CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM B
LỜI BAN SỰ SỐNG

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã ghi lại phản ứng của thính giả trước bài giảng về Bánh Hằng sống của Đức Giêsu, các môn đệ bỏ đi, còn các tông đồ thì quyết liệt ở lại. Tại sao bỏ đi, và tại sao ở lại?
· Nhóm môn đệ bỏ đi vì cho rằng lời của Đức Giêsu chướng tai quá, ai mà nghe nổi? Chướng tai ở hai điểm: Điểm I, Đức Giêsu khẳng định Ngài là Bánh Hằng sống từ trời xuống, đang khi các môn đệ biết rõ Ngài xuất thân từ miền Nazareth, biết rõ sơ yếu lý lịch của Đức Giêsu. Điểm chướng tai II, đó là Đức Giêsu nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sống muôn đời”, đang khi các môn đệ biết rõ, ăn thịt, uống máu ai đó, là hành vi man rợ, là tội nặng. Hậu quả là có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Ngài nữa. Họ đã theo Chúa một thời gian đã tin và trở thành môn đệ, nhưng họ không thể đi cho tới cùng. Như vậy, trở thành Kitô hữu không có nghĩa là người ta sẽ trung tín đến cùng. Bước theo Đức Kitô là bước vào một cuộc mạo hiểm, mạo hiểm của tình yêu, mạo hiểm của lòng tin.
Ngày hôm nay, có không ít Kitô hữu cũng bỏ Chúa mà đi như các môn đệ ngày xưa. Họ bỏ Chúa vì không hiểu nổi các mầu nhiệm trong đạo. Mầu nhiệm nhập thể; mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi; bí tích Thánh Thể, việc Chúa sống lại v.v… đó vẫn là những mầu nhiệm khôn dò khôn thấu, phải yêu mến mới hiểu được, mới chấp nhận được. Cũng có khi người Kitô hữu bỏ Chúa không phải vì không hiểu các mầu nhiệm trong đạo, nhưng vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn đạo đức, luân lý Đức Giêsu đề ra. Anh thanh niên giàu có trong Tin Mừng rất muốn theo Chúa, nhưng cuối cùng, anh buồn rầu bỏ đi, vì không đáp ứng được yêu cầu của Chúa, đó là : “Hãy bán tài sản của anh và đem cho người khác… rồi hãy đến theo tôi”. Cũng vậy, hôm nay vẫn có nhưng câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng, vì chướng tai, chướng cả với suy nghĩ và tình cảm của ta, Lời Chúa đòi tôi phải đi xa hơn, và bắt tôi điều chỉnh lại cuộc sống, điều chỉnh lại mối tương quan đã có với Chúa. Cuối cùng, người Kitô hữu bỏ Chúa vì họ không có đức tin đủ mạnh để vượt qua thử thách. Kỳ thực, đức tin phải trải qua thử thách, lửa thử vàng, gian nan thử lòng trung tín. Chỉ có những người bạn trung thành qua những khó khăn mới là những người bạn đích thực; chỉ có niềm tin kiên vững bất chấp mọi gian nan thách đố mới là niềm tin đúng nghĩa.
· Ngược lại với nhóm môn đệ đã bỏ Chúa mà đi, các tông đồ quyết định ở lại, và Phêrô đã đại diện nhóm 12 mà thưa với Chúa rằng: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai, Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Kỳ thực, có những điều Đức Giêsu nói, Phêrô không biết, không hiểu, ông cũng bối rối, lạc lõng, hoang mang như bất cứ ai khác; nhưng lòng yêu mến Đức Giêsu khiến ông trung thành với Chúa cho dù lý trí không biết, không hiểu rõ. Thế mới là tin, vì chưa thấy nên mới cần tin, đã thấy rồi, đã biết rõ rồi thì đâu cần tin nữa. Tuy nhiên, niềm tin không phải là cái gì vô lý: Sau khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, và sau khi chứng kiến Ngài đi trên mặt nước, các tông đồ hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin nơi Ngài. Đức tin không phải ngọn đèn cao áp giúp ta thấy rõ con đường phía trước để vững vàng bước tới, nhưng đức tin chỉ lập lòe như con đom đóm, nó vừa đủ sáng để ta bước từng bước một, nhưng nó cũng vừa đủ tối khiến ta ngần ngại muốn dừng chân. Xét cho cùng, Kitô giáo không phải là một triết lý mà chúng ta phải chấp nhận, nó là sự đáp ứng cá nhân giữa ta với Đức Giêsu, là lòng trung thành và tình yêu mến của ta đối với Ngài.
 Hành trình đức tin của chúng ta cũng không khác gì hành trình đức tin của các tông đồ. Có những thời gian thuận lợi, ta thấy niềm tin thật mạnh mẽ, nhưng rồi tới những ngày tối tăm u ám, ta cảm thấy niềm tin bị lung lay chao đảo, đó là khi ta gặp khó khăn thử thách. Lúc ấy Lời Chúa làm cuộc đời ta mất đi sự ổn định, Lời Chúa đụng vào tính tự cao tự đại của ta, khiến ta bị tổn thương, hoặc khi ta lâm vào tình trạng đau yếu bệnh tật; khi ta gặp thất bại, làm ăn lỗ lã; hoặc gia đình ta lâm vào cảnh lục đục bất hòa… những lúc ấy, ta dễ bị cám dỗ từ bỏ Chúa như những người Do thái trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trong những giờ phút tăm tối nhất, hãy mạnh dạn thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai, Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Lời đem lại sự sống đời đời không phải là lời dễ nghe dễ hiểu, càng không phải là lời ru ngủ, nhưng là lời đòi hỏi con người phải lựa chọn, lựa chọn Chúa hay lựa chọn chính mình. Chớ gì ta biết can đảm lựa chọn Chúa, nhờ đó, ta được thông hiệp vào sự sống của Đức Kitô, và cuộc đời ta sẽ có được sự bình an.
Antôn Trần Thanh Long, OP.
|