Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - BẠN CỦA GIỚI TRẺ
 
Thế kỷ XX đã đi qua và nhường chỗ cho thế kỷ XXI. Trong thế kỷ XX ấy, biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra mà người ta tưởng chừng như mới đây! Biết bao nhiêu thay đổi đã diễn ra một cách thật nhanh chóng đến độ không ai có thể ngờ được. Giáo hội cũng đã chìm ngập, đúng hơn đã đồng hành trong tất cả các biến cố lịch sử trong thế kỷ này. Những khuôn mặt nổi bật của các Đức Giáo Hoàng trong thế kỷ XX này, mỗi vị một vẻ, đã để lại một dấu ấn không phai nhoà trong lịch sử Giáo hội lữ hành trần thế:
 
Đức Piô XII đã dẫn dắt Giáo hội trong cuộc thế chiến II mà vai trò của ngài hiện nay vẫn còn đang bị tranh cãi; Đức Gioan XXIII, người đã mở toang cánh cửa của Giáo hội để luồng gió Thánh Thần tươi mát và trẻ trung đổi mới Giáo hội qua quyết định mở Công đồng Vatican II; và Đức Phaolô VI, người đã kết thúc và áp dụng những đường hướng của Công đồng trong Giáo hội vào những năm 1963-1978. Tuy nhiên, chính trong phần tư cuối của thế kỷ XX mà Giáo hội Công giáo Rôma đã nổi bật lên trong tầm mức thế giới, toàn cầu, dưới sự lãnh đạo thiêng liêng của Đức Gioan Phaolô II. Biết bao nhiêu bài báo, sách vở đã được viết ra về tiểu sử của ngài. Biết bao nhiêu bài và sách báo đã xuất hiện tổng hợp, bình luận về giáo huấn và các văn kiện ngài đã công bố cho toàn thể Giáo hội và cho toàn thế giới. Những cuộc hành trình, những hành động và những lời ngài giảng đã và vẫn còn đang tiếp tục là nguồn cảm hứng và là nguồn soi sáng cho những người Ki-tô hữu Công giáo hay không Công giáo trong những thập niên cuối thế kỷ vừa qua. Cả thế giới trong những thập niên đó hoang mang, lạc hướng, và họ trông lên những vị lãnh đạo tâm linh có thể chỉ đường cho họ[1]. Gioan Phaolô II là một và là vị nổi bật nhất trong hàng ngũ những nhà lãnh đạo tâm linh của thế kỷ XX bước sang XXI ấy.

Qua các sách báo đó, chúng ta thấy vai trò, nhiệm vụ, và kết quả của đời sống, hành động và tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II trên cộng đồng Giáo hội Kitô, Công giáo hay không Công giáo, và trên rất nhiều thành phần khác. Trong bài này, xin được trình bày một mảng, vốn là đối tượng thân thiết với đời sống và lời dạy dỗ của ngài, đó là giới trẻ. Có thể nói được rằng, trong suốt chiều dài hai ngàn năm của Giáo hội, chưa có một Đức Giáo hoàng nào có một sự lưu tâm rất đặc biệt, đã dành nhiều thời gian cũng như công sức mục vụ để hướng tới giới trẻ như Đức Gioan Phaolô II đã làm. Chưa có một Đức Giáo hoàng nào đã xuất hiện cùng với người trẻ nhiều cho bằng Đức Gioan Phaolô II. Ngài đã đến với họ, lắng nghe những ưu tư của họ, để cho họ chất vấn, và rồi hướng dẫn họ một cách hiệu quả. Đáp lại lời mời gọi của ngài, hàng trăm ngàn bạn trẻ, và có những nơi, hàng triệu bạn trẻ đã đến với ngài, bị hấp dẫn bởi cuộc sống và lời dạy dỗ của ngài và chỉ có Chúa mới biết được là đã có biết bao nhiêu cõi lòng và cuộc sống của những người trẻ ấy đã được hoán cải, định hướng và sống một cách thật sâu xa là con người và cũng thật sâu xa là con cái Thiên Chúa!

Chúng ta sẽ cùng nhau lướt qua cuộc đời gắn bó với giới trẻ của Đức Gioan Phaolô II và một số sáng kiến mục vụ mà ngài đã thực hiện cho giới trẻ và vì giới trẻ (phần I). Tiếp đến, phần quan trọng hơn, chúng ta sẽ ghi nhận những nét chính yếu trong cách thức Đức Gioan Phaolô II đến với những người trẻ, lắng nghe họ, hiểu họ và hướng dẫn họ (phần II). Sau cùng, một vài nét suy nghĩ sẽ được gợi ra cho chúng ta, những mục tử, những tông đồ giáo sĩ, giáo dân đang phục vụ các bạn trẻ trong các môi trường giáo xứ hay các môi trường khác, như là những gợi ý để chúng ta duyệt xét lại cách sống và hành động mục vụ của chúng ta cho giới trẻ.

