Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
GIÁO DỤC CON CÁI

CON CÁI TRONG GIA ÐÌNH

Con cái trong gia đình là tình yêu của cha mẹ do ân huệ Thiên Chúa ban. Mọi gia đình đều hân hoan đón nhận. Từ chối con cái bất cứ dưới hình thức nào cũng làm thương tổn tình yêu vợ chồng.

Nhưng con cái không phải là những con búp bê, đặt đâu nằm đó. Chúng có ăn có uống, có mạnh khỏe có ốm đau, và chúng sẽ lớn lên thành con người đầu đội trời chân đạp đất. Có ích cho xã hội, hay họa tai cho xã hội? Việc tương lai ai đoán biết được?

Nhưng cái biết được, là hôm nay chúng có được giáo dục không? Và chúng được giáo dục tốt hay xấu? Bởi vì theo lẽ bình thường, con trẻ được giáo dục như thế nào, thì lớn lên chúng sẽ trở thành như thế ấy. Không hẳn là 100%, nhưng cũng được bảy, tám mươi. Vì thế việc răn dạy con để tâm trí chúng hướng về điều thiện, và hành động chúng hướng đến việc tốt, là bổn phận của cha mẹ. Trong thư Do Thái, thánh Tông đồ viết: "Còn gì là con, kẻ người cha không dạy." (Dt. 12,7b)

DẠY CON: MỘT QÚA TRÌNH ÐẦY CAM GO

Nói chung, đối với con cái các bậc cha mẹ luôn bao bọc trong tình thương mến, và đã hy sinh cho con bằng tất cả cuộc đời. Tuy vậy trong cá biệt vẫn có những cha mẹ bỏ bê con cái, và có nhiều trẻ em bị hành hạ ngay trong gia đình.

Cho nên việc dạy con là cả một qúa trình hết sức cam go, phải xuất phát từ chính tâm của cha mẹ. Có những nhà qúa nghèo, lầm than lao động suốt ngày không kiếm đủ hai bữa no, thậm chí con cái chưa đến tuổi trưởng thành đã phải làm việc, mà chúng vẫn nên người. Ngược lại có những gia đình giàu có, con cái được ăn học đầy đủ, nhưng vì nuông chiều con cái qúa mức, khiến chúng trở thành kiêu căng hư đốn.

Những điều dạy về giáo dục trong các sách luân lý giáo khoa là những điều tốt, xuất phát từ bao kinh nghiệm và kiến thức của người viết, nhưng vẫn chỉ là lý thuyết tương đối. Bởi vì trẻ em là những con người tự do, tự trong tâm trí chúng có khả năng theo hoặc chống lại những điều răn dạy ấy. Bởi vì trong chúng cũng như trong mọi người chúng ta đều phải mang gánh nặng rất bí nhiệm: "Bí nhiệm của tội lỗi".

Ðã có những đứa nhỏ khi còn bé đi lễ đi nhà thờ ngoan ngoãn dễ thương, khi đến tuổi lớn lên thì đổi hẵn tính nết. Có những cha mẹ rất đạo hạnh mà con cái lại không nên thân. Có cháu của linh mục, em Ðức Cha, chị của ma sơ làm gương xấu, mà con cái của hàng lê dân ít học lại trở thành thánh nhân. Ðiều bí nhiệm trong con người là thế.

Cho nên việc dạy dỗ con cái trong gia đình, giáo dục trẻ em trong các lớp giáo lý, không phải chỉ mấy bài học thuộc lòng, mấy lời đàn áp khi chúng quậy phá mà tưởng đã là giáo dục. Bởi vì sức con người thì hạn chế, nhãn quan con người chỉ nhìn thấy hiện tượng bên ngoài. Cho nên ngoài những cố gắng của riêng mình, cha mẹ, những nhà giáo dục, còn phải trông nhờ vào một sức thần thiêng của Ðấng đã làm nên cả thân xác linh hồn con người. Ðấng đã nhìn thấu suốt tận tâm can. Ngài mà còn phải nhẫn nại đeo đuổi con người từ đời nọ đến đời kia để dụ dỗ dẫn dắt trở về với Chính Ðạo, huống hồ sức của chúng ta.

DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ

Dạy con từ thuở còn thơ.
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.  

Câu dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về đối với gia đình Việt Nam thời phong kiến trước đây, thời mà người ta thường nói: "Thuyền theo lái, gái theo chồng"; hoặc: "Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử", thì đúng là khuôn vàng thước ngọc. Nhưng hôm nay không còn có ý nghĩa gì, nếu không nói là qúa lỗi thời. Bởi vì không những nó ngược với nhân bản, mà còn sai với luật hỗ tương của tình yêu. Ngoài ra, trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, hai người đều đi làm có tiền lương, nên người chồng tuy là chủ gia đình, vẫn bàn hỏi với người vợ để chung lo trách nhiệm. Ít còn thấy cảnh chồng chúa vợ tôi trong gia đình.

Mặt khác qua cuộc sống gia đình, chúng ta thấy đã có kẻ làm chồng được nên thân là nhờ vợ dạy. Nhiều người trong chúng ta đã đọc chuyện giết chó dạy chồng trong Cổ Học Tinh Hoa. Mặt khác Kinh thánh lại nói: "Người nam sẽ bỏ cả cha mẹ mà khắng khít với vợ mình." (Mt. 19, 5). Còn thư Côrintô nói: "Vì chồng ngoại thì được thánh hóa nhờ vợ." (1Cr. 7,14) .

Dạy con từ thuở còn thơ, câu này vẫn rất đúng cho mọi thời, nhưng chưa đầy đủ. Bởi vì khi trồng một cây qúi, người ta phải lao công từ khi lựa hạt, chọn giống rồi mới đem gieo, huống hồ là việc xây dựng một con người có thân xác, có trí khôn, có linh hồn bất tử thì càng phải chăm sóc biết bao. Cho nên việc dạy con phải bắt đầu từ khi em bé còn là bào thai trong lòng mẹ. Việc giáo dục ấy được gọi là Thai Giáo.

THAI GIÁO

Việc này đối với một số cha mẹ cho là còn qúa sớm, hoặc chưa quan tâm, nhưng thực sự rất quan trọng. Ngay trong Kinh thánh, đã từng nhắc việc Chúa lo đến các thai nhi:

Tạng phủ tôi, Thiên Chúa đã gầy tạo cho tôi từ trong dạ mẹ. (Tv. 139,13)

Từ dạ mẹ, người đã nên Chúa Trời của tôi. (Tv. 22,10).

Người đã mặc cho tôi da thịt. Và đã dệt tôi bằng gân và cốt. Cho tôi gân thịt và máu nóng. Người canh chừng hơi thở của tôi. (Gióp 10,11-12).

Tuy thế ngay trong các gia đình tại Mỹ, tại Tây Âu, việc chăm lo cho thai nhi về mặt thể lý như khám thai, thăm bác sĩ, chụp siêu âm v.v., thì rất chu đáo, nhưng vẫn ít lưu tâm đến việc thai giáo. Nói chi đến những gia đình nghèo ở những nước chậm tiến, bà mẹ có bầu, vai vẫn gánh hàng đi chợ, tay còn dắt đứa con nhỏ lấp xấp chạy theo. Việc mang thai, sinh nở đành phải xuôi theo tự nhiên, đầu óc nào còn nghĩ đến chuyện tỉ mỉ cho đứa con trong bụng. Chưa kể những trường hợp em bé bị khinh rẻ coi thường, khó thể nói đến việc Thai Giáo:

1. MANG BẦU NGOÀI HÔN NHÂN

Chúng ta thấy trong xã hội phóng khoáng hôm nay, nhiều con gái đã mang bầu ngoài hôn nhân. Hoàn cảnh đó, đứa bé trong bụng rất bị thiệt thòi, không chỉ bị coi rẻ, mà vì nó là một nỗi ray rứt cho mẹ nó nên mạng sống của nó cũng rất bấp bênh. Ðôi khi cả việc đổi lấy một cái danh dự hão huyền nào đó cho gia đình hoặc do chính ý muốn người mẹ có bầu, hài nhi cũng phải câm nín chịu giết chết. Không tự mình thốt được một tiếng kêu, không một ai bênh vực. Tàn ác hơn nữa, việc giết sinh mạng yếu đuối vô phương tự vệ như thế cũng đã được luật pháp nhiều nước trên thế gian này bảo vệ.

Ở Trung Cộng, ở Việt Nam, rất nhiều đôi vợ chồng thật, hôn nhân hợp pháp, mà phải cam tâm giết con theo chính sách của nhà nước để giữ được công ăn việc làm. Ngay ở Hoa Kỳ, một nước giầu có, dư ăn dư mặc, chẳng bị ràng buộc gì về kinh tế, chẳng chế tài gì về lễ giáo, khi mang bầu còn được chính phủ giúp đỡ nhiều mặt, thế mà những đôi trai gái khi đú đởn có thai, vẫn cứ đi phá như thường.

2. HIẾP DÂM BỊ MANG BẦU

Nói đến những trường hợp bị hãm hiếp, em bé có ở trong tử cung ngoài ý muốn của mẹ nó, thì mạng sống của nó càng thê thảm biết bao. Trong ký ức người người con gái bị hãm hiếp, thai nhi đó là một vết chàm in đậm trên thân xác, là nỗi căm hờn tủi hổ trong tâm hồn, không chỉ một ít tháng mà suốt cả cuộc đời. Sự có mặt của nó ở trên cõi đời này là nỗi đau hận của mẹ và ô nhục của con.

Tuy nhiên cũng phải nói ra điều này, điều mà rất chói tai cho người bị hiếp dâm, đó là, nhìn về mặt huyền bí siêu nhiên, đứa bé đó cũng như tất cả đứa bé khác, đều được Thiên Chúa yêu thương, nếu Chúa không thương, làm sao nó có thể thành một mạng sống? Và nếu về sau, nó được Thanh tẩy trong Nước và Thần Khí nó vẫn được phúc trở thành thân mình của Chúa Kitô..

Thế nhưng đứng ngoài nói thì qúa dễ, không đụng đến bản thân, khuyên gì nghe cũng hay. Thử đặt mình vào hoàn cảnh của người con gái đau khổ, đang mang trong dạ mình một bào thai bị coi như thứ nghiệt chủng, lúc ấy chỉ muốn ai có thể giúp nàng tống khứ nó ra ngoài. Những lời khuyên bảo cho dù là Chân lý, vẫn khó mà lọt tai. Trường hợp qúa bi phẫn này, muốn vượt qua phải có sức mạnh Ơn Trên chỉ dẫn đỡ đần mới giải quyết được trong bình an.

LÀM SAO GIÁO DỤC MỘT THAI NHI?

Một thai nhi chưa đủ hình hài, chưa biết nhìn, chưa biết nói, chưa biết nghe, làm sao mà giáo dục?

Từ bụng mẹ, trước mặt Thiên Chúa, thai nhi đã có giá trị là một con người như mỗi người chúng ta. Mặt khác, vì thai nhi qúa yếu đuối, và hoàn toàn bao kín trong Thinh Lặng, nên ít được để ý đến, chỉ dồn sự chăm sóc vào người mẹ để cho nó được lớn lên trong tự nhiên. Thai nhi trong bụng mẹ, tuy tri thức bị hạn chế nhưng sự thụ cảm đã bắt đầu. Người mẹ mang thai, không chỉ trao đổi máu huyết của mình với đứa con qua cuống nhau, mà giữa mẹ con còn có sư cảm thông huyền diệu. Ðọc Tin mừng theo thánh Luca, chúng ta thấy được sự cảm nhận này của thai nhi:

"Maria vào nhà Zacaria và chào Elizabeth. Và xảy ra là thoạt Elizabeth nghe lời Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ". (Lc 1,39tt).

Chuyện bà Elizabeth mẹ của Gioan Tẩy Giả trong Thánh kinh đã chứng minh điều đó. Khi mẹ được niềm vui tràn ngập của Chúa Thánh Thần thì con 6 tháng nhảy vui trong dạ mẹ. Vì thế khi người mẹ sống vui tươi thanh thản, thai nhi bằng an, tim đập nhịp nhàng; khi mẹ buồn phiền, nóng giận, say sưa, thai nhi cũng xốn xang, tim đập nhanh. Niềm vui nỗi buồn, đồ ăn nước uống, cái gì thấm vào cơ thể, tinh thần người mẹ, cũng thấm vào nội tạng tâm trí của con. Ảnh hưởng tốt xấu sẽ theo suốt đời của nó. Ðã xảy ra là, có một người mẹ trong thời thai nghén, cứ sáng say chiều xỉn, khi đứa bé chào đời, nó bị mù cả hai mắt, và trí khôn của em rất chậm.

THƯA CÁC BÀ MẸ MANG THAI

Xin các bà mẹ đang mang thai thấy được rằng: Chín tháng cưu mang một em bé cũng là chín tháng giáo dục tâm hồn, và chín tháng bồi dưỡng thân xác của em, bằng cách sống hằng ngày của các bà.

Người mẹ điều độ việc ăn uống, sống nhân ái vui tươi, và luôn cầu nguyện, em bé trong lòng sẽ thoải mái cả thể xác lẫn tâm hồn.

Tuy cuộc sống ở đâu cũng đầy rẫy khó khăn, nhưng buồn lo nôn nóng cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ mệt mỏi cho mình và tổn hại cho đứa trẻ trong bụng.

Các bà hãy trông cậy vào Chúa, Ðấng làm cho đứa bé có mặt thì Ngài cũng đang luôn quan phòng chăm sóc cho nó và còn yêu mến chăm lo cho cả người đang thai nghén nó nữa.

