Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
 GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (21/07/2021)



 
1.         Chuyện chúng mình:
 
430 TU SĨ TÌNH NGUYỆN SẼ ĐẾN CÁC BỆNH VIỆN CHĂM SÓC BỆNH NHÂN NHIỄM COVID-19
Trong những ngày sắp tới, sẽ có 430 tu sĩ tình nguyện đến các bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 theo sự hướng dẫn của ngành y tế.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng căng thẳng, ngày 20.7, thừa lệnh đức Tổng giám mục Nguyễn Năng (Tổng giám mục Tổng giáo phận Tp.HCM), Văn phòng Tòa Tổng giám mục phát đi lời kêu gọi bà con giáo dân tại TP thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, đặc biệt là việc giãn cách gia đình với gia đình, để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
Văn phòng Tòa tổng giám mục Tp.HCM cũng cho biết, ngoài việc tương trợ, chia sẻ lương thực hằng ngày cho các gia đình thiếu thốn khó khăn, Giáo hội Công giáo còn mong ước cộng tác vào lãnh vực y tế.
Theo đó, trong những ngày sắp tới, sẽ có 430 tu sĩ tình nguyện đến các bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 theo sự hướng dẫn của ngành y tế. Do vi rút Covid-19 rất dễ lây nhiễm, các linh mục không có điều kiện được vào bệnh viện cử hành bí tích xức dầu cho các bệnh nhân mắc Covid-19 hấp hối (nếu có). Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân qua đời do Covid-19 và được cơ quan chức năng của Tp.HCM chấp thuận, các linh mục cũng sẽ đến cử hành nghi thức cuối cùng cho người quá cố trước khi được hỏa táng. Đây là một việc tuy nhỏ nhưng đem lại niềm an ủi cho các tín hữu Công giáo. Tòa Tổng giám mục sẽ tổ chức một nhóm linh mục thay phiên nhau thi hành nhiệm vụ này.
Trước đó, ngày 19.7, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Tp.HCM, cho biết Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã có bức tâm thư gửi đến tăng ni, phật tử nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16. Theo đó, tâm thư của Hòa thượng Thích Trí Quảng (Phó pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Tp.HCM) có đoạn: "Con đường tâm linh của người Phật tử, cả xuất gia và tại gia, phải luôn giữ được sự hài hòa lợi mình, ích người và tốt đẹp cho môi trường chung. Do đó, trong lúc này, tôi mong chư Tăng Ni, Phật tử các giới ngoài việc giữ gìn thời khóa hành trì theo pháp môn căn bản, còn nên phát huy sự dấn thân chia sẻ với bà con chung quanh mình. Đó là hành động thiết thực theo tinh thần mà Đức Phật đã dạy: Hiến tặng sự không sợ hãi, chia sẻ đồ dùng thiết yếu, xoa dịu nỗi khổ niềm đau. Đồng thời, chúng ta còn cần tỉnh giác, đừng vì bất cứ lý do gì mà quên các nguyên tắc phòng, ngừa dịch bệnh đã được ngành y tế phổ biến".
Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19, sáng 20.7, Bộ Y tế thông báo 2.155 ca mắc Covid-19 mắc mới, trong đó, 2.154 ca ghi nhận trong nước tại 24 tỉnh, thành; riêng Tp.HCM có 1.519 ca. Theo Bộ Y tế, 2.155 ca mắc mới được công bố ghi nhận từ 18 giờ 30 ngày 19.7 đến 6 giờ sáng nay là các bệnh nhân Covid-19 thứ 58.026 - 60.180 tại Việt Nam. Từ đầu dịch (tháng 1.2020) đến nay, Việt Nam có tổng cộng 60.180 ca mắc, trong đó 58.100 ca trong nước và 2.080 ca nhập cảnh. Số mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 (27.4) đến nay là 56.530 ca, trong đó có 8.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
 
 
2. Những con số biết nói
 
Stt
 
Quốc gia
 
Được chữa khỏi
 
Tử vong
 
Tổng số
1
Nga
5.382.213
149.922
6.006.536
2
Anh
4.411.839
128.823
5.519.602
3
Brazil
18.067.080
544.180
19.419.437
4
Việt Nam
11.439
334
65.539
 
