SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA TRONG HÔN NHÂN
Linh đạo Kitô hay con đường nên thánh không phải là một cuộc tìm kiếm sự giác ngộ, những cảm nghiệm mới hay sự khôn ngoan, đúng hơn nó là một sự đeo đuổi và đáp trả với tiếng gọi của Thiên Chúa.
Tất cả các tác giả viết về linh đạo Kitô giáo trong quá khứ đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ý thức về sự hiện diện của Chúa. Những ai đã tiến xa trong đời sống Kitô đều đã phát huy được một trí nhớ giúp họ luôn ý thức rằng, Chúa đang ở với họ, luôn sẳn sàng nói với họ những lời thách thức, cổ võ, khẳng định và nhất là yêu thương. Họ luôn luôn cảm nhận được rằng, Chúa không ngừng theo dỏi họ, săn sóc họ, lắng nghe họ.
Một tác giả về tu đức nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ XVII là Đức Cha Francois Fenélou đã viết như sau: một qui luật chung để sử dụng thời giờ một cách tốt đẹp là hãy tập sống trong sự lệ thuộc không ngừng vào Thánh Thần Chúa, đón nhận trong mọi giây phút, bất cứ điều gì Ngài ban tặng cho chúng ta. Qui hướng về Ngài tức khắc, mỗi khi gặp nghi ngờ. Qui về Ngài khi gặp yếu đuối, kêu lên Ngài và nâng tâm hồn lên với Ngài mỗi khi trái tim bị trần thế lung lạc khỏi Thiên Chúa.
Cũng trong thế kỷ XVII, trong tác phẩm có tựa đề: “Tập Sống Trong Sự Hiện Diện Của Chúa”, một tác giả ký tên là thầy Laurent đã cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa đến độ khẳng định rằng, mình cảm thấy gần gủi với Chúa khi gọt vỏ khoai cũng như lúc cầu nguyện trước bàn thờ. Vị tu sĩ này nói rằng, chúng ta phải đặt mình trong sự hiện diện của Chúa bằng cách nói chuyện không ngừng với Ngài.
Theo thầy Laurent, lúc khởi đầu sống trong sự hiện diện của Chúa là một kỷ luật đòi hỏi nhiều cố gắng, nhưng với thời gian khi con người đã tập được thói quen, điều ấy sẽ trở thành tự nhiên. Chính vì muốn luôn được sống trong sự hiện diện của Chúa mà đã có không biết bao nhiêu người vào ẩn mình trong các tu viện. Họ tin rằng, để hưởng nếm được niềm hoan lạc được sống trong sự hiện diện của Chúa cần phải cắt bỏ mọi vướng bận của kế sinh nhai, nhất là cuộc sống gia đình.
Thời xa xưa, cho dẫu các dòng tu đeo đuổi những linh đạo khác nhau, nhưng cuộc sống của các tu sĩ vẫn xoay quanh một mẩu số chung là”luôn tập sống trong sự hiện diện của Chúa”. Mỗi ngày đều được khởi đầu với sự cầu nguyện. Trong năm luôn có những thời gian để giử thinh lặng, và cộng đoàn luôn tạo ra một bầu khí cổ võ các tu sĩ có cuộc sống hướng thượng.
Những người sống bậc vợ chồng chắc chắn không thể khuôn rập theo một lối sống như thế. Phải chăng với những lo toan trăm bề cho cuộc sống gia đình, những người sống trong bậc hôn nhân không thể sống trong sự hiện diện của Chúa. Về phương diện này, cuộc sống gia đình phải có nhiều thách đố hơn cuộc sống thánh hiến. Nhưng phải chăng, những người sống bậc vợ chồng không phải luôn luôn sống trong sự hiện diện của Chúa.
Trong Cựu Ước có một hình ảnh kỳ diệu cho phép chúng ta khẳng định rằng, sống trong sự hiện diện của Chúa là điều có thể và phải thực thi được trong đời sống vợ chồng. Theo sách Xuất Hành đoạn 2, Hòm bia giao ước được thiết kế với hai tượng thần hộ giá bằng vàng. Gương mặt của hai vị thần nhìn nhau và đôi cánh cũng chạm vào nhau. Thiên Chúa phán với Môisen như sau: “Từ trên nắp giữa hai tượng thần hộ giá đặt hòn bia chính ước Ta sẽ gặp ngươi”.
Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa hai tượng thần hộ giá là một hình ảnh rất quen thuộc trong Cựu Ước. Thời tiên tri Samuel, dân Do thái muốn kiệu hòm bia trở về, họ nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa tối cao ngự giữa hai tượng thần hộ giá.
Tác giả Thánh vịnh số 80 cũng viết như sau: “Lạy Chúa là Đấng chăn dắt Israel. Chúa là Đấng ngự giữa hai thần hộ giá”. Ngôn sứ Isaia cũng sử dụng một hình ảnh khi thưa với Chúa: “Lạy Chúa Toàn Năng, Thiên Chúa của Israel, Đấng ngự giữa hai thần hộ giá”. Hình ảnh này cũng được tác giả của lá thơ gởi cho giáo đoàn Do thái mượn lại như sau: “Trên hòm bia là các thần vinh quang”.
Với hình ảnh trên đây chúng ta có thể nói rằng, Thiên Chúa hiện diện với chúng ta khi nào có hai người được liên kết với nhau. Thiên Chúa ngự đến khi nào con người ngồi lại với nhau. Đây quả là một hình ảnh đẹp. Đã một thời con người đi tìm Chúa trong nơi cô tịch, nhưng Kinh Thánh cũng nói với chúng ta rằng, con người có thể tìm kiếm Chúa trong các mối tương quan và trong cộng đoàn.
Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu nói như sau: “Ta nói thật với các ngươi, nếu có hai hoặc ba người trên mặt đất này họp nhau để xin bất cứ điều gì. Cha Ta trên trời sẽ ban cho họ. Bởi vì ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Ta thì có Ta ở giữa họ”.
Cần phải ghi nhận rằng, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến chữ “nhân danh Ta”. Đôi vợ chồng nào biết đặt sự hiện diện của Chúa Giêsu vào trọng tâm của sự kết hiệp của họ thì gia đình của họ là một gia đình hiệp nhất. Bởi vì, họ muốn mời Ngài đi vào cuộc sống thân mật nhất của họ. Họ không chỉ đến với nhau để tránh sự cô đơn hoặc để xoa dịu đòi hỏi sinh lý. Bên trên những lý do trên đây, họ kết hợp với nhau để sống và đào sâu niềm tin vào Thiên Chúa. Ngay cả khi bạn không đi vào đời sống hôn nhân với một mục đích ấy, bạn vẫn có thể quyết định duy trì hôn phối của bạn trên căn bản ấy. Ngày nào bạn quyết định như thế, bạn sẽ thấy rằng, hôn phối có thể là một con đường để Chúa hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của bạn.
Hôn phối gợi lên cho chúng ta sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta. Hôn phối giúp chúng ta ý thức được hình ảnh của Chúa trong chúng ta và cho chúng ta được tham dự vào công cuộc sáng tạo của Ngài.
Mai Hương
(Radio Veritas)
|