KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
(Mt. 5,17-37)
 Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, đã nhiều lần, nhóm Pharisêu và Kinh sư phê phán Đức Giêsu, họ cho rằng Ngài xem thường lề luật, chẳng hạn như Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát, hoặc Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa… Thế nhưng, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu lại khẳng định, Ngài đến không phải để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật. Hỏi rằng Đức Giêsu kiện toàn lề luật như thế nào? Và người Kitô hữu sống lề luật đã được kiện toàn ra sao?
Đức Giêsu kiện toàn lề luật bằng hai cách: Thứ nhất, Đức Giêsu cho thấy lề luật được lập ra nhằm phục vụ con người, chứ con người được tạo nên không phải để tuân giữ luật. Thứ hai, Đức Giêsu kiện toàn bằng cách nội tâm hóa lề luật. Lề luật được tuân giữ không dựa vào mặt chữ bên ngoài, nhưng hệ tại cõi lòng con người. 'Có đầy trong lòng mới tràn ra ngoài', kể từ nay, chính ý hướng con người ở bên trong mới là yếu tố quyết định.
Từ hai nguyên tắc kiện toàn trên, Đức Giêsu lần lượt trưng dẫn một loạt các khoản luật Môsê, trưng dẫn không phải để hủy bỏ nhưng để cho thấy Ngài kiện toàn như thế nào.
Trước hết, Luật Môsê dạy rằng chớ giết người (điều răn V), Đức Giêsu đồng ý như vậy, nhưng Ngài còn đi xa hơn, Ngài còn cấm giận ghét và chửi mắng.
Kinh nghiệm cho thấy trong gia đình, không phải bỗng dưng mà chén bay dĩa bay, mà trước đó đã có tức giận, có chửi rủa mắng mỏ rồi; do đó, không tức giận, không chửi mắng nghĩa là tận diệt từ gốc rễ tội giết người. Hơn nữa, Đức Giêsu còn đi xa hơn, Ngài đòi hỏi người môn đệ phải đi bước trước để hòa giải, và Ngài xem hòa giải như điều kiện để lễ vật dâng lên được đẹp lòng Thiên Chúa.
Thứ đến, Luật Môsê truyền rằng 'chớ ngoại tình'. Đức Giêsu đồng ý, nhưng Ngài còn đi xa hơn, Ngài đòi hỏi không được ham muốn bất chính trong lòng. Vấn đề ở đây là cái tâm, mới xuất phát hoặc là tội lỗi hoặc là cách ăn ở phù hợp với luân lý Tin Mừng.
Hơn nữa, không chỉ đòi hỏi đừng ham muốn trong lòng, Đức Giêsu còn nhắc nhở ta hãy cẩn trọng khi sử dụng ngũ quan, đặc biệt là hai cơ năng mắt và tay. Đức Giêsu nói: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi, vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục…”. Ta đừng hiểu Lời Chúa nói theo nghĩa đen… Đây là kiểu nói thậm xưng nhằm cho thấy đòi hỏi quyết liệt của lệnh truyền và giá trị tuyệt đối của Nước Trời. Cho dù quan trọng như mắt và tay cũng phải loại bỏ vì Nước Trời. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều khi người ta phải chấp nhận cắt bỏ một phần cơ thể để duy trì sự sống, có nghĩa là đành hy sinh cái quí giá ít để giữ lại những cái quí giá hơn.
Tóm lại, Đức Giêsu kiện toàn Lề Luật như thế đó. Ở đây ta dừng lại để suy nghĩ sâu hơn một chút về lệnh truyền cấm tức giận, cấm chửi rủa.
Trước hết là tức giận. Kỳ thực, tức giận là một trong bảy tình cảm tự nhiên của con người. Tình cảm giận không có gì xấu, nén giận mãi lắm khi lại bị stress, bị trầm cảm; chính Đức Giêsu cũng đã từng nổi giận khi Ngài xua đuổi con buôn ra khỏi khuôn viên Đền thờ. Sự tức giận Đức Giêsu cấm ở đây là sự giận dữ đến nỗi làm mất tình huynh đệ, thậm chí coi người anh em như kẻ thù. Trong trường hợp này “giận” đồng nghĩa với “giết”, không phải giết chết một mạng sống, nhưng là giết chết tình huynh đệ.
Nếu tức giận là tình cảm tiêu cực ở bên trong, thì chửi rủa là tình cảm tiêu cực bên trong được bộc lộ ra bên ngoài. Ngày nay, chúng ta thường nói với nhau những lời mà ta không nghĩ đến hậu quả của nó, giống như trẻ em chơi trò chơi bắn súng mà không ý thức được rằng những khẩu súng các em đang sử dụng lại là súng thật. Con dao giết chết thân xác, chửi rủa giết chết nhân phẩm - làm người ta sống dở chết dở. Sách Huấn ca (28,17-18) đã viết rằng: “Đòn vọt làm thân thể bầm tím, nhưng cái lưỡi làm dập gãy cả xương. Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?”. Qua lời nói, chúng ta có thể đem lại niềm vui Phục sinh, nhưng cũng có thể đem lại khổ đau thập giá. Những lời chúng ta nói ra, dù tốt hay xấu, thường được lưu giữ trong tâm hồn anh chị em mình, có khi suốt nhiều năm nhiều tháng.
Tóm lại, trong một bức thư pháp có ghi bài thơ như thế này:
Lời nói không là dao, mà cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói, mà mắt lại cay cay
Lời nói không là mây, mà đưa ta xa mãi
Sao không ngồi nghĩ lại, nói với nhau nhẹ nhàng.
Trong thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết đến với Chúa để học nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường trong lòng, nhờ đó ta biết xua trừ sự tức giận và những lời chửi rủa mắng mỏ, có như vậy ta đang từng bước chu toàn Luật của Đức Giêsu, là lề luật Môsê nhưng đã được Đức Giêsu kiện toàn.
Lm. Anton Trần Thanh Long
|