Thiên Chúa quyền năng, Ngài sẽ giải quyết mọi khó khăn cho những ai trông cậy vào Ngài. Nếu Thiên Chúa không thương thì đứa nhỏ không thể thành hình, và nếu Thiên Chúa không tín nhiệm bà, thì đứa nhỏ không xuất hiện được trong lòng dạ bà đâu. Bởi vì đứa trẻ dù trai hay gái, đều là một kỳ công tạo thành, nó không phải một loài cỏ hoang, tự có mặt, tự lớn lên, rồi âm thầm chết đi trong quên lãng. Nhưng nó là một con người, được sự chuẩn bị rất tinh tế của Ðấng Tối Cao, (Gr 1,05), được Ngài nuôi dưỡng từng giây từng phút trong bào thai, cho nó mỗi ngày một lớn lên, đến khi ra khỏi lòng mẹ, đứa trẻ sẽ nên như một lời ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa. Ơn huệ này đã được ghi trong Thánh kinh:

"Bởi chưng vì lòng yêu mến mà Thiên Chúa đã chọn anh em trong Chúa Kitô Giêsu từ trước tạo thiên lập địa . . .
Và tiền định cho được phúc làm con nhờ Chúa Kitô Giêsu . . .
để nên lời ca ngợi cho Vinh quang Thiên Chúa." (Ep 1, 4-6)

Thiên Chúa đã chọn em bé cũng như đã chọn mỗi người chúng ta từ khi Ngài chưa làm ra trời đất, và đã tiền định cho em và cho chúng ta, không phải là thiên đàng hay hỏa ngục, mà là làm con của Ngài. Cho nên mỗi con người có mặt trên trần gian này đều là một lời ca ngợi cho vinh quang Thiên Chúa.

Vì thế từ trong dạ mẹ, hài nhi đã bắt đầu một cuộc sống rất diệu kỳ. Cuộc sống ấy tuy như thể mỏng manh (phôi thai), nhưng lại rất vững chắc trong sự tiệm tiến của bàn tay Ðấng Quan Phòng. Bởi vì cái phôi cái thai ấy là một sinh vật có xác hồn, được Thiên Chúa biết đến. Lời Chúa đã nói rõ ràng:

"Trước khi ta nắn ngươi trong bụng mẹ, Ta đã biết con. (Gr 1, 05).

Các con, những kẻ được Ta vác từ lòng mẹ, và được gánh từ ở tử cung." (Gs 46,3b).

Tuy thai nhi nhỏ bé yếu đuối như thế, nhưng Thiên Chúa đã tiền định cho nó có mặt ở đời này không chỉ để làm con và làm chủ muôn loài, mà còn hưởng phần gia tài vô cùng quí giá của Chúa, với chức năng là kẻ thừa tự trong Ðức Kitô Giêsu. Nghĩa là Ðức Kitô Giêsu có quyền năng hạnh phúc gì, thì trong Ngài, chúng ta và em bé cũng sẽ được có như thế. (Ep 1,5 & Rm 8, 29).

Xin các bà hãy cộng tác với Thiên Chúa trong huyền nhiệm này.

Bằng cách nào? Bằng cách các bà hãy luôn luôn cầu nguyện và siêng năng chịu Bí tích; Thần Khí Thiên Chúa sẽ chỉ cho bằng cách nào.

SÁU NĂM ÐẦU TIÊN CỦA ÐỨA TRẺ

Kinh thánh Cựu Ước nói: "Từ phút đầu hãy dạy cho trẻ thơ biết đường lối phải đi theo, cho đến tuổi già nó sẽ không lạc đường của nó." (Cn 21,6).

Những nhà giáo dục có kinh nghiệm và đứng đắn trên thế giới đều đồng ý rằng: "Giáo dục trẻ em phải được bắt đầu ngay từ SÁU NĂM ÐẦU TIÊN trong cuộc đời" và rằng: "Ở khoảng từ Bốn đến Tám năm tuổi, em bé đã ghi nhận điều gì vào tâm trí, thì khó có thể phai mờ".

Nhưng đối với các gia đình, thường thì sáu năm đầu tiên là sáu năm phục vụ đứa trẻ, dồn hết tình thương vào nó. Ðứa bé như cục nam châm hút sắt, hút cha mẹ đứa trẻ, hút ông bà cô chú, thành ra chẳng giáo dục gì cả, chỉ muốn làm theo ý nó. Tuy nhiên nếu đem tình thương ấy áp dụng vào đường lối giáo dục thì rất tuyệt hảo, như sẽ nói sau.

Ðọc Kinh Thánh chúng ta thấy không ai yêu Chúa Con bằng Chúa Cha (Mt 3,16-17), thế mà Con Thiên Chúa làm người cũng phải được giáo dục. Thư Do Thái viết: "Dù là con, Ðức Giêsu đã phải đau khổ giãi dầu mà học cho biết vâng phục." (Dt. 5,8).

EM BÉ QUÁ NHỎ, SÁU NĂM ÐẦU TIÊN
GIÁO DỤC CÁCH NÀO?

a-  Bằng sữa mẹ.
b-   Bằng thói quen tốt:

Bằng sữa mẹ:
Ðây là một cách giáo dục kỳ diệu của tình thương, mà ít bà mẹ để ý đến. Mẹ cho con bú, dù chỉ vài tuần lễ đầu đời thôi, thì người mẹ đã nối một sự liên hệ tuyệt hảo giữa mẹ và con. Vì bà đã ban tặng cho con một sự an bình tuyệt vời bằng giòng chảy yêu thương mà Ðấng Tạo Thành đã gạn lọc tự tình thương và máu thịt người mẹ để ban cho con, đó là Sữa Mẹ.

Tình yêu giữa mẹ con, tình Mẫu Tử đích thực bắt đầu từ đây. Cho nên Kinh thánh đã có lời chúc phúc: "Phúc cho vú đã cho Thầy bú" (Lc. 11, 27). Lời chúc này là cho cặp vú người mẹ và cả đứa con được bú sữa từ cặp vú huyền diệu đó.

Gọi là huyền diệu, bởi vì một phụ nữ không sinh con, cho dù có bộ ngực đẹp thế nào, hoặc có bơm có độn, để hấp dẫn đàn ông thế nào chăng nữa, cũng chỉ là bộ ngực chết, vì nó không có nguồn sữa từ đó phát sinh ra. Xét về mặt siêu nhiên, một cặp vú không tuôn mạch sữa thì chưa được coi là có phúc lộc, và một đứa con không được bú bầu sữa ngọt ngào từ lòng mẹ, thì em bé đó cũng chưa được hưởng tình mẫu tử trọn vẹn.

Có thể nói tình mẫu tử khởi đầu được xây đắp bên bầu sữa mẹ. Lòng mẹ là trường giáo dục đầu tiên của con trẻ. Khi em bé từ trong lòng mẹ bước ra một thế giới hoàn toàn xa lạ đối với nó, thử hỏi những ngày đầu tiên, còn có chỗ nào đáng tin cậy, đáng nương tựa vững chắc cho em hơn là hơi ấm của bầu sữa mẹ. Khi bé bú sữa, nó còn được nghe nhịp đập của trái tim mẹ mình, vì không phải ngẫu nhiên mà Tạo Hóa đã để cho hai bầu sữa nằm gần ngay bên trái tim của người phụ nữ.

Chính Thiên Chúa cũng đã nói lên tình thương của Ngài đối với chúng ta bằng hình ảnh người mẹ cho con mình bú sữa:

"Như một người được mẹ an ủi, Ta cũng vậy, Ta sẽ an ủi các con.

