Gia đình loan báo Tin mừng: ĐỀN THÁNH SỰ SỐNG
Lời Chúa: “Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,14). X. St 1,28.
Ý cầu nguyện: Xin cho các đôi vợ chồng Kitô hữu biết ý thức sứ mạng phục vụ sự sống qua việc truyền sinh có trách nhiệm hầu cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và biến gia đình mình thành Đền Thánh Sự Sống.
Bài ca ý lực: Thánh hóa Gia đình (Ca Vang Tin Mừng tr.33)
1. Nền “văn minh” của sự chết
- Ngày nay, như có một "âm mưu chống lại sự sống", chúng ta chứng kiến, hàng giờ hàng phút, mối đe dọa thường trực đối với sự sống của những cá nhân, gia đình và xã hội. Đó là:
. nạn phá thai: với trung bình 40-50 triệu ca/năm, theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO);
. ngừa thai: làm xói mòn tình yêu phu thê vì hành vi yêu thương vợ chồng bị ngăn chặn cách nhân tạo khiến cho nó trở thành lời giả trá;
. những kỹ thuật sinh sản qua thụ tinh nhân tạo, sàng lọc bào thai theo não trạng ưu sinh;
. an tử: con người tiếm quyền Tạo Hóa tùy tiện định đoạt số phần sinh tử của mình hay của đồng loại [1].
Trong hoàn cảnh đó, gia đình Kitô hữu sống và loan báo Tin mừng Tình yêu – sự sống cần phải làm gì?
2. Gia đình sẵn sàng đón nhận con cái
- “Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu phu thê hướng tới việc truyền sinh và giáo dục con cái, qua đó tình yêu và hôn nhân đạt tới tột đỉnh vinh quang của mình” [2]. “Con cái là hồng ân cao quí nhất của hôn nhân và mang lại tối đa niềm hạnh phúc cho chính các cha mẹ. Chính Thiên Chúa ... Đấng ‘thuở ban đầu đã làm ra con người có nam có nữ’ muốn ban cho con người được tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài, nên đã chúc lành cho người nam và người nữ và phán: ‘hãy sinh sôi nảy nở’ ( St 1,28). Từ đó, vinh dự đích thực của tình yêu vợ chồng và toàn bộ kế hoạch của đời sống gia đình phát sinh từ tình yêu đó... đều hướng đến việc đôi vợ chồng phải can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Đấng Tạo Hóa và Cứu Độ, Đấng nhờ họ làm cho gia đình của Ngài ngày càng phát triển và phong phú” [3].
- “Sự phong nhiêu của tình yêu vợ chồng không giản lược vào nguyên việc sinh con, mà còn mở rộng và được làm cho phong phú bằng mọi hoa quả của đời sống luân lí thiêng liêng và siêu nhiên của kẻ làm cha mẹ trao ban cho con cái, và qua chúng, cho Hội Thánh và thế giới” [4].
- “Những đôi phối ngẫu không được Thiên Chúa ban cho có con cái, vẫn có thể có đời sống hôn nhân đầy ý nghĩa trên bình diện nhân bản, cũng như bình diện đức tin. Hôn nhân của họ có thể chiếu tỏa bằng tinh thần bác ái phong nhiêu, sự tiếp đón hiếu khách, và hi sinh” [5].
Vợ chồng muốn “có con” nhờ trợ giúp của y khoa, hay thụ thai nhân tạo, là không phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh. HT dạy rằng trong hành vi vợ chồng, đôi bạn không “làm ra” đứa bé, nhưng họ trao ban tình yêu cho nhau qua cử chỉ trao hiến thân xác mở ra với hồng ân sự sống con người. Qua đó, “đôi bạn cộng tác với công trình của Đấng Tạo Hóa, trong tư cách là tôi trung chứ không phải như những chủ nhân” [6]. Trong hành vi tạo sinh con người có chính Thiên Chúa hiện diện và làm chủ: cha mẹ sinh con theo định luật tự nhiên, chính Thiên Chúa tạo sinh linh hồn cho sự sống con người mới.
3. Làm cha làm mẹ có trách nhiệm
- Con cái là một hồng ân, là mục đích của hôn nhân, bởi vì tình yêu phu thê tự nhiên hướng về việc sinh con. Con cái là trọng tâm, là hoa trái và là sự hoàn thành của việc hai người hiến thân cho nhau. Cả hai ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa sinh sản là bất khả phân li, đều thuộc về hành vi vợ chồng [7]. Trong khi thi hành bổn phận truyền sinh và giáo dục (điều phải được coi là sứ mạng riêng biệt của vợ chồng), đôi bạn biết rằng mình cộng tác với Tình yêu Thiên Chúa và như những người diễn đạt tình yêu của Ngài. Vì vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận trong tinh thần trách nhiệm của một con người và của Kitô hữu. [8]
- Tinh thần trách nhiệm này liên quan đến việc điều hòa sinh sản. “Khi có lí do chính đáng, đôi vợ chồng có quyền kéo dài khoảng cách các lần sinh con. Họ phải chứng tỏ chọn lựa trì hoãn sinh con đó không do sự ích kỉ, nhưng phù hợp với lòng quảng đại chính đáng của người làm cha mẹ có trách nhiệm. Ngoài ra họ phải hành động theo những tiêu chuẩn khách quan của luân lí”. [9]
- Sự tiết dục định kì, những phương pháp điều hòa sinh sản dựa trên sự tự quan sát và chu kì những thời gian không thể thụ thai [10], phù hợp với các tiêu chuẩn khách quan của luân lí.
- Phải loại bỏ, như một điều xấu tự thân, mọi hành động được đề ra, như mục đích hay như phương tiện, để làm cho việc truyền sinh không thể có được, dù là hành động trước hành vi vợ chồng, hoặc đang khi hành vi này diễn tiến, hoặc trong khi các hiệu quả tự nhiên của hành vi ấy đang phát triển [11].
4. Chúa Giêsu: Tin Mừng Sự Sống cho các Gia Đình.
- Tin Mừng về sự sống cho Gia đình, đó là biến cố Con Thiên Chúa chọn một gia đình để có mặt trong lịch sử nhân loại và sống trong gia đình suốt 30 năm. Sự có mặt của Người trong gia đình: làm chứng cho phẩm giá của sự sống con người, từ lúc còn là bào thai cho đến tuổi già. Chính Người đã nói : “Thầy là Sự Sống” ( Ga 14,6); “Thầy đến để cho con người được sống và sống dồi dào” ( Ga 10,10b); Cứu cánh của sự sống này là đời vĩnh cửu, do Đức Kitô ban cho. Sự có mặt của Người trong gia đình còn dạy chúng ta sống, yêu mến và quí trọng sự sống để sống thế nào cho đạt tới cùng đích là sống đời đời. Và từ đó, kêu gọi chúng ta vun trồng một nền văn hóa sự sống. [12]
Hành động như vậy, gia đình Kitô hữu sẽ là Tin Mừng cho thiên niên kỷ thứ ba, Tin Mừng về SỰ SỐNG.
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
- Phá thai dưới các hình thức khác nhau có phải là một hiện tượng phổ biến trong vùng, quốc gia nới anh chị đang sống hay không?
- Trong xã hội nơi các anh chị đang sinh sống, người ta ngừa thai dưới những phương tiện nào phổ biến nhất?
- Gia đình của anh chị đã làm gì để làm chứng và loan báo Tin mừng Sự Sống?
UBMVGĐ
[1] X. Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae (EV), 12-17.
[2] X. GS 48; GLHTCG 1652.
[6] Huấn thị “Donum Vitae” (DV), II.B., c. 4c.
[7] X. Humanae Vitae (HV) 12.
[8] X. GS 50; GLHTCG 2367.
|