Người dùng thực phẩm bổ sung cần biết 6 lưu ý này
Xu hướng sử dụng thực phẩm bổ sung để duy trì và cải thiện sức khỏe đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, ít người biết dùng sản phẩm đúng cách để đạt hiệu quả tốt nhất.
1. Thực phẩm bổ sung có những dạng nào?
1. Thực phẩm bổ sung có những dạng nào?
2. Tác dụng của thực phẩm bổ sung đối với sức khỏe
3. Những rủi ro có thể xảy ra khi dùng thực phẩm bổ sung
4. Sử dụng nhiều có tốt không?
5. Cần thận trọng khi dùng
6. Những điều cần ghi nhớ trước khi sử dụng thực phẩm bổ sung
Thực phẩm bổ sung là sản phẩm nhằm mục đích bổ sung cho chế độ ăn uống. Thực phẩm bổ sung không phải là thuốc và không nhằm mục đích điều trị, chẩn đoán, giảm nhẹ, phòng ngừa hoặc chữa khỏi bệnh.
Nhãn thực phẩm bổ sung có thể bao gồm một số loại tuyên bố liên quan đến sức khỏe. Ví dụ các nhà sản xuất được phép tuyên bố rằng thực phẩm bổ sung giúp tăng cường sức khỏe hoặc hỗ trợ một bộ phận hoặc chức năng của cơ thể (như sức khỏe tim mạch hoặc hệ thống miễn dịch).
Thực phẩm bổ sung có nhiều dạng khác nhau, bao gồm viên nén, viên nang, kẹo, bột, đồ uống thanh năng lượng...
Các chất bổ sung phổ biến bao gồm vitamin D, B12; khoáng chất như canxi và sắt; các loại thảo mộc như echinacea (cúc tím) và tỏi; các sản phẩm như glucosamine, men vi sinh, dầu cá...
Các sản phẩm được bán dưới dạng thực phẩm bổ sung có nhãn thông tin bổ sung liệt kê các thành phần hoạt tính, số lượng trên mỗi khẩu phần (liều lượng) cũng như các thành phần khác, ví dụ như chất độn, chất kết dính và hương liệu…
Thực phẩm bổ sung có thể giúp duy trì hoặc cải thiện sức khỏe.
2. Tác dụng của thực phẩm bổ sung đối với sức khỏe
Một số chất bổ sung chế độ ăn uống có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp kiểm soát một số tình trạng sức khỏe. Cụ thể như:
Canxi và vitamin D giúp xương chắc khỏe và giảm tình trạng mất xương.
Acid folic làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh. Acid béo omega-3 từ dầu cá có thể có lợi cho một số người mắc bệnh tim.
Sự kết hợp của vitamin C và E, kẽm, đồng, lutein và zeaxathin (được gọi là công thức AREDS) có thể làm chậm quá trình mất thị lực ở những người bị thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD).
Ngoài ra, có nhiều chất bổ sung khác cần được nghiên cứu thêm để xác định giá trị. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thực phẩm bổ sung cần được xác định có hiệu quả hay không trước khi chúng được đưa ra thị trường.
FDA đã thiết lập các quy trình thực hành sản xuất tốt (GMP) mà các công ty phải tuân theo để giúp đảm bảo danh tính, độ tinh khiết, hàm lượng và thành phần của thực phẩm bổ sung. Các GMP này có thể ngăn chặn việc thêm sai thành phần (hoặc quá nhiều hoặc quá ít thành phần tiêu chuẩn) và giảm nguy cơ nhiễm bẩn hoặc đóng gói và dán nhãn sản phẩm không đúng cách.
3. Những rủi ro có thể xảy ra khi dùng thực phẩm bổ sung
Hãy lưu ý thuật ngữ "tự nhiên" không phải lúc nào cũng có nghĩa là an toàn. Một số sản phẩm thực vật hoàn toàn tự nhiên, chẳng hạn như comfrey (cây liên mộc) và kava (rễ cây bụi), có thể gây hại cho gan. Sự an toàn của thực phẩm bổ sung phụ thuộc vào nhiều thứ, ví dụ như thành phần hóa học, cách thức hoạt động trong cơ thể, cách chế biến và lượng sử dụng.
Nhiều chất bổ sung có chứa các hoạt chất có thể có tác dụng mạnh trong cơ thể. Do đó, người sử dụng nên thận trọng và cảnh giác với khả năng xảy ra phản ứng xấu, đặc biệt là khi dùng sản phẩm mới.
Chúng ta có nhiều khả năng gặp tác dụng phụ từ thực phẩm bổ sung nếu dùng liều cao thay vì dùng thuốc được kê đơn hoặc dùng nhiều loại thực phẩm bổ sung khác nhau. Một số chất bổ sung có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc nếu dùng trước khi phẫu thuật có thể thay đổi phản ứng của cơ thể với thuốc mê.
Các chất bổ sung cũng có thể tương tác với một số loại thuốc có thể gây ra nhiều vấn đề. Ví dụ như:
- Vitamin K có thể làm giảm khả năng ngăn ngừa đông máu của warfarin.
- Các chất bổ sung chống oxy hóa như vitamin C và E, có thể làm giảm hiệu quả của một số loại hóa trị ung thư.
4. Sử dụng nhiều có tốt không?
Các nhà sản xuất có thể thêm vitamin, khoáng chất và các thành phần bổ sung khác vào thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là ngũ cốc ăn sáng và đồ uống. Trong trường hợp này, bạn có thể nạp vào cơ thể các thành phần này nhiều hơn và chưa chắc đã tốt hơn. Thậm chí dùng nhiều hơn mức cơ thể cần sẽ tốn nhiều tiền hơn và cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ.
Ví dụ, bổ sung quá nhiều vitamin A có thể gây triệu chứng đau đầu và tổn thương gan, giảm sức mạnh của xương và gây dị tật bẩm sinh. Thừa sắt gây buồn nôn, nôn mửa, có thể làm tổn thương gan và các cơ quan khác.
5. Cần thận trọng khi dùng
Hãy thận trọng khi dùng thực phẩm bổ sung, ngoài thực phẩm bổ sung tiêu chuẩn cho phụ nữ mang thai trước khi sinh, nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Ngoài ra, cha mẹ cần cẩn thận khi cho trẻ uống chất bổ sung, trừ khi được các bác sĩ khuyến nghị. Vì nhiều chất bổ sung chưa được kiểm tra kỹ về độ an toàn ở trẻ em và những người đang mang thai hoặc cho con bú.
Trong trường hợp phát hiện thấy mình có phản ứng xấu với thực phẩm bổ sung, nên ngừng sử dụng và báo cho cơ quan chăm sóc sức khỏe hoặc cơ quan quản lý về thực phẩm và dược phẩm. Đồng thời, bạn cũng nên báo cáo phản ứng của mình với nhà sản xuất bằng cách sử dụng thông tin liên hệ trên nhãn sản phẩm.
6. Những điều cần ghi nhớ trước khi sử dụng thực phẩm bổ sung
- Một số chất bổ sung chế độ ăn uống có thể giúp bạn có đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết nếu bạn không ăn đầy đủ và cân bằng các loại thực phẩm bổ dưỡng. Tuy nhiên, thực phẩm bổ sung không thể thay thế được các loại thực phẩm quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh.
- Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng về bất kỳ thực phẩm bổ sung dinh dưỡng nào bạn đang dùng để được tư vấn sử dụng các sản phẩm phù hợp, đúng cách, an toàn và hiệu quả.
- Nên ghi chép đầy đủ về các loại thuốc và thực phẩm bổ sung bạn đang dùng tại nhà. Đối với mỗi sản phẩm, hãy ghi lại tên, liều lượng, tần suất dùng và lý do sử dụng. Bạn nên chia sẻ thông tin này cho bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn được chất bổ sung tốt nhất cho sức khỏe của mình.
Vân Anh (theo National Institutes of Health)
(SKĐS)
|