Các con sẽ được bú mớm, Các con sẽ được bế bên sườn. Ðược nâng niu trên đầu gối." (Is. 66,12-13).

Ðáng thương biết bao! Những em bé khi mới chào đời đã mất mẹ, hoặc bị mẹ bỏ rơi.

Tập Thói Quen Tốt
"Từ phút đầu hãy dạy cho trẻ thơ biết đường lối phải theo, cho đến tuổi già nó không lạc đường của nó." (Cn. 21,6)
Tại sao hôm nay khi mặc áo, chúng ta lại xỏ tay phải trước? Ðó là thói quen. Vậy đối với em bé, chúng ta không nên lý luận dài dòng, chúng chẳng hiểu gì. Hãy tập thói quen tốt cho chúng, như:

-       Ăn ngủ tiêu hóa đúng giờ.
-       Lớn lên một chút, độ trên hai tuổi, tự đánh răng rửa mặt, rửa tay trước khi ăn.
-       Tập làm dấu Thánh Giá một cách nghiêm chỉnh.
-       Cám ơn Chúa trước khi ăn, khi đi ngủ, và khi thức dậy.          
-       Tập chào hỏi, biết cám ơn, biết xin lỗi.
-       Trong gia đình luôn luôn sử dụng tiếng mẹ đẻ với con cái.

Những gia đình Việt đang ở Mỹ, đừng sợ con em mình không biết nói tiếng Anh. Khi đến tuổi đi học, các em sẽ phải học chung với trẻ em Mỹ. Hiện nay nhiều trẻ em Việt Nam nói tiếng Mỹ lưu loát hơn tiếng Việt. Một số ít cha mẹ đã không thấy đó là một mối lo, mà lại lấy làm hãnh diện về việc đó. Về sau mới thấy bất đồng ngôn ngữ là một trở ngại rất lớn cho việc giáo dục, cho tình liên kết trong gia đình và gia tộc, cho lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

* Tập cho em biết nói xin lỗi khi làm điều gì sai.
-       Tập cho em biết thương yêu anh chị em trong nhà, biết thương yêu giúp đỡ bạn bè.
-       Tập cho em biết ngăn nắp trật tự, chơi xong cất đồ chơi vào chỗ cũ.
-       Tập cho em biết tươi vui nét mặt khi nói chuyện, không nhăn mặt, không gay gắt, nhất là khi nói với cha mẹ.
-       Tập cho em biết qúy trọng môi trường, cây cối chim cá cỏ hoa v.v.

* Những điều nên tránh:
-       Cha mẹ chửi thề, cãi lộn trước mặt con cái.
-       Cha mẹ chỉ trích nói xấu người khác trước mặt con cái.
-       Cha mẹ ghét ai thì cũng bắt con cái phải ghét người đó.
-       Dụ khị em bé, hứa cho cái này, hứa làm cái kia rồi không giữ lời hứa. Việc này rất nguy hiểm, vì sau này em sẽ nghi ngờ lời hứa của cha mẹ.
-       Hù dọa em bé, như: ông kẹ bắt, con ma bắt, v.v.
-       Không nên để em bé gần vật dụng nguy hiểm như lửa, nước, thuốc uống, dao kéo, bao nilông v.v.
-       Không nên luôn nhậu nhẹt chè chén, say sưa trước mặt em bé.
-       Tuyệt đối không hút thuốc lá trong nhà, vì hơi khói thuốc lá, hại cho trẻ em hơn là cho chính người hút thuốc.
-       Không bao giờ sửa phạt em theo cơn nóng giận của mình. Khi em bé làm hư hỏng sai lỗi dù nặng nhẹ, nên bình tâm sửa chữa, nhẹ nhàng chỉ dạy.

Khi em bé đang lên cơn hờn dỗi đừng la mắng hoặc đánh đập, hoặc bắt phải im nín ngay, hoặc dằn vặt em, bắt phạt em qùi, hoặc phải khoanh tay phải xin lỗi tức thì. Như thế là đàn áp, ức hiếp, bắt nạt, cho thỏa cơn tức của mình, chớ không phải giáo dục. Cứ kiên nhẫn để em hờn dỗi bướng bỉnh, ít phút sau em sẽ dịu lại, trẻ em mau quên lắm. Lúc ấy sẽ nhẹ nhàng chỉ dẫn cho em, bắt em xin lỗi. Em sẽ tỉnh trí vâng nghe và tin tưởng yêu mến cha mẹ. Nếu chính người mẹ người cha không tự chế được sự nóng nảy bản thân thì làm sao mà đòi dạy dỗ con nhỏ.

Có chuyện xảy ra như thế này, ban đêm đứa con sáu tuổi khóc làm mất ngủ, người bố nóng giận xách con quăng từ trên giường xuống đất, đứa nhỏ bất tỉnh phải mang đi cấp cứu. Sau đó thằng bé luôn luôn sợ hãi.

Một anh chồng vì ghen với vợ, thấy đứa con gái 4 tuổi đang ngồi viết trên bàn, bèn ấn đầu con bé xuống mắng: "Mày lớn lên cũng giống con mẹ mày thôi". Chẳng may mắt em đụng vào cán cây viết em đang cầm, phải đem đi bệnh viện. Tội nghiệp con bé, lớn lên xinh ơi là xinh, nhưng bị hư một mắt.

Phương pháp giáo dục trẻ em có hai mặt: "Dạy và Dỗ", mà chúng ta thường nói tắt là: "Dạy Dỗ ". Cho nên có lúc phải dạy, và có lúc phải dỗ. Chỉ dạy mà không biết dỗ, sẽ thui chột lòng yêu mến của con cái. Chỉ dỗ mà không biết dạy, sẽ làm cho đứa trẻ trở nên hư đốn. Phép Giáo Nhi là thế.

Hãy xem, Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong cuộc đời mỗi người chúng ta, Ngài dỗ dành chờ đợi chúng ta nhiều hơn là răn dạy xử phạt. Nếu cứ mỗi lần tôi phạm tội là Chúa trừng phạt thì làm sao tôi còn sống yên ổn trên cõi nhân gian này. Suốt đời chúng ta, Chúa chỉ hàn gắn sửa chữa. Còn chúng ta thì suốt ngày chỉ soi mói hành hạ lẫn nhau, Ðối với người công giáo, cụ thể rõ ràng nhất của việc sửa chữa, hàn gắn, dạy dỗ của Thiên Chúa cho chúng ta, đó là các Bí tích. Nếu các bậc cha mẹ, các chủ chăn trong đạo có được tấm lòng yêu thương chịu đựng đích thực, (không phải như Chúa Giêsu) mà là của Thánh Tâm Chúa Giêsu, thì gia đình, xứ đạo sẽ là thiên đàng dưới thế.
-       Không nên cho em bé xem phim bạo hành hoặc phim hở hang.
-       Không nên cho em bé chơi những đồ chơi như gươm giáo, súng đạn.
-       Không nên cho em bé tham dự vào những cuộc karaoke của người lớn, rồi tập cho em nhảy nhót uốn éo theo các bài hát điệu múa tình tứ, mà lắm khi người lớn cũng thấy ngượng ngùng.
-       Không nên so sánh con cái mình với con cái người khác để khen em hoặc chê bai em, như vậy tập cho em tính kiêu ngạo tự tôn, hoặc làm cho em bị mặc cảm tự ti. Chúa đã ban cho con người chúng ta, mỗi cá nhân có một đặc tính khác nhau, không ai giống ai. Người có khuyết điểm này thì có ưu điểm kia. Phát huy ưu điểm của con cái và chỉ dẫn khuyết điểm để nó biết mà sửa chữa. Ðừng bắt con mình phải giống con người khác. Chẳng có con ai hoàn hảo trọn lành cả, chỉ có Ðức Kitô Con Thiên Chúa mới trọn lành trọn hảo mà thôi.
-       Ðừng thiên vị con trai con gái, đừng thương con này hơn con khác.
Trẻ em hay bắt chước những gì người lớn làm. Lòng trẻ em như tờ giấy trắng, nó sẽ “copy” tất cả những gì nó thấy được nơi người lớn. Người lớn ấy là cha mẹ, là anh chị trong gia đình, là cha, là sơ trong nhà thờ, là thầy cô giáo ở trường v.v. Nhưng trước hết và gần nhất là cha mẹ trong gia đình.

