Những phương thế tốt nhất trong tương giao hôn nhân
Việc hiểu biết giao tiếp ở mức độ sâu hơn rất quan trọng cho hạnh phúc bền vững của một cặp đôi.
Chúng ta thường không thoải mái khi phải bộc lộ con người thật của mình, ngay cả với người phối ngẫu. Tuy nhiên, đây là chìa khóa cho một tương quan hôn nhân hạnh phúc. Theo nhà tư vấn hôn nhân gia đình Marie-Madeleine Devillers, đôi khi chúng ta thiếu một công cụ thiết yếu để nhận ra những nhu cầu của chính mình.
Chất độc hại của đời hôn nhân là gì?
Marie-Madeleine Devillers: sự hờ hững, lãnh đạm. Nó thường xảy ra và dẫn đến phá đổ tương giao. Khi một người bị tổn thương, họ sẽ phản ứng một trong 3 kiểu này: im lặng, giữ hòa khí; công kích gây sự; hay điều khiển người khác phải đồng ý với mình. Phụ nữ thường hay gây sự nhiều hơn, vì họ giỏi hơn người nam trong việc tìm ra những từ ngữ để làm dịu tình hình, cũng như những lời chỉ trích, chê bai. Bất kỳ phản ứng như thế nào, người ta đều tạo ra một cái vỏ bao bọc chung quanh mình. Rồi một thời gian, ta sẽ chấm dứt việc sống chung trong thế giới tương tác, và không thèm quan tâm, chú ý đến người kia nữa.
Cái vỏ bảo vệ này có làm ngăn cản đối thoại không?
Có. Vì khi nói ra, ta sẽ đề cập đến những sự kiện: công việc, những người ta gặp gỡ, những hoạt động của ta. Đồng thời cũng dễ dàng chia sẻ những ý kiến về chính trị, về những biến cố đang xảy ra v.v… Điều này là quan trọng, vì nó cho phép chúng ta biết về nhau rõ hơn – nhưng vẫn chưa đủ. Sự thân mật riêng tư của vợ chồng được xây dựng bằng việc trao đổi, tương tác ở mức độ cao hơn: những cảm xúc. Nó mở ra cho người kia thấy được phần sâu thẳm bên trong con người của mình: tư tưởng, thân xác, và con tim của ta.
Cái gì làm cho việc chia sẻ cảm xúc trở nên khó khăn?
Trong cuộc sống hôn nhân, đối thoại bộc lộ những thương tổn trong quá khứ chưa được chữa lành. Tôi biết có một kỹ sư, anh ta trở nên bạo lực mỗi khi người vợ giận dỗi. Sự phản ứng mạnh mẽ của anh, giống như một tia chớp lóe sáng: nó liên quan đến điều anh đã trải qua trong thời niên thiếu. Anh đã được nuôi dạy trong một môi trường rất khắc nghiệt. Nếu có điều gì không bằng lòng, cha mẹ chỉ thảy cho anh một câu: “Nó phải như thế, không ý kiến!”; và thế là không có bàn cãi, thảo luận gì cả. Anh không thể bộc lộ cái tức giận của mình. Sự im lặng của người vợ, đẩy anh vào cánh cửa đóng kín trước đây, không thể giải thích, điều đình gì cả. Thật cần thiết khi được chia sẻ những suy nghĩ của bạn về giáo dục, về đời sống gia đình, cách quản lý tiền bạc, về những gì dường như phải đón nhận và không thể chịu được nơi mỗi người chúng ta…
Làm sao để giao tiếp ở mức độ sâu hơn này?
Một phụ nữ có chồng là một người chơi bài tây rất giỏi, chị ta muốn tham gia vào câu lạc bộ chơi bài của chồng. Anh chồng trả lời: “Em lại phải học, hơn nữa em sẽ không thể tham gia được, em chơi quá dở! Nếu em đến đó, sẽ là một thảm họa”. Câu trả lời của anh có đủ cả 4 thứ tệ nhất của giao tiếp: ra lệnh, đe dọa, coi thường và sai lỗi. Ngược lại với điều này, tương quan tốt có nghĩa là luyện tập 4 hành động: hỏi, từ chối, cho và nhận. Điều cốt yếu là ta dám làm, dám bộc lộ sự khước từ và cảm nghĩ của mình về hành vi của người khác. Thường thì ta không dám từ chối, chúng ta sợ đối phương ghét mình, không thích mình nữa. Nhưng thực tế xảy ra ngược lại! Chúng ta sẽ được tôn trọng hơn, và cái giới hạn của chúng ta sẽ được đón nhận.