I. Cuộc đời gắn bó với những người trẻ

Trong suốt cuộc đời của mình, Karol Wojtyla đã luôn gắn bó với người trẻ. Thực vậy, ngay từ thời gian ngài là một trong những người trẻ, chưa chọn đời sống dấn thân linh mục, tại giáo xứ thánh Stanisls Kotka, có một giáo dân tên là Tyranowski đã thành lập một nhóm cầu nguyện tại khu xóm Dbniki. Nhóm đó đã thu hút khá nhiều thành viên trẻ, trong đó có Karol Wojtyla, vị Giáo Hoàng tương lai. Tyranowski và nhóm đã ảnh hưởng khá nhiều trên người thanh niên Karol này do bởi niềm tin sâu xa, tính đơn sơ và linh đạo của ông. Trong sở làm, Karol cũng đã có những người bạn rất tốt như Franciszek Labus. Anh đã tình nguyện làm giúp Karol một số việc ngõ hầu Karol có giờ đi nhà thờ cầu nguyện. Trong thời gian Ba Lan bị Đức quốc xã chiếm đóng, Karol đã tham gia sinh hoạt với một nhóm kịch nghệ, chuyên đi diễn kịch các nơi, hun đúc lòng đạo cũng như tinh thần ái quốc của người Ba Lan. Jean Offredo ghi nhận rằng, khi được hỏi về ảnh hưởng của những biến cố ngài sống thời trẻ, Đức Gioan Phaolô II bao giờ cũng gợi lại quá khứ trên một cách kín đáo.

Sống với những người trẻ như thế, Karol Wojtyla đã chứng nhân tính vươn tới lý tưởng cao của thời đại ngài. Những kinh nghiệm vô cùng quý báu đó đã đưa Wojtyla đến xác tín rằng sống vươn tới lý tưởng không phải là đang không thể làm được, mà đúng hơn, đó chính là một yếu tố cơ bản trong đời sống con người. Dù trong hoàn cảnh nào, người ta không thể sống mà không có lý tưởng được.

Sau khi được thụ phong linh mục và hoàn tất thời kỳ tu nghiệp thần học chuyên sâu vào luân lý, ngài vừa dạy học tại Đại học Công giáo và cùng lúc đó làm tuyên uý cho các sinh viên ở Saint Florian. Đó cũng là thời gian mà quê hương ngài sống trong chế độ Xã hội chủ nghĩa với Đảng Cộng Sản Ba Lan cầm quyền. Phải rao giảng Đức Kitô như thế nào trong một xã hội như thế? Liệu các người trẻ sống đức tin chỉ trong cõi tâm linh mà thôi có đủ hay không? Làm sao củng cố đức tin của các bạn trẻ sống trong hoàn cảnh khó khăn như thế? Những sáng kiến mục vụ của cha Karol Wojtyla quả thực đáng khâm phục; những dịp đi nghỉ cuối tuần, những trại hè, những cuộc đi dạo lâu dài hoặc những chuyến đi thuyền buồm trên hồ Mazurie, đã mau chóng thu hút các bạn trẻ và trở thành danh tiếng. Thực ra, đó là “cơ hội” để lắng nghe, sống và thực hành Lời Chúa, những hoạt động trên nguyên tắc không được thực hiện bên ngoài phạm vi phụng tự. Sự thân tình và gần gũi của cha Karol đã được các bạn trẻ quý trọng đến độ họ đã thân thương gọi ngài là “Wujek”, tức là “bác của tôi”, lời gọi thân thương dành cho những người rất thân tuy không phải là họ hàng.

Khi đã trở thành Giám mục, Đức cha Karol Wojtyla tiếp tục gắn bó với giới trẻ. Ngài đã từng tham dự cũng như ủng hộ những sinh hoạt tương tự như những tổ sinh hoạt Lời Chúa hàng ngày. Những nhóm, những tổ đó do cha Blachnicki thành lập, đặt tên là nhóm Oasis-Lumière. Những nhóm này muốn là nơi gặp gỡ, nuôi dưỡng tinh thần và huấn luyện giới trẻ Kitô Ba Lan trong một tinh thần khổ chế cá nhân và phục vụ tha nhân.

