Vài phút thinh lặng
Chúa Nhật XV THƯỜNG NIÊN - Năm C
Sách luật Do Thái giáo
Nền tảng của luật và các truyền thống trong Do Thái giáo là sách Torah, còn gọi chung là Luật Môi-sê. Có tất cả 613 điều trong sách luật này. Trong đó, một số điều chỉ được áp dụng cho nam giới hoặc nữ giới, một số điều chỉ dành cho các thầy tư tế và thầy Lêvi, một số điều dành riêng cho nông dân trong vùng đất Israel. Nhiều điều luật chỉ được áp dụng khi Đền thờ Giêrusalem còn tồn tại, và ngày nay người ta chỉ phải tuân theo chưa tới 300 điều trong sách này.
613 điều răn bao gồm "điều răn tích cực", tức là các yêu cầu thực hiện, và "điều răn tiêu cực", là những điều cấm đoán. Có 365 điều răn tiêu cực, là số ngày của một năm. Có 248 điều răn tích cực, đại diện cho 248 mẩu xương trong cơ thể con người (Babylonian Talmud, Makkot 23b-24a). Các điều răn tiêu cực được áp dụng theo nguyên tắc "thà chết chứ không vi phạm", thuộc về ba thể loại là giết người, thờ ngẫu tượng, và các hành vi tình dục bị cấm.
Sách Torah (Ngũ Thư) là một phần trong 24 cuốn trong bộ quy điển Kinh Thánh Do Thái giáo.
Đọc sách Torah là một trong những cách sống đạo hàng ngày của tín đồ Do Thái giáo.
***
Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm nghiệp?"
Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? " Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống." (Lc. 10,25-28)
Yêu Chúa và yêu người thân cận như chính mình là giới răn trọng nhất, là lý tưởng cuộc đời, là quyết định của cả tâm trí.
Thiên Chúa đã đặt tình yêu lên hàng đầu vì “đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời” (1 Ga. 4,16); vì đó là chứng từ để “mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy” (Ga. 13,35).
Yêu thương không dễ chút nào vì nó ngược với bản tính tự quy của con người, nhưng sống mà không yêu thương thì không đáng sống, không ích gì (1Cr,13,3). Vì thế, trọng tâm cuộc đời là học biết kính mến Chúa và tập sống yêu thương tha nhân. Và chắc hẳn tình yêu là điều mà mỗi người chúng ta sẽ bị Thiên Chúa chất vấn trong ngày sau hết (Mt 25,40).
Người ta bảo biểu hiện của tình yêu là dành thời giờ cho nhau. Một ngày sống, tôi dành cho Chúa được bao nhiêu phút?
Yêu Chúa và yêu người không phải là điều mù mờ, không thể thực hiện. Tôi đã dùng ân huệ Chúa ban, khả năng, của cải, tiền bạc như thế nào để thể hiện lòng yêu Chúa yêu người của tôi? (1Ga. 3,18)
Hãy dành vài phút thinh lặng với Chúa.
Jos. Nguyễn Hùng Cường |