Vài phút thinh lặng
Chúa Nhật XVIII Thường Niên – năm B
GẶP GỠ CHÚA HÔM NAY
..."Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ". (Ga.6, 24-35)
Người ta có thể gặp Chúa bằng nhiều cách khác nhau, nhưng không thể dự đoán trước cách nào.
Có khi là lúc ngồi nhìn một bầu trời hằng hà sa số các vì sao.
Có khi là lúc đang ngắm nhìn một cảnh bình minh tuyệt đẹp.
Có khi qua một người khác. Có lúc đang gặp một thảm kịch…
Nhưng một nơi duy nhất mà chúng ta luôn luôn có thể gặp và biết trước, đó là sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể.
Và người ta có thể đặt câu hỏi: nếu có thể gặp Chúa ở nhiều nơi, thì cần gì phải đến nhà thờ?
Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết lý do tại sao?
Thưa gặp Chúa trong cách này, chúng ta vừa được nghe Lời Ngài, vừa được tham dự “lễ bẻ bánh” với Ngài, một việc có tính thường xuyên, đầy cảm xúc, được biết trước và đầy nhận thức về Sự Hiện Diện duy nhất của Ngài.
Thánh Thể là một “câu chuyện” chan chứa tình yêu và là tâm điểm của đời sống người tin.
Vâng, đúng vậy, đó chính là nơi mà chúng ta luôn luôn có thể gặp được Chúa. Gặp và tin vào Ngài.
Tôi cần ý thức thế nào mỗi khi tham dự Thánh lễ?
Dành vài phút thinh lặng với Chúa.
Jos. Nguyễn Hùng Cường
————
(Theo truyền thống Kitô giáo, diễn từ Bánh Trường Sinh này - Gioan, chương 6 - quy về cả Lời Chúa lẫn Thánh Thể. Nhiều thế kỷ qua, chúng ta có thể thấy một cách nào đó, Giáo Hội đã quá nhấn mạnh đến Thánh Thể mà xao lãng việc hướng dẫn dân Chúa tiếp cận, gặp gỡ Chúa qua việc đọc, suy gẫm, cầu nguyện và sống Lời Chúa.
Công đồng Vatican II, trong Hiến chế về Mạc khải “Dei Verbum” số 21, các Nghị phụ đã xác định: “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân thể Chúa, nhất là trong Phụng vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu”.
Vì vậy, cũng từ sau Công Đồng Vaticano II, gian cung thánh có phần thay đổi, có khuynh hướng thiết kế “Thư đài” giống như một cái bàn hơn là bục đọc sách.
Thường trong thiết kế, phần trên của thư đài là một mặt phẳng trông giống như một cái bàn thờ hơn. Điều này nói cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng tương đương giữa bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.)
|