Là một Giám mục, ngài còn đỡ đầu và lấy uy tín của ngài bảo trợ và che chở cho một loại đại nhạc hội tôn giáo gọi là “Sacro-song” do cha Palusinski tạo nên tại Cracovie. Đại nhạc hội này được tổ chức hằng năm, mỗi năm tại một địa điểm khác nhau. Đại hội này diễn ra cả một tuần lễ bên trong các nhà thờ. Trong dịp đó, rất nhiều bạn trẻ, đơn ca, tốp ca, ca đoàn đã diễn xuất nơi mà những giọng ca trẻ, những nhóm, những ca đoàn diễn xuất trong hình thức cuộc hội thi ca hát với những bài nhạc và những bài hát được các nhạc sĩ chuyên môn sáng tác. Cho dù không có ngân sách, không có phương tiện, không có những cơ cấu hình thức cứng ngắc, đó quả là những ngày lễ hội thực sự của giới trẻ, kết hợp một cách tốt đẹp những yếu tố của một cuộc thi hát thế trần với những lối diễn tả của đức tin, biểu lộ nghệ thuật và tôn giáo! Suốt một tuần lễ những thanh niên thiếu nữ Ba Lan đến đó tham gia. Họ đến đó chỉ để hát, để chơi đàn. Đức Karol Wojtyla đã tham dự tất cả dịp đại hội ấy. Ngài ủng hộ những người trẻ ấy. Ngài đã tham dự, chứng nhận và cổ võ công trình sáng tạo nghệ thuật cũng như lòng đạo nhiệt tình của họ. Ngài viết: Trong những năm tôi làm linh mục, tôi đã đề cao giới trẻ và tuổi trẻ. Về sau, lý tưởng này đã không bao giờ rời khỏi tôi và chính nó đã khiến tôi gặp giới trẻ bất cứ nơi nào tôi đi[2].

Khi trở thành Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II cũng không bỏ rơi giới trẻ. Đúng hơn, khi tầm phục vụ của ngài đã là Hội Thánh toàn cầu, thì giới trẻ ngài phục vụ cũng là toàn cầu. Sau khi đã tổ chức thành công hai ngày đại hội giới trẻ vào năm 1984 và năm 1985 tại Rô-ma, ngài đã công bố sáng kiến thành lập ngày quốc tế giới trẻ hằng năm vào Chúa nhật Lễ Lá, cứ một năm tại Rôma và một năm khác tại một địa điểm khác. Kể từ đó đến nay, đã có hơn 16 Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã được tổ chức với những quy mô thật lớn lao. Hình ảnh Đức Kitô hiển vinh đi vào Thành Thánh Giêrusalem được ngài ghi nhận như là dịp tập hợp đầu tiên của giới trẻ để tung hô Đức Giêsu, và để cùng Ngài đi vào Con Đường Cứu Độ: "Khởi điểm của đại hội thế giới giới trẻ nằm trong cuộc tập họp hồn nhiên đi theo Đức Giêsu ở Bethphagê tại Giêrusalem. Giáo Hội cử hành biến cố này mỗi năm, Chúa nhật Lễ Lá, liên kết việc Chúa được tôn vinh và cuộc Thương Khó của Ngài đã gần đến. Trước lễ Phục Sinh, trẻ em và thanh niên mang cành lá đón rước Đức Kitô và tuyên dương Ngài: “Hoan hô con vua David!” Vậy ta có thể nói rằng Chúa Giêsu đắc thắng đi vào Giêrusalem là ngày thế giới giới trẻ đầu tiên".

Khi địa điểm không phải là Rôma, thì thời gian không hẳn phải là ngày Lễ Lá do điều kiện địa phương. Tuy nhiên, như tác giả Offredo đã vạch ra, những đại hội giới trẻ thế giới đã dựa trên ba lý do sau:

- Nhu cầu tụ tập toàn thế giới để biết nhau, ở với nhau, vượt lên trên những biên giới, chống lại sự cô lập và chủ nghĩa cá nhân.

- Họ tìm kiếm ý nghĩa, giá trị, những mốc quy chiếu trong những xã hội mà các giá trị đã bị đảo lộn, trong đó, thiếu trầm trọng những giá trị để các hệ thống chính trị và ý thức hệ quy chiếu.

- Họ xác tín rằng Phúc âm và Lời Chúa không phải là những lời nói quá khứ chủ nghĩa. Đối với họ, chiều kích thiêng liêng của con người là cơ bản. Trong tất cả những vấn đề của con người hôm nay và ngày mai, chiều kích thiêng liêng phải được diễn tả.

Riêng đối với Đức Giáo Hoàng, mỗi nơi là một dịp để ngài nhấn mạnh trên một chiều kích đặc biệt của việc suy niệm và suy tư của ngài đối với giới trẻ và qua giới trẻ, đối với các Kitô hữu và hết thảy mọi người.

Nhưng trước khi dạy dỗ người trẻ, mỗi nơi cũng là dịp để ngài học hỏi. Ngài viết: Những cuộc hội họp lớn quốc tế này đã trở thành một dụng cụ rao giảng Tin Mừng tuyệt vời. Quả thật, giới trẻ mang một tiềm năng rất lớn về sự thiện và tính sáng tạo. Khi tôi gặp họ, bất cứ nơi nào trên thế giới, trước tiên tôi quan tâm đến những gì họ muốn nói với tôi về họ, về xã hội trong đó họ sống, về Giáo hội của họ. Tôi nói với họ: “Không phải những gì cha nói với các con là đáng kể hơn hết đâu. Điều quan trọng, chính là những gì các con sẽ nói với cha…”

