Thế Giới Nhìn Từ Vatican 24/01 -30/01/2014 -Đức Thánh Cha chúc Tết Nguyên Đán, Biểu tình phò sinh tại Washington DC
1. Đức Thánh Cha chúc Tết Nguyên Đán
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26 tháng Giêng trước 50 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng Trường Thánh Phêrô dù trời khá lạnh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc giục anh chị em tín hữu lắng nghe tiếng Chúa gọi và đi theo Ngài.
Trình bày những suy tư trên bài Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Thường Niên, Đức Thánh Cha nêu nhận xét rằng sứ mạng của Chúa không khởi đầu từ Jerusalem, là trung tâm tôn giáo, xã hội và chính trị thời bấy giờ, nhưng từ một vùng ngoại biên là các thành thị và làng mạc xứ Galilea, là vùng bị những người Do Thái giữ đạo nghiêm ngặt coi rẻ vì sự hiện diện của các dân tộc khác nhau trong vùng ấy.
Đức Thánh Cha nói:
“Đó là một vùng biên giới, một vùng chuyển tiếp nơi có nhiều người thuộc các chủng tộc, văn hóa và tôn giáo khác biệt gặp gỡ nhau. Vì thế, miền Galilea trở thành địa điểm biểu tượng cho sự cởi mở của Tin Mừng đối với mọi dân tộc. Về phương diện đó, miền Galilea giống thế giới ngày nay: nhiều nền văn hóa cùng hiện diện, cần được đối chiếu và gặp gỡ nhau. Cả chúng ta hằng ngày vẫn ở trong một ‘miền Galilea của dân ngoại’, và trong bối cảnh đó, chúng ta có thể cảm thấy kinh hãi và chiều theo cám dỗ muốn xây dựng những vòng đai để được an toàn hơn, được bảo vệ hơn. Nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng Tin Mừng không được dành riêng cho một phần nhân loại, Tin Mừng được loan báo cho tất cả mọi người. Đó là một Tin Vui dành cho những ai đang chờ mong, có lẽ cho cả những người không chờ mong gì cả và cũng chẳng có sức mà tìm kiếm hay yêu cầu.”
Ngài nói tiếp:
“Chúa Giêsu chẳng những bắt đầu sứ mạng của Ngài từ một nơi ở ngoài trung tâm, nhưng còn từ những người thấp kém nữa. Để chọn các môn đệ đầu tiên và các tông đồ tương lai, Chúa không tìm đến những trường dạy các ký lục và các nhà thông luật, nhưng Ngài đến với những người khiêm hạ và đơn sơ, quyết tâm chuẩn bị đón nhận Nước Chúa đến. Chúa Giêsu đi gọi họ tại nơi họ làm việc, bên bờ hồ: họ là những người đánh cá. Ngài kêu gọi họ và họ theo Ngài ngay lập tức. Họ bỏ lưới và đi theo Ngài: cuộc sống của họ trở thành một cuộc phiêu lưu ngoại thường và hấp dẫn.”
Để kết luận, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu hãy lắng nghe tiếng Chúa gọi:
“Các bạn thân mến, ngày nay Chúa cũng kêu gọi! Ngài tiến qua những nẻo đường của đời sống thường nhật của chúng ta. Ngày hôm nay, trong lúc này đây, Chúa đang đi qua quảng trường này. Chúa kêu gọi chúng ta hãy đi với Ngài, cộng tác với Ngài cho Nước Thiên Chúa, tại các miền ‘Galilea thời nay’. Mỗi người trong anh chị em hãy suy nghĩ, Chúa đi qua hôm nay, Chúa đang nhìn tôi. Ngài nói gì với tôi? Và nếu có ai trong anh chị em cảm thấy Chúa đang nói ‘Hãy theo Thầy’, thì hãy can đảm, đi theo Chúa. Chúa không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng. Hãy nghe tiếng Chúa gọi trong tâm hồn và đi theo Chúa. Chúng ta hãy để cho cái nhìn, tiếng nói của Chúa đến với chúng ta, và chúng ta hãy đi theo Ngài! ‘Để niềm vui Tin Mừng đi tới tận bờ cõi trái đất và không ngoại biên nào bị thiếu ánh sáng của Chúa’”
Hướng đến các dân tộc Viễn Đông đang chuẩn bị đón Xuân Giáp Ngọ, Đức Thánh Cha nói:
“Trong những ngày tới đây, hàng triệu người sống tại Viễn Đông hoặc rải rác tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những người Hoa, Đại Hàn và Việt Nam, mừng Tết nguyên đán. Tôi cầu chúc tất cả mọi người được một cuộc sống vui tươi và hy vọng. Ước gì niềm khát khao tình huynh đệ không thể dập tắt được trong tâm hồn họ. Ước gì họ tìm thấy gia đình là nơi ấm cúng, nơi ưu tiên cho tình huynh đệ được khám phá, được giáo dục và thực thi. Đây sẽ là một đóng góp quí giá cho việc xây dựng một thế giới nhân bản hơn, trong đó an bình được hiển trị.”
2. Cuộc họp báo của Đức Cha Claudio Maria Celli về sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới
Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 23 tháng Giêng, Đức Cha Claudio Maria Celli, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, đã trình bày với giới truyền thông sứ điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô cho “Ngày Truyền Thông Thế Giới” sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội vào Chúa Nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm nay là ngày 01 tháng Sáu.
Sứ điệp đã được Đức Thánh Cha Phanxicô ấn ký vào ngày 24 tháng Giêng lễ Thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà truyền thông.
Phù hợp với chủ đề chính của triều đại giáo hoàng của ngài, sứ điệp tập trung vào việc sử dụng các phương pháp truyền thông hiện đại để xây dựng "một cuộc gặp gỡ đích thực."
Trong bối cảnh mạng lưới Internet đang thống trị cách thức mọi người tiếp cận với nhau, thông điệp kêu gọi mọi người suy nghĩ những gì sâu xa hơn là tiến trình kết nối với nhau.
Đức Cha Claudio Maria Celli nói:
"Chúng ta đang sống trong một thời kỳ của những trận tuyết lở những thông tin liên lạc: các bài viết, âm thanh, tất cả mọi thứ và đôi khi, đó chính là những khó khăn cho nhiều người trong việc phân định xem những thông điệp nào có thể phục vụ tốt nhất trong việc tìm kiếm chân lý."
Có hai khái niệm được xem là trung tâm trong sứ điệp của Đức Thánh Cha. Đầu tiên đó là sự gần gũi, là sự thu hẹp các khoảng cách địa lý khiến cho con người ngày này trở nên láng giềng với nhau.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha viết:
“Trong thế giới này, các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn; làm cho chúng ta cảm thấy rõ ràng hơn mình thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất, thúc đẩy chúng ta liên đới và nghiêm túc dấn thân cho một cuộc sống xứng đáng hơn. Việc truyền thông tốt đẹp giúp chúng ta gần nhau hơn và biết nhau rõ hơn, liên kết với nhau hơn.”
Khái niệm thứ hai xoay quanh vai trò truyền giáo của Giáo Hội.
Đức Cha Claudio Maria Celli nói tiếp:
"Ngày càng có nhiều những môn đệ Chúa Giêsu sử dụng các mạng xã hội, và Đức Giáo Hoàng mời gọi họ tất cả hãy là những chứng nhân của Chúa Kitô trong cuộc sống hàng ngày và trong môi trường kỹ thuật số."
Ngài giải thích rằng trong sứ điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để giải thích về trách nhiệm của chúng ta trong phương thức chúng ta giao tiếp với nhau ngày hôm nay.
Vận tốc thông tin mau lẹ vượt quá khả năng suy tư và phán đoán của chúng ta đến mức môi trường truyền thông có thể giúp chúng ta tăng trưởng, hoặc trái lại, nó làm cho chúng ta hoang mang mất định hướng. Khi truyền thông có mục đích chủ yếu là khuyến dụ người ta tiêu thụ hoặc lèo lái con người, thì chúng ta đứng trước một sự gây hấn mạnh mẽ, như sự tấn công người bị cướp đánh và bỏ mặc người ấy sống dở chết dở bên đường, như chúng ta đọc thấy trong dụ ngôn.
Đức Thánh Cha viết:
“Tôi thường lập lại điều này: tôi thà muốn một Giáo Hội đi ra đường mà gặp tai nạn, hơn là một Giáo Hội bị cái thứ bệnh tự tham chiếu chính mình. Và những con đường ở đây chính là những nẻo đường của thế giới nơi người dân sống, nơi chúng ta thực sự có thể tìm tới họ, qua hành động và qua lòng quí mến. Trong số những con đường ấy, cũng có cả những con đường kỹ thuật số, những con đường đầy chật người bị thương, là những người nam nữ đang tìm ơn cứu độ hoặc một niềm hy vọng. Sứ điệp Kitô cũng có thể nhờ mạng Internet mà đi tới ‘tận cùng bờ cõi trái đất’. Mở rộng những cánh cửa nhà thờ cũng có nghĩa là mở toang những cánh cửa ấy trong môi trường kỹ thuật số, hoặc để cho dân chúng đi vào, dù họ ở trong hoàn cảnh sống thế nào đi nữa, hoặc để cho Tin Mừng có thể vượt qua những ngưỡng cửa đền thờ và ra đi gặp gỡ mọi người. Chúng ta được mời gọi làm chứng về một Giáo Hội là nhà của tất cả mọi người. Chúng ta có khả năng thông truyền khuôn mặt của một Giáo Hội như thế hay không?”
Và Đức Thánh Cha kết luận:
“Ước gì hình ảnh người Samaritano nhân lành, băng bó các vết thương của người bị đánh, đổ dầu và rượu trên vết thương, trở nên một hình ảnh đẹp hướng dẫn chúng ta. Ước gì sự truyền thông của chúng ta là dầu thơm thoa dịu đau khổ và là rượu ngon mang lại hoan lạc. Sự rạng ngời của chúng ta không đến từ sự trang điểm hoặc sắp xếp dàn cảnh đặc biệt, nhưng từ sự kiện chúng ta, với lòng yêu thương và dịu dàng, trở nên người thân cận của người mà chúng ta thấy bị thương trên đường. Anh chị em đừng sợ trở thành những công dân trong môi trường kỹ thuật số. Sự quan tâm và hiện diện của Giáo Hội trong thế giới truyền thông thực là điều quan trọng, để đối thoại với con người ngày nay và dẫn họ đến gặp Chúa Kitô: một Giáo Hội đồng hành biết cùng đi với mọi người. Trong bối cảnh này, cuộc cách mạng các phương tiện truyền thông xã hội và thông tin là một thách đố lớn lao và đầy thú vị, đòi phải có những nghị lực mới mẻ và óc sáng tạo mới để thông truyền cho tha nhân vẻ đẹp của Thiên Chúa.”
3. Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô
Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 25 tháng Giêng lễ Thánh Phaolô trở lại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
Tuần lễ này đã được tiến hành từ 18 đến 25 tháng Giêng với chủ đề “Chúa Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi sao?”
Hiện diện tại buổi cầu nguyện, ngoài hàng chục Hồng Y, còn có các Giám Mục, giáo sĩ tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, nhất là Đức Tổng Giám Mục Gennadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, Đức Giám Mục David Moxon người New Zealand, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo tại Roma.
Trước khi kinh chiều bắt đầu, Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện chào mừng và cám ơn Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Kinh Chiều này.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn chủ đề tuần cầu nguyện hiệp nhất năm nay, rút từ Thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cộng đoàn Corinto đang bị chia rẽ, người thì quả quyết mình thuộc về Phaolô, người khác nói mình thuộc về Apollo, cũng có người nói mình thuộc về Chúa Kitô. Tình trạng đó cho thấy “kinh nghiệm riêng của mỗi người, sự tham chiếu một số nhân vật quan trọng của cộng đoàn, đã trở thành thước đo để phán đoán đức tin của người khác. Trong tình trạng chia rẽ ấy, thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu thành Corinto, ‘vì danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tất cả hãy đồng tâm nhất trí trong lời nói, để giữa họ không có chia rẽ, trái lại được hiệp nhất trọn vẹn với nhau trong tư tưởng và cảm thức’”.
Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Các bạn thân mến, Chúa Kitô không thể bị phân rẽ! Xác tín này phải khích lệ và nâng đỡ chúng ta khiêm tốn và tín thác tiếp tiến bước trong hành trình tiến về sự hiệp nhất hữu hình giữa mọi tín hữu của Chúa Kitô”.
Đức Thánh Cha nhắc đến sự nghiệp của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm từ Đức Gioan 23 đến Phaolô 6 và Gioan Phaolô 2 trong nỗ lực đại kết, Ngài đã đề nghị đối thoại đạt kết như một chiều kích thông thường và không thể tách rời khỏi đời sống của mỗi Giáo Hội địa phương.
Ngài nói thêm rằng: “Hoạt động của các vị Giáo Hoàng làm cho chiều kích đối thoại đại kết trở thành một khía cạnh thiết yếu trong sứ vụ của Giám Mục Roma, đến độ ngày nay người ta không thể hiểu trọn vẹn sứ vụ của Phêrô mà không bao gồm trong đó cả sự mong đợi mở ra đối thoại với tất cả những người tin nơi Chúa Kitô. Chúng ta có thể nói rằng hành trình đại kết đã giúp đào sâu sự hiểu biết về sứ vụ của người Kế vị Thánh Phêrô và chúng ta phải tín thác rằng Người sẻ tiếp tục hành động theo nghĩa đó cả trong tương lai”.
4. Đức Cha Alvaro del Portillo, nhà lãnh đạo thứ hai của Opus Dei, sẽ được phong chân phước ngày 27/9/2014
Người kế vị Thánh Josemaría Escrivá trong vai trò lãnh đạo Opus Dei sẽ được phong chân phước tại Madrid, thành phố quê hương ngài, và cũng là nơi ngài đã gặp người sáng lập Opus Dei, và được thụ phong linh mục.
Tu hội Opus Dei, dịch ra tiếng Việt nghĩa là “Kỳ Công của Chúa”, được thành lập bởi Thánh Josemaría Escrivá vào năm 1928 tại Tây Ban Nha nhằm qui tụ những người Công Giáo muốn hiến thân làm việc tông đồ và theo đuổi con đường trọn lành trong khi vẫn tiếp tục các công việc và nghề nghiệp của mình giữa đời. Opus Dei hiện đã có mặt tại 66 quốc gia trên thế giới với 90,000 thành viên trong đó khoảng 2% là các linh mục.
Đức Cha Alvalro del Portillo đã cống hiến cuộc đời mình để dạy người ta cách thế tìm Chúa trong cuộc sống hàng ngày của họ. Ngài cũng đã làm việc trong một số phòng ban của Giáo triều Rôma, và tham gia Công Đồng Chung Vatican II. Thêm vào đó, trong suốt cuộc đời, ngài đã giúp thăng tiến các sáng kiến xã hội trên toàn cầu.
Lễ phong chân phước cho ngài dự kiến sẽ diễn ra vào Thứ Bẩy 27/9/2014. Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh sẽ chủ sự buổi lễ thay mặt cho Đức Giáo Hoàng.
Buổi lễ này đánh dấu sự kết thúc của tiến trình phong chân phước cho ngài bắt đầu tại Rôma vào tháng 3 năm 2004, mười năm sau khi ngài qua đời.
Đức Cha Alvaro del Portillo là kỹ sư dân sự. Ngài là một trong những người đầu tiên theo Thánh Josemaría Escrivá, và nhanh chóng trở thành một trong những cộng tác viên thân cận nhất của thánh nhân. Năm 1944, ngài được thụ phong linh mục, và hai năm sau đó đến Rôma.
Sau cái chết của Thánh Josemaría, năm 1975, cha del Portillo được bầu làm người kế vị của thánh nhân. Ngày 28/11/1982, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban cấp quy chế Giáo Hạt Tòng Nhân cho Opus Dei và ngài trở thành Giám Chức đầu tiên.
Ngày 6 tháng Giêng năm 1991, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tấn phong Giám Mục cho cha del Portillo.
Những người biết đến Đức Cha del Portillo luôn nhớ đến ngài như một người cổ vũ nhiệt tình cho hòa bình và là người rất có khiếu hài hước, cũng như một người nỗ lực đem con người đến gần với Thiên Chúa. Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy rằng trong vai một chú hề ngài đã làm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cười nghiêng ngả.
Tuy nhiên, ít người biết rằng del Portillo là người ủng hộ hàng đầu trong việc thiết kế các hình ảnh về Đức Trinh Nữ Maria tại quảng trường Thánh Phêrô. Ý tưởng của ngài đã được Đức Gioan Phaolô II nồng nhiệt ủng hộ và đã giao cho ngài giám sát công việc này.
5. 100,000 người Pháp gởi thư cho Đức Thánh Cha trước cuộc tiếp kiến François Hollande. Quảng trường Thánh Phêrô bị dọa đánh bom.
Tổng thống Pháp François Hollande đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp lúc 10:30 sáng 24 tháng Giêng, trong một cuộc nói chuyện tập trung vào tự do tôn giáo, đạo đức sinh học, di dân và gia đình nhưng tránh đề cập đến những vấn đề liên quan ít nhiều đến những tai tiếng xung quanh cuộc sống riêng tư của Tổng thống Pháp .
Hollande - người đã phải đối mặt với một sự suy giảm uy tín trầm trọng trước những thất bại về kinh tế, những lời hứa hẹn không được thực hiện cũng như những tai tiếng về mối quan hệ của ông với một nữ diễn viên trẻ - đã có những mâu thuẫn với Giáo Hội trên hàng loạt vấn đề, đặc biệt là chiến dịch quyết tâm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và an tử.
Hơn 100,000 người Công Giáo Pháp đã ký một bức thư ngỏ gởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước cuộc họp, bày tỏ "sự khó chịu sâu sắc" của họ với chính quyền của Hollande. Không ít người bày tỏ hy vọng cuộc tiếp kiến đừng xảy ra.
Tòa Thánh đã công bố lịch trình cuộc tiếp kiến với tổng thống Pháp một ngày trước khi vụ tai tiếng ái tình của ông François Hollande nổ ra trên báo chí.
Có thể vì những thông lệ ngoại giao và đường lối đối thoại, cuộc tiếp kiến đã diễn ra. Trong một diễn biến được xem là họa hiếm, Tòa Thánh đã trực tiếp truyền hình toàn bộ cuộc gặp gỡ trong vòng 56 phút. Những hình ảnh được Centro Televisivo Vaticano truyền đi cho thấy tổng thống François Hollande đã đi một mình – không kèm theo một phu nhân nào hết.
François Hollande, sinh năm 1954, đã từng là người Công Giáo nhưng sau đó bỏ đạo. Ông kết hôn với bà Ségolène Royal, và sinh được 4 người con trong thời gian chung sống 30 năm. Ông hiện sống với nữ ký giả Valérie Trierweiler của tờ Paris Match, người đã công khai dọn vào sống chung với ông tại điện Élysée, và vẫn thường tháp tùng ông trong những cuộc công du chính thức.
Sau khi tạp chí Closer của Anh, trong ấn bản tiếng Pháp đã phơi bày trước công chúng Pháp những hình ảnh liên quan đến tai tiếng ái tình của tổng thống François Hollande với nữ diễn viên Julie Gayet, 41 tuổi, Valérie Trierweiler đã phải vào nằm nhà thương.
Diễn biến mới nhất là sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến, khi trở về Paris, tổng thống François Hollande đã công bố quyết định “chấm dứt mọi quan hệ với bà Valérie Trierweiler”. Bà này hiện vẫn đang cư ngụ trong điện Élysée sau khi trở về từ bệnh viện.
Buổi trưa thứ Sáu 24 tháng Giêng, tại phòng Báo Chí Tòa Thánh, một tuyên bố ngắn gọn đã được Tòa Thánh đưa ra cho biết Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với ông François Hollande về các vấn đề "như gia đình, đạo đức sinh học, tôn trọng các cộng đồng tôn giáo và bảo vệ những nơi thờ phượng."
Tuyên bố của Tòa Thánh chỉ ra rằng tự do tôn giáo là một vấn đề quan trọng trong cuộc thảo luận này, và trong bài phát biểu của mình sau cuộc họp, Hollande xác nhận rằng ông đã nói với Đức Giáo Hoàng về đất nước của mình như một thành trì "bảo vệ tự do tôn giáo ở khắp mọi nơi" Ông nói rằng Pháp là "quê hương của quyền con người và tự do lương tâm."
Nhà lãnh đạo Pháp cũng tiết lộ rằng ông đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng gặp gỡ một phái đoàn liên minh nổi dậy Syria. Về điểm này, François Hollande cũng có những mâu thuẫn gay gắt với Tòa Thánh. Pháp đã hỗ trợ các phiến quân chống lại tổng thống Bashar al-Assad và là nguồn cung cấp súng đạn cho họ, trong khi Vatican chủ trương rằng không có giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng Syria. Tòa Thánh xác tín rằng bạo lực không dẫn tới đâu ngoài chết chóc, hủy diệt và một tương lai bất định.
Sáng sớm ngày thứ Sáu, quảng trường Thánh Phêrô đã bị phong tỏa vì có người đe dọa đe dọa đánh bom trước chuyến thăm của Hollande. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, cảnh sát Italia kết luận rằng đây chỉ là một lời đe dọa xuông. Tuy nhiên, cảnh sát đang điều tra khả năng rằng các mối đe dọa này có liên quan đến một quả bom đã phát nổ ở trung tâm của Rôma trước mặt tiền của một hiệp hội có liên hệ với Đại Sứ Quán Pháp cạnh Toà Thánh. Cảnh sát nói không có ai bị thương, nhưng một vài cửa sổ của tòa nhà đã bị vỡ và ba chiếc xe hơi đậu trên đường phố đã bị hư hại.
6. Ngày lễ tình nhân với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng đầu tiên về nhiều lĩnh vực. Ngày 14 tháng Hai sắp tới, ngài sẽ có thêm danh hiệu mới là Đức Giáo Hoàng đầu tiên gặp gỡ những người hứa hôn.
Cha Carlos Simon Vazquez thuộc Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình cho biết:
"Vâng, đây sẽ là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng gặp rất nhiều đôi uyên ương. Cụ thể là những người đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân . "
Buổi gặp gỡ sẽ diễn ra vào ngày 14 tháng 2 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican với chủ đề “Niềm vui của lời ưng thuận là muôn đời”. Đó sẽ là một cách để gạt qua một bên tất cả những thứ chuẩn bị bên ngoài để đưa trở lại những điều cơ bản này: đó là tình yêu và sự tha thứ.
Cha Carlos nói tiếp:
"Vâng hôn nhân là về hạnh phúc và niềm vui, nhưng nó cũng kèm theo sự hy sinh, nỗ lực và dành thời gian cho nhau."
Nghiên cứu cho thấy năm đầu tiên của hôn nhân thường là khó khăn nhất. Với tỷ lệ ly hôn không ngớt gia tăng trên toàn cầu, những nhà tổ chức hy vọng chống lại vấn đề này với một thế hệ mới của những đôi được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi sẵn sàng kết hôn.
Trong quá khứ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra khá nhiều những lời khuyên trực tiếp. Hôm 4 tháng 10 năm ngoái, tại Assisi, khi bày tỏ sự thất vọng của mình trước những đôi vợ chồng giận hờn, oán ghét, chiến đấu chống lại nhau và sau đó chia tay sau nhiều năm chung sống, ngài đã chia sẻ một số lời khuyên cho những đôi vợ chồng mới cưới.
Đức Thánh Cha nói:
"Muốn tranh luận thì cứ tranh luận, chén dĩa bắt đầu bay, cứ để chúng bay. Nhưng không bao giờ chờ cho đến cuối ngày rồi mà vẫn chưa tái lập hòa bình. Đừng bao giờ! "
Cha Carlos nhấn mạnh:
"Tình yêu là một cái gì đó bạn phải tìm hiểu, phát triển và đưa vào thực hành. Cần phải học biết tha thứ và dành thời gian cho nhau."
Những đôi hứa hôn muốn tham dự buổi gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng trong ngày lễ tình nhân cần gửi thư điện tử trực tiếp cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình tại địa chỉ events@family.va trước ngày 30 tháng Giêng.
7. Hơn 4.000 trường hợp bạo lực chống Kitô giáo đã xảy ra ở Ấn Độ trong năm ngoái
Hôm thứ Năm 23 tháng Giêng, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết đã có hơn 4.000 trường hợp bạo lực chống Kitô giáo xảy ra ở Ấn Độ trong năm 2013.
"Báo cáo về những vụ bách hại các tín hữu Kitô trong năm 2013," được soạn thảo với sự hợp tác của của nhiều nhóm Kitô giáo ở Ấn Độ, đã ghi nhận 7 vụ giết người cùng với hàng trăm vụ đánh đập, tấn công vào nhà thờ, và các hình thức lạm dụng khác. Hơn 200 trường hợp được phân loại là thuộc về các hình thức khủng bố nghiêm trọng.
Bạo lực chống Kitô giáo đã được gây ra chủ yếu bởi những nhóm cuồng tín Ấn Độ giáo. Hầu hết các biến cố đã xảy ra tại những bang của Ấn Độ, nơi những phong trào Ấn Giáo cực đoan hoạt động mạnh. Trong số này, bang Karnataka được ghi nhận là nơi xảy ra nhiều các vụ bách hại nhất.
Bạo lực không chỉ dừng lại nơi các tín hữu nhưng đã có đông đảo những người sống đời thánh hiến cũng là những nạn nhân.
Hôm 15/7 năm ngoái, Đức Hồng Y Oswald Gracias của tổng giáo phận Mumbai hay còn gọi là Bombay, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, đã lên án vụ một nhóm Ấn Giáo cực đoan đã hãm hiếp một nữ tu ở bang Orissa phía đông Ấn Độ.
Một nữ tu 28 tuổi thuộc dòng Thừa Sai Phanxicô của Thánh Giuse đang theo học tại Chennai thuộc bang Orissa đã bị bắt cóc tại Kandhamal (một quận trong tỉnh Orissa) và bị hãm hiếp trong vòng một tuần lễ từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 7. Ngày 13 tháng 7 sau khi được thả, chị đã báo cáo với cảnh sát. Hai tên đã bị bắt.
Đây không phải là lần đầu tiên một nữ tu Công Giáo bị bắt cóc và bị hãm hiếp. Tháng 8 năm 2008, nữ tu Meena Barwa, 30 tuổi đã bị 22 người Ấn Giáo cực đoan hãm hiếp. Cảnh sát bắt được cả 22 tên nhưng 17 tên được tại ngoại hầu tra ngay tức khắc và đến nay, sau gần 5 năm, theo Đức Hồng Y Oswald Gracias, phiên tòa xử 22 tên này vẫn chưa xảy ra.
8. “Nơi sinh: Việt Nam” xếp thứ hai trong số những vị khấn trọn tại Hoa Kỳ năm 2013
Trong một thống kê vừa được Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong các hoạt động Tông Đồ trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ công bố vào tuần này, trong 107 vị khấn trọn sống đời thánh hiến trong năm 2013, đông nhất là những vị sinh ở Mỹ, kế đến là những vị sinh ở Việt Nam. Trong những vị sinh ở Mỹ cũng có những vị có cha mẹ là người Việt Nam.
Tuổi trung bình của các vị là 37 tuổi. Hầu hết xuất thân từ những gia đình Công Giáo thuần thành có từ 4 con trở lên, thường xuyên đọc kinh Mân Côi và tham gia những giờ chầu Thánh Thể. 18% những vị này là những người cải đạo sang Công Giáo, tiêu biểu là ở tuổi 22. 77% có cả cha lẫn mẹ là người Công Giáo trong khi 46% cho biết có thân nhân là linh mục hay nữ tu. 42% là con lớn nhất trong gia đình và 17% là con út. 41% đã tốt nghiệp đại học. 64% làm việc toàn thời gian trước khi đi tu. 24% đã từng dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ít nhất là một lần trước khi đi tu. 39% cho biết đã được khích lệ để bước vào đời sống thánh hiến nhờ gương sáng của các linh mục giáo xứ.
9. Các bạn trẻ Tây Ban Nha may mắn mời được Đức Thánh Cha cầu nguyện trực tuyến chung với họ
Joaquín và Santiago là hai trong số những bạn trẻ đã sáng lập ra mạng “May Feelings” - “Những cảm xúc tháng Hoa” - là một mạng cầu nguyện Công Giáo đã thành công trong việc mời Đức Thánh Cha Phanxicô tham gia cầu nguyện với mạng lưới của họ.
Mạng xã hội “Những cảm xúc tháng Hoa” là hoa trái của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011 tại Madrid. Tháng 5, là tháng người Tây Ban Nha và nhiều dân tộc khác gọi là Tháng Hoa kính Đức Mẹ qua những tràng chuỗi Mân Côi. Tháng 5/2012, các bạn trẻ Tây Ban Nha đã thành lập mạng lưới này với mục tiêu là để kết nối những người muốn xin người khác cầu nguyện cho họ với những người sẵn sàng cầu nguyện.
Cha Fabian Baez, vị linh mục người Á Căn Đình đã được Đức Thánh Cha Phanxicô mời lên chiếc popemobile của ngài, là then chốt trong toàn bộ câu chuyện này.
Bạn Santiago Requejo cho biết:
“Cha Fabian là ‘đại sứ thiện chí’ của nhóm Những cảm xúc tháng Hoa ở Á Căn Đình. Khi đang xem tin tức ở nhà, chúng tôi đột nhiên thấy chiếc popemobile dừng lại và sau đó cha Fabian được mời lên xe. Chúng tôi đã liên lạc ngay lập tức với cha và nhờ ngài chúng tôi đã có may mắn được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi triều yết chung mới đây."
“Những cảm xúc tháng Hoa” hiện có hơn 100,000 người sử dụng từ 112 quốc gia trên thế giới.
10. Mỗi ngày “Những cảm xúc tháng Hoa” đăng lên khoảng 2,000 lời xin cầu nguyện mới. Đây có thể được xem là 'mạng tinh thần’ kết nối người Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới.Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường sự hiện diện và hoạt động của phụ nữ
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi tăng cường sự hiện diện và hoạt động của phụ nữ trong các lãnh vực của Giáo Hội và xã hội dân sự.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Bẩy 25 tháng Giêng, dành cho 300 tham dự viên hội nghị toàn quốc do Trung Tâm Phụ Nữ Italia tổ chức, một trung tâm được thành lập cách đây gần 70 năm với mục đích huấn luyện và thăng tiến con người.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, sau khi nhắc đến giáo huấn của các vị tiền nhiệm về vai trò quan trọng của phụ nữ, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Tôi cũng đã từng nhắc đến sự đóng góp không thể thiếu được của phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là với sự nhạy cảm và trực giác của phụ nữ đối với tha nhân, người yếu thế và người vô phương thế tự vệ; tôi vui mừng khi thấy nhiều phụ nữ chia sẻ một số trách nhiệm mục vụ với các linh mục, qua việc tháp tùng các cá nhân, gia đình và nhóm, cũng như trong việc suy tư thần học. Và tôi cầu mong không gian dành cho sự hiện diện của phụ nữ được mới rộng một cách sâu rộng và quan trọng hơn trong Giáo Hội”.
Đức Thánh Cha không quên vai trò quan trọng, không thể thay thế được, của phụ nữ trong gia đình. Ngài nói: “Những năng khiếu tế nhị, đặc biệt nhạy cảm và dịu dàng, mà tâm hồn phụ nữ vốn rất phong phú, không những là một sức mạnh chân thực cho đời sống gia đình, làm lan tỏa bầu không khí thanh thản và hòa hợp, nhưng còn là một thực tại mà nếu không có, thì ơn gọi của con người không thể thực hiện được”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở bí quyết để chị em phụ nữ hiện diện và tăng trưởng trong bao nhiêu lãnh vực công cộng, thế giới lao động và tại những nơi đề ra những quyết định quan trọng, cũng như trong gia đình, đó là sự siêng năng và kiên trì cầu nguyện.
Ngài nói:
“Chính trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, được Lời Chúa soi sáng, được ơn thánh của các bí tích tưới gội, mà phụ nữ Kitô luôn tìm cách đáp lại tiếng Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể của mình.”
11. Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga nói: “Nhà nước Cộng Hòa Trung Phi đã sụp đổ”
Nhà lãnh đạo Hồi Giáo Oumar Kobine Layama của Cộng Hòa Trung Phi đã được đưa ra nước ngoài cùng với Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga, là Giám Mục Công Giáo của thủ đô Bangui.
Imam Oumar Kobine Layama đã phải xin tị nạn trong Toà Giám Mục Bangui sau khi bị những người đồng đạo của ông dọa giết vì những lập trường hòa bình trong tuyên bố chung hôm 31/12/2013 với Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga.
Hai nhà lãnh đạo Công Giáo và Hồi Giáo này đang đi một vòng quanh các nước Âu Châu để kêu gọi sự can thiệp quốc tế nhằm chấm dứt đổ máu tại Cộng Hòa Trung Phi. Đặc biệt, hai vị đã thỉnh cầu tổng thống Pháp François Hollande tăng viện cho 1600 quân Pháp đang vất vả trong công tác bảo vệ những người tị nạn tại phi trường quốc tế Bangui và một số khu vực của thủ đô.
Hôm thứ Sáu 23/01, bà Catherine Samba – Panza, đô trưởng của thủ đô Bangui, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống mới sau khi tổng thống Michel Djotodia, người đã được quân Hồi Giáo Séléka đưa lên sau cuộc đảo chính hồi tháng Ba năm ngoái đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10/1.
Bình luận về diễn biến này, Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga nói bà Catherine Samba – Panza đã bị buộc phải nhậm chức. Ngài nói: “Nhà nước đã sụp đổ. Hiện chỉ còn 2 trong số 36 bộ của chính phủ đang hoạt động, và cấu trúc của lãnh đạo chính trị sẽ phải được xây dựng lại hoàn toàn”.
Trong diễn từ nhậm chức, bà tân tổng thống đã kêu gọi các bên trong cuộc xung đột hiện nay phải bỏ súng xuống. Tuy nhiên, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt giữa quân Hồi Giáo Seleka và lực lượng Anti-Balaka trung thành với tổng thống François Bozizé, người đã bị lật đổ vào tháng Ba năm ngoái.
12. Hoả tiễn gây thiệt hại nặng cho trụ sở Caritas tại Aleppo, Syria
Sáng sớm hôm thứ Tư 22 tháng Giêng, trung tâm Caritas tại Aleppo, thành phố lớn thứ Hai sau thủ đô Damascus, đã bị một hỏa tiễn đánh trúng. Không ai bị thương nhưng một văn phòng bị hư hại nặng.
Tổng Thư Ký Caritas Quốc Tế Michel Roy cho hay biến cố này cho thấy các nguy hiểm đang đe dọa mọi người tại Syria “Tạ ơn Chúa, không ai bị thương trong cuộc tấn công vào Caritas ở Aleppo… Việc này cho thấy rõ tính khẩn thiết của một cuộc ngưng bắn tức khắc như là bước đầu tìm ra giải pháp hoà bình”.
Các gia đình nghèo bị ảnh hưởng bởi cuộc tranh chấp kéo dài 3 năm qua thường xuyên tới trung tâm này để được trợ giúp về thực phẩm, tiền thuê nhà và quần áo. Trung tâm này nằm trong khuôn viên của Tòa Giám Mục Aleppo.
Rất may, khi văn phòng trợ giúp tiền thuê nhà bị đánh trúng, thì các nhân viên chưa tới làm việc. Chứ nếu không, không biết có bao nhiêu nhân mạng đã bị hy sinh vì thông thường văn phòng này đầy ắp những người đến xin được giúp đỡ.
Trong khi đó tại Montreux, Thụy Sĩ, hôm 23 tháng Giêng, lên tiếng tại Hội Nghị Hòa Bình Genève II Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi nói rằng hòa bình tại Syria chỉ có thể đạt được bằng đối thoại. Vị đại diện thường trực của Tòa Thánh bên cạnh Liên Hiệp Quốc cho hay: “Đứng trước các đau khổ không thể nào tả xiết của nhân dân Syria, một cảm thức liên đới và trách nhiệm chung thúc giục ta phải dấn thân vào một cuộc đối thoại dựa trên trung thực, tin tưởng lẫn nhau và gồm những bước cụ thể”.
Ngài nhấn mạnh rằng “không hề có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria. Tòa Thánh xác tín rằng bạo lực không dẫn tới đâu ngoài chết chóc, hủy diệt và một tương lai bất định.”
Tòa Thánh kiên trì đòi hỏi phải có một cuộc ngừng bắn ngay tức khắc và vô điều kiện, sự gia tăng trợ giúp nhân đạo và việc khởi sự tái thiết tức khắc, song song với các cuộc thương thuyết được giám sát và duy trì bởi tình liên đới của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó những nhóm Hồi Giáo thánh chiến của hơn 60 quốc gia phải rút ngay ra khỏi Syria.
13. Biểu tình phò sinh tại Washington DC thu hút 600,000 người, đa số là người trẻ
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Ngày 22 tháng Giêng năm 1973, Tối Cao Pháp Viện tại Hoa Kỳ đưa ra phán quyết cho phép phá thai trong vụ kiện thường được biết đến dưới tên gọi là Roe chống Wade. Để tưởng niệm ngày đau buồn này, hàng năm Giáo Hội và các tổ chức phò sự sống tại Hoa Kỳ đều tổ chức những buổi tuần hành phò sự sống khổng lồ tại Washington DC và nhiều nơi khác.
Cuộc diễn hành phò sự sống này thường ít được báo chí và truyền thông thế tục tường trình. Nhưng năm nay lại khác, bất chấp tuyết rơi và thời tiết khắc nghiệt, lúc 1 giờ trưa hôm thứ Tư 22 tháng Giêng, tại thủ đô Washington DC, 600,000 người đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành "March for Life" lần thứ 41 để lớn tiếng nói với các nhà lãnh đạo Mỹ điều họ nghĩ về việc hợp pháp hóa phá thai tại Hoa Kỳ. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem cho thấy thành phần đông nhất là các bạn trẻ.
Hơn nữa, điều thực sự lôi cuốn chú ý của báo giới và truyền thông là chủ tịch Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Cộng Hòa, Reince Priebus, đã quyết định hoãn cuộc họp mùa đông của Ủy Ban này mấy tiếng đồng hồ để ông cùng toàn thể Ủy Ban tham dự cuộc diễn hành. Ông nói: “Chúng tôi sẽ có mặt ở đó để gửi đi một thông điệp: chúng tôi là đảng phò sự sống. Sự sống là một ơn phúc cần được bảo vệ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tweet cho những người biểu tình như sau:
"Tôi tham gia vào cuộc Tuần Hành Phò Sự Sống tại Washington trong lời cầu nguyện của tôi. Thiên Chúa có thể giúp chúng ta tôn trọng tất cả cuộc sống, đặc biệt là của những ai dễ bị tổn thương nhất. "
14. Đức Thánh Cha tiếp Tòa Thượng Thẩm Rota
Sáng ngày 24 tháng Giêng, trong buổi tiếp kiến đầu tiên dành cho Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu rõ những đức tính thiết yếu của vị thẩm phán tòa án của Giáo Hội.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến có khoảng 150 người, trong đó có hơn 20 vị thẩm phán của tòa Rota thuộc nhiều quốc tịch, các luật sư và các viên chức khác, dưới sự điều động của vị niên trưởng là Đức Ông Pio Vito Pinto.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “chiều kích pháp lý và chiều kích mục vụ trong thừa tác vụ của Giáo Hội không đối nghịch nhau, vì cả hai đều góp phần thực hiện mục tiêu và sự thống nhất hoạt động của Giáo Hội. Hoạt động tư pháp của Giáo Hội, trong tư cách là việc phục vụ cho sự thật trong công lý, có ý nghĩa sâu xa về mục vụ, vì nhắm đạt tới thiện ích cho các tín hữu và xây dựng cộng đoàn Kitô. Vì thế, chức vụ của vị thẩm phán là một công tác phục vụ Dân Chúa, nhắm củng cố sự hiệp thông trọn vẹn giữa các tín hữu với nhau và giữa họ với cộng đoàn Giáo Hội”.
Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nêu rõ ba đặc tính thiết yếu của vị thẩm phán tòa án Giáo Hội:
- Trước tiên về mặt con người, vị thẩm phán phải trưởng thành về nhân bản, được biểu lộ qua phán đoán thanh thản, không để những quan điểm cá nhân của mình lèo lái. Thẩm phán phải có khả năng biết rõ tâm thức và những khát vọng hợp pháp của cộng đồng mà mình phục vụ, và không thể thực thi một thứ công lý vụ luật và trừu tượng, trái lại biết thích ứng với những đòi hỏi của thực tại cụ thể.
- Thứ hai về mặt pháp lý: ngoài những kiến thức về giáo luật và thần học, khi thi hành sứ vụ, vị thẩm phán phải có phán đoán khách quan và công chính, không thiên vị. Ngoài ra khi hành động vị thẩm phán phải để cho mình được ý hướng bảo vệ sự thật hướng dẫn, trong niềm tôn trọng luật pháp, không bỏ qua tính chất tế nhị và tình người của vị mục tử các linh hồn.
- Sau cùng về mặt mục vụ, vị thẩm phán phải có tinh thần mục vụ chân thành, trong tư cách là người biểu lộ mối quan tâm mục vụ của Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục. Thẩm phán là người làm mục vụ công lý, được kêu gọi xử lý và phán đoán về tình trạng của các tín hữu tìm đến thẩm phán với niềm tín thác, noi gương vị Mục Tử nhân lành chăm sóc con chiên bị thương. Vì thế, thẩm phán phải được đức bác ái mục tử linh hoạt”
|