Đau khổ nơi con người
Muốn đo lòng dạ con người: chúng ta chỉ cần nhận xét phản ứng của họ khi gặp đau khổ; vì đau khổ là dấu ấn do kẻ khác ghi lại trên họ. Ngay cả lúc phát xuất tự bên trong và xiên mũi dùi bén nhọn của nó vào thấu tâm can con người, đau khổ không bao giờ là một cử chỉ bộc phát, và không bao giờ do ý chí thúc đẩy cả.
Dù người ta đã được chuẩn bị trước, tập kiên nhẫn để có thể chịu đựng, dù cái vẻ khắc khổ đầy quyến rũ và đầy sinh khí của nó làm say mê, thì đau khổ bao giờ cũng xa lạ và thật bất hạnh cho ai phải tiếp xúc với nó. Đau khổ thường xuất hiện khác với điều ta toan tính. Ai phải đương đầu với sức xâm lăng của đau khổ, thì dù trước đó có ước mong và yêu thích thì sau cũng sinh lòng căm phẫn. Đau khổ hủy diệt một cái gì nơi ta, để thay vào đó một sự gì không phải của ta. Vì thế, đau khổ tỏ cho ta thấy sự xung khắc, bất đồng giữa tự do và lý trí của ta: ta là người không theo đúng với điều ta muốn. Và vì thế khi ước muốn mình sẽ phải ra sao, thì thiết tưởng cần phải hiểu rõ và chấp nhận bài học của đau khổ cùng lợi ích của nó.
Vì vậy, đau khổ ở nơi ta như một sự gieo vãi hạt giống. Nhờ có nó, sự gì ở ngoài ta xâm nhập vào trong ta, khác biệt với ta và ngoài ý muốn của ta. Hãy tiếp nhận đau khổ ngay cả khi chưa từng biết nó là thế nào. Người nông phu gieo nắm hạt giống quý nhất của mình xuống ruộng, vùi kín lại. Ta có thể tưởng như bác đã mất tất cả. Nhưng chính vì giống được gieo, mà nó không bị ai cướp đoạt. Nó thối nát đi để sinh sản dồi dào hơn trước. Đau khổ cũng là một sự phân tán cần thiết cho việc nảy sinh một sự nghiệp trọn vẹn hơn. Ai không phải đau khổ vì một điều gì, sẽ không biết, không hiểu và không thể yêu điều đó. Bài học này tóm gọn trong một lời, nhưng cần phải nghe bằng tâm huyết:
Ý nghĩa sự đau khổ, chính là để tỏ cho ta cái điều vượt ngoài tầm trí hiểu và ý muốn ích kỷ, là con đường của tình yêu thiết thực, vì nó làm cho ta thoát ra khỏi chính mình, để được lãnh nhận tha nhân, và cũng để thúc giục ta hiến mình cho kẻ khác.
Nhưng nếu không có sự cộng tác tích cực của chính ta, thì đau khổ không gây được kết quả phong phú nơi ta: nó sẽ là một thử thách vì nó làm bộc lộ những ý định thầm kín; đối với những người không cải thiện, không rung cảm được thì đau khổ sẽ biến họ thành chua chát, hư hao và trở nên chai đá, cứng cỏi. Nhưng đau khổ không chỉ là thử thách mà còn là dấu hiệu của tình yêu, nó canh tân đời sống nội tâm, nó tưới tâm hồn để được hồi xuân mà hành động. Đau khổ khiến ta không thể sống quen thuộc với thế gian, nhưng đặt ta luôn ở trong một tư thế bất ổn vô phương điều trị. Thật thế, sống quen thuộc là gì nếu không phải là liều mình sống cho qua, trong một hoàn cảnh hạn hẹp của kẻ tha phương?
Vì thế, khi còn biết thốt lên câu: “Xoay đâu cũng là khổ", còn biết cảm thấy như thế là còn tốt, điều tệ hại là không còn cảm thấy khổ nữa, không còn vấn đề nữa, bài toán như đã giải xong! Chắc chắn trong một đời sống phẳng lặng, bình thường, cuộc đời xem như được sắp xếp ổn thỏa, nhưng đứng trước nỗi đau khổ thực sự, thì dù định lý có đẹp đẽ đến đâu cũng trở nên hão huyền. Sự đau khổ chính là điều mới lạ, điều nan giải, là ngoại lai vô cùng xuyên thủng cuộc đời như một lưỡi gươm cảnh tỉnh.
Tác giả: Maurice Blondel
Trích sách: “Ai là anh em tôi?”
Chuyển ngữ: Nữ Đan Viện Biển Đức
|