Quả thực, chính Đức Gioan Phaolô II là người đã học hỏi nơi những người trẻ qua những vấn nạn, những chất vấn, những thao thức, những hy vọng mà Không hề có tính áp đặt: "Tôi càng thêm tuổi, những người trẻ càng khuyên tôi cứ giữ cho mình được trẻ trung. Họ giúp tôi không quên những gì cuộc sống đã dạy cho tôi. Việc tôi khám phá tuổi trẻ và tầm quan trọng quyết định của nó trong mỗi đời người. Tôi tin rằng điều này giải thích được nhiều điều…”

Vượt xa những gì mang tính cách hình thức lễ nghi, sự gặp gỡ của những người trẻ với Đức Giáo Hoàng mang tính cách một cuộc hành hương, một cuộc trở về, một sự đi tới, và hành trình ấy đặt căn bản trên niềm tin vào Thiên Chúa và con người, dù cho niềm tin ấy còn đơn sơ, mới bén rễ hay mới bắt đầu bằng một nghi vấn nào đó về niềm tin hay về Giáo hội. Cũng nói theo tác giả Offredo, đó là: Một cuộc hành hương cá nhân và tập thể, bước đi trên con đường của Đức Ki-tô; điểm dừng chân tại ốc đảo về nguồn Phúc âm, nơi mà người ta gặp lại nhau từ những hành trình khác biệt để chia sẻ kinh nghiệm, niềm vui và những thử thách; là khởi điểm cho một tương lai còn bấp bênh và không rõ, nhưng người ta muốn được nâng đỡ bởi niềm hy vọng và tình liên đới[3].

Trong những ngày Đại hội giới trẻ thế giới như thế, chúng ta không thể nào không nhắc đến một hành vi mang tính chất biểu tượng và vô cùng đánh động, đó là Thập Giá Đức Kitô được truyền cho nhau như là dấu hiệu những người trẻ nhìn nhận và quyết tâm sống theo đời sống mới do Đức Kitô mời gọi.

II. Cách thức Đức Gioan Phaolô II tiếp cận với người trẻ

1. Đến với người trẻ bằng cả tấm lòng

Là mục tử, là người cha chung, Đức Gioan Phaolô II đã có một cách tiếp cận rất độc đáo đối với người trẻ. Chính ngài đến với họ bằng cõi lòng. Không nghi ngờ gì cả, Đức Gioan Phaolô II thích ở giữa giới trẻ và đối thoại với họ. Cuộc sống của người trẻ ở trong lòng của ngài. Tại Cracovie ngày 10.6.1987, khi gặp gỡ những người trẻ, chính ngài đã xác nhận: Chúng con đã nói với cha: “Xin đưa chúng con đi với cha.” Dĩ nhiên, cha không có vé máy bay hay một thứ vé gì cho chúng con; nhưng ngay từ đầu, từ năm 1978, cha đã đưa chúng con đi với cha và chúng con vẫn ở với cha, dù cha ở đây. Không có ngày nào chúng con không ở với cha. Nếu cha đã không học biết sống trẻ như thế nào, và sống trẻ cũng hay và khó biết bao, thì rất có thể cha đã không sống được như lâu nay, và giới trẻ đã không kéo áo cha như lâu nay mà “xin cha đến đây”, “xin cha ở lại với chúng con[4]”.

2. Lưu tâm đến những vấn đề của giới trẻ

Sự hiện diện thường hằng của người trẻ trong trái tim của Đức Gioan Phaolô II đã khiến ngài lưu tâm đến những vấn đề của họ. Điều này được thể hiện trên bề mặt của những vấn đề mang tính cách rất thời sự, nổi cộm là những vấn đề sâu xa hơn và đòi phải có những giải pháp mang tính cách trọn vẹn và hữu hiệu hơn. Xuyên qua những vấn nạn được gửi đến cho Đức Gioan Phaolô II trước khi ngài gặp gỡ họ, ngài đã biết rõ những trăn trở mà người trẻ đang gặp phải trong thế giới hôm nay. Đó là một thế giới mà những người trẻ phải đứng khựng lại, không phải vì không có hướng đi, nhưng bởi vì có quá nhiều hướng đi được đề xuất cho họ. Tình trạng dửng dưng trước sự thiện của bao nhiêu người chung quanh các bạn trẻ, tình trạng hỗn loạn về đời sống luân lý, tính dục, sự trống vắng các giá trị, chủ nghĩa ích kỷ, duy khoái lạc được đề xuất như là những sứ điệp giải thoát. Những sứ điệp ấy được rêu rao ầm ĩ trong tất cả những phương tiện truyền thông đại chúng. Một thế giới duy thế tục, mà chiều kích tâm linh đã bị coi thường hay gạt bỏ không thương tiếc. Đấy chính là thế giới mà người trẻ đang sống và muốn vươn lên. Điều thật rõ ràng ở thời đại chúng ta, bởi trước hết đã xuất hiện sự rạn nứt trầm trọng giữa Giáo hội và xã hội. Đây là một sự chia rẽ giữa đức tin và lối sống, lối sống này đã trở thành tục lệ, thành sự kiện chính trị và văn hoá. Chúng ta gọi là “trào lưu tục hoá”. Nó đã nhào nặn nên một gương mặt mới cho xã hội hiện đại mang đặc điểm không ưa thích và thiếu quan tâm đối với sứ điệp Kitô giáo. Xã hội bị tục hoá, ngoài những đặc điểm khác, có đặc điểm đề cao những thực tại trần thế đến mức khẳng định tính độc lập của chúng đối với những giá trị tôn giáo. Xã hội tục hoá hôm nay đang tìm cách làm nghèo nàn, cạn kiệt những giá trị thiêng liêng, nhất là trong lương tâm giới trẻ bị thúc đẩy bỏ việc sống đạo, hoặt ít chú ý đến nó, để đặt ưu tiên cho tất cả những lựa chọn do xã hội tiêu thụ mang đến. Đó là những vấn đề mới, và trong bối cảnh này, chúng ta nhận thấy cách chua xót đà tiến của một thứ ngoại giáo mới được khẳng định với việc từ từ đẩy sự hiện diện của Kitô giáo sang bên lề.

