Vài phút thinh lặng
Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C
Cuộc Thương Khó theo Thánh Luca
Chúa Nhật Lễ Lá năm nay, đọc bài Thương Khó theo Thánh Luca.
Trong Tin Mừng của Thánh Luca, thánh sử nhấn mạnh đến tương quan giữa Chúa Giêsu và những người khác, và miêu tả lòng nhân từ, yêu thương của Chúa. Theo Thánh Luca, để biết một người thì phải yêu người đó. Điều này rất rõ ràng trong trình thuật cuộc khổ nạn. Thí dụ, chỉ có Thánh Luca mới nói đến những điều sau đây:
· Sau khi một trong những tông đồ chém đứt tai người đầy tớ của thầy thượng phẩm, Chúa Giêsu đã dừng lại và chữa lành cho anh ta ngay lúc đó.
· Sau khi chối Chúa ba lần, Thánh Phêrô buồn và khóc. Theo Thánh Luca diễn tả, sự việc này xảy ra vì “Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô”.
· Trên đường vác thánh giá, Chúa Giêsu dừng lại nói chuyện với những người phụ nữ đi theo Ngài than khóc.
· Khi bị treo trên Thánh Giá, Chúa Giêsu tha thứ cho những người hành hình mình.
· Một trong hai tội nhân chịu khổ hình cạnh Chúa Giêsu, gọi đích danh Ngài (không danh xưng – duy nhất trong các Phúc Âm): “Giêsu, khi về nước của Người hãy nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu trả lời: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên Thiên Đàng”.
***
“Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng:42 "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha."43 Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người.44 Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22,41-44)
Chúa Giêsu có sợ chết không?
Vâng, có và không.
Ở mức độ cảm xúc và suy nghĩ và những chất có trong cơ thể làm cho ta sợ… có.
Với niềm tin… không. Chúa Giêsu rất gần gũi và có một niềm tin tưởng mạnh mẽ nơi Thiên Chúa là Cha.
Vấn đề là, niềm tin không thể loại bỏ những cảm xúc và suy nghĩ, nên có thể nói rằng, “Bạn không thể chắc chắn được”.
Chúa Giêsu có sợ chết không? Có và không.
Theo Thánh Luca mô tả, có một sứ thần – biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa trong Kinh Thánh – đến giúp Chúa Giêsu trong giờ đó.
Khởi đầu Tin Mừng Thánh Luca, cũng có một sứ thần nói với Mẹ Maria “Đừng sợ” sau lời chào Mẹ. Và bây giờ kết thúc Tin Mừng Thánh Luca, lại có một sứ thần.
Ở đây, Thánh Luca không đặt trên môi sứ thần một lời nào, nhưng ông cho thấy rõ mục đích sự hiện diện của sứ thần. Đó là “nâng đỡ Chúa”.
Chúa Giêsu có sợ chết không? Có và không. Nhưng cuối cùng, Ngài đã đón nhận “cái chết hoàn toàn tự hiến”.
Cái chết thật bất ngờ, cách nào, lúc nào, tôi không thể biết.
Tôi có sợ chết không? Tôi cần sứ thần nào (Chúa gửi đến) để giúp tôi sẵn sàng đón nhận cái chết của chính mình?
Dành vài phút thinh lặng với Chúa.
Jos. Nguyễn Hùng Cường |