Cha mẹ tập thói quen cho con nhỏ nhưng đừng quên rằng em bé cũng có thể tự tập thói quen bằng mắt bằng tai của nó. Những điều nó nghe cha mẹ nói và thấy cha mẹ làm hàng ngày, cứ âm thầm in vào trí khôn nó. Những cách cư xử của cha mẹ trong gia đình, tùy gương sáng gương xấu, sẽ là những bài giáo dục tốt hoặc tồi đối với con cái.

Người cha buổi sáng đứng trước Thánh giá Chúa mà cầu nguyện trước khi đi làm. Người mẹ nhìn lên ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp than thở khi gia đình gặp cơn khốn khó. Ðó là những gương lành tuyệt vời, nhiều lần hơn những lời khuyên đạo đức lê thê. Và lời người bố chửi rủa người mẹ khi nóng giận, người mẹ nói lại những lời cay chua, là độc tố thấm vào tim vào óc con cái, thương tổn suốt đời, không thể chữa lành.
 
Gương Sáng, đừng Gương Xấu

"Từ phút đầu hãy dạy cho trẻ thơ biết đường lối phải theo,
cho đến tuổi già nó không lạc đường của nó." (Cn 21,6)

Các bậc phụ huynh đều đồng ý, việc tập thói quen cho em bé có hai mặt: Lời dạy và Gương sáng. Lời dạy một đàng, việc làm một nẻo là phản giáo dục. Ðừng nghĩ trẻ em còn nhỏ không biết gì. Một lần bất tín, vạn sự chẳng tin.

Trẻ em trong bào thai, dạy bằng cái Tâm của người mẹ. Trẻ nhỏ đã sinh ra, dạy bằng cái Tình của cha mẹ tương kính yêu thương nhau, rồi cùng nhau chăm sóc cho bé. Trẻ nhỏ từ hai tuổi trở lên cho đến tuổi vào đời, dạy bằng Gương sáng và Thói quen tốt của cha mẹ và anh chị trong gia đình.

Từ 6 tuổi đến tuổi vào đời

Nếu cha mẹ bỏ qua sáu năm đầu, buông thả theo ý con, không lưu ý giáo dục gì cả, đến năm bé sáu tuổi mới bắt đầu uốn nắn, thì thật là khó khăn. Bởi vì con chúng ta đã quen với nuông chiều, quen làm theo ý riêng của nó, vụng dở thì nhiều, khôn hay thì ít. Khi ấy muốn cho các em vâng lời ngay, sẽ không tránh được sự la mắng, đe dọa, thậm chí có thể đánh đập nữa.
Hơn nữa, ở tuổi này trở lên, con cái cũng bắt đầu bung dần ra khỏi vòng tay cha mẹ như: đi học, đi nhà thờ, đi chơi một mình quanh xóm. Ở những nơi đó, chúng sẽ gặp những em khác đủ lứa tuổi, tử tế cũng có, mà xấu cũng nhiều, chưa kể đến những hình ảnh em thấy trong sách, trong truyền hình, phim video, trong games, đầy bạo lực, hận thù, tình tứ, mánh khoé, dối gạt. 

Nhân ái và Nhẫn nại

Giáo dục con ở lứa tuổi này phải tinh tế, vì trí khôn trẻ em còn rất đơn giản, mà lại hay tò mò và thường bắt chước người lớn một cách vô thức vô tri. Cho nên nhiều khi những cử chỉ, việc làm của các em, theo cách nhìn của người lớn tuổi cho là có tội, nhưng đối với các em chẳng phải là tội đâu. Ðừng nên chỉ nhìn hiện tượng bên ngoài của trẻ rồi la lối để làm chúng nhát sợ. Ðừng dễ nổi nóng, tuyệt đối không nên mắng con là: "Ðồ qủi! Ðồ ngu! Ðồ mất dạy!" Vì con là bởi gốc cha mà ra. Mà cha thì bởi gốc Ðức Kitô Giêsu.
Sự ngu khôn ở đời, dù lứa tuổi nào cũng khó có tiêu chuẩn để định giá cho đúng. Chúng ta đã từng nghe có vị lớn tuổi tự trách khi trót làm điều lầm lỡ: "Thật mình già đầu mà còn dại".

Riêng về con nít nếu ta đánh giá bằng cách, "ăn của người là khôn, bị người ăn là ngu", để răn đe sửa dạy chúng, thì đó là cách giáo dục rất nguy hiểm. Chính quan niệm này đã làm cho một số con em học cách sống khôn ranh mánh khoé trước tuổi. Những em như thế khi trưởng thành dù ở địa vị nào trong xã hội, hoặc trong giáo hội, cũng chỉ sống tìm lợi cho bản thân, khó mà có lòng vị tha nhân ái với người khác.

(Nếu xét theo tiêu chuẩn khôn dại người đời: Khôn ăn người dại người ăn, thì thử hỏi ai dại bằng Ðức Giêsu? Ngài là một vị Thiên Chúa mà không ở lại trời cao đồng hàng đồng trị với Thiên Chúa, mà đem thân xuống đất, mặc lấy xác phàm, bị dèm pha chế diễu, bị kẻ khinh người ghét, rồi cuối cùng là cái chết, không phải trên giường như chúng ta, mà chết trên thập giá, Pl. 2,5-11. Chính cái điên dại của Ðức Giêsu, mà chúng ta và nhân loại mới có được tốt như ngày hôm nay. Cái điên dại đó là "TìnhYêu").

