Thế Giới Nhìn Từ Vatican 17/01 - 23/01/2014: Ngày Thế Giới Di Dân lần thứ 100, các sự kiện tại Medjugorje
1. Giáo Hội cử hành Ngày Thế Giới Di Dân lần thứ 100
Chúa đã là một người dân viễn xứ, Chúa cũng đã là một người dân di cư, Chúa đã lang thang không một nơi trú ngụ. Chúa đã một thời rày đây mai đó. Chính vì thế Giáo Hội rất cảm thông và chú ý đến thân phận của những người di dân và tị nạn, là những người phải bỏ nhà cửa, làng mạc sau lưng để đối diện với một tương lai bất định trước mắt.
Ngày Chúa Nhật 19 tháng Giêng vừa qua, Giáo Hội cử hành Ngày Thế Giới Di Dân lần thứ 100; nghĩa là trong 100 năm qua, trong nhiều dịp và dưới nhiều hình thức khác nhau Giáo Hội không ngừng gióng lên lời mời gọi con người hãy chú ý đến những thảm trạng của chiến tranh, bạo lực và áp ức đã khiến cho đến cuối năm 2013 vừa qua trên thế giới đã có 200 triệu người phải di dân trong đó có 44 triệu là người tị nạn.
Trong Ngày Thế Giới Di Dân vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những hoạt động đánh dấu ngày này.
Trước hết, trong buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến việc chăm sóc những người nhập cư, và kết án nạn buôn bán người.
Đức Thánh Cha nói:
“Tôi muốn cảm ơn tất cả những ai làm việc với người di cư, những người chào đón họ và đồng hành với họ trong những thời điểm khó khăn ban đầu, để bảo vệ họ chống lại những người mà Thánh Giovanni Battista Scalabrini gọi là ‘những thương gia trên xác thịt con người’, những kẻ muốn nô dịch những người di cư.”
Mặc dù thời tiết xấu, hàng ngàn khách hành hương đã tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để lắng nghe lời Đức Thánh Cha.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cũng đã giải thích ý nghĩa của việc là một môn đệ Chúa Giêsu ngày hôm nay. Ngài nói:
"Là một môn đệ Chúa có nghĩa là trong sạch giữa chốn bùn nhơ, yêu thương giữa nơi oán thù, khiêm nhu giữa phường kiêu căng, phục vụ giữa phường ngạo mạn."
Ở cuối bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha đã xin các tín hữu cầu nguyện xin ơn chữa lành cho những đau khổ và gian truân của những người buộc phải rời bỏ nhà cửa do tình huống nghiêm trọng.
2. Đức Thánh Cha đến thăm giáo xứ đông người vô gia cư tại Rôma
Sáng Chúa Nhật 19 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã đến thăm giáo xứ Thánh Tâm ở Rôma. Giáo xứ này nằm kế bên nhà ga Termini, là nhà ga xe lửa chính của thành phố, nơi tập trung đông đảo những người vô gia cư.
Cha Valerio Baresi, linh mục giáo xứ cho biết:
"Khi Đức Thánh Cha biết chúng tôi đang làm việc với các bạn trẻ, những người nghèo và những người tị nạn, ngài nói rằng ngài chắc chắn sẽ đến thăm."
Những cảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây là những cảnh thường thấy về đêm tại khu vực này với những người ngủ trên đường phố, trong các hộp các tông. Nhưng dù thế, tại giáo xứ Thánh Tâm, họ tìm được sự chào đón ân cần, và sự hỗ trợ để hội nhập vào xã hội. Luigi là một người trong số đó. Ông may mắn tìm thấy một nơi cư trú vào ban đêm.
Trong ngày, Luigi dành phần lớn thời gian của mình trên đường phố, và trong khi cố nuôi hy vọng là một ngày kia sẽ tìm được một công ăn việc làm, ông cũng biết điều đó sẽ không dễ dàng gì. Ông đã 59 tuổi lại bị một chứng bệnh làm hạn chế tầm nhìn của ông.
