Biểu tình ở HongKong và những biểu tượng đặc biệt
Dù, ruy băng vàng, áo thun đen và mật mã số... là những biểu tượng đặc biệt của cuộc biểu tình tại Hong Kong đang khiến thế giới chấn động.
Hãng tin CNN giải thích ý nghĩa của các biểu tượng đang tràn ngập trên mặt báo, các trang mạng và mạng xã hội khắp thế giới. Mỗi biểu tượng đều có một nguồn gốc riêng và gắn liền với bản sắc văn hóa của thành phố Hong Kong.
Những chiếc dù còn giúp người biểu tình chống mưa nắng - Ảnh: Reuters
Dù
Biểu tượng có ý nghĩa đại diện cho cuộc biểu tình của Hong Kong chính là những chiếc dù. Người dân Hong Kong khi đi biểu tình những ngày này luôn mang theo chiếc dù bên mình để tránh cái nắng gay gắt. Khi bị cảnh sát phun hơi cay, rất nhiều người Hong Kong đã tự bảo vệ mình bằng những chiếc dù che chắn cơ thể. Chiếc dù trở thành dấu hiệu của cuộc đấu tranh ở nơi tiền tuyến. Cuộc biểu tình ở Hong Kong từ đó mang cái tên “Cách mạng dù”.
Hiện người biểu tình đang đồng loạt mang dù ra đường, viết lên đó những khẩu hiệu đấu tranh và phân phát miễn phí cho những người khác.
Giáo sư luật Bryan Druzin thuộc ĐH Hong Kong Trung Quốc khẳng định chiếc dù không chỉ có tác dụng chống hơi cay mà còn là biểu tượng của hình thức “phản kháng thụ động và phi bạo lực”.
“Cứ mỗi mùa mưa bão người dân Hong Kong luôn dùng ô để che chắn bản thân. Và đây là cơn bão mà họ đang cố chống chọi” - giáo sư Druzin cho biết.
Nghệ sĩ Hong Kong Kacey Wong đang tổ chức trên mạng xã hội một cuộc thi vẽ logo cho “phong trào biểu tình dù” với phần thưởng là “công lý, dân chủ và tự do”. Ông mô tả chiếc dù “đã đem lại cảm giác tương thân, tương ái vô cùng to lớn”.
“Chiếc dù đại diện người dân Hong Kong chung sức chung lòng hình thành một lá chắn phòng ngự. Khi một phần lá chắn bị xé nát thì nó sẽ lập tức được thay thế” - nghệ sĩ Wong cho biết.
Đó là một hình ảnh mạnh mẽ với những đối lập rõ rệt. “Đó là một vật mềm mại nhưng rất cứng rắn, giống như quyết tâm của người dân Hong Kong” - ông Wong quả quyết.
Dải ruy băng vàng
Những dải ruybăng vàng được gắn vào các hàng rào, trên áo của người biểu tình và hình ảnh của nó tràn ngập trên các trang mạng xã hội tại Hong Kong. Ruybăng vàng là biểu tượng của phong trào đấu tranh vì phổ thông đầu phiếu quốc tế.
Một học sinh trung học Hong Kong đeo dải ruybăng vàng để thể hiện sự ủng hộ cuộc biểu tình - Ảnh: Reuters
Và người biểu tình Hong Kong xem ruybăng vàng là biểu tượng của khát vọng dân chủ. “Không phải ai cũng có thể đấu tranh nơi tiền tuyến - nghệ sĩ Wong cho biết - Ruybăng vàng là cách để thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc biểu tình”.
Rất nhiều học sinh, sinh viên Hong Kong không ra đường biểu tình đã đeo ruybăng vàng khi đến lớp học.
Áo thun đen
Phần lớn học sinh, sinh viên Hong Kong tham gia cuộc biểu tình đều mặc áo thun đen. Người dân Hong Kong luôn mặc áo thun đen khi tham gia các buổi tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn 1989.
Thủ lĩnh biểu tình học sinh Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) trong chiếc áo thun đen - Ảnh: Reuters
Nghệ sĩ Wong cho biết màu đen đại diện cho “nỗi buồn và sự u ám”, nhằm lên án việc sử dụng vũ lực đối với các cuộc biểu tình hòa bình.