Trí dục, Ðức dục

Ðạt được phương cách giáo dục tốt, cho trẻ em xứng đáng một nhân vị để vào đời. thì phải có hai mặt song song: Trí dục và Ðức dục. Và chính các bậc cha mẹ phụ huynh, thầy cô, linh mục trên tòa giảng, nữ tu dạy giáo lý, cũng phải trang bị cho bản thân mình về hai mặt Trí và Ðức trước đã. Bởi vì mình có thì mới cho được người khác. Ðừng bao giờ giáo dục theo cách phản giáo dục: Hãy làm cái gì tôi nói, đừng làm cái gì tôi làm. Hơn nữa việc hệ trọng này đã được chính Ðức Giêsu Kitô cảnh giác trong Thánh Kinh:

"Ðức Giêsu nói: Ký lục và kinh sư ngự trên tòa Môsê, vậy mọi điều họ nói với anh em, anh em hãy giữ lấy, nhưng anh em đừng làm theo việc làm của họ. Vì họ nói mà không làm. Họ chất những gánh nặng đặt trên vai người ta, nhưng chính họ lại không đụng một ngón tay để lay thử xem nặng hay nhẹ". (Mt. 23, 1-4)

Tiểu chuẩn giáo dục của tín hữu.

Nhưng nếu xét cao hơn vì chúng ta là tín hữu, thì chúng ta đừng nên quên vấn đề quan yếu này, là phải giáo dục con em theo tiêu chuẩn của kẻ tin. Tiêu chuẩn ấy lấy từ mẫu gương Thập Giá Chúa Kitô, và dìm mình trong Thần Khí tình yêu của Ngài. Tiêu chuẩn ấy là không khoan nhượng với sự tội, sự xấu, nhưng thương yêu nhân ái, xót xa trước những lỡ dại, những sa ngã của con em và của người dưới. Nâng đỡ chúng trong khi vấp ngã. Hãy xem Chúa Kitô Giêsu, Ngài đã xử với chúng ta thế nào, khi chúng ta đã phạm những tội khủng khiếp. Khi chúng ta đã làm những điều bất nhân quái ác với đồng loại, đôi khi với cả vợ, cả chồng, với cả con cái chúng ta, và còn với cả chính bản thân nữa.

Sửa dạy công minh

Ðối với con cái, hãy sửa dạy. Nhưng sửa dạy công minh, chớ không công thẳng. Công minh là có tình người và không về hùa với sự xấu. Còn công thẳng thì không có tình người, mà trái lại, để tỏ uy quyền và thỏa mãn tự ái, còn chà đạp nhân phẩm người phạm lỗi nữa. Công thẳng, không biết xót thương người lỗi phạm, mà chỉ giữ mặt mũi cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho dòng họ mình, cho xứ đạo mình. Nhưng lắm khi cái mặt mũi ấy nó cũng tèm lem từ lâu rồi.

Tại một xứ đạo nọ, có một con gái mang thai, lên cha xin cho được kết hôn với người nó thương. Cha lững lờ không giải quyết vì nể ông bố cô gái là em họ ông trùm. Ông bố nói với cha: Nó đi đâu thì đi, để nó ở đây, mặt mũi nào mà chúng con dám nhìn bà con trong xứ. Lễ cưới của cô gái: cha lạ, không 1 bông hoa trên bàn thờ, không thấy mặt 1 người bên họ nhà gái.

Trước đây có một em gái (ở xứ đạo thuộc Ðà Nẵng, Việt Nam) vì mang thai không chồng, bị cha xứ bắt qùi ở cuối nhà thờ ngày lễ Chúa Nhật. Hình phạt sỉ nhục em như thế, mà ông cha xứ lại còn nói trên tòa giảng là để làm gương cho những em gái khác.

Trên đây chỉ là số rất ít trong những câu chuyện có thật. Xin một số cha mẹ, một số các cha, và nữ tu có nhiệm vụ giáo dục con em, mỗi lần răn dạy lỗi lầm mà các đấng cho là nặng hoặc cho là mất đức khiết tịnh, hãy nhớ lại câu chuyện Người Ðàn Bà Ngoại Tình Bị Bắt Qủa Tang, trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Và hãy học cách Ðức Giêsu đối xử với người đàn bà ấy như thế nào.

Khi con cái sai lỗi

Khi con cái sai lỗi, ngay cả lỗi nặng, đừng phản ứng theo bản năng, mà phải giáo dục theo lý trí. Cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn xem xét vấn đề tường tận, rồi nhẹ nhàng yêu thương chỉ dẫn. Ðừng bao giờ dạy con trong cơn nóng giận, lúc cha hoặc mẹ nóng giận, tự mình còn không kiềm chế được bản thân, làm sao mà giáo dục con cái. Dạy con lúc ấy là chỉ trút cơn nóng giận lên con cho hả mà thôi. Hậu qủa có thể gây ân hận suốt đời. Có một câu nói rất chí lý:  “Người nóng giận thì mở to cái lỗ miệng, nhưng lại nhắm chặt đôi mắt”. (An angry man opens his mouth and shuts up his eyes).

Riêng trẻ em bị đàn áp trong cơn nóng giận của người cha hoặc mẹ, chúng sẽ sợ hãi lắm. Lần sau nếu có sai lỗi, chúng sẽ chối bay chối biến những điều lỗi phạm chúng làm, không phải vì chúng gian dối, mà chỉ do qúa sợ hãi mà thôi.

Tâm hồn trẻ em là cả một không gian đầy ngỡ ngàng trước mọi thứ chúng gặp hàng ngày. Có rất nhiều điều chúng đang muốn tìm hiểu, có rất nhiều câu hỏi tại sao cần được người lớn trả lời. Nếu sự sợ hãi khiến chúng thu mình lại, làm sao dám thỏ thẻ với mẹ cha. Lỡ ra lại bị ăn chửi ăn đòn. Nhưng sau lưng khuất mắt cha mẹ, chúng sẽ hỏi bạn bè, và lúc ấy bọn trẻ ngu khờ lại giáo dục cho bọn trẻ ngu khờ, thế nhưng chúng lại rất thảnh thơi sống cái thế giới dại dột ngu khờ của chúng. Khi về nhà, trẻ em lại phải sống bằng bộ mặt khác: ngoan ngoãn, yên lặng, dạ vâng.

Nếu tình trạng này cứ kéo dài, em bé càng lớn sự xa cách với cha mẹ càng lớn, khi chuyện động trời xảy ra, cha mẹ biết được thì mọi sự đã xong rồi.
 