Sau những giá trị tôn giáo bị gạt bỏ hay bị coi thường, những người trẻ đang chứng kiến một thế giới giá trị nhân bản cũng bị coi thường và bị chà đạp một cách ngang nhiên trắng trợn, coi đó là quyền tự do của con người. Sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa con người, giữa những quốc gia ngày càng giàu có và những người cùng đinh nghèo khổ; những cuộc chiến tranh diễn ra ngay tại những vùng đất đã có thời rất là phong phú về giá trị tôn giáo; thảm cảnh của những người nghèo bệnh hoạn, những người già cả không còn được kính trọng, những trẻ thơ không được cưu mang… việc huỷ diệt môi sinh, nạn thất nghiệp nơi những người trẻ đang chan chứa hy vọng vào tương lai. Với những người trẻ tại Pháp, Đức Gioan Phaolô II lên tiếng: Chúng con đã tố giác cuộc tranh chấp mà chính chúng con đang kinh nghiệm giữa những đòi hỏi của tình yêu, của sự thật, của công lý đang sống trong chúng con và những đề nghị thực hiện bằng tiền bạc, bằng thành công, quyền lực, sự giải trí được đề nghị bởi các phương tiện truyền thông được xã hội tiêu thụ chung quanh chúng con khéo léo tổ chức đồng bộ[5].

Hoặc một lần khác: Hỡi các bạn trẻ đang phục vụ sự sống và xây dựng hoà bình! Cách đây vài trăm cây số, bên kia bờ biển Adriatique, người ta tiếp tục chết mỗi ngày trên đường phố và nơi các quảng trường, không kể trên bãi chiến trường. Có những người phụ nữ và những người già chết trong lúc họ nối đuôi nhau để xin một chút nước hoặc ít bánh mì. Trẻ em chết vì những viên đạn giết người ngay trong lúc chúng trạc tuổi các bạn trong số những nạn nhân bi thảm này. Biết bao cuộc đời bị tan vỡ! Người ta luôn miệng nói về hoà bình nhưng người ta không ngừng gây chiến tranh. Châu Âu già nua biết rõ thực tại vô nhân đạo này. Thế hệ của tôi đang còn trẻ khi xảy ra đệ nhị thế chiến, mà gần đây chúng ta đã kỷ niệm 50 năm kết thúc. Thế hệ của tôi, thế hệ trẻ với tôi 75! Nhưng thế hệ các bạn kinh nghiệm bi kịch của những xung đột triền miên.

3. Trao cho giới trẻ một sứ mạng lớn lao

Đức Gioan Phaolô II không xa lạ gì với những vấn đề và tình trạng như thế đang xảy ra cho những người trẻ. Và chính ngài đã đến với họ trong chính thực trạng của họ như là những người trẻ có một tiềm năng, có sức mạnh, và có lý tưởng để vượt thắng. Ngài chỉ cho họ thấy sứ mạng của họ nơi trần gian này: Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy đẩy lui những ý thức hệ hẹp hòi và tàn bạo; các bạn hãy tránh xa mọi hình thức quốc gia chủ nghĩa quá khích và cố chấp. Các bạn được giao “sứ vụ mở ra những con đường huynh đệ mới giữa các dân tộc, để xây dựng một gia đình nhân loại duy nhất, trong khi đào sâu quy luật cho và nhận, hy sinh và đón nhận kẻ khác. Các bạn có nhiệm vụ loan truyền “nền văn hoá Tin Mừng” phong phú, trong đó Chúa Kitô “hôm qua, hôm nay và mãi mãi” là giải pháp cụ thể cho những vấn nạn cụ thể cho những vấn nạn chủ yếu của con tim khắc khoải loài người. Chính các bạn nữa, hãy trở thành những giải đáp sống động của Chúa Kitô trong khi lấy Tin Mừng làm luật căn bản cho tất cả những hành động và ước muốn của các bạn. Như vậy, các bạn sẽ viết lên những trang mới lạ của một cuộc Phúc âm hoá mới cho thời đại chúng ta, đặc biệt cho những người cùng tuổi với các bạn[6].

Thấy rõ thế giới trong đó người trẻ đang phải ngụp lặn, một thế giới có nhiều điều cần phải sửa sai, hoán cải, mà ngài trao cho họ một sứ mạng thật lớn lao, liệu như thế Đức Gioan Phaolô II có phải là cũng duy tưởng, phi thực tế hay chăng? Thưa không, bởi vì, chính ngài đã kinh nghiệm thật sâu xa tiềm năng lớn lao của những người trẻ. Đi đến đâu, giáo phận nào, quốc gia nào, giới trẻ cũng là thành phần mà ngài xin gặp gỡ hay được sắp xếp để gặp gỡ. Bởi vì, Đức Gioan Phaolô II tin vào những người trẻ đầy tiềm năng ấy. Bởi lẽ, đối với ngài, những người trẻ không phải là những con số mà các nhà kinh doanh tính toán thu lợi, không phải là những lực lượng được mê hoặc để phục vụ cho một lý tưởng què cụt hơn là những khao khát lớn lao mà họ đang mang trong mình. Ngài thâm tín và trực tiếp diễn tả sự thâm tín này cho những người trẻ: Các bạn đang ở vào mùa xuân của cuộc đời và các bạn tìm thấy ở đó những cây cối trổ hoa được mời gọi sinh nhiều hoa trái. Những năm đánh dấu thời kỳ chót của đệ nhị thiên niên kỷ này mang đặc điểm của những thách đố và những vấn nạn dồn dập, của những đà tiến và những mong chờ. Đây là thời của tuổi trẻ các bạn. Hãy biết quý những cơ hội hoạt động mà các bạn gặp mỗi ngày. Bất chấp những vấn đề của nó, đây là một thời gian đặc biệt là “lúc thuận tiện” trong đó mỗi người phải biết đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm cá nhân và xã hội của mình[7].

Quả thế, từ kinh nghiệm làm việc mục vụ cho giới trẻ của ngài, Đức Gioan Phaolô II biết rất rõ rằng người trẻ mang nơi mình một lý tưởng về cuộc sống và một niềm khát khao hạnh phúc. Cùng lúc đó, do bẩm tính giới trẻ có “cảm thức về sự thật”, nếu có thể nói như thế. Và sự thật phải đưa đến tự do: giới trẻ cũng tự nhiên “ước muốn tự do”. Chính vì thế, không có lý do gì mà những người trẻ bị gạt ra bên lề trong việc xây dựng cuộc đời cá nhân và cộng đồng, nhất là trong những điều kiện thật khó khăn[8]. Hơn nữa, đối với Đức Gioan Phaolô II, những người trẻ với tuổi trẻ của họ, không phải là dành riêng cho họ, mà là dành cho gia đình, cộng đoàn xã hội, cũng như Giáo hội: Các bạn là giới trẻ của các quốc gia và xã hội, giới trẻ của mọi gia đình và giới trẻ của toàn thể nhân loại. Các bạn cũng là giới trẻ của Giáo hội nữa. Hết thảy chúng tôi đều hướng ánh mắt trên các bạn, vì nhờ các bạn chúng tôi hết thảy luôn luôn có thể nó là trẻ lại cùng với các bạn. Vì vậy, nên tuổi trẻ của các bạn không những là sở hữu của các bạn, sở hữu cá nhân hay của một thế hệ đâu. Nó thuộc về toàn thể thời gian mà mọi con người trải qua suốt hành trình của mình trong cuộc đời, và đồng thời, nó là một tài sản của hết thảy mọi người. Nó là tài sản của chính nhân loại.

4. Hiện thân của Chúa Kitô

Hiểu thực trạng của người trẻ trong thế giới ngày hôm nay, nhận biết sâu sắc những khó khăn họ đang trải qua, những vấn nạn thâm sâu đến từ những cuộc chiến sâu thẳm trong tâm hồn của người trẻ, Đức Gioan Phaolô II đến với họ bằng chính con người của mình với tất cả những giới hạn của một con người, nhưng con người ấy lại chính là người đem lại lời giải đáp thâm sâu cho những vấn nạn của người trẻ. Đức Hồng Y Jean Marie Lustiger nhận định: Nếu những người trẻ thốt lên tiếng kêu “Gioan Phaolô II, chúng con yêu ngài” với vị cao niên mà họ tin tưởng và kính yêu, là vì họ hiểu rằng Đức Gioan Phaolô II không tự mình mà nói. Qua ngài, chính Đức Kitô nói với họ. Họ biết tính trung thực của sứ điệp này. Đó là lý do vì sao họ lắng nghe với một sự chăm chú đáng ngạc nhiên, một bài diễn văn rất quen thuộc đối với họ. Đúng là họ muốn biết Đấng mà họ không biết và họ đoán Đấng ấy qua Đức Giáo Hoàng[9].

