GIÁO ĐƯỜNG
Văn hào Aleksandr Solzenicyn đã ca tụng những ngôi giáo đường như sau:
‘Thư thái trên sườn đồi, ngạo nghễ trên những ngọn núi cao, hay ẩn mình bên những dòng sông sâu, những ngôi giáo đường đẹp như những cô công chúa vận xiêm y rực rỡ.
Nhìn xuống những mái nhà gỗ là những ngọn tháp chuông hùng dũng. Từ phố chợ đến thôn quê, từ đỉnh tháp hướng về trời cao,những tiếng chuông không ngừng giục giã gọi nhau.
Từ thuở nào con người vẫn ích kỷ nhỏ nhen. Nhưng chiều về, khi tiếng chuông đổ hồi trên thôn xóm, trên đồng ruộng, trên núi rừng, người người dừng lại, ngẩng nhìn và ra khỏi cuộc sống thấp hèn của mình.
Cha ông của chúng tôi đã để lại phần cao quí nhất của các ngài. Mãi mãi, tâm tình của các ngài vẫn còn ghi khắc trong những viên đá này, trong những tháp chuông này.’
Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, giáo đường luôn là biểu trưng của cuộc sống. Còn gì buồn cho bằng một giáo đường biến thành bảo tàng viện hoặc không còn người lui tới.
Giáo đường là nhà của con người: Chính nơi đây, con người nhận lấy sự sống mới và cũng chính nơi đây, con người được yên nghỉ sau cuộc sống tạm bợ nơi trần gian. Giáo đường còn là nơi chứng kiến biết bao buồn vui của kiếp người.
Giáo đường là nơi gặp gỡ: Gặp gỡ giữa trời cao đất thấp; gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả, giáo đường là nơi gặp gỡ giữa người với người: gặp gỡ trong lời cầu nguyện, gặp gỡ nhau trong chia sẻ, gặp gỡ nhau trong lời chào bình an, trong cái bắt tay của tha thứ, của hòa giải. Gặp gỡ nhau để nối kết vòng tay với người khác, gặp gỡ nhau để cùng trở lại cuộc sống với lòng hăng say và nhiệt thành hơn.
Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà vẫn khước từ gặp gỡ tha nhân. Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày, mà lại không muốn gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta không thể tách biệt nhà thờ ra khỏi cuộc sống. Bao lâu các ngôi giáo đường vẫn còn đó, bấy lâu người Kitô vẫn còn được mời gọi nối kết Đức Tin với cuộc sống hằng ngày.
Lẽ Sống
|