Những Tiêu Cực Ảnh Hưởng Giáo Dục

Có trẻ em mất dạy không?
  • Có không ít trẻ em được cha mẹ răn dạy rất tốt nhưng lại không nghe lời dạy, nên đã hư hỏng. Qua kinh nghiệm giáo dục, Việt Nam ta có câu nói: "Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư."
  • Có cũng không ít, cha mẹ chỉ chăm cho con ăn no mặc ấm, mà việc dạy dỗ thì lơ là, không răn bảo khi sai lỗi, không uốn nắn khi đường lối nó vạy vò.
  • Có rất nhiều gia đình vì hoàn cảnh khắc nghiệt, nên cha hoặc mẹ không thể nuôi dạy, đành phải để con cái tự lớn lên như một loài cây mọc nơi hoang dã.
  • Có cha hoặc mẹ vì lợi, nên yên lặng hoặc không ngăn cản con cái khi nó làm điều sai đạo nghĩa, sai luật Chúa, miễn là có tiền đem về nhà.
  • Có cha mẹ bênh con qúa đáng. Con làm điều trái, nhà trường, nhà thờ, hàng xóm khuyến cáo, nhưng vì tự ái, nên cứ bênh vực, không nhìn ra lỗi của con để mà sửa dạy.
  • Có người cha, lúc say sưa hoặc lúc nóng giận là lôi con ra dạy, lôi vợ ra đay nghiến. Còn lúc tỉnh, thì chuyện xấu gì của con cũng hể hả bỏ lơ.
  • Có người mẹ đi đâu cũng hết lời khoe con, cái gì của con cũng hay, cũng giỏi, cũng hơn người, mọi mặt đều hoàn hảo, không lầm không lỗi gì cả.
  • Có gia đình trống đánh xuôi kèn thổi ngược: bố dạy mẹ bênh, mẹ dạy bố bênh. Chuyện này thường xảy ra ở những vợ chồng có sự không hoà hợp tiền bạc, không hoà hợp gối chăn, hoặc vì người chồng có tật say sưa chè chén.
Vì thế

Xét về mặt tiêu cực thì bất cứ ở xã hội nào, cũng có những trẻ hư hỏng, mà chúng thường bị người ta gọi là những đứa trẻ mất dạy. Vậy thế nào là trẻ mất dạy? Nói một cách rất chung chung, ta có thể chia làm ba loại:

1- Những đứa trẻ không có người dạy.
2- Những đứa trẻ được dạy dỗ tốt mà không chịu nghe.
3- Những đứa trẻ được dạy dỗ không tốt. "Con ơi, nghe lấy lời cha, một đêm ăn trộm bằng 3 năm làm."

Truyền thống & Văn hóa

Cái thế giới của người lớn có những cái riêng của người lớn. Cái dĩ vãng của người lớn không phải là cái dĩ vãng cũa trẻ em. Cái kỷ niệm thơ ấu của người lớn đã có nơi quê nhà khác xa với kỷ niệm thơ ấu của trẻ thơ hôm nay tại nơi quê người. Nhất là giai đoạn hiện nay, mỗi quốc gia trên thế giới không còn là một ốc đảo nữa. Chưa kể những cuộc di dân tị nạn đã làm xáo trộn tất cả nền móng văn hoá, căn bản truyền thống, và ngôn ngữ của các dân tộc. Chính vì thế mà việc giáo dục hôm nay vô cùng phức tạp vô cùng khó khăn hơn trước bội phần. Trong hoàn cảnh như vậy, một đứa trẻ không am tường văn hóa, không thông hiểu truyền thống dân tộc, chưa hẳn là một đứa trẻ không tốt.

Lấy một ví dụ, trẻ em ở Mỹ, cách chào hỏi rất đơn giản, dù chào ông bà, cha mẹ, thầy cô, cũng không thưa không gửi, không khoanh tay cúi đầu, chỉ tươi nét mặt rồi: Hello, Hi, Good morning, v. v. Còn Việt Nam ta thì trên phải ra trên, dưới ra dưới, không thể cá mè một lứa, gặp bề trên mà cũng cứ nhe cái răng trắng ởn ra mà Hello, Hi, là vô phép.

Có một thằng nhỏ tám tuổi tên David Nguyễn, theo mẹ về Việt Nam thăm bà ngoại. Trước khi đi, mẹ nó phải mở một lớp cấp tốc chào hỏi: Con chào ngoại ạ, Con chào ông chú ạ, v.v. Thằng nhỏ được đi du lịch thì học tập phấn khởi lắm. Hai tháng sau, khi về lại Mỹ, má nó nói nó sút đi mất 3 pounds, vì không quen ăn đồ Việt Nam mỗi ngày. Và nó nói không muốn đi Việt Nam nữa, bởi vì ngoài mấy câu chào cô bác dì dượng, là thằng nhỏ hết vốn tiếng Việt. Còn bạn bè cùng lứa tuổi thì không thân thiện gì cả, chỉ thích xem nó chứ không chơi với nó. Nó thích đi Hawaii hơn.

Tuy thế, bổn phận giáo dục vẫn là của cha mẹ. Dù khó khăn cách mấy, cũng không thể buông xuôi hoặc trao phó hoàn toàn cho xã hội, cho nhà trường.

Có mẫu số chung của giáo dục không?

Việc giáo dục con cái là một trận đồ vô cùng phức tạp. Bởi vì, vợ chồng là một xương một thịt, nhưng mỗi đứa con tuy là máu thịt của mẹ cha, nhưng lại là nhân vị độc lập với cha mẹ. Nó có thế giới tâm linh riêng của nó, cho nên việc giáo dục rất tế nhị công phu. Ở đây chúng ta chỉ nói đến việc giáo dục theo đạo đức nhân bản, không nói đến nếp sống theo truyền thống văn hoá dân tộc. Nhưng cho dù nói về mặt nào chăng nữa, vẫn phải có mẫu số chung cho việc giáo dục. Mẫu số chung đó là: Làm tốt tránh xấu. Làm lành lánh dữ. Với mẫu số này con em chúng ta dù ở môi trường sinh hoạt nào chúng vẫn có thể thực hành được.

Có ngôn ngữ chung của giáo dục không?

Tất cả sự lễ phép, hiếu thảo, ghét sự xấu, thích sự lành, đều phát xuất từ lòng nhân ái. Khi lòng nhân ái (thứ thiệt) có, thì sự tốt sự thiện đã bắt đầu, và dễ san bằng mọi ngăn cách về ngôn ngữ và tuổi tác.

Lòng Nhân Ái là ngôn ngữ chung của Giáo dục. Một nụ cười tươi, một cái nhìn thân thiện, là tiếng nói của tình người. Tiếng nói ấy, Ðen Trắng Nâu Vàng gì cũng hiểu hết, xa có thể kéo lại gần, gần lại gần hơn. Khi lòng nhân ái được thể hiện giữa cha mẹ anh chị em trong gia đình thì còn tuyệt vời biết bao. Con cái hư hỏng thế nào cũng sẽ được sửa đổi.

Lòng Nhân Ái xuất phát từ Thiên Chúa trong Ðức Kitô Giêsu, không xuất phát từ đạo đức con người, đạo đức con người ở đây ám chỉ về thứ đạo đức nhà thờ sáng lễ chiều chầu, chăm chỉ kinh hạt. Cha nhà thờ cần thì hăng say năng nổ, nhưng cha già mẹ yếu nhà mình thì không phụng dưỡng. Chồng vợ không tương kính. Ðối với con cái thì khó khăn. Với xóm giềng thì bất hòa. Chốn chợ búa thì bon chen giành giựt. Nhưng gặp ai lại cứ thích khuyên đạo đức.

Ai được ơn mến Chúa thật lòng thì mới biết sống nhân ái. Yêu mến không phải giữ lề luật từng ly từng tí. Luật lệ lễ nghi quá nhiều, chỉ là dựng nên những tường ngăn vách chắn con người với Chúa. Yêu là mở ngỏ con tim cho Giêsu.