 
 
 
 
 
Thế giới
 
174.846.623
 
4.123.796
 
192.196.684
 
 
 
Cập nhật lúc 6g25, ngày 21.07.2021
 
3.       Khuôn vàng thước ngọc (Mt 13,1-9; thứ Tư, tuần XVI Thường niên) 
 
Chương 13 được xem là một chương rất quan trọng trong toàn bộ Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Trước hết, nó cho thấy một bước ngoặt trong sứ vụ của Đức Giêsu. Khởi đầu sứ vụ, Ngài dạy dỗ trong hội đường, nhưng bây giờ Ngài giảng dạy ven Biển Hồ. Sự thay đổi địa dư này rất có ý nghĩa. Không phải cửa hội trường đã đóng lại với Ngài, nhưng nó đang khép dần lại. Ở hội đường vẫn có những người thường dân hoan nghênh Ngài, nhưng những nhà lãnh đạo Do Thái giáo thì lại công khai chống đối Đức Giêsu. Giờ đây khi Ngài bước vào hội đường, không phải chỉ có đám đông háo hức muốn nghe Ngài, nhưng cũng còn có những cặp mắt dò xét của các kinh sư, pharisiêu và các kỳ mục nữa. Họ cân nhắc, gạn lọc và chú ý từng câu chữ của Ngài nói để tìm cách bắt bẻ, chống đối. Họ cũng trông chừng nhất cử nhất động của Ngài để tìm chứng cứ lên án và tố cáo Ngài.
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy, tất cả chúng ta đều nghe Lời Chúa giống nhau, nhưng thái độ đón nhận và hiệu quả của Lời Chúa nơi tâm hồn mỗi người, lại hoàn toàn khác nhau. Sự khác biệt đó, không phải do Lời Chúa không đủ sức phát sinh công hiệu mà là do mảnh đất tâm hồn chúng ta không đạt các điều kiện cần thiết để hạt giống Lời có thể cựa mình và tách đất chui lên.
Mỗi người cần nhìn lại tâm hồn của mình để biết mảnh đất ở nơi đó thuộc loại đất nào. Mảnh đất đó có phải là vệ đường không khi mà chúng ta nghe Lời Chúa mà không hiểu hoặc không cố gắng để hiểu để rồi quỷ dữ đến cướp mất Lời vừa được gieo trong lòng chúng ta? Tâm hồn chúng ta có phải là mảnh đất đầy sỏi đá không khi mà chúng ta vui vẻ đón nhận Lời Chúa, nhưng chưa dám sống những đòi hỏi của Tin Mừng, khi mà cuộc sống cụ thể của chúng ta chưa thể hiện mình là người có đức tin?
Ngoài ra, chúng ta cũng cần duyệt xét lại xem, tâm hồn mình có phải là mảnh đất đầy gai góc không khi còn quá bận tâm đến chuyện cơm ăn áo mặc, còn để cho bả vinh hoa giả trá mê hoặc tâm can? Bao lâu Chúa chưa là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta, thì bấy lâu Lời Chúa vẫn có thể bị chết ngạt nói chi đến việc trổ sinh hoa trái, nói gì tới việc đợi chờ thu hoạch thóc lúa dồi dào.
Thật hạnh phúc và còn gì vui hơn nếu tâm hồn chúng ta không chỉ biết lắng nghe mà còn biết đem Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống. Như vậy, chính những hoa trái tốt lành được thể hiện trong cách sống, trong cách cư xử của chúng ta với nhau, nhất là với những anh chị em chưa tin Chúa, sẽ cho chúng ta biết mình thuộc loại đất tốt, chứ không phải là những hình thức giữ đạo bề ngoài.
Cuối cùng, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về số phận Lời Chúa đối với tâm hồn mỗi người. Lời Chúa là hạt giống tốt và luôn luôn là như thế. Thế nhưng, nếu như lời Chúa tốt, Lời Chúa là khuôn vàng thước ngọc thì tại sao lại không được áp dụng, tại sao lại không sinh hoa kết quả tới mọi tâm hồn? Xin thưa đó là tự do của mỗi người. Hạt giống tốt thì tốt thật nhưng còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố nơi mảnh đất được gieo.
 
