Đắng cho người đi – Cay cho người ở lại
Dẫu biết rằng sinh ký tử quy hay là phận người không thoát khỏi cái quy luật của phận người sinh lão bệnh tử. Vừa thấy hiện lên trang cầu nguyện cho linh hồn người thân. Biết là chuyện chẳng lành nên hỏi thăm Anh hoàn cảnh của người quá cố!
Nghe câu chuyện kể xong cảm nhận như người đi đã đắng, người ở lại vẫn cay. Chắc có lẽ giờ này người ta muốn ngấn lệ để chia tay người đi trước, nhưng dòng lệ không thể tràn mi bởi rằng cay đắng quá. Dòng lệ như khô trước nỗi tàn phá của con virus quái ác.
Anh bị nhiễm và nguồn lây có lẽ từ những người di dân đang trọ nhà. Anh là con của chủ nhà có những người đang thuê trọ. Cơ bản bệnh nền Anh đã có để rồi sức đề kháng không đủ vượt qua sau 10 ngày đi cách ly theo lệnh của cơ quan y tế!
Dẫu là người thân của người quen nhưng ta không khỏi đau đớn cái phận người. Nọ nay chỉ nhìn qua ảnh người ra đi trên TV hay báo chí. Nay không nhìn cảnh, nhưng nghe xác nhận từ phía người thân.
Côvy đến đã để lại cho con người bao là mất mát. Chuyện "đi về" không tránh khỏi nhưng rồi chuyến đi về của người thân yêu sao chua xót quá! Người thân yêu ra đi đã đắng, còn phần cay để lại cho gia đình.
Cay đắng là không được nhìn nhau lần cuối, cũng như chả được vuốt mắt nhau. Đến ngày hỏa táng gia đình cũng không thể nào đến dự. Lặng lẽ và man mác nỗi buồn trong gia đình tang quyến.
Nếu như ra đi trong thời không giãn cách, thì đâu đó người thân còn được ở bên người quá cố vài ngày, hay ít là một ngày để người thân quen kính viếng. Thế nhưng rồi trong cái cảnh này, thì chuyện thăm viếng phải chăng là điều không tưởng. Dù là ai đi chăng nữa, cũng không thể tránh khỏi sự mất mát trong cô đơn vắng lặng như hiện nay.
Mà chắc có lẽ linh hồn người ra đi này chưa phải là duy nhất, mà là một trong hằng hà sa số, trong hoàn cảnh dịch bệnh như ngày hôm nay.
Bi đát hơn là biến thể mới không như biến thể cũ. Nó làm cho bao nhà khoa học nghĩ không ra, và chưa tìm cách để tiêu diệt. Chỉ biết là nó lơ lửng trong không khí, để rồi nó có thể va vào bất cứ cho những ai đi ngang vùng có nó.
Chẳng ai ngờ được, như cái gia đình chiều nay có người thân quen đã khuất. Người ra đi để lại bao nỗi thương niềm nhớ cho người ở lại và nhất là giờ này, cũng chẳng biết được người thân mình đang để ở đâu. Chỉ biết nay mai gì đó, gia đình nhận lại dúm tro tàn của kiếp người.
Phận người là như vậy đó! Mong manh và vô thường. Chỉ cứ như một cơn gió thoảng thoáng qua đời, để rồi con người không còn phương để sống.
Chiều hôm nay, trấn an với một bệnh nhân đang cách ly tại nhà và chờ đến giờ được đưa đi cách ly theo quy định. Dù cười cười nói nói, nhưng lòng cứ trầm lắng một nỗi đau: "Bây giờ! Ai ai cũng coi tôi như con hủi! Chả ai dám đến gần!"
Chua xót vậy sao? Cay đắng vậy sao?
Cái chợ Dược to nhất Sài Thành chiều nay rơi vào tình trạng rối loạn. Có đến 50% hộ kinh doanh đã ngừng không mở cửa, dù lệnh đóng chưa ban ra. Cái chợ Dược này là nơi cung cấp bao nhiêu là thuốc để chữa trị cho những kẻ có bệnh nền (trong đó có tôi), mà giờ đây phải dừng hoạt động, thì thử hỏi tổn hại biết là bao. Nơi đây, không còn tính của thiệt hại vật chất nữa, mà là tổn hại sức khỏe cũng như tinh thần, của bao nhiêu con người cần đến.
Bệnh nền như bản thân tôi là phận người mong manh nhất. Người ta mong được chích miễn dịch, nhưng phận này cũng chẳng có mong. Chính vì thế, sự sống dường như chỉ còn trông chờ vào sự quan phòng, cùng tín thác vào tay Chúa.
Trong điện thoại, cười thì vẫn cười đó, nhưng lặng lắng nỗi đau của gia đình nhỏ đang rơi vào cảnh nguy khốn. Chỉ biết thêm lời nguyện cho gia đình được mau qua cơn quẫn bách này. Đã vắng người mà đi cách ly nữa thì coi chừng như đau khôn xiết.
Cuộc đời của con người mong manh là như vậy. Với suy nghĩ đó, ngày nào còn sống để được hít thở khí trời, phải chăng là ngày hồng phúc. Đừng mơ với mộng, đừng hão với huyền nữa. Hãy trân quý sức khỏe của nhau và cho nhau. Hãy cho nhau nụ cười kẻo không ngày mai lỡ!
Lm. Anmai, CSsR
|