Muốn có được lòng nhân ái đích thật, thì cha mẹ phải tìm đến Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô, Thánh Tâm của Chúa Giêsu sẽ ban cho cha mẹ lòng yêu mến của Ngài, để trước hết hoán đổi chính mình, và sau đó biết cách giáo dục con cái theo đường lối của Chúa và Hội thánh. Con cái chúng ta có nên thân nên người, không do đạo đức của chúng ta, mà do lòng mến của Chúa Giêsu đổ xuống lòng ta nhờ Thánh Thần. (Rm 5,5). Kinh nghiệm thực tế cho thấy ngoài Chúa Giêsu chẳng có sự gì tốt, chẳng có ai tốt cả; (Rm 3, 9b-11) Thiếu gì em giám mục, cháu cha, chị ma sơ làm gương mù gương xấu. Chưa nói đến những gương xấu qúa lớn do một số giáo sĩ tu sĩ công giáo ở nhiều nơi gây ra.

Cha và Sơ

Ðức Giêsu nói: Ta đã biết: "Lòng yêu mến Thiên Chúa, các ngươi không có nơi mình các ngươi." (Yn 5: 42)

Ngoài số đông linh mục rất đáng kính, vẫn còn có số ít linh mục sống ngược với giáo huấn của Chúa Giêsu, lên toà giảng nói thì hay lắm, mà việc làm của họ thì chẳng có gì hay ho cả. Và cũng có một số nữ tu chẳng có kinh nghiệm gì mà chỉ thích dạy dỗ người khác. Những vị này, gặp ai lớn nhỏ gì cũng xưng cha xưng sơ, giữa họ với nhau, thì thiếu lòng yêu thương bác ái, đối xử với giáo dân thì kiêu căng ngạo mạn, còn với trẻ em thì không có từ tâm của hiền mẫu. Bởi vì từ nhỏ họ chỉ biết tu đức có lợi cho mình, không biết tu thân để sống nhân bản với người. Những người này luôn có thái độ tự tôn, cho mình là giới đi dạy dỗ kẻ khác, không cần lễ độ với ai. Lòng nhân ái họ nếu có với người khác, có chăng chỉ là ơn mưa móc kiểu cha chú ở trên cúi xuống.

Chính những thái độ ấu trĩ này là một trở ngại lớn cho việc giáo dục, khi chúng ta trao con em vào tay những người như thế để họ dạy dỗ, chúng ta không yên lòng chút nào.

Giáo dục gia đình và Giáo huấn Hội thánh

Trong lòng tin vào Chúa Giêsu, khi chúng ta đã lo cho con cái mình hết sức rồi thì hãy đem mọi sự đặt trong tình thương của Thánh Tâm Chúa. Có người cho rằng như thế thì đạo đức quá. Sự thực đạo đức của con người và lòng mến của Thiên Chúa khác nhau rất xa. Nhiều gia đình đạo đức, hoặc có địa vị trong xứ đạo, đã cư xử tàn nhẫn với con cái khi chúng bị lỡ lầm, không chăm lo săn sóc gì cả, mà vì sợ mất mặt, mất danh giá của gia đình nên thảy bỏ chúng, loại chúng ra khỏi, mà không hề áy náy. Trong lòng mến của Chúa thì không xử sự như vậy.

Hãy học cùng Ta, (Mt 11:29)

Tôi, một kẻ tin Chúa Giêsu, thì tôi phải học nơi Chúa Giêsu, cậy nhờ vào Chúa Giêsu, và luôn tha thiết cầu nguyện. Khi gặp khó khăn về giáo dục, Chúa Giêsu sẽ ban ánh sáng chiếu rọi, để hướng dẫn cho tôi đi gặp ai, giải quyết cách nào, và bình an của Chúa sẽ ngự trị trong tâm hồn. Sống như thế không phải là đạo đức, mà là sống Ðức Tin. Cái đó khó vô cùng, phải nhờ sức Thần Khí, nhưng lại hiệu nghiệm vô cùng.

Tín thác vào Chúa Giêsu, cầu nguyện khẩn thiết khi gặp khó khăn, cha mẹ sẽ biết giáo dục con cái, vợ chồng sẽ biết yêu nhau, giáo dân sẽ biết vâng phục giáo huấn của Hội thánh, và biết kính yêu các đấng làm thầy đúng theo Ý của Chúa Giêsu muốn, không phải theo ý linh mục muốn.

Ðối với sức con người, cho dù giáo dục hay giỏi thế nào, cho dù sư phạm tuyệt vời thế nào, cũng chỉ đạt tới mức tương đối, bởi vì con người là tương đối, sức lực và trí tri con người là tương đối, mà sức mạnh sự xấu sự dữ lại không dừng ở mức tương đối. Cho nên phải cậy nhờ sức mạnh tuyệt đối của tình yêu Chúa Giêsu, Ðấng phục sinh.

Tất cả giáo huấn của Hội thánh cũng chỉ quy về ba điều: Nhờ Chúa Giêsu - Với Chúa Giêsu - Trong Chúa Giêsu. Bởi vì:

Việc giáo dục một Kitô hữu, không chỉ ở mức tốt của luân lý, mà phải đạt tới mức "trọn lành, như Cha anh em trên trời là Ðấng trọn lành" (Mt 5:48). Giáo dục tới mức như thế, thật sự không còn là sức người. Chỉ còn cậy nhờ sức Trời mà thôi.

Vũ Hồng


Bảy kỹ năng sống tuyệt vời có được khi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em (26/4/2024)

Từ Hồi giáo đến với Đức ki tô: việc cải đạo đã đưa đến bí tích thánh thể (23/4/2024)

2024: Năm Đức Mẹ ban tràn đầy hy vọng (5/2/2024)

ĐGM Barron: Tuyên ngôn mới của Vatican khẳng định giáo huấn vượt thời gian của Giáo hội về hôn nhân (26/12/2023)

Phụ Huynh của Tuổi Teen (27/11/2023)

Sức mạnh của từ ngữ (10/11/2023)

Sáu tội mà người tín hữu Kitô không còn phân biệt được (27/10/2023)

Trẻ cảm thấy thế nào khi cha mẹ cãi nhau? (19/10/2023)

Trẻ em cảm thấy thế nào khi chúng ta than phiền về chúng ngay trước mặt chúng (15/9/2023)

Giáo dục: Chuyện của con tim (31/8/2023)

Trách nhiệm giáo dục thuộc về ai? (11/11/2010)

Cùng bàn 'Chuyện khó nói' (11/11/2010)

Bệnh sợ đi học (11/11/2010)

Đầu năm học, suy nghĩ về Đức Tin Trong Hành Trình Giáo Dục (11/11/2010)

Quý trọng thân thể mình (11/11/2010)

Văn hóa tham quan (11/11/2010)

10 điều tuổi trẻ thường lãng phí (11/11/2010)

Tuyên ngôn giữ gìn khiết tịnh trước hôn nhân (11/11/2010)

Sống chung với... đồng nghiệp khó tính (11/11/2010)

Viết thư: Một thói quen tốt - Đừng đánh mất (11/11/2010)
 Các tin khác:  1   2   3   4   5   Trang kế  Trang cuối
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn