Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
 GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (Chúa nhật, 01/08/2021)



 
1.         Chuyện chúng mình:  
RỚT NƯỚC MẮT CẢNH NGƯỜI ĐÀN ÔNG XIN MỘT LÚC 2 HỘP CƠM TỪ THIỆN: "EM ĐÓI QUÁ, EM NHỊN 2 NGÀY RỒI!"  
Đáng ra mỗi người một hộp cơm nhưng vì quá đói, anh đã chạy ra khẩn khoản xin thêm.
Đoạn clip do một đoàn phát cơm từ thiện đăng tải trên mạng xã hội. Sự việc xảy đến vào ngày 27-7 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, khi thấy xe vừa đến để phát cơm, người đàn ông lao ra từ chỗ nghỉ để xin thêm:
- Gửi anh hộp cơm nha.
- Chị, chị làm ơn cho em xin một hộp nữa chị. Em nhịn đói 2 ngày rồi chị. Em người Sóc Trăng, có giấy tờ này.
Nói đoạn người đàn ông giở ví để lấy chứng minh thư ra. Hai người phát đồ xua tay, bảo không cần. Ngay sau đó, họ cũng quyết định gửi thêm cho người đàn ông một ít tiền để mua mì tôm ăn đỡ đói.
Người đàn ông rối rít cảm ơn khi nhận được món quà đáng giá này.
Đoạn clip khi đăng tải đã khiến nhiều người rơi nước mắt. Dịch bệnh căng thẳng, có rất nhiều người khó khăn, chỉ biết trông chờ vào cơm từ thiện như thế.
Hy vọng rằng, dịch bệnh hãy nhanh chóng rời xa để người dân quay về với cuộc sống bình thường, ổn định như xưa.
Nhiều dân mạng đưa ra bình luận khác nhau ngay dưới clip. 
 "Cay mắt quá mọi người, xem clip mà thương anh quá chừng". 
 "Ôi, nhiều mảnh đời bất hạnh thật sự, dịch bệnh quá tai hại, ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của chúng ta".
 
2. Những con số biết nói
 
Stt
 
Quốc gia
 
Được chữa khỏi
 
Tử vong
 
Tổng số
1
Pakistan
940.164
23.360
1.029.811
2
Bangladesh
1.078.212
20.685
1.249.484
3
Kazakhstan
473.344
5.866
572.576
4
Việt Nam
38.734
1.306
150.007
 
 
 
 
 
 
Thế giới
 
179.255.662
 
4.232.232
 
198.501.220
 
 
 
Cập nhật lúc 7g25, ngày 01.8.2021
 
3.       Khuôn vàng thước ngọc (Ga 6,24-35;Chúa nhật, tuần XVIII Thường niên)  
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thanh luyện động lực theo Chúa của chúng ta. Chúng ta đừng tìm Chúa, theo Chúa vì đã được ăn bánh no nê như người Do Thái năm xưa, nhưng hãy theo Chúa vì Nước Trời, vì những thực tại thiêng liêng cao quí hay nói đúng hơn, chúng ta theo Chúa vì chính Chúa mà thôi. Một khi đã theo Chúa như thế, thì dù có gặp trăm ngàn thử thách chúng ta cũng không bỏ Chúa và chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy sự sống cũng như gặp được nguồn hạnh phúc đích thật.
Khác với tác giả các Tin Mừng khác, thay vì gọi những việc lạ lùng Đức Giêsu thực hiện là phép lạ, thánh Gioan lại gọi những việc kỳ diệu Đức Giêsu thực hiện là các dấu lạ. Chẳng hạn, Ngài gọi phép lạ hoá bánh ra nhiều là dấu lạ hoá bánh ra nhiều. Vậy dấu lạ là gì? Trước hết, dấu lạ là dấu để chỉ cho biết một điều gì đó lạ lùng, hiếm thấy và có khi là chưa nghe nói tới bao giờ. Như vậy, dấu lạ không phải là mục tiêu người ta nhắm tới để rồi dừng lại ở đó, nhưng qua dấu lạ ấy, người ta biết được đâu là mục tiêu cuối cùng cần phải hướng tới. Nói cách khác, dấu lạ không phải là điểm dừng nhưng nó phải dẫn người ta tới nơi cần đến và tới điều người ta cần gặp. Kế đến, sở dĩ thánh Gioan gọi phép lạ là dấu lạ là vì mỗi sự kiện như thế, Đức Giêsu đều dùng nó như một dấu chỉ để Ngài mặc khải, tỏ bày cho chúng ta một chân lý cứu độ. Chẳng hạn, qua phép lạ làm cho người mù từ lúc mới sinh được sáng mắt, Đức Giêsu mặc khải Ngài chính là ánh sáng thế gian. Tương tự như thế, phép lạ hoá bánh ra nhiều do Đức Giêsu thực hiện để nuôi năm ngàn người ăn no được gọi là dấu lạ, bởi vì qua đó, Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh bánh trần gian để hướng người Do Thái tới Bánh Hằng Sống từ trời ban xuống là chính Ngài; từ bánh Manna để hướng chúng ta tới Thịt và Máu Ngài là bánh trường sinh nuôi sống nhân loại.
Thế nhưng, người Do Thái đã không hiểu được sự kiện hoá bánh ra nhiều là dấu lạ để hướng tới việc nhìn nhận Đức Giêsu là Bánh trường sinh mà chỉ dừng lại ở chỗ họ đã được ăn bánh no nê. Bởi đó, khi thấy người Do Thái tìm kiếm mình với mục đích hoàn toàn vật chất và vụ lợi, Đức Giêsu đã khiển trách họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta không phải vì các ngươi đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Và khi được mời gọi hãy lao công không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn đem lại sự sống đời đời là tin vào Đức Kitô, Đấng đã được Thiên Chúa sai đến, thì lập tức, những người Do Thái hỏi vặn lại Đức Giêsu: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Thực ra, dưới mắt của những người Do Thái, Đức Giêsu không thể sánh được với ông Môsê, tổ phụ của họ. Theo họ, dấu lạ hoá bánh ra nhiều của Đức Giêsu thua xa phép lạ Manna xưa. Vẫn theo họ, Đức Giêsu chỉ làm dấu lạ hoá bánh ra nhiều một lần để nuôi năm ngàn người, còn Môsê đã thực hiện phép lạ Manna trong suốt thời gian tiến về đất hứa và không phải chỉ cho năm ngàn người ăn mà cho cả một dân tộc. Thế nhưng, Đức Giêsu đã cho thấy, không phải Môsê đã ban bánh bởi trời mà là Cha Ngài và bánh bởi trời đích thực không phải là Manna mà là chính Ngài, bởi vì bánh đó sẽ ban sự sống đời đời cho nhân loại.
Như vậy, qua dấu lạ hoá bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn mọi người tin vào Ngài để có được sự sống đời đời. Con người không thể tìm thấy sự sống thật ngoài Đức Giêsu. Ngài chính là sự sống, là nguồn mạch sự sống vô tận, là sự sống trường sinh nên không bị giới hạn bởi sự chết. Ngài đến để cho con người được sống và được sống dồi dào. Và để cho thấy, khát vọng thâm sâu nhất của con người là được sống đời đời, Đức Giêsu đã từng nói: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên chúa phán ra”. Rồi bên bờ giếng Giacóp, Đức Giêsu cũng mặc khải cho thiếu phụ xứ Samari biết: “Ai uống nước này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta ban, sẽ không còn khát nữa”. Còn trong bài Tin mừng hôm nay, một lần nữa Ngài đã quả quyết: “Ch ính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, sẽ không hề đói, ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.
Xưa kia, khi nghe những lời trên, dân Do Thái liền thưa với Đức Giêsu: “Thưa ngài, xin ban cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”. Còn hôm nay, chúng ta là những người đã tin vào Đức Giêsu và đã tìm thấy sự sống thật nơi Ngài, lẽ nào chúng ta còn đói khát điều gì khác? Lẽ nào chúng ta còn tìm kiếm sự sống nào khác ngoài Đức Giêsu, ngoài Bánh Hằng Sống mà Ngài đã hiến mình để trao ban cho nhân loại? 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ra công tìm kiếm Chúa như là cùng đích tối hậu của đời mình. Xin cho chúng con nhớ rằng, đang khi tìm kiếm những của nuôi thân thì cũng luôn biết thiết tha kiếm tìm những thứ bồi dưỡng cho linh hồn. Xin cho chúng con luôn biết nhận ra mình đói khát Lời Hằng Sống và không ngừng thực thi điều Chúa truyền dạy, để cũng biết chia sẻ cơm bánh vật chất cho những kẻ cơ bần. Xin cho chúng con biết quý trọng Bí tích Thánh Thể và dọn lòng cho thật xứng đáng mỗi khi lãnh nhận nguồn thần lương này.
 
4.       Lời bàn
- Có hai thứ đói trong đời, đó là đói về thể xác và đói tinh thần. Một khi đói về mặt thể xác thì thực phẩm vật chất có thể thoả mãn, nhưng đói tâm linh thì thức ăn thể chất không có thể thoả mãn được. Đức Giêsu nói cho đám đông dân chúng nên biết tìm thứ gì quan trọng hơn bằng một câu ngắn gọn: Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. Từ xa xưa ngôn sứ Isaia cũng đã nêu cùng một câu hỏi như vậy: “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?” (Is 55,2). Có bao giờ chúng ta tự hỏi, chúng ta thực sự đang đói khát điều gì? Chúng ta nên nhớ rằng, Đức Giêsu thấy rõ đám đông chỉ chú ý đến sự thoả mãn về phần thể xác, bởi vì họ đã được đãi ăn một bữa dư dật chẳng phải trả tiền, và giờ thì muốn tiếp tục được ăn thêm lần nữa. Chắc rằng, Ngài thừa khả năng để đáp ứng cho họ về điều đó. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã nhân cơ hội này để nói cho họ biết rằng, vẫn còn nhiều thứ đói khát khác mà chỉ Ngài mới làm thoả mãn được: Đó là đói chân lý, thứ mà chỉ có mình Ngài mới ban cho loài người. Đó là đói sự sống, chỉ có Ngài mới ban sự sống thật dư dật. Đó là đói tình yêu, chỉ có Ngài mới ban cho họ tình yêu vượt trên tội lỗi và sự chết. 
- Khi Đức Giêsu nói, “Hãy ra công làm việc để có được thứ lương thực đem lại phúc trường sinh”, thì người Do Thái nghĩ ngay đến việc lành, đến việc làm phúc. Họ luôn tin rằng, một người sống tốt lành thì được hưởng ân huệ của Thiên Chúa. Họ chủ trương loài người được chia làm ba hạng: người ngay lành, người xấu xa và người ở giữa hai hạng đó; nếu biết làm thêm một việc lành nữa, thì người ở hạng thứ ba này có thể được chuyển sang hạng người ngay lành. Nên khi hỏi Đức Giêsu về công việc của Thiên Chúa là gì, họ mong rằng Ngài sẽ đưa ra một bảng liệt kê những gì họ phải làm, nhưng Đức Giêsu đã khiến họ bất ngờ: Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”.
- Vậy thì tin là gì? Tin vào Đấng được Thiên Chúa sai đến chính là thiết lập mối tương quan với Thiên Chúa, và nhờ đó chúng ta trở con cái của Ngài. Chúng ta không còn phải sợ hãi bởi vì Thiên Chúa là Cha đầy lòng yêu thương, đến nỗi chúng ta sẵn sàng tin cậy và phục tùng Ngài cách tự nhiên do mối liên hệ mới mẻ đó. Chúng ta chẳng bao giờ biết được Thiên Chúa nếu Đức Giêsu không đến, sống và chiụ chết để dạy cho mỗi chúng ta biết điều đó. Chính nhờ Đức Giêsu, chúng ta biết Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta. Ngài  chẳng muốn gì khác hơn là tha thứ cho chúng ta, đồng thời xóa đi sự sợ hãi hoặc nghi ngờ vào tình thương của Thiên Chúa trao ban. Xuất phát từ tình thương hải hà đó, Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta bước vào trong tương quan thân ái với Ngài, tức là cùng được chia sẻ sự sống thần linh của Đấng Tạo Thành. 
- Thiên Chúa là tình yêu thương, vì thế đời sống chúng ta cũng phải biết yêu thương và phục vụ tha nhân, phù hợp với tình yêu và sự phục vụ Thiên Chúa: tha thứ người khác, phù hợp với tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa là thánh thiện, do đó đời sống chúng ta phải thuần khiết phù hợp với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự khôn ngoan, vì thế đời sống chúng ta cũng phải tuân phục hoàn toàn và tin cậy tuyệt đối, phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã dạy tất cả những điều căn bản cho đời sống đức tin của Kitô hữu trong mối liên hệ mới mẻ với Thiên Chúa và đó cũng là công việc mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện. Nói một cách khác, công việc duy nhất chúng ta phải làm cũng là công việc duy nhất Đức Giêsu vẫn làm đó là chu toàn công việc của Chúa Cha. Bao lâu chúng ta nhận rằng mình tin vào Thiên Chúa nhưng lại trốn tránh những bổn phận phải làm, thì bấy lâu đức tin ấy chỉ là một ngộ nhân, không hơn không kém. Bao lâu chúng ta tự hào mình là là Kitô hữu nhưng vẫn miệt mài tìm kiếm những thứ chóng qua và mau hư nát, thì bấy lâu chúng ta cũng chỉ là những thứ thanh la não bạt hoặc thùng rỗng kêu to, còn thực chất chẳng có gì để nói.
- Trong Do Thái giáo, có một niềm tin mạnh mẽ rằng, khi Đấng Mêssia đến, Ngài sẽ lại ban manna. Việc ban manna được coi là việc tối quan trọng trong cuộc đời của Môsê, mà Đấng Mêssia thì hẳn là còn phải làm được nhiều hơn như thế. Người ta cũng tin có một bình manna được giấu trong Hòm giao ước nơi ngôi đền thờ đầu tiên. Khi Đền thờ bị phá hủy thì Giêrêmia là người đã đem giấu đi; vào thời Đấng Mêssia đến, Ngài sẽ tìm lại và dân chúng tiếp tục được nhìn thấy manna. Nói khác đi, dân Do Thái đang thách thức Đức Giêsu, là hãy khiến bánh từ trời xuống để hậu thuẫn cho lời tự xưng của Ngài; bởi vì, họ không chịu xem số bánh cho năm ngàn người vừa được ăn là bánh từ Thiên Chúa mà đến. Đáp lại đề nghị của họ, trước hết, Đức Giêsu nhắc cho họ biết rằng, không phải Môsê đã cho cha ông họ ăn manna, mà là Thiên Chúa. Thứ hai, Ngài công bố rằng chính Ngài mới là “Bánh trường sinh”. Điều mà Ngài ban, thì ban một lần cho mãi mãi. Ngài không ban một điều gì khác, mà là ban tặng chính mình. Ngài là thứ bánh vĩnh viễn, bánh cánh chung, bánh duy nhất quan trọng. Ngài chính là bánh đích thực ban sự sống viên mãn, trong khi manna không thể giải thoát người ta khỏi sự chết. Là Kitô hữu, chúng ta vẫn thường đón rước Bánh ban sự sống hằng ngày, nhưng thử hỏi rằng, chúng ta có thực sự tin là Bánh Thánh ấy đủ sức đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu không?
- Thái độ dân Do Thái rất đáng để ta suy nghĩ: nhớ tới Manna ngày xưa, họ chỉ nghĩ rằng đó là thứ bánh vật chất nhưng ngon hơn thứ bánh ngày thường, cho nên họ cầu xin với Đức Giêsu cho họ thứ lương thực vật chất đó để giúp họ no lâu hơn. Nhiều khi chúng ta đến với Chúa cũng chỉ để xin những nhu cầu thoả mãn cho cuộc sống vật chất như thế. Thật vậy, nếu không cẩn thận, chúng ta cũng sẽ giống như những người Do Thái trong bài Tin mừng hôm nay. Chúng ta thích phép lạ Manna, phép lạ vật chất hơn là phép lạ Thánh Thể. Chúng ta thích những cái chóng qua hơn là những của cải vững bền. Ước chi mỗi người trong chúng ta, một khi đã được nuôi sống bằng tấm bánh được bẻ ra là Đức Giêsu, chúng ta cũng biết trở thành tấm bánh được bẻ ra, được trao ban cho mọi người qua đời sống yêu thương, dấn thân và phục vụ quên mình.
- “Đáng ra mỗi người một hộp cơm nhưng vì quá đói, anh đã chạy ra khẩn khoản xin thêm”. Vì mưu sinh, người ta chấp nhận mạo hiểm để tha hương cầu thực. Cuộc sống nơi đất khách quê người đầy bất trắc và rủi ro, nhưng vì chén cơm manh áo, nhiều người đã không còn chọn lựa nào khác và đành lao vào một cuộc phiêu lưu. Thường ngày, quanh chúng ta có rất nhiều người lo chạy ăn từng bữa toát hết mồ hôi mà vẫn thiếu trước hụt sau. Với những người nghèo đang phải căng mình để tồn tại giữa chốn phồn hoa đô hội này thì tiền bạc họ có cũng chỉ giống như cảnh “bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”. Còn bây giờ, giữa mùa đại dịch, những mảnh đời vốn đã nghèo khó và khốn cùng, thì chính họ cũng là những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta vui khi có rất nhiều Mạnh Thường Quân sẵn lòng chia sẻ để giúp đỡ những người muốn về quê lánh nạn; nhưng đừng quên rằng, nhiều người không còn đủ sức để tháo chạy mặc dù trong lòng cũng rất muốn hồi hương. “Không một ai bị bỏ lại đằng sau”, có thể nó mãi chỉ là một khẩu hiệu nghe rất “kêu” nhưng kì thực còn ở rất xa với thực tế. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, chẳng ai dám lạc quan nhận mình đủ sức cưu mang những người đang rất cần một mái nhà để trọ, một ổ bánh mì con con để ăn hay thậm chí là một củ khoai cho ấm lòng những người con lưu lạc xa xứ. Hình ảnh người thanh niên xin thêm cơm từ thiện để khỏa lấp cơn đói thể xác thì chưa thể lột tả hết những bi đát mà nhân loại này đang oằn mình hứng chịu do đại dịch đưa đến.
- Tuy nhiên chúng ta cũng nên biết rằng, “Sự nghèo khó khốn cùng nhất là nỗi cô đơn và cảm giác không được yêu thương” (Mẹ Têrêxa Calcutta). Như vậy, chúng ta không thể loại bỏ khát vọng được nuôi ăn giống như người Do Thái năm xưa; nhưng ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng không thể không quan tâm đến việc tìm kiếm những của ăn dành riêng cho tâm hồn giống như Đức Giêsu mời gọi. Một khi không biết lưu tâm tìm kiếm thứ bánh mang lại sự sống vĩnh cửu, thì nhân loại này sẽ quay vòng trong các cuộc ẩu đả để tìm kiếm những lương thực chóng qua. Chọn sai cách tiếp cận để giải quyết chuyện nghèo đói, chúng ta sẽ đối diện với một cuộc khủng hoảng thực sự đúng như những gì Denis Diderot cảnh báo: “Ở bất cứ đất nước nào mà tài năng và đức hạnh không có sự tiến bộ, tiền bạc sẽ là thần thánh. Người dân hoặc có tiền hoặc khiến người khác tin rằng mình có tiền. Sự giàu sang sẽ là đức hạnh cao quý nhất, nghèo khó là sự xấu xa thấp hèn nhất. Người có tiền sẽ thể hiện điều đó theo mọi cách có thể. Nếu sự phô trương đó không vượt qua tài sản của họ, mọi thứ vẫn ổn. Nhưng nếu sự phô trương đó vượt qua tài sản của họ, họ sẽ hủy diệt chính mình. Trong đất nước ấy, những cơ đồ lớn nhất sẽ biến mất trong nháy mắt. Người không có tiền sẽ tự hủy diệt mình trong nỗ lực tuyệt vọng để che dấu sự nghèo khó. Đó cũng là một sự sung túc: dấu hiệu giàu sang bên ngoài cho số ít, mặt nạ che sự nghèo khó cho số đông, và nguồn tha hóa cho tất cả”. 

Viết Cường, O.P.
 


Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 26 thường niên, Năm B) (26/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 25 thường niên - Năm B) (19/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 24 Thường niên - Năm B) (12/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 23 thường niên -Năm B) (5/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 22 Thường niên - Năm B) (29/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 21 TN, Năm B) (23/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Đức Mẹ hồn xác lên trời 15/08/2021) (15/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (08/08/2021) (8/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (27/7/2021) (27/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (26/7/2021) (26/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (25/7/2021) (25/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (24/07/2021) (24/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (23/7/2021) (23/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (22/7/2021) (22/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (21/07/2021) (21/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (20/7/2021) (20/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (19/7/2021) (19/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (18/7/2021) (19/7/2021)
 Các tin khác:  1   2   3 
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn