Vài phút thinh lặng
Chúa Nhật XIII THƯỜNG NIÊN - Năm C
Thành cổ Giêrusalem
Giêrusalem là một thành phố cổ thuộc vùng Cận Đông nằm trên đỉnh của một cao nguyên ở độ cao 650 - 840m, bao gồm thành phố mới và thành phố cổ. Theo tư liệu cổ Ai Cập, Giêrusalem đã có cư dân ở từ 3.000 năm trước CN.
Thành cổ Giêrusalem, một công trình nguy nga xây cất ròng rã 46 năm, nằm ở phía Đông thủ đô Tel Aviv của Israel ngày nay. Thành cổ do vua Đavít thành lập và con ông, vua Salomon đã cho kiến thiết một Đền thờ nhưng Đền thờ này đã hai lần bị phá huỷ và bị người Roma bình địa năm 70 sau CN.
Thành cổ Giêrusalem có diện tích 1km2, có 11 cổng nhưng hiện nay chỉ mở 7 cổng. Cổng chính dẫn vào thành cổ Giêrusalem là cổng Jaffa, được xây dựng năm 1538 - trong tiếng Ả-rập có nghĩa là “yêu quý” để chỉ Abraham - một vị tổ phụ của dân Do Thái được chôn cất ở Hebron.
Giêrusalem được xem là thành phố thiêng liêng của ba tôn giáo lớn trên thế giới:
Với Do Thái giáo, Giêrusalem là nơi Đavít lập thành đô.
Với Kitô giáo, Giêrusalem là nơi xảy ra nhiều sự kiện cuối đời của Chúa Giêsu.
Với Hồi giáo, Giêrusalem, là thánh địa quan trọng của họ sau Mecca và Medina.
Giêrusalem ngày nay tồn tại 2 phần: Tây Giêrusalem, với cư dân chủ yếu là người Do Thái và Đông Giêrusalem, cư dân chủ yếu là cộng đồng người Ả-rập thuộc Palestin.
Thành cổ Giêrusalem nằm ở Đông Giêrusalem, do người Israel kiểm soát từ năm 1967, nhưng quyền quản lý này không được Liên Hiệp Quốc và một số quốc gia công nhận. Thành cổ này được đề cử vào danh sách Di sản thế giới năm 1981.
***
“Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem…
Thầy trò còn đang đi trên đường, thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo". Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu".
Ðức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi !" Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã". Ðức Giêsu bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Ðại Thiên Chúa".
Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã". Ðức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa". (Lc 9,57-62)
Cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu vỏn vẹn chưa đầy 3 năm, trải dài từ Bắc xuống Nam quê hương Ngài. Sự hiện diện của Ngài, lúc được đón nhận tung hô, khi bị khinh khi, lúc bị họ hàng mắng nhiếc khùng điên… Lời giảng của Ngài nhiều kẻ nghe nhưng cũng lắm bè chống đối...
Thuận buồm hay nghiệt ngã, lòng Ngài không sờn, kiên định với đường mình chọn theo ý Cha. Mục tiêu duy nhất là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Ngài kêu gọi và xây dựng đội ngũ kế thừa để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Bằng nhiều phương pháp như kể chuyện, giảng giải, sử dụng dụ ngôn mong Tin Mừng thấm đậm lòng người. Và khi cần, Ngài rất cương nghị, dứt khoát, cảnh báo đến chói tai.
Đoạn Tin Mừng trên, Thánh sử Luca nói đến 3 con người đã tiếp cận với Ngài, không danh tánh, địa chỉ - như thể đại diện cho bao nhiêu trường hợp khác - nhưng câu chuyện đối đáp khá rõ ràng, nhằm nói lên yêu cầu cụ thể, mãnh liệt Chúa muốn người theo Chúa phải đáp trả:
Sẵn sàng không trả giá!
Chọn lựa và đặt đúng bậc thang giá trị.
Tin tưởng Chúa sẽ chăm lo cho mình hơn mình lo.
Cuộc sống của tôi: làm đẹp lòng Chúa hay nhằm làm bằng lòng tất cả mọi người?
Nghịch lý của Tin Mừng - Rào cản nào lớn không cho tôi tiến bước sống theo đường lối Chúa?
Hãy dành vài phút thinh lặng với Chúa.
Jos. Nguyễn Hùng Cường |