CHÚA NHẬT VI MÙA PHỤC SINH – NĂM B
NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG
Khi chuẩn bị chia tay các môn đệ mà về cùng Cha, Đức Giêsu đã không để lại một tài sản có thể liệt kê hoặc một kho tàng có thể hóa giá, mà chỉ để lại một tâm sự gởi gấm được coi như quí giá nhất của Ngài, đó là lệnh truyền ta vừa nghe trong bài Tin Mừng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
“Hãy yêu thương nhau”, đây không phải là cái gì mới mẻ, nhưng là đạo lý phổ quát ở mọi nơi mọi thời, cha ông ta ngày xưa đã bảo: “Bầu ơi thương lấy bí cùng …”, còn triết gia hiện sinh Albert Camus cũng không ngần ngại nói rằng: “Nếu tôi phải viết một cuốn sách luân lý đạo đức, tôi sẽ viết cuốn sách dày 100 trang, trong đó có 99 trang tôi bỏ trắng, và trang cuối cùng tôi chỉ ghi có một bổn phận, đó là yêu thương”. Vậy yêu mến nhau không phải là cái gì độc quyền của Kitô hữu, nhưng khi Đức Giêsu thêm vào lệnh truyền một câu nữa: “Yêu thương NHƯ Thầy đã yêu thương”, thì quả thật, Đức Giêsu muốn mệnh lệnh yêu thương phổ quát này phải lấy tình Chúa yêu thương con người làm tiêu chuẩn.
Vậy, Chúa yêu ta như thế nào, và ta cần làm gì để đáp lại Tình yêu của Thiên Chúa?
· Trước hết, Chúa yêu ta bằng một tình yêu vị tha: Tình yêu đích thực gồm hai động tác: ra khỏi chính mình và hướng về người khác. Có nhiều người bảo rằng mình yêu, nhưng không phải vị tha, mà là vị kỷ, yêu chính mình nơi kẻ khác. Td: mèo bảo rằng mình yêu chuột vì thịt chuột ngon. Chồng bảo rằng mình yêu vợ, nhưng bắt vợ phải làm theo mọi ý kiến của mình, biến vợ thành cái bóng của mình. Đức Giêsu thì không thế, ước muốn duy nhất của Chúa là tự hiến mình, và trao ban những gì mình có cho những kẻ được Ngài yêu thương.
· Thứ đến, Chúa yêu ta bằng một tình yêu hy sinh. Hy sinh là dấu chỉ của tình yêu ở mức độ cao nhất, như Đức Giêsu đã nói rõ trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Td: Lê Lai, Lê Lợi. Một nhà thơ đã từng nói: “Yêu là chết ở trong lòng một tí”. Một khi ta không nghĩ đến mình, mà chỉ nghĩ đến hạnh phúc và lợi ích của người mình yêu, đồng thời cố gắng thực hiện cho dù ta phải trả giá bằng những mất mát thiệt thòi, thì đấy là dấu chỉ cho thấy ta đang thể hiện một tình yêu hy sinh.
· Tiếp theo, Chúa yêu ta bằng một tình yêu thông cảm: (Đức Giêsu biết rõ những nhược điểm, những yếu đuối của các môn đệ, nhưng những điểm tiêu cực ấy không ngăn cản được tình thương Ngài dành cho họ). Kinh nghiệm cho thấy, khi sống chung, ta mới biết được tính tình và những ưu khuyết điểm của nhau; sự hiểu biết này lắm khi lại đẩy ta ra xa nhau. Td: đời sống cộng đoàn nơi các tu sĩ, có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Đời sống hôn nhân gia đình cũng thế. Tình yêu trước khi cưới và sau khi cưới có những nét khác nhau. Nếu không có một tình yêu thông cảm, biết kiên nhẫn, biết chịu đựng, biết chấp nhận nhau, thì lắm khi gia đình không còn là tổ ấm, nhưng trở thành quán trọ, chẳng vậy mà có người bảo rằng: “Hôn nhân là mồ chôn của một tình yêu ích kỷ, nhưng là ngày sinh nhật của một tình yêu biết hy sinh”. Đức Giêsu thì không ứng xử như vậy, Ngài biết rõ những nhược điểm, những yếu đuối của các môn đệ, nhưng những nét tiêu cực ấy không ngăn cản được tình thương Ngài dành cho họ.
Khi chiêm ngắm Đức Giêsu, tác giả Tin mừng Matthêu đã thấy nơi Ngài hình ảnh Người Tôi Trung của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (x. Mt 12,20). Cây lau bị giập, khó có thể đứng thẳng lên được; tim đèn leo lét thì ánh sáng chập chờn, có nguy cơ lịm tắt. Cây lau bị giập, tim đèn leo lét là biểu tượng của người yếu đuối, tội lỗi khó có khả năng phục hồi, nhưng Đức Giêsu không thất vọng, không loại trừ, Ngài thông cảm, nâng đỡ để cây lau đứng thẳng lên, Ngài khích lệ để làm ngọn lửa leo lét bùng cháy trở lại. Đức Giêsu nhẫn nại, thông cảm; khoan dung, ban sức mạnh để những người yếu đuối tội lỗi được phục hồi.
· Cuối cùng, Chúa yêu ta bằng một tình yêu tha thứ. Trong cuộc Thương khó, Đức Giêsu biết rõ phản ứng của các môn đệ: Giuđa phản bội Thầy, Phêrô chối Thầy, các môn đệ bỏ Thầy mà chạy, thế nhưng Đức Giêsu không chấp tội họ, không trừng phạt họ, Ngài tha thứ cho họ, cũng như trên thập giá, Đức Giêsu xin tha thứ cho những kẻ bắt bớ, đánh đập, sỉ nhục và giết chết Ngài. Có thể nói, tội lỗi là của con người, còn tha thứ là của Thiên Chúa. Trừng phạt giống như dội một thùng nước lên que củi sắp tàn, kết quả là ngọn lửa tắt ngúm. Tha thứ giống như thổi hơi vào tàn lửa sắp tắt, giúp cho ngọn lửa lại bùng lên. Vì thế, tình yêu chân thật phải được xây dựng trên sự tha thứ, không có sự tha thứ, thì tình yêu sẽ chết.
Như người nông dân khi gieo mạ, vẫn luôn chờ đợi mùa gặt chín vàng. Cũng vậy, khi yêu ta bằng một tình yêu khôn tả, Đức Giêsu đợi chờ ta đáp trả, đáp trả bằng cách tuân giữ lệnh truyền của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.
Trong thế giới hôm nay, có lẽ không còn nhiều người tin vào Thiên Chúa, không còn mấy ai thích nghe những bài thuyết giảng cao siêu về các mầu nhiệm trong đạo, cũng như nhiều người đã khước từ mọi thứ lý thuyết giáo điều. Nhưng phàm đã làm người thì ai ai cũng khao khát tình thương. Cũng vậy, thời nay, người ta ít đặt nặng vấn đề hữu thần hay vô thần, mà sẽ đặt nặng vấn đề hữu tâm hay vô tâm. Người ta cũng chẳng để ý lắm đến cách phân loại giữa kẻ tin và kẻ không tin, nhưng để ý đến cách phân loại giữa người vị tha và người vị kỷ. Nói cách khác, ai giàu lòng yêu thương, và chứng minh được lòng yêu thương của mình, sẽ được người khác tin theo. Vì thế, lệnh truyền của Đức Kitô: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, vẫn luôn mang tính hiện sinh đối với thời đại hôm nay.
Trong thánh lễ hôm nay, xin Chúa thanh luyện tình yêu vốn còn nhỏ nhen ích kỷ của chúng ta, để đến lượt mình, ta biết thực sự yêu thương nhau, như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Lm. Antôn Trần Thanh Long, OP.
|