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa và thực hành cách nghiêm cẩn trong đời sống thường ngày. Xin cho chúng con luôn biết tin tưởng và lạc quan như người gieo giống trong dụ ngôn mà Ngài đã kể. Xin cho hạt giống Lời Chúa luôn mang lại cho chúng con tin yêu và hy vọng dẫu cuộc đời còn lắm gian nan. Xin Chúa cho chúng con biết cộng tác với ơn Chúa, để tâm hồn chúng con thực sự trở thành mảnh đất tốt, thành nơi mà Lời Chúa có thể tăng trưởng và sinh hoa kết trái dồi dào.
 
4.       Lời bàn
- Đây là một bức tranh mà người Do Thái nào ở Palestine cũng hiểu. Ở đây rõ ràng là Đức Giêsu dùng điều gần gũi để đưa các thính giả tới điều sâu xa hơn. Có lẽ lúc bây giờ Đức Giêsu đang đứng giảng trên một chiếc thuyền bên bờ hồ và Ngài liên tưởng tới hình ảnh người gieo giống để khơi mào câu chuyện: một người kia đi gieo giống ngoài ruộng. Đức Giêsu bắt đầu từ một điều mà ngay giây phút đó, họ cũng có thể liên tưởng và rồi tâm trí họ được mở ra để đón nhận chân lý, điều họ chưa bao giờ để ý. Thật ra, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Palestine rất khắc nghiệt và không thích hợp cho việc canh tác nông nghiệp. Địa hình đồi núi chập chùng và điều quan trọng hơn cả đó là thiếu nguồn nước dùng vào việc tưới tiêu hoặc sinh hoạt hằng ngày. Lượng mưa trung bình mỗi năm chỉ xấp xỉ 500mm, vì vậy đã gây ra tình trạng hoang mạc hóa kéo dài từ Bắc chí Nam. Bởi thế cho nên, người nông dân không được phép khinh suất trong việc canh tác của mình; nếu không như vậy thì họ sẽ đối diện với tình trạng “luống công mà chẳng ích gì”. Đức Giêsu dùng hình ảnh người gieo giống cũng là để nhắc nhở con người ta về việc chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Lời Chúa cách xứng hợp; và nhờ đó mà đem đến những hoa trái tốt đẹp cho tâm hồn.
- Người Do Thái thường có hai kiểu gieo giống. Cách thứ nhất là người gieo đi lui đi tới trong đám ruộng và vãi hạt giống ra. Tuy nhiên, nếu có cơn gió mạnh ào đến thì một số hạt giống sẽ bị thổi bay tứ tung, đôi khi bị thổi văng ra khỏi ruộng. Cách thứ hai thì ít người dùng hơn đó là, người ta đặt một túi hạt giống trên lưng một con lừa, xoi một lỗ nhỏ ở góc bao rồi đánh lừa đi xuống cánh đồng và hạt giống từ từ rơi ra. Ở trường hợp này một số hạt giống có thể tuôn ra khi con vật băng qua đường trước khi đến thửa ruộng. Ở một đất nước thuần nông như chúng ta, hình ảnh về người gieo giống chẳng có gì xa lạ. Khi đi gieo, người ta cũng lường trước việc sẽ có những hạt giống không có cơ hội nảy mầm hoặc sống sót cho tới mùa gặt. Khoa học kĩ thuật phát triển, kéo theo việc đồng áng của người nông dân đỡ vất vả hơn và cũng đạt năng suất cao hơn. Tuy nhiên, việc cơ giới hóa nông nghiệp cho dù có phát triển tới đâu thì cũng khó mà thay thế hoàn toàn vai trò của con người, nhất là trong việc chọn hạt giống cũng như tính toán phương thức gieo trồng.
- Ở Palestine, ruộng thường được ngăn thành từng thửa dài và hẹp. Giữa các thửa ruộng luôn có một dải đất dùng làm lối đi. Dải đất này bị chai cứng vì người ta thường đi lui đi tới trên đó. Đây là có lẽ là loại vệ đường mà Đức Giêsu nói tới. Dù gieo bằng cách nào đi chăng nữa thì cũng không tránh khỏi việc có những hạt rơi trên lối đi. Như vậy, cũng như trường hợp hạt giống rơi trên đường cái, những hạt rơi trên lối đi hay vệ đường thì chẳng thể nào mọc lên được, trước khi bị chim trời ăn mất. Đời sống đức tin của chúng ta cũng thế thôi. Một tâm hồn khô khan nguội lạnh, chắc hẳn sẽ rất khó thiết tha với việc đạo nghĩa. Người ta sẵn sàng nại đến rất nhiều lý do để thoái thác việc thi hành các bổn phận của người Kitô hữu. Lâu dần, cảm thức đức tin nơi họ sẽ trở nên phai nhạt; đồng thời dọn đường cho những thứ bói toán, tử vi và những điều trái với đạo lý một khi được ai đó rủ rê. Có lẽ, ma quỷ chỉ chờ có thế thôi.
- Nơi sỏi đá không phải là mảnh đất chỉ có toàn là đá và sỏi; thực ra, đây là một cảnh rất đỗi thông thường ở Palestine. Đó là một lớp đất mỏng phủ trên lớp đá vôi. Lớp đất chỉ dày vài phân và người ta chỉ cần cào nhẹ cũng có thể đụng tới lớp đá phía bên dưới. Hạt giống một khi rơi vào vùng đất đó, chắc chắn sẽ nảy mầm rất nhanh, vì dưới ánh nắng mặt trời, đất sẽ mau nóng ấm và tác động lên hạt giống. Nhưng do đất quá mỏng nên khi rễ đâm xuống tìm hơi ẩm và chất dinh dưỡng thì chỉ gặp toàn đá sỏi. Nó sẽ chết vì thiếu dưỡng chất và sẽ không chịu nổi sức nóng mặt trời.
- Đất nhiều gai góc là đất đánh lừa mắt người ta. Khi người nông dân chuẩn bị gieo giống, thửa ruộng của họ trông có vẻ bằng phẳng và tươm tất. Người ta có thể dọn đất bằng cách phát sạch cây cối bên trên, nhưng rễ của đủ loại cây cỏ vẫn còn nằm bên dưới, sẵn sàng đâm chồi trở lại. Người nông dân nào cũng biết rằng, cỏ dại mọc với một tốc độ rất nhanh và mạnh đến nỗi không một hạt giống tốt nào có thể địch lại được. Kết quả là hạt giống tốt và cỏ dại mọc chung với nhau, nhưng cỏ dại lại quá mạnh đến nỗi nó chèn ép và làm chết những mầm cây khi nó vừa nhú lên. Khi người ta xác định cho mình quá nhiều mục tiêu cùng lúc, cộng với việc muốn tốc chiến tốc thắng thì cuối cùng chẳng thể hoàn thành bất kỳ kế hoạch nào đã đề ra. Đời sống đức tin cũng thế, hạt giống Lời Chúa có thể phát triển thành cây non nhưng nó chẳng thể cạnh tranh thứ thiện chí đã bị chia năm xẻ bảy, càng không thể sống sót nếu chỉ dựa vào chút phập phù của ước muốn ngay chính. Cây đức tin dần dà sẽ trở nên dặt dẹo vì cớm nắng và sẽ đổ gục mà chẳng thể nào gượng dậy được sau những phong ba của cuộc đời.
- Đất tốt là đất được dọn sạch, xốp, đủ độ ẩm và độ sâu cần thiết. Nhờ đó, những cây con có thể đâm rễ sâu và tìm được đủ chất dinh dưỡng giúp nó lớn lên mau chóng, đồng thời đem lại vụ mùa bội thu cho những người canh tác. Người nông dân bao giờ cũng trù liệu những rủi ro có thể xảy đến, nhưng luôn tin tưởng nó sẽ đem đến cho họ một mùa màng tươi tốt. Như vậy, gieo giống đối với người nông dân chính là gieo cấy niềm hy vọng. Họ gieo chính niềm hy vọng của mình vào ruộng đất và chấp nhận vất vả. Họ thuộc nằm lòng nguyên tắc cơ bản: Nhất nước – nhì phần – tam cần – tứ giống. Họ thừa hiểu rằng, gian nan hay trở ngại có đó nhưng chắc chắn mùa gặt rồi sẽ đến. Người có hy vọng luôn sống trong vui tươi, do đó người nông dân cũng giống như người đi gieo vãi niềm vui trong cuộc đời này vậy. Bạn luôn muốn mảnh đất tâm hồn mình là đất tốt đúng không ạ? Thế nhưng, có bao giờ bạn ra sức dọn dẹp mảnh đất ấy để Lời Chúa có thể tăng trưởng và trổ sinh bông hạt cách xứng hợp? Hay bạn chỉ muốn ngồi yên rồi trông chờ mùa gặt mà chẳng màng phí sức nhọc công?