Phát biểu về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, ông Luigi Grigoldo nói:
"Tôi muốn nói với Đức Thánh Cha rất nhiều điều. Nhưng không cần nói nữa, bởi vì ngài đã biết những cảm nhận của chúng tôi như thể ngài nhìn thấy tận mắt những điều ấy. Nhưng thực sự là một may mắn để được gặp ngài. Đức Giáo Hoàng Phanxicô thật tuyệt vời và tôi thực sự ao ước cuối cùng gặp được ngài."
Giáo xứ Thánh Tâm được dòng Salêdiêng coi sóc, đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho người nghèo, bao gồm cả những người tị nạn. Các nữ tu thuộc tu hội Những nhà truyền giáo của Chúa Kitô Phục Sinh phụ giúp các linh mục Salêdiêng trong các hoạt động giáo dục và phúc lợi. Những nữ tu này đã đến với nhà thờ Thánh Tâm cách đây bốn năm, và kể từ đó, mọi sinh hoạt trở nên rất náo nhiệt.
Ngày nay, khoảng 400 người tị nạn sống nhờ vào giáo xứ này. Stephen là một người tị nạn Ghana đang được trợ giúp tại giáo xứ, anh đã phải dừng chân ở hòn đảo khét tiếng Lampedusa, trước khi đến được Rôma.
Anh Stephen Dery nói:
"Tôi rất hạnh phúc với anh chị em trong giáo xứ bởi vì họ có tình yêu dành cho tất cả mọi người ở đây, hầu hết trong số họ là người tị nạn. Thỉnh thoảng, có những bữa ăn tối cho người tị nạn ở đây. Chúng tôi tụ tập để ăn tối với nhau."
Sơ Maria Mercedes Guaita nữ tu thuộc tu hội Những nhà truyền giáo của Chúa Kitô Phục Sinh nói:
"Chúng tôi lắng nghe những câu chuyện về cuộc sống của họ, uống trà với họ. Nhiều lần họ nói, đây là lần đầu tiên tôi được mời dùng trà từ khi tôi bỏ nhà đi tị nạn. Nhiều người đã nhìn thấy bạn bè của họ chết như thế nào trên đường chạy trốn. Và tệ hơn có cả những người trong gia đình đã bị giết. "
Đức Thánh Cha dành ra bốn giờ để gặp gỡ các nhóm trong giáo xứ. Ngoài những người vô gia cư, Đức Thánh Cha cũng gặp những người tị nạn, những tình nguyện viên và các thanh niên thiếu nữ trong giáo xứ. Đức Thánh Cha dành nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi của họ.
Đức Thánh Cha cũng đã giải tội cho một nhóm anh chị em giáo dân, cử hành thánh lễ, và gặp gỡ các bệnh nhân. Ngài cũng gặp gỡ cộng đoàn các linh mục, tu sĩ dòng Salêdiêng và các nữ tu thuộc tu hội Những nhà truyền giáo của Chúa Kitô Phục Sinh đang coi sóc giáo xứ.
3. Hoạt động của Đức Thánh Cha tại giáo xứ Thánh Tâm
Mặc dù trời mưa, hàng ngàn tín hữu đã nồng nhiệt đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài đến viếng giáo xứ Thánh Tâm, do chính thánh Gioan Bosco thành lập cạnh Nhà Ga Trung ương Termini ở Roma vào chiều Chúa Nhật 19 tháng Giêng, là ngày Giáo Hội cử hành Ngày Thế Giới Di Dân lần thứ 100.
Cuộc viếng thăm kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ. Khi đến nơi vào lúc quá 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã gặp các giáo dân ở khuôn viên giáo xứ rồi trong một phòng, ngài gặp khoảng 60 người vô gia cư. Tiếp đến, trong một phòng khác, ngài gặp khoảng 100 người tị nạn, trong đó có một số người trẻ tị nạn đến Italia và đã trú ngụ tại đảo Lampedusa, cực nam Italia. Tham dự cuộc gặp gỡ cũng có đại diện của những người thiện nguyện trong xứ đạo. Rồi Đức Thánh Cha gặp các trẻ em được rửa tội trong năm cùng với cha mẹ các em, các đôi vợ chồng mới cưới và các gia đình trẻ.
Ngài đã giải tội cho 5 người, trước khi bắt đầu cử hành thánh lễ vào khoảng 6 giờ chiều.
Không ai trong số những người tham dự muốn bỏ lỡ một giây phút khi Đức Thánh Cha viếng thăm nơi đây.
4. Đức Thánh Cha gặp gỡ những người di dân
Mặc dù trời mưa, hàng ngàn tín hữu đã nồng nhiệt đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài đến viếng giáo xứ Thánh Tâm, do thánh Gioan Bosco thành lập cạnh Nhà Ga Trung ương Termini ở Roma vào chiều Chúa Nhật 19 tháng Giêng, là ngày Giáo Hội cử hành Ngày Thế Giới Di Dân lần thứ 100.
Cuộc viếng thăm kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ. Khi đến nơi vào lúc quá 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã gặp các giáo dân ở khuôn viên giáo xứ rồi trong một phòng, ngài gặp khoảng 60 người vô gia cư. Tiếp đến, trong một phòng khác, ngài gặp khoảng 100 người tị nạn, trong đó có một số người trẻ tị nạn đến Italia và đã trú ngụ tại đảo Lampedusa, cực nam Italia. Tham dự cuộc gặp gỡ cũng có đại diện của những người thiện nguyện trong xứ đạo. Rồi Đức Thánh Cha gặp các trẻ em được rửa tội trong năm cùng với cha mẹ các em, các đôi vợ chồng mới cưới và các gia đình trẻ.
Ngài đã giải tội cho 5 người, trước khi bắt đầu cử hành thánh lễ vào khoảng 6 giờ chiều.
Không ai trong số những người tham dự muốn bỏ lỡ một giây phút khi Đức Thánh Cha viếng thăm nơi đây.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã nói về bí quyết để thành công trong cuộc sống.
Ngài nói:
"Nhiều lần, chúng ta tin tưởng một bác sĩ: Rất tốt vì bác sĩ chữa trị cho chúng ta. Chúng ta tin tưởng vào những anh chị em đang cố gắng giúp chúng ta. Rất tốt khi có sự tin tưởng giữa con người với nhau. Nhưng chúng ta quên đi sự tin tưởng nơi Chúa: Ngài chính là bí quyết để chúng ta thành công trong cuộc sống.”
Thỉnh thoảng, Đức Thánh Cha đã nói bằng tiếng Tây Ban Nha khiến nhà thờ sinh động hẳn lên. Vì có đông đảo người trẻ, nên Đức Thánh Cha đã có vài lời nói với họ:
“Hãy chú ý lắng nghe hỡi các bạn trẻ nam nữ, những người đang ở ngưỡng cửa cuộc đời: Chúa Giêsu không bao giờ thất vọng. Không bao giờ. Hãy lắng nghe những gì thánh Gioan nói: Chúa Giêsu nhân hậu, hiền lành như con chiên bị đem đi giết mà không một lời oán trách thở than. Ngài đến để cứu chúng ta, để lấy đi những tội lỗi của chúng ta. Của anh chị em, của tôi, và toàn bộ thế giới. Tất cả mọi tội lỗi.”
Trích dẫn bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ Hai Mùa Quanh Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng tình yêu của Chúa Giêsu có khả năng loại bỏ tội lỗi và sự dữ. Ngài nói thêm rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, ngay cả khi tội lỗi chúng ta quá nặng đến mức một "xe tải" không thể chở nổi.
Cũng như trong vài dịp trước đây, Đức Thánh Cha đã yêu cầu anh chị em tín hữu nhắm mắt lại và cầu nguyện trong im lặng.
Đức Thánh Cha nói:
"Bây giờ, tôi mời anh chị em hãy làm điều này là hãy nhắm mắt lại. Chúng ta hãy tưởng tượng cảnh trên bờ sông nơi Thánh Gioan đang làm phép rửa tội cho dân chúng, và Chúa Giêsu đang đến gần. Sau đó, chúng ta nghe giọng nói của thánh Gioan: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian’. Chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, và trong thinh lặng, mỗi người chúng ta hãy thầm thì với Chúa Giêsu một điều gì đó từ thẳm sâu con tim của chúng ta."
Vào cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chào đón anh chị em tín hữu, bắt đầu với các bệnh nhân và người già. Đây là giáo xứ thứ tư trong giáo phận Rôma mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm cho đến nay.
