Thiên Chúa không chết
Triết gia vô thần người Đức Nietzsche (1844-1900) nổi tiếng với lời tuyên bố: Thiên Chúa đã chết. Từ đó, trào lưu triết học phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa ra sức chứng minh cho luận điểm này. Tuy vậy, nhiều người sẽ gặp khó khăn khi phải chú giải đoạn Kinh Thánh về Tin Mừng Phục Sinh mà hôm nay chúng ta lắng nghe (Lc 24,1-12). Đó là những dữ kiện cho thấy Đức Giêsu là Thiên Chúa và Ngài đã sống lại từ cõi chết.
Nietzsche chỉ đúng nếu xét trong cuộc thương khó của Đức Giêsu. Trong Tuần Thánh, chúng ta chứng kiến Chúa Giêsu phải chịu rất nhiều đau khổ, phải vác thập giá lên đồi Canvê. Sau cùng, rất nhiều người chứng kiến Đức Giêsu đã chết và được mai táng trong mồ. Trang sử của nhân loại chẳng có gì mới lạ nếu Đức Giêsu không sống lại, câu chuyện sẽ chẳng ồn ào nếu Đức Giêsu không phục sinh! Thực tế cho thấy Thiên Chúa không chết[1] là một dữ kiện vừa mang tính lịch sử vừa mang tính thần học.
Bằng chứng của biến cố phục sinh
Các Tin Mừng đều ghi lại dữ kiện ngôi mộ trống để cho thấy đây là bằng chứng đầu tiên liên quan đến việc Đức Giêsu sống lại[2]. Số là ngày thứ nhất trong tuần, một số phụ nữ đi ra mộ sớm để xức dầu cho thi thể Đức Giêsu. Đây là phong tục của người Do Thái, hầu giúp cho xác được phân hủy nhanh hơn. Sáng sớm khi vừa đến mộ, họ đã thấy tảng đá của cửa mộ đã bị lăn sang một bên. Họ cảm thấy có điều gì đó bất thường. Ngạc nhiên hơn khi họ không thấy thi thể Đức Giêsu trong mộ. Trong lúc hoang mang như thế, hai thiên thần hiện ra để báo Tin Mừng Phục Sinh cho các bà. Đức Giêsu đã sống lại và đã ra khỏi ngôi mộ tù túng này. Thời điểm này, đánh dấu ngày Chúa Nhật, tức là ngày Chúa Giêsu sống lại.
Cố bình tĩnh trước cảnh tượng lạ lùng này, các phụ nữ đã nhớ lại lời Đức Giêsu nói khi còn rao giảng ở Ga-li-lê: “Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24,7). Nếu tính về thời gian, Chúa chết vào chiều thứ Sáu, ngày thứ Bảy Chúa yên nghỉ trong mồ, đến rạng sáng ngày Chúa Nhật, Đức Giêsu đã sống lại. Bên ngôi mộ trống lúc này, các bà cảm thấy một niềm vui đang lan tỏa trong tâm hồn. Thay vì buồn sầu hoảng hốt, các bà chạy về báo tin cho các môn đệ.
Nếu bạn và tôi còn khó tin vào Tin Mừng Phục Sinh này, xin đừng lo lắng, bởi chính các môn đệ cũng gặp khó khăn này. Các bà về kể cho các môn đệ những gì đã thấy ở ngôi mộ trống, đã nghe lời thiên thần nói. Thay vì tin, các môn đệ hoài nghi với biết bao lý lẽ của các đấng nam nhi, khi cho rằng các bà thật bồng bột dễ tin. Thánh Luca cho thấy tất cả những người phụ nữ này đều nói cùng một thông điệp Phục Sinh. Họ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nhưng các môn đệ vẫn cho rằng đó là chuyện vớ vẩn, chẳng đáng tin.
Thật may là Phêrô đã chạy ra mộ để kiểm chứng. Tin mừng thánh Gioan còn cho thấy, cả Gioan cũng chạy ra mộ với Phêrô (Ga 20,3-4). Họ đã thấy ngôi mộ trống với những khăn liệm ở trên nền đá. Linh tính cho thấy, Thầy Giêsu đã sống lại và ra khỏi mồ. Họ đã tin vào Tin Mừng Phục Sinh.
Niềm vui Phục Sinh
Đối với những ai tin vào Thiên Chúa, dĩ nhiên đây là niềm vui vô bờ, vì Thiên Chúa đã chiến thắng tử thần. Đó là “sự chiến thắng của tình yêu trên sự chết.” (Bênêđictô XVI). Từ đây, lịch sử nhân loại mở ra một giai đoạn mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ước mong trước biến cố này, chúng ta xin cho mình cảm nhận được niềm vui của Chúa Phục sinh.
Một điều chắc chắn, nếu Đức Giêsu không sống lại, xin bạn đừng tin vào Người, đừng tin vào đạo Công giáo! Đó là lời quả quyết của Thánh Phaolô khi nói với chúng ta rằng: “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì lời chúng tôi rao giảng sẽ vô ích, và đức tin của bạn cũng vô ích” (1 Cr 15,14). Hay có lần Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận viết trong Đường Hy Vọng: “Nếu không có sự Phục Sinh, thì người Công Giáo là hạng vô phúc nhất trần gian.” Nhưng thật hạnh phúc cho chúng ta vì Chúa Giêsu đã sống lại thật!
Nếu lúc nào đó, chúng ta hoang mang về niềm tin của mình, thật quý để bạn chiêm ngắm mầu nhiệm Phục Sinh. Đó là nền tảng cho mọi điều chúng ta tin. Hoặc nói như lời Đức Bênêđictô XVI: “Biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại, trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bẩy mạnh mẽ cho niềm tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người” (x. Youcat 105).
Bạn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh chưa? Phần tôi, chỉ thấy tượng Chúa Giêsu Phục Sinh mỗi khi mừng lễ Phục Sinh thôi. Dẫu sao, ngoài ngôi mộ trống và những lời Thiên Thần nói trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta còn thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các tông đồ và với nhiều người. Chúng ta lưu ý rằng thân xác của Chúa lúc này không thuộc về trần gian nữa, mà Người hiện diện trong vinh quang với Chúa Cha. Thiên Chúa vẫn đang sống và hằng hiện diện với chúng ta, cho dù chúng ta không thấy Ngài một cách hữu hình. Trong ý nghĩa này, dường như chúng ta không được phép sống trong u buồn, sợ hãi. Theo đó, nhà văn Friedrich Schiller chí lý khi quả quyết rằng: “Người nào đã nhận được sứ điệp Phục Sinh, không thể nào còn bước đi với bộ mặt bi thảm và sống cuộc sống không có niềm vui, của một người không có hy vọng” (Youcat 108).
Ước gì bạn và tôi, luôn để Chúa Phục Sinh chi phối cuộc đời, đừng để Người quá xa vắng trong mọi biến cố vui buồn của ta. Được như thế, chúng ta mới làm chứng cho Chúa với người đời, với bạn bè rằng: Thiên Chúa đã chết, nhưng Ngài đã sống lại. Mục đích là Ngài muốn cứu độ chúng ta. Đó là niềm vui, là hạnh phúc cho những ai tin yêu Đức Giêsu phục sinh.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[2] X. Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-11, Ga 20,1-10.
|