Vài phút thinh lặng
Chúa Nhật XII Thường Niên - Năm C
Đấng Messiah – Đấng Kitô
Chữ Messiah (מָשִׁיחַ – Māšîaḥ) nguyên nghĩa trong tiếng Hi-bá là “được xức dầu.” Chữ này thường được người Do Thái dùng để chỉ về một “người được xức dầu” và cũng được dùng để chỉ về “vật được xức dầu”. Danh hiệu này còn được người Do Thái dùng với một ý nghĩa đặc biệt khác để gọi Đấng Cứu Thế mà người Do Thái đang trông chờ – Đấng Cứu Thế đó là Đấng Messiah. Kitô giáo tin nhân rằng Đấng Messiah được tiên báo trong Cựu Ước chính là Đức Giêsu Kitô.
Danh hiệu Messiah được viết trong tiếng Aram – ngôn ngữ phổ biến tại vùng Gallile vào đương thời Đức Đức Giêsu Kitô – là ܡܫܝܚܐ (M’shiha). Dựa vào ngữ căn Hi-bá và Aram, danh hiệu này đã được viết trong tiếng Anh là Messiah. Tiếng Việt thường viết là Mêsia.
Chữ Māšîaḥ, hay M’shiha, đã được dịch sang tiếng Hy-Lạp là Χριστός (Christós). Xuất phát từ chữ Christós trong nguyên văn Hy-Lạp, danh hiệu này được viết trong tiếng La-tinh là Christus, và trong tiếng Anh là Christ. Trong các bản dịch Kinh Thánh Việt Nam hiện nay, danh hiệu này được viết dựa theo phiên âm trong tiếng Hy Lạp là Kitô.
“Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình… Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."
Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. (Lc. 9,18-24)
Qua bản văn Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, chúng ta ghi nhận 3 thái độ căn bản của người bước chân theo Chúa trong mọi thời đại:
- Nhận diện và xác định: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.Không phải là ai khác, cũng không lẫn lộn với ai. Ngài không phải là một siêu sao, không phải là nhà lãnh đạo tôn giáo, cũng không phải là một vị thánh hiền dạy đạo đức, càng không phải là một nhà hoạt động chính trị. Dĩ nhiên càng không phải là kẻ nợ (để cứ gặp là kêu là đòi), cũng chẳng phải quan tòa để phân xử giận hờn…
- Chọn lựa và dấn thân: Trước sự chờ mong của dân chúng, Ngài sẽ trở thành một vị vua hùng cường, giải phóng họ khỏi ách đô hộ của Rô-ma. Họ bàng hoàng ngạc nhiên thất vọng khi nghe Ngài tuyên bố: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy".
Chúng ta một khi biết Ngài là ai, điều cần là tin nhận và bước theo Ngài, không lo sợ, không quan trọng ở những gì sẽ xảy đến đàng sau. Theo Ngài là một chọn lựa quyết tuyển để dấn thân.
- Chấp nhận những đòi hỏi: Khá rõ để chúng ta biết phải làm gì khi theo Chúa: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.
Nếu việc từ bỏ chính mình, được hiểu là chọn một thái độ sống không lấy mình làm trung tâm. Tôi thế nào…?
Vác thập giá có nghĩa là bắt chước Đức Giêsu dám sống chết vì Tin Mừng. Đơn sơ tôi có dám chấp nhận các khó khăn, thiệt thòi, mất mát của một ngày sống…?
Không thể gặt khi không gieo. Không thể nhận khi không cho. Đó là định luật tất yếu.
Tiến trình này thật thách đố chúng ta. Một tiến trình mà Chúa tuyên bố sau khi cầu nguyện.
Tôi đang ở tình trạng nào trong tiến trình hay thậm chí xa lạ với tiến trình này?
Tôi có tin: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”?
Hãy dành vài phút thinh lặng với Chúa.
Jos. Nguyễn Hùng Cường |