5. Buổi triều yết chung thứ Tư 22 tháng Giêng
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tầm quan trọng của sự hiệp nhất Kitô giáo, khi ngài chủ sự buổi triều yết chung hàng tuần hôm thứ Tư 22 tháng Giêng tại quảng trường Thánh Phêrô.
Trong khuôn khổ Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo đang diễn ra, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh chủ đề của Tuần Cầu Nguyện trong năm nay: Chẳng lẽ Chúa Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Đức Thánh Cha giải thích rằng các Kitô hữu phải thừa nhận rằng sự phân hóa nội bộ đã dẫn đến những tai tiếng và làm suy yếu khả năng truyền bá Tin Mừng.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Trong những ngày này chúng ta đang cử hành Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo. Chủ đề năm nay được trích từ một câu hỏi trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu thành Côrinthô: “Chẳng lẽ Chúa Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?”
Chúng ta biết rằng Đức Kitô đã không bị chia năm xẻ bảy; nhưng chúng ta phải thành thật thừa nhận rằng các cộng đoàn của chúng ta tiếp tục chịu đựng những chia rẽ là một nguồn gốc của những tai tiếng làm suy yếu chứng tá của chúng ta cho Tin Mừng.
Khi trách móc các tín hữu Côrintô vì những chia rẽ giữa họ với nhau, Thánh Phaolô nhắc nhở họ hãy vui mừng trước những ân sủng siêu nhiên tuyệt vời mà họ đã được nhận lãnh. Lời thánh nhân cũng khích lệ chúng ta hãy vui mừng trước những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho các Kitô hữu khác, và những ân sủng mà chúng ta có thể nhận được từ anh chị em mình để phong phú hóa chúng ta.
Để có thể làm được điều này đòi hỏi phải có sự khiêm nhường, óc phán đoán và sự hoán cải liên tục. Khi chúng ta suy nghĩ về những lời giảng dạy của Thánh Phaolô trong Tuần lễ cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô giáo này, xin cho chúng ta được bổ sức, cùng với những môn đệ khác của Chúa Kitô, trong việc theo đuổi sự thánh thiện và lòng trung thành với thánh ý Thiên Chúa.
Trước thềm của Hội Nghị về Syria diễn ra tại Thụy Sĩ, Đức Thánh Cha đã tái lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Syria.
6. Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi
Hôm 16 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội vào ngày 11 tháng 5 tới đây.
Sứ điệp đã được Đức Thánh Cha Phanxicô ấn ký một ngày trước đó, tức là ngày 15 tháng Giêng.
Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi đã được Giáo Hội cử hành trong 5 thập kỷ vừa qua. Thật vậy, năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã thiết định việc cử hành Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi vào Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục sinh.
Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 51 của Đức Thánh Cha Phanxicô có chủ đề “Ơn gọi, chứng tá cho sự thật” trong đó Đức Thánh Cha yêu cầu người Công Giáo hãy "mở lòng chúng ta ra cho những lý tưởng tuyệt vời, cho những điều cao cả" với niềm tín thác rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi công nghiệp tay Ngài là chúng ta.
Đức Thánh Cha nói:
“Chính Đức Giêsu đã cảnh báo chúng ta: hạt giống tốt của lời Chúa thường bị quỷ dữ lấy đi, bị những gian truân ngăn chặn và bị những lo lắng thế gian cũng như những cám dỗ bóp nghẹt. Tất cả những khó khăn này có thể làm nhụt chí chúng ta, khiến chúng ta lui xuống những con đường có vẻ như thoải mái hơn.
Vì thế mỗi ơn gọi, dù trong rất nhiều những nẻo đường đa dạng, luôn đòi hỏi một sự xuất hành khỏi chính mình để đặt trọng tâm cuộc sống chúng ta nơi Đức Kitô và Tin Mừng. Cả trong đời sống hôn nhân lẫn các hình thức của đời thánh hiến, cũng như đời linh mục, chúng ta phải vượt lên trên những lối nghĩ và cách ứng xử không phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Đó là một cuộc ‘xuất hành hướng dẫn chúng ta trên cuộc hành trình thờ phượng Thiên Chúa và phụng sự Người nơi anh chị em mình’”
Đức Thánh Cha đã khích lệ dân Chúa đừng sợ. Ngài nói:
“Tất cả chúng ta được mời gọi để thờ phượng Đức Kitô trong lòng ta ngõ hầu chúng ta được rung động bởi tác động của ân sủng chứa đựng trong hạt giống lời Người, là hạt giống phải lớn lên trong chúng ta và phải được chuyển hóa thành việc phục vụ cụ thể anh chị em mình. Chúng ta không cần phải sợ: Thiên Chúa sẽ tiếp tục công trình tay Ngài với niềm đam mê và sự khéo léo trong mỗi chặng đường của cuộc sống. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta! Người có ước muốn hoàn thành kế hoạch dành cho ta trong lòng Người nhưng Người muốn hoàn tất kế hoạch ấy với sự ưng thuận và hợp tác của chúng ta.”
7. Ủy ban quốc tế của Tòa Thánh hoàn tất cuộc điều tra các sự kiện tại Medjugorje
Hôm thứ Bẩy 18 tháng Giêng, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh là cha Federico Lombardi, cho biết ủy ban quốc tế điều tra các sự kiện tại Medjugorje đã tổ chức cuộc họp cuối cùng vào ngày 17 tháng Giêng. Ủy ban đã được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hình thành vào ngày 17 tháng Ba năm 2010 và do Đức Hồng Y Camillo Ruini lãnh đạo.
Ủy ban đã báo cáo hoàn thành công việc của mình và sẽ trình kết quả nghiên cứu của mình cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Medjugorje theo tiếng điạ phương có nghĩa là “giữa những đồi núi”. Thật vậy, địa điểm này ở cao độ 200m so với mặt biển với khí hậu mát mẻ miền Điạ Trung Hải.
Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”.
Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate” – tính chất không siêu nhiên được chứng thực – nói dễ hiểu là do người ta bày vẽ ra, không phải là thật.
Ngày 10 tháng Tư năm 1991, Hội Đồng Giám Mục Nam Tư đã đưa ra tại Zadar một tuyên bố nói rằng: “Hội Đồng không thể khẳng định rằng những sự kiện này có liên quan đến các cuộc hiện ra siêu nhiên và những mạc khải hay không”
Tiếp theo đó, ngày 02 Tháng 10 năm 1997, Đức Giám Mục Ratko Peric của giáo phận Mostar-Duvno thông báo rằng: “Trên cơ sở nghiên cứu cẩn trọng về trường hợp này của 30 chuyên gia của chúng tôi, với kinh nghiệm 5 năm coi sóc Giáo Phận này, trước những bất tuân phục đầy tai tiếng xung quanh hiện tượng này, trước những điều dối trá mà đôi lúc được đặt vào miệng của Đức Mẹ, trước sự lặp đi lặp lại bất thường của những ‘thông điệp’ trong hơn 16 năm qua, trước những cách thế kỳ lạ mà các vị linh giám của những người tự xưng là đã thấy thị kiến đi cùng với họ khắp thế giới để tuyên truyền, trước cách thức mô tả ‘Đức Mẹ’ hiện ra với ‘những người đã thấy thị kiến’, xác tín của tôi và quan điểm của tôi về các cuộc hiện ra hay mạc khải tại Medjugorje không chỉ dừng ở điểm non constat de supernaturalitate [tính siêu nhiên không được chứng minh ] mà còn phải nói rõ là constat de non supernaturalitate [tính không siêu nhiên đã được chứng minh] "
Trước tuyên bố phủ nhận của Đức Cha Ratko Peric, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, lúc bấy giờ là Tổng Giám Mục, thư ký của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, nói rằng những nhận xét của Đức Giám Mục Peric "cần được coi là biểu hiện của xác tín cá nhân của giám mục Mostar mà ngài có quyền bày tỏ trong tư cách là đấng bản quyền địa phương, nhưng đó vẫn chỉ là ý kiến cá nhân của ngài"
Trong lá thư ấy, Đức Tổng Giám mục Bertone cũng nhấn mạnh rằng "Tòa Thánh thường không đưa ra, ngay lập tức, quan điểm riêng của mình liên quan đến các hiện tượng được cho là siêu nhiên”.
Thánh Bộ Giáo lý Đức tin ủng hộ sự thận trọng mà các Giám Mục Nam Tư đã tuyên bố vào năm 1991 tại Zadar: đó là "Trên cơ sở các cuộc điều tra được tiến hành đến thời điểm này, không thể khẳng định rằng đó là một trường hợp của một cuộc hiện ra hoặc của một mạc khải siêu nhiên".
