CHÀO MỪNG 25 NĂM SỐNG TIN MỪNG TÌNH YÊU
ĐÂU LÀ “NHU CẦU” CỦA BẠN
KHI THAM GIA CỘNG ĐOÀN?
Mỗi người trong chúng ta chắc hẳn đã ít nhất một lần tự vấn: “Tại sao tôi đi theo đời sống Cộng Đoàn?” hay “Cộng Đoàn này mang lại điều gì cho bản thân tôi?”. Từng người sẽ có cảm nhận, câu trả lời riêng cho mình. Bản thân tôi cũng vậy, tôi hay suy xét điều này dưới nhiều khía cạnh, đặc biệt là tâm lý học (vì đây là chuyên ngành của tôi). Không phải vì nghi ngờ, không phải vì so đo thiệt hơn mà là vì tôi muốn hiểu đâu là ngọn nguồn của sức hút mãnh liệt, của đời sống nhiệt huyết mà Cộng Đoàn đem lại cho bản thân tôi nói riêng và nhiều anh chị em nói chung. Vậy theo tâm lý học, đâu là lý do tôi theo đuổi đường hướng của Cộng Đoàn?
Năm 1943, Abraham Maslow, nhà tâm lý học tiêu biểu thế kỷ 20 đã đưa ra lý thuyết về bậc thang nhu cầu. Một trong những lý thuyết quan trọng nhất trong tâm lý học, marketing và quản trị kinh doanh.
Trong lý thuyết này, Maslow đưa ra 5 tầng bậc nhu cầu: Thể lý, An toàn, Tình cảm, Quý trọng và Hiện thực hóa bản thân (tham khảo trong hình).
Cộng đoàn đem lại gì cho chúng ta theo góc nhìn này?
2 tầng đầu tiên là Nhu cầu Thể lý và An toàn có thể tạm không xét đến vì mục đích của Cộng Đoàn không phải để đáp ứng hai điều này. Tuy nhiên, một cách hài hước, chúng ta có thể thấy rằng bữa ăn thân ái cuối giờ cũng luôn khiến moi người vui vẻ. Bên cạnh đó, đi đến Cộng Đoàn chúng ta chưa bao giờ phải lo lắng hay có cảm giác thiếu an toàn vì trộm cắp, móc túi hay bạo lực… Như vậy có thể xem nhu cầu an toàn cũng được đảm bảo phần nào.
3 tầng sau sẽ cho ta thấy rõ hơn những lợi ích của đời sống thiêng liêng ta cùng theo đuổi.
Một trong những cảm nhận mà chúng ta đa phần ai cũng từng trải nghiệm nơi Cộng Đoàn là tình cảm gia đình, anh em mà không phải ở đâu cũng có; thậm chí đôi khi ngay trong ngôi nhà chúng ta sinh ra và lớn lên. Phần đông trong số anh chị em là những người xa nhà, xa quê để vào Sài Gòn sinh sống, làm việc. Chắc hẳn không ít lần ta cảm thấy để có được những người bạn, những người thân thuộc nơi thành thị này sao khó khăn đến vậy! Có những người vì đồng tiền, đố kỵ hay một chút danh vọng sẵn sàng đánh đổi tình thân mà ta giành cho họ. Có những mối quan hệ lại trở nên phai nhạt vì thời gian hạn hẹp ta giành cho nhau. Đến với Cộng đoàn, ta bất ngờ khi thấy những sự quan tâm sao lại chân thành và gần gũi đến thế. Với những bạn mới vào, không ít lần các bạn có thể sẽ bất ngờ khi có những anh chị, các bạn chưa quen và cũng chẳng biết, nhiệt tình thăm hỏi, hỗ trợ và làm quen. Với những thành viên có “thâm niên”, mỗi ngày ta lại càng tin tưởng nơi anh em đến mức sẵn sàng giao cả nhà cửa, con cái cho họ. Ngoài ra, trong những sinh hoạt chung, những ngày mừng tập thể… không phải chính lúc đó bạn cảm thấy mình được kết nối vào một khối lớn hơn chính bản thân mình sao? Tóm lại, chúng ta cảm thấy được thuộc về một nơi chốn bình yên, một cộng đồng yêu thương vô điều kiện. Đó chính là tầng thứ 3.