Những con số
Những con số như 689, 926, 8.964 xuất hiện dày đặc tại các địa điểm biểu tình ở Hong Kong, trên những tấm poster và các trang mạng xã hội. Những con số này là một dạng tốc ký phổ biến trong nền văn hóa chính trị tại Hong Kong và Trung Quốc.
Nghệ sĩ Wong giải thích ở Trung Quốc do tình trạng kiểm duyệt nên nhiều người thường dùng những từ và con số như mật mã để thể hiện nội dung chính trị. Ví dụ 926 có nghĩa là ngày 26-9, khi các cuộc biểu tình nổ ra. Số 8.964 là ngày xảy ra sự kiện Thiên An Môn.
Đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh có con số riêng của ông là 689. Đó là số lượng phiếu bầu ông nhận được từ ủy ban bầu cử 1.200 người để lên làm lãnh đạo thành phố.
“Họ sử dụng con số đó để phản đối ông Lương vì ông ấy chỉ nhận được sự ủng hộ của vỏn vẹn 689 người Hong Kong, trong khi thành phố có 7 triệu dân” - nghệ sĩ Wong giải thích.
Nhu yếu phẩm
Các địa điểm biểu tình ở Hong Kong có tính tổ chức rất cao và luôn sạch sẽ. Các nhóm tình nguyện cung cấp nước, khăn, thuốc men, đồ ăn… cho người biểu tình.
Rác được phân loại rõ ràng và luôn được thu dọn sạch sẽ. Có cả những người tình nguyện luôn cầm túi rác đi dọn dẹp.
Người biểu tình cũng mang theo túi đựng các loại nhu yếu phẩm khác nhau để sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Thiết bị bảo hộ tự chế
Sau khi bị cảnh sát trấn áp bằng hơi cay hôm 28-9, rất nhiều người biểu tình Hong Kong đã tự chế các dụng cụ và thiết bị để tự vệ, ví dụ đeo khẩu trang, kính bơi, áo choàng nilông…
Ổ cắm sạc pin điện thoại
Nhiều người dân sống gần các địa điểm biểu tình đã cung cấp ổ cắm điện để người biểu tình sạc pin điện thoại.
Người biểu tình dùng điện thoại như những chiếc nến để thể hiện tình đoàn kết - Ảnh: Reuters
Họ dán lên tường thông báo với số điện thoại liên lạc để bất kỳ người biểu tình nào cần sạc pin điện thoại có thể liên hệ với họ.
Nhiều người tình nguyện cũng mang theo dây điện và ổ cắm để hỗ trợ người biểu tình. Bởi điện thoại thông minh là thiết bị không thể thiếu để người biểu tình liên lạc với nhau và chia sẻ thông tin qua các trang mạng xã hội.
Firechat
Tin đồn hệ thống mạng di động của Hong Kong có thể bị chặn khiến vô số người biểu tình tải ứng dụng gửi tin nhắn FireChat. Ứng dụng này cho phép họ gửi tin nhắn cho nhau, kể cả khi không có kết nối Internet không dây hay mạng 3G.
Số lượng người tải ứng dụng này lớn đến mức Micha Benoliel, giám đốc công ty Mỹ Open Garden, nhà phát triển FireChat, đã đến Hong Kong. Benoliel cho biết người biểu tình Hong Kong có tính tổ chức cao và có sự chuẩn bị rất đầy đủ.
Điện thoại di động còn một công dụng khác. Các bức ảnh chụp hàng nghìn người biểu tình bật sáng điện thoại, giơ lên trời như những ngọn nến đã tạo ra hình ảnh thể hiện sự đồng lòng, chung sức của người biểu tình Hong Kong.
Hình nộm
Đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh trở thành mục tiêu phản đối của người biểu tình. Họ kêu gọi ông Lương phải lập tức từ chức.
Một hình nộm đầu ông Lương với những chiếc răng nanh là hình ảnh phổ biến của cuộc biểu tình. Mỗi khi nhìn thấy hình nộm này người biểu tình hô vang “Từ chức đi”.
Bài hát biểu tượng
Bài ca Bạn có nghe thấy mọi người hát không trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ đã trở thành bài hát chung của người biểu tình Hong Kong.
Trong Những người khốn khổ, đó là bài hát mà người dân Paris hát lên khi chuẩn bị một cuộc nổi dậy chống Chính phủ Pháp.
NGUYỆT PHƯƠNG
(TTO)
|