Ý THỨC MÌNH LÀ MỘT TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN TỰ NGUYỆN
NHẬP ĐỀ
 “Công tác tông đồ giáo dân” đã có ngay từ những ngày Chúa Giêsu còn tại thế ở Giêrusalem, nhưng mãi cho đến Công đồng Vatican II người ta mới thấy vấn đề này được Giáo Hội chính thức tuyên bố bằng một sắc lệnh - Sắc lệnh Tông đồ giáo dân.
Tại sao phải làm công tác tông đồ?
1. Vì mỗi người đều là thành viên nên có trách nhiệm trong gia đình Dân Thiên Chúa.
2. Vì cuộc canh tân của Giáo Hội chủ yếu tùy thuộc vào sự nhận thức đầy đủ về sứ mạng và việc đồng trách nhiệm của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới. (GH 33)
3. Giáo dân là nhịp cầu nối Giáo hội với thế giới hiện đại.
I. LOAN BÁO TIN MỪNG
1. Loan báo Tin Mừng là chia sẻ cách đơn sơ và khiêm tốn từ cõi lòng mình cái cảm nghiệm đức tin của những kẻ đã thuộc về Thiên Chúa. Công việc này sẽ bao gồm:
- Loan báo Tin Mừng, giới thiệu Đức Kitô cho người mình tiếp xúc: mời gọi họ hoán cải để trở về với Đức Kitô.
- Giúp thay đổi bậc thang giá trị, định hướng cuộc đời.
- Dẫn anh chị em vào tương quan thân thiện với Đức Kitô (nhận lấy sự sống của Người) và với dân của Người.
2. Học hỏi để có thể trả lời các câu hỏi của các anh em ngoài Kitô giáo đặt ra, đại loại như : “Làm một người Công giáo nghĩa là gì?”, “Tại sao bạn làm người Công giáo?” và “Chẳng phải đạo nào cũng tốt như nhau sao?” (1P 3, 15).
3. Bằng cách nào chúng ta rao giảng, chia sẻ kinh nghiệm đức tin và làm chứng về Đức Kitô?
- Mau mắn loan báo Tin Mừng và làm chứng về những điều kỳ diệu mình đã thấy, đã nghe, đã cảm nghiệm (Lc 1, 39).
- Chứng tá cá nhân rất quan trọng và biết cách trình bày chứng tá ấy một cách hữu hiệu.
- Chỉ quy về Thiên Chúa “Lạy Chúa, vinh quang chỉ thuộc về mình Chúa thôi " (Tv 115,1).
4. Vì thế trước khi giảng dạy hay trình bày chứng tá, hãy thầm nghĩ cầu xin ba điều đặc biệt sau đây:
- Xin Chúa hiện diện và phê chuẩn cho tư cách của bạn.
- Xin Chúa chúc lành cho những người sẽ nghe bạn.
- Xin Chúa soi sáng cho biết phải nói gì và đừng nói gì trong thời điểm nhất định này và với những thính giả cụ thể này.
5. Cách trình bầy chứng tá:
- Hãy sắp xếp ý tưởng cho mạch lạc và tránh rườm rà. Nói rõ ràng, gọn gàng và đừng ngại dùng micrô.
- Đơn sơ nói lên tự đáy lòng.
- Hãy thẳng thắn chia sẻ tác động của đức tin trên cuộc đời mình với những trích dẫn Thánh Kinh đánh động mình.
- Chỉ quy về Đức Kitô (Mt 10, 32).
6. Một số gợi ý cho nội dung làm chứng của bạn :
- Trước khi trở thành thành viên cộng đoàn, con người bạn như thế nào?
- Điều gì đã xảy ra trong đêm xác định chủ quyền, trong lễ hiến thân, trong tĩnh tâm đón nhận Qui Ước v.v…?
- Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đó?
- Nhận thức của bạn về Đức Kitô; ơn gọi, sứ vụ, lối sống, văn hóa cộng đoàn thay đổi đời bạn như thế nào?
- Những câu Kinh Thánh nào hoặc những lời giảng dạy, chia sẻ của ai đó đã in sâu trong tâm khảm bạn?
- Hiện nay bạn nhìn mọi sự với một cái nhìn khác. Hãy nêu ra một vài trường hợp.
II. BÀI GIẢNG HỮU HIỆU NHẤT CHÍNH LÀ GƯƠNG SÁNG
- Được thúc đẩy bởi lòng yêu mến và biết ơn tự bên trong, ra đi Loan báo và Làm chứng cho Tin Mừng (1Cr 9, 15-17).
- Gương sáng cha thánh Maximilian Kolbe và lời làm chứng của cụ Franciszek về “vị cứu thế” của mình.
- Gương sáng của Phêrô và Gioan: vâng lời Thiên Chúa, “Vì chúng tôi không thể không nói về những gì chính chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 18-20 ).
- Ngày nay, người giáo dân có sứ mạng trở nên muối, men, ánh sáng ở ngay môi trường sống ‘theo mức độ Đức Kitô ban cho’ (Ep 4,7).
III. 15 ĐIỀU NGƯỜI TÔNG ĐỒ TỰ NGUYỆN CẦN NHỚ:
Những gì trình bày dưới đây ít nhiều là chính tiến trình mà thành viên phải trải qua trong giai đoạn huấn luyện.
1. Xác tín mình đã được Thiên Chúa “kêu gọi” để trở nên môn đệ-sứ giả-bạn hữu của Người trong Đức Giêsu Kitô.
2. Bằng cách này cách khác, Ngài đã chọn tôi qua lời mời gọi của một người nào đó để dẫn tôi tới cộng đoàn.
3. Tôi quyết định đáp lại lời mời gọi và dự chương trình huấn luyện để tìm hiểu ý nghĩa của ơn gọi, sứ vụ với tất cả những đòi hỏi của nó, một tiếng gọi mà giờ đây tôi cảm thấy thật đáng giá, thật hấp dẫn.
4. Qua khoá huấn luyện, tôi ý thức về lời mời gọi của Thiên Chúa và khám phá ra kế hoạch Thiên Chúa muốn nơi mình và tài năng hay đoàn sủng Thiên Chúa phú ban để tôi đảm nhận sứ vụ mà Thiên Chúa muốn ủy thác cho.
5. Ngoài việc hiểu biết đoàn sủng của mình, nhờ được hướng dẫn tâm linh, tôi còn có dịp để nhận thức rõ hơn về Giáo Hội, trong đó tôi là một thành phần sống động và tích cực.
6. Để phát triển đoàn sủng của mình, tôi phải chuyên cần học hỏi, tự luyện để trang bị cho mình đúng mức, hầu trở nên hữu dụng và phục vụ có hiệu quả.
7. Trong những bước đầu tiên làm tông đồ ta sẽ phải đối diện với những khó khăn, thất bại, hiểu lầm, cũng như những thành công và một số kết quả. Khó khăn, thất bại…sẽ dễ làm ta nản chí? Thành công sẽ làm ta kiêu căng đến nỗi những người sống với ta không thể chịu nổi? Ta đang tìm mình hay tìm Đức Kitô? Đây cũng là nội dung để kiểm tra đoàn sủng của chúng ta.
8. Cộng đoàn sẽ chính thức sai ta đi thực hiện vai trò cụ thể thích hợp với đoàn sủng, hoàn cảnh sống của mình và các nhu cầu của Giáo hội địa phương. Cần phải phối hợp cả ba yếu tố đó.
9. Rồi sẽ đến ngày cha sở, cộng đoàn giáo xứ và cuối cùng cả Đức giám mục, nghĩa là toàn thể giáo hội, sẽ chuẩn nhận đoàn sủng của người tông đồ sau khi đã được kiểm tra thích đáng.
10. Người tông đồ giáo dân tự nguyện phục vụ miễn phí, nghĩa là ta vẫn tự lực lo toan cho sinh kế của bản thân và của gia đình. Cộng đoàn chỉ mong có nhiều con người bình thường làm nhiều việc tuy nhỏ mà đầy ý nghĩa cho Chúa và cho xã hội.
11. Công việc được ủy thác cho ta sẽ phải phù hợp với điều kiện và bổn phận trong cuộc sống của ta. Không thể vì công việc tông đồ mà dẹp bỏ những bổn phận và trọng trách khác cũng do Thiên Chúa trao cho.
12. Người tông đồ giáo dân ý thức mình sẽ đóng nhiều vai trò vừa trong Giáo hội vừa nơi xã hội, nơi công việc, gia đình của mình… Nơi đâu người ta cũng mong mình trở thành ánh sáng, là men, là muối cho trần gian. (Mt 5,13-14)
13. Người tông đồ giáo dân tự nguyện không cảm thấy sự dấn thân tôn giáo là bổn phận nặng nề nhưng nghiệm ra rằng đó là sứ mạng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ta từ trong vĩnh cửu, một sứ mạng sẽ giải thích và đem lại ý nghĩa cho tất cả những biến cố quá khứ và những ân sủng ta đã lãnh nhận.
14.Trở thành một người cho mọi người. Bất cứ điều gì người tông đồ có đều là để chia sẻ cách này hay cách khác cho công cuộc xây dựng Giáo hội và hoàn thiện hóa xã hội.
15. Không đợi đến lúc hoàn thiện mới chia sẻ cho người khác cái mình có. Nếu có ít, họ sẽ học biết cách chia sẻ sự ít ỏi đó như thế nào. Khi có nhiều sẽ chia sẻ nhiều hơn.
KẾT LUẬN:
Để có thể đạt được những kết quả trên, người tông đồ cần nhớ:
- Cầu nguyện và đọc Kinh Thánh mỗi ngày.
- Hăng hái trau dồi học tập.
- Vui tươi phục vụ cho những người và công việc mà chúng ta đã chọn theo mục đích.
- Hiệp thông và cộng tác với Giáo Hội trong khiêm tốn, cởi mở, thân ái, quảng đại, không bè phái, cục bộ.
|