Tầng thứ 4, nhu cầu được Quý trọng. Bắt nguồn từ tầng thứ 3, nơi những tình cảm được trao đi và đón nhận, chúng ta sẽ cảm thấy bản thân mình được trân quý. Điều này không những thể hiện bằng sự tôn trọng nguồn gốc, văn hóa, đời sống từng thành viên giành cho nhau, mà còn được biểu hiện rõ ràng nhất qua những buổi Thờ phượng Chung. Ở đây, mỗi người đều tìm được tiếng nói của mình. Chúng ta có tự do để lên tiếng, để chia sẻ và biết rằng hàng trăm người phía dưới đang lắng nghe bằng toàn vẹn sự quan tâm chú ý. Trong mỗi buổi họp nhóm, chúng ta cũng được các thành viên khác chờ đợi ta lên tiếng, nói về những suy nghĩ, tình cảm, lời cầu xin hay tạ ơn. So với bên ngoài xã hội, có những lúc ta chỉ là người thấp cổ bé miệng, chật vật tìm kiếm chỗ đứng và thanh âm của bản thân trong một thế giới bon chen và ồn ào. Cộng Đoàn đem lại cho chúng ta cơ hội tuyệt vời để tháo cởi những băn khoăn, thả trôi những tư tưởng và chạm vào cảm xúc của mình. Theo các nhà tâm lý, bản thân lời nói, lời chia sẻ cũng có sức mạnh chữa lành những vết thương…
Tầng cuối cùng, đến với Cộng Đoàn, chúng ta còn được học hỏi, không chỉ về kiến thức xã hội mà còn về phần thiêng liêng. Chúng ta được khuyến khích và có tự do để thể hiện mình, qua những hoạt động theo khuôn khổ văn hóa Cộng Đoàn. Chúng ta tìm lại bình yên và khám phá chính bản thân mình qua từng bài học, từng buổi Tĩnh Tâm. Chúng ta biết chúng ta mỗi ngày hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn nếu sống theo Quy Ước. Chúng ta biết mình đang được mời gọi sống theo lời dạy của Chúa, để trở thành một Kitô hữu HIỆN HỮU trong xã hội và cuộc sống.
Vậy điều gì làm chúng ta khác biệt với những tập thể khác cũng cố gắng xây dựng theo khuôn mẫu này? Xin thưa, đó là sự có mặt của Thiên Chúa. Chính Ngài, chứ không ai khác, gắn kết chúng ta thành anh em, đào luyện, sửa dạy chúng ta qua Lời Chúa. Chính Ngài là ngọn nguồn bình an nơi ta được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Chính Ngài ban cho chúng ta một Người hướng dẫn đầy kiên nhẫn và tận tâm. Chính Ngài soi sáng cho Quy Ước chúng ta cam kết, thúc đẩy chúng ta giữ trọn lòng trung thành và tuân theo kỷ luật. Vì chính những điều này mới giúp chúng ta có đủ thời gian, đủ lòng khiêm tốn để cảm nhận những ơn ích Cộng Đoàn mang lại. Thật vậy, nếu chúng ta để những nhu cầu khác lấn át nhu cầu hoàn thiện bản thân trong Chúa, để sự lười nhác che mờ tình anh em, để Cái Tôi của ta vượt quá lòng tôn trọng giành cho mọi người, chúng ta sẽ dễ dàng rời xa Cộng Đoàn và đánh mất những món quà vô giá.
Trên hết, Thiên Chúa cho chúng ta tự do, Cộng Đoàn tôn trọng quyết định của mọi người (vì thật sự Cộng đoàn hay bất kỳ ai có làm gì, thì bản thân ta mới là người có quyết định sau cùng) và chúng ta được quyền chọn lựa để được SỐNG và quyền chấp nhận để được YÊU.
Phaolo Bột Nguyễn Hồng Ân
(Thành viên CĐ Sống Tin Mừng Tình Yêu)
|