8 mẹo kiểm soát đường huyết khi ăn đồ ngọt
Người tiểu đường có thể ăn đồ ngọt với lượng vừa phải, ưu tiên trái cây, đếm tổng lượng carb hàng ngày… để tránh tăng vọt đường huyết.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, cơ thể sẽ phân hủy carbohydrate (đường, tinh bột) ăn vào thành glucose, làm tăng nồng độ đường trong máu. Insulin đưa đường từ máu vào tế bào, sử dụng để tạo năng lượng nhằm điều chỉnh đường huyết cân bằng.
Do cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả nên người bệnh tiểu đường type 2 phải hạn chế đường, tinh bột. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể ăn đồ ngọt với lượng vừa phải và có biện pháp quản lý lượng đường trong máu. Dưới đây là một số gợi ý cho người tiểu đường thưởng thức đồ ngọt.
Thỉnh thoảng ăn đồ ngọt
Kiêng đồ ăn vặt, đồ ngọt có thể gây tác dụng ngược, khiến người tiểu đường thèm những món này nhiều hơn. Khi cơn thèm không thể kiềm chế, người bệnh ăn nhiều hơn. Thỉnh thoảng, bạn có thể cho phép bản thân thưởng thức đồ ngọt (bánh ngọt, kẹo, chocolate...) ở mức độ vừa phải. Người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ để biết số lần, liều lượng dùng phù hợp tùy theo tình trạng kiểm soát đường huyết.
Người bệnh tiểu đường có thể ăn đồ ngọt ở mức kiểm soát. Ảnh: Freepik
Trái cây là lựa chọn tốt khi người bệnh tiểu đường thèm ăn ngọt vì chúng có ít carb hơn và không chứa đường đã qua chế biến. Trái cây giàu chất xơ nên cơ thể mất nhiều thời gian để tiêu hóa, ít làm tăng đường huyết nhanh chóng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần xem xét kích thước khẩu phần và hàm lượng đường khi ăn. Ví dụ, người bệnh chỉ nên uống sinh tố khoảng 120-180 ml mỗi khẩu phần, ăn trái cây khô như nho khoảng hai thìa (15 g carb).
Người bệnh cần xem xét lượng carb trong các bữa ăn vì nó có thể làm tăng nhanh đường huyết. Bữa ăn cần cân đối các loại thực phẩm khác nhau. Nếu giảm lượng tinh bột ở bữa chính thì bạn có thể tăng khẩu phần này cho món tráng miệng. Ví dụ, bạn ăn tráng miệng là bánh ngọt, đồ ngọt khác cho bữa tối thì hạn chế ăn cơm, bánh mì, mì ống, khoai tây...
Nước uống thể thao, trà đóng chai có thể làm tăng lượng đường trong máu. Những đồ uống này có thể chứa tới vài trăm calo trong một khẩu phần. Do đó, bạn nên chọn đồ uống ít đường và vẫn cần kiểm soát lượng tiêu thụ. Nước lọc với vài lát chanh là gợi ý giúp bạn giữ nước mà vẫn kích thích vị giác.
Một cách để kiểm soát khẩu phần đồ ngọt ăn vào là làm lạnh chúng. Bạn có thể chia nhỏ kẹo, chocolate, kem, đồ uống... rồi làm lạnh thành những viên có kích thước vừa ăn. Điều này giúp bạn ăn ít lại, nhai từ từ mỗi khi thèm ngọt.
Dùng nguyên liệu thay thế đường
Người bệnh có thể tìm kiếm các công thức nấu ăn sử dụng trái cây để giảm lượng đường chế biến. Dùng các loại bột ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, yến mạch, bột hạnh nhân khi nấu nướng có thể giúp kiểm soát đường huyết.
Khi ăn đồ ngọt, người bệnh nên ăn chậm, nhai kỹ và từ từ thưởng thức hương vị. Thức ăn được tiêu hóa chậm hơn, giảm khả năng tăng đột biến đường huyết. Bạn có thể chia khẩu phần đồ ngọt với người ăn cùng để kiểm soát lượng tiêu thụ mà vẫn thỏa cơn thèm ngọt.
Không đặt đồ ngọt ở phía trước hoặc ngang tầm mắt trong tủ đựng thức ăn, nơi bạn có thể nhìn thấy chúng dễ dàng. Bạn có thể nhờ các thành viên trong gia đình hỗ trợ kiểm soát cơn thèm ngọt như không ăn chúng trước mặt bạn, hạn chế mua thức ăn ngọt về nhà.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
(VnExpress)
|