5. Đề nghị cho người trẻ đón nhận Đức Kitô

Đức Kitô chính là Đấng mà Đức Giáo Hoàng đề nghị cho các người trẻ đón nhận. Ngài xác nhận: Các bạn biết rằng tôi đến đây nhân danh Chúa Kitô. Và tôi muốn nói với các bạn rằng Chúa Kitô đúng là Thầy, nhà giáo dục của niềm hy vọng. Chính nhờ lắng nghe Lời Ngài, nhờ sống sự sống Ngài muốn chia sẻ với mọi người, mà người ta tìm được ý nghĩa sung mãn nhất cho cuộc đời. Phải, Chúa Kitô bày tỏ cho chúng ta tới tận cùng ý nghĩa của sự sống con người. Ngài cũng chỉ cho ta thấy tương lai vĩnh viễn của sự sống đó nơi Thiên Chúa. Tương lai này vượt xa các giới hạn của đời sống con người ở trần thế. Niềm hy vọng mà Chúa Kitô ban cho chúng ta mạnh hơn sự chết[10].

Đức Giêsu Kitô mà Gioan Phaolô II rao giảng, giới thiệu và mời gọi người trẻ tìm đến là một Đấng nói cho chúng ta biết phải sống thế nào, vì Ngài nói cho chúng ta biết sống để làm gì. Quả vậy, Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta về nguồn gốc, cuộc sống và vận mệnh của chúng ta. Chúng ta đã được Thiên Chúa tạo dựng nên, và trong Chúa Giêsu chúng ta là con cái Thiên Chúa; chúng ta phát xuất từ tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta sống ở trần gian này để hiểu biết Thiên Chúa, mến thương và phụng sự Ngài; để khám phá ra Ngài, gắn bó với Ngài và đáp lại các nhu cầu của Ngài nơi người đồng loại. Và định mệnh của chúng ta là được sống với Ngài mãi mãi. Trong Tin Mừng của Ngài, Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta những chân lý này, và dưới ánh sáng những chân lý này, Ngài giải thích những gì Ngài chờ đợi nơi cuộc sống của chúng ta. Ngài giải thích cho chúng ta rằng chúng ta phải phục vụ anh chị em của chúng ta, chúng ta phải phục vụ thế giới.

Nếu như những người trẻ hoang mang, lạc hướng, bị chìm ngập trong nô lệ của những thói quen tội lỗi, đến độ không còn biết mình là ai, thì Đức Gioan Phaolô II khẩn thiết cho thấy: Chúa Giê-su giải thích cho chúng ta về chính bản thân chúng ta. Ngài làm việc này bằng cách giải thích cho chúng ta mối liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân, với anh chị em chúng ta, với xã hội nói chung và với thế giới. Ngài có thể làm việc này, vì Ngài hiểu rõ chúng ta và Ngài hiểu rõ Thiên Chúa: Ngài là Con Người và đồng thời là Con Thiên Chúa, Con Thiên Chúa làm người. Nhờ Lời giảng dạy của Ngài, nhờ ân sủng và quyền năng của Lời Ngài, Chúa Giêsu làm cho chúng ta có thể sống cuộc sống của chúng ta cách ngay thẳng, sống thế nào để chúng ta có được sự sống đời đời. Thánh Gioan tuyên bố với chúng ta kế hoạch của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống (1Ga 5,11)[11].

Tuy nhiên, đó không phải là một giải pháp có sẵn. Chính những người trẻ có nhiệm vụ đào sâu mọi vấn đề xoay quanh Đức Giêsu và do chính Ngài gợi lên. Những người trẻ Kitô là Kitô hữu thật sự, nếu họ biết nuôi dưỡng đời mình bằng những kinh nghiệm đặc thù của Tin Mừng như cầu nguyện và phục vụ tha nhân, nếu họ biết làm cho đời mình thêm vững mạnh bằng cách liên tục đào sâu sự thật được Đức Kitô mạc khải và được Hội thánh đề nghị với h bằng cách đi tìm kiếm trong liên hệ với mọi vấn đề ngày nay đang ló dạng từ những khoa học và những phong tục.

6. Gặp gỡ Đức Kitô trong Giáo Hội

Vậy, Đức Kitô có thể được những người trẻ gặp ở đâu? Đức Gioan Phaolô II không ngần ngại và đầy xác tín nói đến vai trò khí cụ của Giáo hội. Và đối với những người trẻ, ngài không ngần ngại đối diện với những lời tố cáo Giáo hội “không hề đi với thời đại” khi gắn bó với lời dạy của Chúa Kitô. Nói khác đi, ngài không hề phải che dấu những đòi hỏi mà Hội thánh nhân danh Đức Kitô để lên tiếng: Chúng con còn có nhiều thành kiến và ngờ vực khi đến gặp Hội thánh. Chúng con cho ta biết nhiều khi chúng con coi Hội thánh như một cơ chế chỉ biết ban hành những quy tắc và luật lệ. Chúng con đang nghĩ rằng Hội thánh đặt nhiều bức tường trong các lãnh vực khác nhau: tình dục, cơ cấu Hội thánh, chỗ đứng của phụ nữ trong Hội thánh. Và chúng con kết luận là có một hố sâu ngăn cách giữa niềm tin toả ra từ Đức Kitô và cảm tưởng bị áp chế mà sự cứng cỏi của Hội thánh gợi lên nơi chúng con. Chúng con thân mến, hãy cho cha được nói rất thẳng thắn với chúng con. Cha biết rằng chúng con nói hết sức chân thành. Nhưng chúng con có hoàn toàn chắc chắn rằng ý tưởng mà chúng con có về Đức Kitô phù hợp trọn vẹn với thực tại bản thân Người chăng? Thật sự, Tin Mừng giới thiệu với chúng ta một Đức Kitô rất đòi hỏi. Người mời gọi ta triệt để hoán cải tâm hồn, siêu thoát với của cải trần gian, tha thứ khi bị xúc phạm, yêu thương kẻ thù… Đặc biệt về lãnh vực tình dục, người ta từng biết lập trường cương quyết của Người nhằm bảo vệ tính bất khả phân ly trong hôn nhân, và cũng biết Người đã lên án tội ngoại tình dù chỉ mới phạm trong lòng[12].

Đức Gioan Phaolô II đã không mị, không chiều giới trẻ, nhưng hẳn giới trẻ nằm trong tầm nhìn của Ngài. Cũng như ngày nào Chúa Giêsu đã nhìn một người bạn trẻ, anh bạn đã giữ trọn những giới răn ngay từ nhỏ, nhưng cũng bạn đã cúi đầu, quay gót, bỏ đi trước lời mời: “Bạn hãy về bán tất cả những gì bạn có rồi đem cho người nghèo, bạn sẽ được một kho tàng trên trời và đi theo Tôi” (Mc 10,21). Có lẽ, tất cả những ưu ái, những nỗ lực của Đức Thánh Cha dành cho giới trẻ, là mong họ quảng đại đừng cúi đầu quay gót bỏ đi trước lời mời của Đức Ki-tô.ª

[1] Trích lời Giới thiệu bộ phim The Life and Teaching of Pope John Paul II, RAI 1994
[2] Jean Offredo, Đức Gio-an Phao-lô II: Giấc mơ về Giê-ru-sa-lem, 236
[3] Jean Offredo, Đức Gioan Phaolô II: giấc mơ về Giê-ru-sa-lem, 236.
[4] ĐGH Gioan Phaolô II: Nói với người trẻ hôm nay, 5.
[5] Sđd., 12
[6] Tin tưởng và Hy vọng, 227.
[7] Sđd., 225.
[8] Sđd., 224.
[9] Đức Gioan Phaolô II: Giấc mơ về Giê-ru-sa-lem.
[10] Tin tưởng và Hy vọng, 16.
[11] Sđd., 222.
[12] ĐGH. Gioan Phaolô II, Nói với người trẻ hôm nay, 27.

Lm. Giuse Nguyễn Thịnh Phước, SDB


Bảy kỹ năng sống tuyệt vời có được khi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em (26/4/2024)

Từ Hồi giáo đến với Đức ki tô: việc cải đạo đã đưa đến bí tích thánh thể (23/4/2024)

2024: Năm Đức Mẹ ban tràn đầy hy vọng (5/2/2024)

ĐGM Barron: Tuyên ngôn mới của Vatican khẳng định giáo huấn vượt thời gian của Giáo hội về hôn nhân (26/12/2023)

Phụ Huynh của Tuổi Teen (27/11/2023)

Sức mạnh của từ ngữ (10/11/2023)

Sáu tội mà người tín hữu Kitô không còn phân biệt được (27/10/2023)

Trẻ cảm thấy thế nào khi cha mẹ cãi nhau? (19/10/2023)

Trẻ em cảm thấy thế nào khi chúng ta than phiền về chúng ngay trước mặt chúng (15/9/2023)

Giáo dục: Chuyện của con tim (31/8/2023)

Người Mẹ trong cuộc sống hôm nay (25/4/2011)

100 cách làm cuộc sống tốt hơn (19/4/2011)

5 bài học quan trọng mà mỗi người cần học (9/4/2011)

Vì sao tôi độc thân? (4/4/2011)

10 lời khuyên quan trọng hàng đầu dành cho học sinh (27/3/2011)

Tế nhị là gì? Vì sao ta phải tế nhị? (23/3/2011)

Cậu bé và gói lương khô (17/3/2011)

Hãy sống thật giản dị và không ngừng đầu tư cho cuộc đời mình (14/3/2011)

Giải mã tình yêu - Giải phóng tình yêu khỏi những ngộ nhận thường xuyên (4/3/2011)

Mỗi chúng ta cũng có 4 bà vợ (3/3/2011)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn