GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (Chúa nhật XIX, 08/08/2021)
1. Chuyện chúng mình:
“BÁNH MÌ KHÔNG PHẢI THỰC PHẨM THIẾT YẾU” VÀ NỖI BUỒN MẤT VIỆC CỦA NẠN NHÂN
” của Phó chủ tịch phường đang gây “bão” mạng. Thanh niên mua bánh mì bị thu xe vừa... mất việc, cũng chưa nhận được lời xin lỗi nào từ phường.
Hành xử khó hiểu của phó chủ tịch phường
Theo clip, một thanh niên bị chặn tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh (P.Vĩnh Hòa, Tp.Nha Trang). Anh này xuất trình giấy tờ, giải thích lý do ra đường là đi mua đồ ăn thì vị cán bộ không đồng tình.
Cụ thể, thanh niên chỉ vào túi bánh mì và nước lọc trên xe nói rằng bản thân mua đồ ăn nên không vi phạm gì và cán bộ phường không được giữ giấy tờ xe của mình. Người quay clip liền nói: "Đồ này không phải đồ thiết yếu, anh mua đồ ăn mà thiết yếu gì. Ông mua bánh mì mà thiết yếu gì?". Sau đó, thanh niên này tiếp tục phản ứng: "Mấy anh làm gì mà bắt em, mà giữ giấy tờ của em". Người quay clip liền đáp: "Vậy hả, tao giữ cho rồi để mày đi kiện nghe, ok?", “Láo bắt luôn”. Kết cục, cán bộ này ra lệnh thu giấy tờ của anh này, thu giữ xe và yêu cầu sau giãn cách lên phường giải quyết.
Đoạn đối thoại trên khiến mạng xã hội “nóng” hẳn bởi những lời lẽ khó nghe của cán bộ chốt kiểm soát được cho là một phó chủ tịch phường. Vị này còn chỉ tay vào mặt anh thanh niên... Cư dân mạng sôi sục cho rằng việc cán bộ phường nói "bánh mì không phải thiết yếu" là sai, bánh mì là lương thực, thực phẩm xưa giờ, vậy tại sao lại cho rằng không thiết yếu. Cư dân mạng còn chế bức ảnh bánh mì kèm chú thích là lời nói của vị cán bộ. Bên cạnh đó, hành vi ứng xử chỉ tay vào mặt người dân, xưng hô mày tao, thách thức gọi chủ dự án (nơi người này làm việc) cho nghỉ việc... là không chấp nhận được, thách thức dân kiện là chưa chuẩn mực.
Nạn nhân trong clip đã… mất việc
Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND P.Vĩnh Hòa, cho biết qua xác minh ban đầu, clip do ông Trần Lê Hữu Thọ (Phó chủ tịch phường) quay lại ngày 18.7 để làm bằng chứng, nhưng không hiểu sao nó xuất hiện trên mạng xã hội. “Giọng nói trong clip đang lan truyền là của anh Thọ. Sáng cùng ngày, phường đã có cuộc họp chấn chỉnh đối với cá nhân anh Thọ và tổ kiểm soát”, bà Hà nói.
Một lãnh đạo Tp.Nha Trang cũng khẳng định với PV Thanh Niên, bánh mì là thực phẩm thiết yếu. Ngay sau khi clip gây xôn xao mạng xã hội, Chủ tịch UBND Tp.Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh đã yêu cầu P.Vĩnh Hòa chấn chỉnh lại hành vi của cán bộ phường, yêu cầu P.Vĩnh Hòa trả ngay xe đã thu giữ của người dân trong clip.
Trao đổi với PV, nhân vật trong clip là anh Trần Văn Em (25 tuổi, trú xã Diên Hòa, H.Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết, sau khi clip lan truyền trên mạng sáng nay (19.7), chủ thầu đã thông báo cho nghỉ việc mà không nói rõ nguyên nhân. “Chủ chỉ nói em nghỉ 1 tháng đi, có gì anh gọi sau”, anh Em buồn bã kể.
Khi được hỏi việc phường có xin lỗi về những hành vi ứng xử chưa chuẩn mực của cán bộ trong clip, anh Em cho biết chưa nhận được phản hồi nào. “Hôm đó, khoảng 15 giờ 30, tôi xin chủ đi mua bánh mì ăn rồi quay lại làm, vì tối đó thông báo tăng ca. Khi định ra chỗ ăn thì gặp sự vụ như trên. Họ biết lỗi sai mà sửa mới tốt, tôi không đòi hỏi gì”, anh Em nói.
Liên quan đến việc bánh mì có phải là thực phẩm thiết yếu hay không, ngay trong ngày 19.7, Sở Công thương Khánh Hòa cũng đã có văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16. Theo danh mục được hướng dẫn thì các mặt hàng được xem là thiết yếu có loại lương thực gồm gạo tẻ, nếp, ngô… và các sản phẩm từ bột và tinh bột; hàng công nghệ thực phẩm; mà bánh là một trong số ấy.
2. Những con số biết nói
Stt
|
Quốc gia
|
Được chữa khỏi
|
Tử vong
|
Tổng số
|
1
|
Mỹ
|
29.851.803
|
632.987
|
36.518.948
|
2
|
Indonesia
|
3.036.194
|
105.598
|
3.639.616
|
3
|
Ba Lan
|
2.654.359
|
75.285
|
2.883.976
|
4
|
Việt Nam
|
66.637
|
3.250
|
205.603
|
|
…
|
|
|
|
|
Thế giới
|
182.277.980
|
4.298.653
|
202.928.650
|
Cập nhật lúc 7g35 ngày 8.8.2021
3. Khuôn vàng thước ngọc (Ga 6,41-51;Chúa nhật, tuần XIX Thường niên – nhớ thánh Đa Minh, tổ phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo)
Hai ý tưởng then chốt của bài Tin Mừng hôm nay đó là “đến với” và “tin vào” Đức Giêsu. Có thể nói, hai động thái này là kết quả của sự hợp tác từ hai phía: Phía Thiên Chúa: Ngài ban ơn “lôi kéo” để con người tin vào Đức Giêsu và đến với Ngài bởi vì: “Không ai đến được với Ta nếu Cha Ta là Đấng sai Ta không lôi kéo kẻ ấy”. Thực ra, Thiên Chúa luôn muốn “lôi kéo” con người đến với Đức Giêsu để con người được sống. Nhưng con người ít ra phải ngoan ngoãn để Thiên Chúa lôi kéo. Nhiều người Do Thái đã không ngoan ngoãn như vậy nên đã không đến được với Ngài. Phía con người thì sao? Xin thưa, họ phải “nghe lời giáo huấn” của Thiên Chúa: “Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với Ta”. Mà Thiên Chúa thì luôn giáo huấn con người: “Trong sách các ngôn sứ có chép rằng mọi người sẽ được Thiên Chúa giáo huấn. Câu nói này ngầm trích dẫn Is 54,13. Mà đại ý chương 54 sách Isaia là kinh nghiệm của dân Israel vào cuối thời lưu đày: họ đã thấy rằng Thiên Chúa luôn quyến luyến con người như một người chồng quyến luyến vợ. Đó chính là giáo huấn mà Thiên Chúa đã ban cho Israel qua dòng lịch sử. Như thế, “nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa” nghĩa là ý thức rằng Thiên Chúa luôn yêu thương mình. Tóm lại, việc “tin vào” Đức Giêsu và “đến với” Ngài là điều Thiên Chúa yêu thương luôn tạo điều kiện để con người thực hiện được dễ dàng. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tình thương Thiên Chúa thì con người có thể làm được mọi sự, nhất là kín múc được sự sống đời đời.
Cuộc đời của con người ví như một cuộc hành trình dài tiến về cõi vĩnh hằng. Và trong đức tin, chúng ta được mời gọi nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa trong suốt cuộc hành trình dương thế. Thiên Chúa có mặt trong cuộc hành trình ấy là để ban cho con người lương thực cần thiết giúp họ có thể đi đến đích điểm mà họ vẫn hằng mong đợi.
Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy, cuộc hành trình của ngôn sứ Êlia tiến về núi Horeb, núi của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa hò hẹn với ông. Thế nhưng, trên cuộc hành trình ấy, đã có lúc vị ngôn sứ cảm thấy thất vọng, chán chường, muốn bỏ cuộc, thậm chí, ông muốn được chết đi, bởi vì ông đang bị hoàng hậu Ideven truy sát chỉ vì ông đã can đảm bênh vực niềm tin vào một Thiên Chúa Giavê duy nhất. Tuy nhiên, đang lúc tuyệt vọng như thế, sứ thần của Thiên Chúa, hay nói nói đúng hơn, chính Thiên Chúa đã xuất hiện và ban cho ông của ăn và nhờ lương thực ấy, ông đã lấy lại sức để có thể tiếp tục cuộc hành trình đi đến nơi đã hẹn. Tương tự như thế, trong cuộc hành trình tiến về đất hứa, dân Do Thái xưa cũng đã được Thiên Chúa đồng hành và ban cho Manna làm lương thực để có sức đi trong sa mạc suốt bốn mươi năm tiến vào đất hứa.
Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ hiện diện bên cạnh ngôn sứ Êlia, cũng không chỉ đồng hành với dân Do Thái trong sa mạc, nhưng một cách đặc biệt, Ngài còn hiện diện trong cuộc hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Cuộc hành trình thiêng liêng này hoàn toàn khác với cuộc hành trình của ngôn sứ Êlia hay của dân Do Thái xưa. Thật vậy, cuộc hành trình của chúng ta không được đo bằng cây số, nhưng được đo bằng sự kiên trì nhẫn nại, bởi vì cuộc hành trình của mỗi người chúng ta đều có khởi đầu, nhưng không phải tất cả đều đạt tới đích. Cuộc hành trình ấy cũng không phụ thuộc vào những con số mang tính biểu tượng để nói lên số ngày hay số năm mà nó được tính bởi những gì con người ta đã dấn thân phục vụ Chúa. Và những trở ngại chúng ta có thể gặp trên đường không phải là những trở ngại vật lý, nhưng là ba thù: thế gian, xác thịt và ma quỉ, là những thế lực vô hình luôn chống lại chúng ta và tìm mọi cách làm cho chúng ta bỏ cuộc. Cuối cùng, đích điểm mà chúng ta nhắm tới trong cuộc hành trình này không phải là núi Horeb, cũng chẳng phải là đất hứa của dân Do Thái, nhưng là Nước Trời, là sự sống vĩnh cửu, là niềm vui bất tận, là ơn cứu độ. Chính vì có những sự khác biệt đó nên thứ lương thực chúng ta cần tới không phải là cơm bánh vật chất, nhưng là chính Thịt và Máu Đức Giêsu. Chỉ có thứ thần lương này mới giúp chúng ta vượt qua mọi chán chường, mọi trở ngại trên đường để có thể kiên nhẫn đi đến cùng hành trình đức tin tiến về quê thật.
Chúng ta vẫn thường nghe nói tới việc rước lễ như của ăn đường dành cho những người hấp hối, tức là những người chuẩn bị bước vào đời sau. Điều đó cho thấy, Thánh Thể là lương thực không thể thiếu được trong cuộc hành trình tiến về quê trời, đặc biệt là vào những giây phút cuối đời, khi mà cuộc chiến ở vào thời điểm mang tính quyết định. Có thể nói, bình thường, trên cuộc hành trình tiến về Nước Trời chúng ta luôn có bạn đồng hành, nhưng vào giây phút cuối đời, chúng ta hoàn toàn cô đơn không còn biết bám víu vào ai ngoài Chúa Giêsu Thánh thể, của ăn đàng duy nhất. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá trông chờ vào giây phút cuối cùng ấy, bởi vì chẳng ai biết trước khi nào mình sẽ rời xa cõi tạm này. Do vậy, hãy lo chuẩn bị từ xa, ngay cả khi chúng ta ngỡ mình đang hưởng nếm những tháng ngày tươi đẹp nhất. Giờ của Chúa đến bất ngờ và sẽ không ai kịp trở tay; vì vậy, hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng trước khi quá muộn. Tắt một lời, sứ điệp Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng, bao lâu còn sống ở trần gian, chúng ta vẫn là những lữ khách đang trên đường tiến về quê trời. Và sức mạnh duy nhất giúp chúng ta đi trọn cuộc hành trình để vào nơi vĩnh cửu chỉ có thể là Bí tích Thánh Thể.
Lạy Chúa, cuộc đời mỗi người chúng con là một chuyến đi, đi về với cội nguồn của mình là chính Thiên Chúa, là hạnh phúc nước trời. Trên hành trình ấy, không ít lần chúng con cảm thấy chùn chân, mỏi gối, thậm chí là muốn bỏ cuộc. Xin Chúa soi dẫn để chúng con biết tìm lại sức mạnh, tìm lại nguồn sinh lực mới ở nơi Bí tích Thánh Thể và nhờ đó mà chúng con tiếp tục đi trọn hành trình vượt ải trần gian. Xin cho chúng con biết thực tâm yêu chuộng Bánh Thánh ban sự sống và đừng để chúng con vì thờ ơ hay bất kính mà rước lấy án phạt đời đời.
4. Lời bàn
- Điểm quan trọng trong phần này là lý do khiến người Do Thái chối bỏ Đức Giêsu, mà chối bỏ Ngài là họ đã chối bỏ sự sống đời đời. Người Do Thái ngạc nhiên và vấp ngã vì Đức Giêsu bởi họ đánh giá Ngài dựa trên các giá trị của loài người và theo các tiêu chuẩn của thế gian. Họ phản ứng trước lời tự xưng của Chúa, nêu lên sự kiện Ngài là con của ông Giuse và từng sinh sống cùng họ tại làng quê Nazareth. Ấp ủ trong lòng thứ định kiến như vậy nên làm sao họ có thể hiểu một người thợ mộc tầm thường lại trở thành sứ giả đặc biệt của Thiên Chúa được. Họ chối bỏ Đức Giêsu vì đã “soi” Ngài, dựa vào những quy chuẩn vốn được hình thành từ những định kiến cố hữu.
- Người Do Thái xầm xì phản đối vì họ mải lý luận riêng và bị lôi cuốn vào những thứ tự tin mình biết đích xác, đến nỗi chẳng màng để ý đến chuyện gì khác. Họ nôn nóng muốn cho người khác biết những viện dẫn của mình là đúng và cố gắng thuyết phục người bên cạnh chấp nhận ý kiến của mình. Hình ảnh người Do Thái túm năm tụm ba để to nhỏ sau lưng Đức Giêsu đã tái hiện lại cảnh cha ông họ đã làm như vậy đối với Môsê trong biến cố xuất hành (Xh 16,2-7; 17,3). Xưa kia họ phàn nàn Môsê trong cơn đói khát, còn giờ đây họ phản ứng với Đức Giêsu đang khi muốn cho họ ăn thứ lương thực mang lại sự sống trường cửu. Người Do Thái đã tranh nhau nói đến nỗi họ không nghe được những gì Thiên Chúa muốn nói cho họ. Trong một chừng mực nào đó, Kitô hữu chúng ta cũng giống như người Do Thái khi xưa vậy, tức là chúng ta chỉ muốn trình bày cho Chúa nghe mà không để tâm nghe Ngài nói. Tốt hơn hết, chúng ta nên yên lặng để xem Thiên Chúa đang nói gì và muốn chúng ta làm gì. Chúng ta đừng bắt chước người Do Thái để rồi ham tranh luận hầu tìm kiếm lý lẽ, thay vì sẵn sàng đón nhận mầu nhiệm trong đức tin.
- Người Do Thái chống lại sự lôi kéo của Thiên Chúa. Chỉ những người Thiên Chúa lôi kéo đến với Đức Giêsu mới có khả năng tiếp nhận Ngài. Từ ngữ mà thánh Gioan dùng để mô tả động tác lôi kéo rất thú vị, đó là chữ elkuse, nó hàm ý một sức kháng cự. Đó là từ ngữ dùng để mô tả sự “kéo một tay lưới nặng vào bờ hồ” (Ga 21,6;11). Nó còn được dùng để chỉ việc Phaolô và Sila bị kéo đến quảng trường, trước các nhà chức trách tại Philipphê (Cv 16,19). Đó cũng là chữ dùng chỉ việc rút gươm ra khỏi dây thắt lưng hay khỏi vỏ (Gioan 18,10). Nó luôn luôn ngụ ý kháng cự lại, Thiên Chúa lôi cuốn người ta đến, thế nhưng sức kháng cự của con người có thể làm thất bại sự lôi kéo của Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta chẳng ai xa lạ với điều này; bởi vì cũng giống như thánh Phaolô đã từng nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7,19-20). Như vậy, nếu coi những mách bảo của lương tâm ngay chính là ý Chúa thì tự do lại thôi thúc chúng ta làm điều ngược lại. Chúng ta ra sức kháng cự lại sự lôi cuốn, hấp dẫn, quyến rũ từ Thiên Chúa để chạy theo những dục vọng của con người. Chúng ta nhân danh tự do để khép chặt lòng mình lại trước sự lôi kéo của Thiên Chúa, như thế chẳng phải là chúng ta cũng tệ như những người Do Thái thời Đức Giêsu sao?
- Đức Giêsu là bánh ban sự sống. Như thế, chúng ta hiểu việc lãnh nhận Ngài phải như là nhu cầu thiết yếu của đời sống đức tin; còn khước từ lời mời gọi và mệnh lệnh của Ngài tức là đánh mất sự sống. Những người Pharisêu từng nói:“Thế hệ ở trong sa mạc chẳng có phần gì với đời sống mai sau”. Trong câu chuyện xưa của sách Dân số, sau khi nghe các thám tử báo cáo, số người hèn nhát từ chối mạo hiểm đi vào Đất hứa đều bị kết án phải bị lưu lạc trong sa mạc cho đến chết. Vì họ không chấp nhận sự hướng dẫn của Thiên Chúa, nên cánh cửa vào Đất hứa đã vĩnh viễn đóng kín đối với họ. Khước từ đề nghị của Chúa là từ chối phần thiết yếu cho đời sống, do đó mất luôn sự sống đời này lẫn đời sau. Trong khi đó, tiếp nhận đề nghị của Đức Giêsu là tìm được sự sống, một cuộc sống đích thực trong đời này và vinh hiển cho đời sống mai sau nữa. Người Do Thái đã cảm thấy sốc khi nghe Đức Giêsu mời gọi ăn bánh hằng sống chính là thịt của Ngài. Ngay cả một số môn đệ cũng thấy điều đó chói tai và không thể chấp nhận. Về phần mình, chúng ta tham dự Thánh lễ cùng rước Mình và Máu Thánh của Chúa, chúng ta có tin thật như thế không hay chỉ lãnh nhận như một thói quen vốn có? Bánh Thánh đem lại sự sống, nhưng nếu chúng ta đón nhận cách bất xứng, há chẳng phải là chúng ta đang rước lấy án phạt đời đời sao?
- Câu nói: “Anh mua đồ ăn mà thiết yếu gì? Ông mua bánh mì mà thiết yếu gì?” đã gây “bão” trong dư luận suốt thời gian qua. Người ta nại đến việc thi hành công vụ nhưng rõ ràng đã áp dụng những quy định một cách máy móc, cứng nhắc và thiếu hẳn tình người. Thật kho chấp nhận chuyện một người thực thi pháp luật lại không phân biệt nổi thế nào là thực phẩm thiết yếu. Lối hành xử thiếu mềm dẻo cùng với thái độ coi thường người dân có lẽ đã trở thành thói quen nơi vị cán bộ này. Chắc rằng ông ta chưa từng rơi vào hoàn cảnh “Một cái bụng đói không thể lắng nghe” (La Fontaine). Với cái bụng rỗng của mình, người ta chỉ còn kịp nghĩ làm thế nào để vượt qua cơn đói, bởi vì một khi bụng đói thì đầu gối cũng phải bò. Một khi người ta quá cố chấp để bảo vệ cái lý mà quên đi cái tình thì chẳng thể nào giúp bản thân họ thay đổi. Quả vậy, Agatha Christie từng nói: “Nếu người ta quá cố chấp với những nguyên tắc của mình, người ta khó mà thấy được ai khác”. Thế mới biết, trong cuộc mưu sinh trần thế này, con người ta một khi đối diện với chuyện cơm áo gạo tiền thì cũng đồng thời họ phải đón nhận cả những nỗi oan khiên và nước mắt. Giữa cơn đại dịch này, an ninh lương thực là chuyện hệ trọng. Biết bao câu chuyện cảm động liên quan tới nó càng tô điểm thêm cho tình người rực sáng; thế nhưng, đây đó vẫn còn có những thứ khiến người ta cảm thấy đau lòng và chua chát.
- Nhà văn Victor Hugo từng nói: “Ba vấn đề lớn nhất của thế kỷ này đó là: Sự tha hóa của người đàn ông trong nghèo khổ, sự khuất phục của người phụ nữ bởi cơn đói, sự teo mòn của trẻ nhỏ vì bóng tối”. Những điều này không chỉ đúng với thời đại của ông trong thế kỉ mười tám nhưng có lẽ nó còn thể hiện cách rõ nét trong nhiều thế kỉ tiếp theo. Thật vậy, bao lâu sự đói nghèo còn đeo đuổi kiếp người thì bấy lâu nhân loại này còn phải đối diện với rất nhiều hệ lụy tiêu cực từ nó. Sự đói nghèo vật chất giam hãm nhiều ước mơ và làm tiêu tan biết bao cơ hội đổi đời, nhất là với những ai tự nhủ đời mình sinh ra nhằm một ngôi sao xấu. Đó là sự đói khát thể xác, còn về mặt tinh thần thì sao? Người Do Thái xưa kia phớt lờ lời kêu mời của Đức Giêsu. Khi nghe giới thiệu về Bánh hằng sống thì có lẽ nhiều người hồ hởi và mong được sống đời đời. Thế nhưng khi nghe nói thứ bánh sẽ được ban tặng ấy chính là thịt của Đức Giêsu thì họ lắc đầu ngao ngán và biết đâu có kẻ còn nghĩ Ngài không được bình thường. Chính não trạng bị đóng khung trong nếp nghĩ nên họ mất đi cơ hội để khám phá điều huyền nhiệm trong lời gọi mời của Đức Giêsu. Tâm trí họ có lẽ thật đúng với những đánh giá của Ramona Matta: “Một số người thể xác bị nhốt sau những chấn song sắt, trong khi có những người khác là tù nhân trong chính trí óc đóng chặt của mình”. Là những Kitô hữu, chúng ta được Thiên Chúa lôi kéo, giáo huấn và chỉ cho biết con đường đạt đến sự sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, liệu chúng ta có thực sự để tâm lắng nghe các giáo huấn, lướt thắng những sự kháng cự của bản thân và dọn lòng thật xứng đáng để kín múc nguồn sống thật qua Bí tích Thánh Thể hay không? Bao lâu chúng ta chưa coi Mình và Máu Thánh Chúa là lương thực thiết yếu của đời mình thì bấy lâu đức tin của chúng ta chưa thể vươn tới tầm mức viên mãn của nó được.
Viết Cường, O.P.
|