Dành thời gian để đặt mình vào vị trí của người kia
Tốt nhất không khởi đầu một cuộc tranh luận khi đang nóng giận. Đó có thể là nguồn cơn phá hoại. Tuy nhiên, ta vẫn có thể bộc lộ nhu cầu cần đối thoại về việc đó, thời gian sau này. Khi thuận tiện, nên trở lại vấn đề, cho dầu vấn đề đó, có thể không giống với tình cảnh hiện tại. Rất quan trọng cho vợ chồng, trong việc đặt mình vào vị trí của người bạn đời. Một người chồng sau giờ làm việc, vui vẻ về nhà sớm khoe với vợ, rằng anh được thăng chức và lên lương. Người vợ hờ hững trả lời: “Vậy hả, tốt rồi!” Bạn có thể tưởng tượng thấy sự thất vọng của người chồng. Nếu anh ấy dành thời giờ để hỏi han về ngày hôm nay của vợ, biết rằng cô ấy có một ngày vất vả ở cơ quan, rồi quay về đón các con và lo tắm rửa, cơm nước cho chúng và cả nhà, rồi cái máy giặt lại đang hỏng hóc… thì khi chị nghe tin vui này của anh, chị đã có một hồi đáp rất khác rồi.
Lời khuyên nào cho trường hợp xung khắc, khi mà dường như không thể đối thoại được nữa?
Thuở ban đầu, chúng ta nói về những gì mang ta xích lại gần nhau, giống nhau. Sau nhiều năm, chúng ta có khuynh hướng nói đến những gì khác biệt giữa hai người. Cuối cùng, đối thoại chỉ còn lại gây hấn, ăn miếng trả miếng. Như trong môn bóng bàn, quả bóng đánh qua bên kia, sẽ được đối phương giao trả lại cùng một lực tương tự. Những lời chỉ trích hay sỉ nhục, những lời khích lệ hay khen ngợi, sẽ được hồi đáp trở lại; đó là luật vàng! Mâu thuẫn trong hôn nhân là một trách nhiệm chia đôi. Bao lâu ta còn đẩy một người vào vị thế nạn nhân, thì vấn đề càng không thể giải quyết. Chúng ta thường chuẩn bị câu trả lời trước khi người kia nói xong. Vấn đề quan trọng đáng nhớ ở đây là, không phải ai đúng ai sai; mà điều quan trọng là, hãy chấp nhận sự thật, rằng người kia đang bị tổn thương. Chỉ có một cách để thoát ra, là thông hiểu quan điểm của người bạn đường của mình.
Với những tình trạng này, áp đặt đối thoại bằng mọi giá coi như thất bại?
Chắc chắn rồi! Đôi vợ chồng đang có những khó khăn trên mọi mặt trận. Họ cần một thời gian để “dưỡng thương”. Trước tiên, họ cần tự chăm sóc bản thân mình, cùng nhau giải trí và làm những việc yêu thích. Một hoạt động thông thường, về nghệ thuật hay thể thao, đều tốt để đem họ xích lại gần nhau một cách nhẹ nhàng.
Sau đó, làm thế nào để tiến một bước xa hơn?
Một công cụ căn bản, là tập chú vào nhu cầu của mỗi người. Mỗi người sẽ lên một danh sách mình cần gì với tư cách một người đàn ông hay phụ nữ, chồng hay vợ, cha hay mẹ. Người kia không thể thỏa mãn hết mọi thứ, đặc biệt là những nhu cầu cá nhân. Thí dụ, một người phụ nữ yêu thích điêu khắc và người chồng thì luôn muốn những gì liên quan đến thể thao. Điều này tùy thuộc vào cách sắp xếp, sao cho cả hai có điều kiện thực hiện những nhu cầu của mình: một người có thể chăm con trong khi người kia đi ra ngoài; và ngược lại. Những thời gian một mình này, ta có thể suy ngẫm trong yên lặng, biến nó thành điều kiện để phục hồi năng lượng cho mình.
Một vài thế hệ nhận được giáo huấn Công giáo sai lệch, bắt họ không được nghĩ đến bản thân mình: Tự chăm sóc mình được cho là tội lỗi. Một nhà tâm lý vô thần đã ngạc nhiên nói rằng: “Tôi ngưỡng mộ các bạn Công giáo vì họ luôn phục vụ người khác. Nhưng các bạn đã không bao giờ dành thời gian, để phục vụ con người thiếu thốn bên trong các bạn”.
Không phải cho đi là tìm thấy quân bình cho bản thân sao?
Tất cả chúng ta cần thừa nhận. Nếu chúng ta không nhận được điều gì đó từ bên trong tổ ấm, gia đình mình, chúng ta sẽ tìm nó ở nơi khác: nơi làm việc, những hoạt động giải trí, giáo xứ hay đôi khi trong các nhiệm vụ khác. Điều đó nói lên rằng, có nhiều khả năng chúng ta trốn tránh vào những hoạt động bên ngoài, và ngay cả sự bội phản giả tạo. Dĩ nhiên, tất cả những điều này còn tùy từng mức độ. Khi tôi hỏi những người bỏ nhiều thời gian cho những hoạt động bên ngoài, có dành thì giờ đầu tư cho mối tương giao vợ chồng của họ không; câu trả lời là “rất ít”. Và thường, họ rất ít khi đi ra ngoài cùng nhau, trong nhiều năm rồi.
Thật vậy, rất khó kiếm ra thời gian riêng lẻ, khi bạn đã có gia đình, bạn bè v.v…
Đó là vấn đề của chọn lựa ưu tiên. Đâu là ưu tiên hàng đầu của tôi? Một kỳ nghĩ cuối tuần với bên nhà chồng/vợ hay chỉ dành cho hai người? Người phối ngẫu đầu ấp tay gối, phải là ưu tiên hàng đầu. Trước khi nói “Chào buổi sáng” với con cái, tôi phải chào anh/em trước; chúng ta là một cặp yêu nhau, trước khi chúng ta trở nên là cha, là mẹ. Tình yêu tinh tế này, sẽ ảnh hưởng đến con cái.
Tôi đề nghị các cặp hôn phối hãy dành cho nhau ít nhất hai buổi chiều tối trong một tháng, một kỳ nghỉ cuối tuần trong một quý, và một tuần chỉ có hai người trong một năm – bằng bất cứ giá nào. Cho dù khi bạn cảm thấy không thích nó: mệt mỏi, khó chịu, phải lo cho con cái… Bạn vẫn có thể sắp xếp để có được những ngày này. Lúc đầu bạn có thể nghĩ rằng bạn không cần những ngày này. Nhưng nếu bạn không duy trì thường xuyên, tình yêu sẽ mai một. Tình vợ chồng cần được nuôi dưỡng bằng những thời gian liên kết bên nhau. Và, nó giá trị hơn việc trị liệu với một chuyên gia hay một luật sư…
Ngay cả trong tương quan vợ chồng, tha thứ cho nhau cũng không luôn dễ dàng. Những bước cần phải có là gì?
Sự tha thứ không tự nhiên mà có và phép màu cũng không làm nó xảy ra. Đó là một đường lối. Nó phản ảnh tình trạng tốt đẹp của hai vợ chồng, và cho phép họ bỏ qua những cuộc đối thoại căng thẳng, áp lực, gây hấn và bạo hành. Nó giúp họ chữa lành những vết thương lòng. Nhưng trước hết, bạn phải muốn tha thứ. Quá nhiều lần chúng ta bỏ qua cho yên chuyện, chứ không tha thứ thật lòng; có lẽ vì chúng ta được giáo dục theo cách đó. Với những cặp hôn nhân Công giáo gặp khó khăn, tôi đề nghị hãy cầu nguyện mỗi buổi sáng để xin ơn Chúa cho mỗi ngày: Ơn chào đón người kia một cách thực lòng, ơn yêu thương anh ấy/cô ấy, ơn nhận ra những điều tốt đẹp nơi người ấy, ơn bỏ qua mọi chuyện. Sự tha thứ thật lòng bao gồm sự tự vấn chính mình, hối hận và muốn thay đổi thật sự. Nó phục hồi lại tương giao và điều chỉnh lại bí tích Hôn Phối của chúng ta.
Làm thế nào để ta sống trọn vẹn Bí tích này?
Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho đôi vợ chồng là cùng nhau. Nói “đồng ý” cả cuộc đời là một thách thức không nhỏ! Vì thế, trong tất cả chuyện này, cần ý chí nghị lực của cả hai, bởi vì một người thì sẽ kiệt sức. Để nuôi dưỡng điều căn bản này hằng ngày, ta phải có được một nguồn lực để kín múc: đức tin và ân sủng. Bí tích Hôn Phối bao gồm tất cả: niềm tin, sự chung thủy, sức mạnh, ơn can đảm, thứ tha và hy vọng. Cầu xin ơn Chúa để củng cố, bồi bổ mỗi ngày. “Lạy Chúa, hãy đến và ở với chúng con, để chữa lành những gì u ám và không chịu đựng nổi trong tương quan của chúng con”.
Những giải pháp nào đôi bạn có thể có từ khủng hoảng gặp phải?
Cặp vợ chồng không có một kế hoạch chung là một cặp đôi chết. Theo đuổi một dự án chung giúp chúng ta nhìn nhận nhau mọi lúc, trong thời gian lâu dài với nhau. Khi đôi hôn phối cảm thấy chán nản, khi họ không còn muốn nói gì với nhau nữa, tôi đề nghị họ đưa ra 5 điều để sống cùng nhau, cả hai có thể hoàn toàn khó chịu. Nó tùy vào sự sáng tạo và tưởng tượng của họ. Đôi khi điều này thật là khó đối với người nam, vì họ thường thỏa mãn với những gì người vợ lo cho, mà không hiểu biết những khó khăn, mệt mỏi của cô ấy. Vì thế, mỗi người phải lựa chọn theo gợi ý của người kia. Đừng sợ phải khác thường một chút! Ngay khi những điều đó không có lý hay dường như không hiệu quả trong việc gia tăng năng lực. Chúng có thể giúp vượt qua khủng hoảng của tương quan vợ chồng.
(What are the best tools for communicating well in marriage? / Phỏng vấn bởi Stephanie Combe)
Edifa – 21.10.2020
Maria Trần Thị Kim Danh, STMTYchuyển ngữ
|