- Trong những ngày sắp tới, sẽ có 430 tu sĩ tình nguyện đến các bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 theo sự hướng dẫn của ngành y tế”. Khi biết tin này, trong lòng tôi cuộn trào lên một thứ cảm giác vui buồn lẫn lộn. Tôi hơi buồn vì mình chưa có cơ hội để cùng tham gia với các bạn trong “trận chiến” này; nhưng tôi rất vui vì Giáo Hội đã dám dấn thân một cách đầy quả cảm. Tôi hãnh diện vì các bạn là những người còn rất trẻ nhưng thừa can đảm và chẳng ngại hy sinh; nhưng tôi thực sự lo lắng vì các bạn phải đối diện với những hiểm nguy luôn rình rập. Tôi chạnh lòng vì đôi lúc người ta không ưa sự tử tế; nhưng giờ là lúc tôi tin tưởng các bạn sẽ là những người thi hành sự tử tế ở mức cao nhất của nó. Tôi tự hỏi, liệu có ai trong số các bạn được điều động lần này, giờ đang cảm thấy phân vân vì nhiễu loạn thông tin hay vì nhiều người bàn ra nói vào khiến cho lòng thoáng chút sợ hãi; nhưng tôi cũng tin vào những vị có trách nhiệm trong giáo phận hoặc những nhà chuyên môn sẽ biết cách trấn an và hướng dẫn cho các bạn những gì cần kíp nhất. Tôi lờ mờ nhận thấy đây là một cuộc chiến thực sự khốc liệt; nhưng tôi cũng tin rằng, sự hiện diện của các bạn sẽ làm hồi sinh mảnh đất tâm hồn của những người mà các bạn gặp gỡ, nhất là những người chưa biết Chúa. Tôi mạo muội nghĩ dùm những bạn sợ rằng mình sẽ thiếu sót bổn phận thiêng liêng hằng ngày của người tu sĩ; nhưng tôi không cho là như vậy, những hy sinh của các bạn sẽ là lễ dâng còn đẹp hơn cả những lời nguyện cầu; hãy nhớ đến Chúa trong mọi việc mình làm; còn chúng tôi, sẽ luôn cầu nguyện để những người đang dấn thân thay cho mình được bình an. Xin được mượn lời của Steve Jobs đã nói để cầu chúc các bạn luôn bền tâm vững chí và vượt thắng mọi nghi nan:“Thời gian của bạn không nhiều, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều - đó là sống với kết quả suy nghĩ của người khác. Đừng để âm thanh của những quan điểm khác lấn át đi giọng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy giữ lấy sự can đảm để đi theo trái tim và trực giác. Chúng biết bạn thực sự muốn trở thành con người như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu”. Xin được bày tỏ lòng biết ơn và ái mộ dành cho tất cả các bạn. 
 
Viết Cường, O.P.


Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 26 thường niên, Năm B) (26/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 25 thường niên - Năm B) (19/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 24 Thường niên - Năm B) (12/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 23 thường niên -Năm B) (5/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 22 Thường niên - Năm B) (29/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 21 TN, Năm B) (23/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Đức Mẹ hồn xác lên trời 15/08/2021) (15/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (08/08/2021) (8/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật, 01/08/2021) (1/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (27/7/2021) (27/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (20/7/2021) (20/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (19/7/2021) (19/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (18/7/2021) (19/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (17/07/2021) (17/7/2021)

Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi phụ nữ toàn thế giới (15/5/2011)

Một cặp vợ chồng người Ý đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước (30/4/2011)

Vợ chồng cầu nguyện với nhau (28/4/2011)
 Các tin khác:  1   2   3 
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn