CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – NĂM B
CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG
Trong cuộc sống có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng tự nhiên, ánh sáng văn hóa, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần phải có một khả năng nào đó. Td: để thấy ánh sáng tự nhiên, chỉ cần có đôi mắt bình thường, nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, thì cần phải có một số vốn kiến thức, và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân giới thiệu. Thánh Gioan Tẩy Giả là chứng nhân cho Đức Giêsu ánh sáng như bài Tin Mừng đã khẳng định “Ông đến để làm chứng về ánh sáng, và để mọi người nhờ ông mà tin”. Nhìn vào cuộc đời Gioan Tẩy Giả, ta thấy ông làm chứng cho Đức Giêsu ánh sáng qua sự khiêm nhường và qua đời sống khổ hạnh.
Trước hết Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Giêsu qua sự khiêm nhường, Gioan Tẩy Giả khước từ hết mọi vinh quang người ta muốn bao phủ lên ông. Trước câu hỏi của người Do thái “ông là ai?”, Gioan tuyên bố ông không phải là Đấng Kitô, Đấng cứu độ toàn dân đang mong chờ; ông cũng không phải là ngôn sứ Êlia vĩ đại và cũng chẳng phải là vị tiên tri cao cả như dân chúng tưởng nghĩ. Gioan Tẩy Giả tự nhận mình là “Tiếng người hô trong hoang địa – Hãy dọn đường cho Chúa”. Như vậy, Gioan Tẩy Giả khẳng định ông không phải là người đứng đầu, nhưng chỉ là người đi trước dọn đường cho một Đấng cao trọng hơn ông sắp đến. Gioan Tẩy Giả biết Thiên Chúa đã dành cho ông một vai phụ, và ông hài lòng với vai phụ đó. Thật là khiêm nhường tự hạ, và đức khiêm nhường ấy đã làm cho lời chứng của Gioan Tẩy Giả có sức thuyết phục.
Kinh nghiệm cho thấy, trong cuộc sống rất nhiều người muốn đóng vai chính, muốn làm những việc vĩ đại và lớn lao, họ cảm thấy đơn điệu và buồn tẻ, không muốn thực hiện những công việc hằng ngày mà họ cho rằng đó là những việc tầm thường và nhàm chán. Họ quên đi rằng cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu ta biết khiêm tốn đứng sau và đóng vai phụ; cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu ta biết đón nhận và hết sức chu toàn bổn phận mà Chúa ủy thác cho ta. Làm một công tác phụ cho Chúa, tức là biến công tác ấy thành quan trọng, bởi vì đối với Chúa, mọi công tác đều đồng hạng. Chúa để ý đến nỗ lực của ta, chứ Ngài không quan tâm xem xét ta đang làm công việc gì. Ta vẫn thường nghe nói, hãy theo gương các thánh, các thánh là những chứng nhân tuyệt vời của Chúa, thế nhưng, các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ, nhưng các ngài nên thánh vì đã chu toàn công việc bổn phận mỗi ngày. Vậy thì ta có thể làm chứng cho Chúa qua việc chuyên cần thực hiện công việc bổn phận của mình, cho dù những công việc ấy thật âm thầm, nhỏ bé, không đáng kể trước mặt người đời.
Thứ đến, Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa qua đời sống khổ hạnh của mình. Chúng ta đang sống trong một thời đại ngả về khuynh hướng hưởng thụ. Người nghèo thì bị lôi cuốn vào những công việc lam lũ nhọc nhằn để thỏa mãn cái đói trước mắt của thân xác; người giàu thì mê mải với biết bao tiện nghi đang quyến rũ, đang mời gọi, họ bị ám ảnh và chạy đua với những sản phẩm hàng hiệu, hợp thời trang. Rút cục, người nghèo, kẻ giàu đều có nguy cơ như nhau, đó là quên lãng sự sống tâm linh, họ dừng lại nơi cái bụng no, hay với những hàng tiêu dùng đắt giá. Chính trong bối cảnh ấy, một đời sống khổ hạnh sẽ lóe lên như ánh sáng; ánh sáng giúp ta nhận ra rằng, người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Tia sáng của đời sống khổ hạnh, nhắc lại cho ta lời Đức Giêsu nói: Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Người, còn những thứ khác, Người sẽ ban thêm cho .
Tóm lại, Gioan Tẩy Giả là một chứng nhân tuyệt hảo, ông đã biết hạ mình xuống để Đức Kitô nổi bật lên, ông bảo: “Ở giữa anh em có một Đấng mà anh em không biết, Ngài sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài”. Gioan Tẩy Giả đã biết ẩn mình trong bóng tối để Đức Kitô được xuất hiện trong ánh sáng.
Chúng ta đang ở trong Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa đến, Chúa muốn ta hãy mở đường cho Ngài, Chúa muốn ta làm chứng cho Ngài, Chúa muốn ta giới thiệu Ngài cho tha nhân bằng chính cuộc sống của ta, sống khiêm nhường, sống khổ hạnh như Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, khi chân thành tự vấn lương tâm, ta phải giật mình, bởi vì lắm khi, thay vì mở đường cho Chúa, ta chỉ lo mở đường cho ta; thay vì làm chứng cho Chúa, ta chỉ lo làm chứng cho ta; thay vì giới thiệu Chúa, ta lại giới thiệu bản thân mình.
Trong Thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp ta biết mở đường cho Chúa đến theo gương của Gioan Tẩy Giả, nghĩa là ta biết làm chứng cho Đức Kitô ánh sáng qua đời sống khiêm nhu và khổ hạnh của mình, có như vậy thì mùa Vọng này sẽ là Mùa hồng phúc cho ta.
Antôn Trần Thanh Long.Op
|