỡ Chúa qua việc Cầu nguyện; gắn bó với Chúa qua việc dự thánh lễ và rước lễ; tuân giữ Lời Chúa trong cuộc sống. Đức Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy…” Như vậy, yêu mến là tuân giữ. Td: Một người con bảo rằng mình rất yêu cha mẹ, nhưng lại bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ hợp lý hợp tình của cha mẹ, thứ tình yêu ấy chỉ là giả dối.
Thứ đến là yêu thương anh em: Kinh Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối, thương linh hồn 7 mối đã vạch rõ cho ta biết thế nào là yêu thương anh em thực sự. Như vậy, yêu mến không chỉ trên đầu môi chót lưỡi, nhưng yêu chính là miệng nói tay làm. Những việc làm cụ thể có giá trị hơn những lời nói suông. Do đó con đường dài nhất là con đường đi từ trái tim đến đôi tay, và Đức Giêsu muốn chúng ta đi trên con đường đó.
Cuối cùng, một khi ta thực thi nghiêm chỉnh hai điều răn Mến Chúa yêu người, thì chính cuộc đời Kitô hữu sẽ trở thành lời rao giảng sống động có khả năng thuyết phục con người hôm nay. Con người hôm nay trọng cái tâm hơn cái lý, người ta muốn nhìn tận mắt hơn là nghe suông bằng tai; do đó, đời sống chứng tá lại càng trở nên quan trọng đối với con người thời đại.
Lịch sử Giáo hội Việt Nam kể lại rằng, khi hạt giống Tin Mừng bắt đầu được gieo trồng tại thủ đô Thăng Long, đã hình thành một cộng đồng Kitô hữu nhỏ bé. Anh em lương dân không biết những tín hữu này theo đạo gì, nhưng qua cung cách sống tốt lành của các Kitô hữu Việt Nam tiên khởi, họ bảo những người này theo “Đạo thương nhau”, chính danh xưng “Đạo thương nhau” ấy đã lôi cuốn nhiều lương dân tin theo Đức Kitô. Hỏi rằng, cung cách sống của người Kitô hữu chúng ta có giúp cho anh em lương dân nhận biết chúng ta theo “đạo thương nhau” không?
Tóm lại, tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa hướng tới anh em: Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa nguồn mạch Tình yêu để múc lấy sức mạnh hầu tiếp tục trao hiến. Đó là nhịp sống bình thường của người Kitô hữu, luôn đong đưa giữa hai tình yêu. Chính nhờ sự đong đưa ấy mà trái tim tôi dần dần mở ra và trở nên giống trái tim Đức Giêsu trên thập giá.
Xin Chúa uốn nắn trái tim còn lạnh lùng vô cảm của chúng ta nên giống trái tim Chúa, để ta biết thể hiện lòng mến Chúa yêu người, và như thế nghĩa là ta đang góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội giữa lòng thế giới hôm nay.
Lm. Antôn Trần Thanh Long, OP.
|