Vào tháng Hai năm 2008, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin thông báo với cha Tomislav Vlasic, vị linh giám của sáu thanh niên, thiếu nữ rằng ngài đã bị điều tra vì sự loan truyền các giáo lý không minh bạch, thao túng lương tâm, sự bất tuân phục trước những yêu cầu chính đáng của đấng bản quyền hợp pháp, và ra lệnh cho ngài cư trú tại một tu viện dòng Phanxicô ở Lombardy, tham gia một khóa huấn luyện về thần học và tâm linh, và chấm dứt các liên hệ với nhóm “Nữ Vương Hòa Bình”. Tháng Bảy năm 2009, cha Vlasic, đã tự ý xin được huyền chức.
Ngày 17 tháng Ba năm 2010, Tòa Thánh công bố rằng, theo yêu cầu của các giám mục Bosnia và Herzegovina, Tòa Thánh đã thành lập một ủy ban, đứng đầu là Đức Hồng Y Camillo Ruini, lúc ấy là Giám Quản Rôma, để điều tra hiện tượng Medjugorje.
Ngày 17 tháng Giêng 2014, ủy ban đã chính thức hoàn tất cuộc điều tra. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ công bố kết luận chung cuộc về vấn đề này. “Constat de supernaturalitate” hay “non constat de supernaturalitate?” Khó có thể nói được. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất sau có thể cho phép dự đoán phần nào:
Ngày 21 Tháng 10 năm 2013, Sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ, thay mặt cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cho biết là dưới ánh sáng của tuyên bố do các Đức Giám Mục Nam Tư đưa ra năm 1991 tại Zadar về các sự kiện tại Medjugorje, người Công Giáo, cho dù giáo sĩ hay giáo dân, "không được phép tham gia các cuộc họp, hội nghị, lễ kỷ niệm công cộng có thể bị lợi dụng để tăng sự khả tín cho ‘những cuộc hiện ra’ như thế”
8. Đức Hồng Y Sean O'Malley kêu gọi người Công Giáo tham dự Tuần Cửu Nhật cầu nguyện cho sự sống
Bất chấp tuyết rơi và thời tiết khắc nghiệt, lúc 1 giờ trưa hôm thứ Tư 22 tháng Giêng, tại thủ đô Washington DC, hàng mấy chục ngàn người đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành "March for Life" lần thứ 41.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tweet cho những người biểu tình như sau:
"Tôi tham gia vào cuộc Tuần Hành Phò Sự Sống tại Washington trong lời cầu nguyện của tôi. Thiên Chúa có thể giúp chúng ta tôn trọng tất cả cuộc sống, đặc biệt là của những ai dễ bị tổn thương nhất. "
Ngày 22 tháng Giêng năm 1973, Tối Cao Pháp Viện tại Hoa Kỳ đưa ra phán quyết cho phép phá thai trong vụ kiện thường được biết đến dưới tên gọi là Roe chống Wade. Để tưởng niệm ngày đau buồn này, hàng năm Giáo Hội và các tổ chức phò sự sống tại Hoa Kỳ đều tổ chức những buổi tuần hành phò sự sống khổng lồ tại Washington DC và nhiều nơi khác.
Tuần qua, Đức Hồng Y Sean O'Malley của Boston, chủ tịch của Hội nghị Liên Hiệp Các Hoạt Động Phò Sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra lời mời gọi người Công Giáo Hoa Kỳ bên cạnh việc tham dự vào những cuộc tuần hành cũng nên tham gia vào một tuần cửu nhật cầu nguyện, sám hối, và hành hương từ ngày 18 tháng Giêng đến ngày 26 Tháng Giêng.
Đức Hồng Y nói: "Bằng cách tham gia vào tuần cửu nhật cho sự sống, chúng ta xin Chúa chữa lành và hoán cải đất nước chúng ta và những người bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa sự chết. Chúng ta cũng nhắc nhở nhau thông qua hành động chuyên tâm cầu nguyện về sự phụ thuộc tuyệt đẹp của chúng ta vào Thiên Chúa và vào tình yêu sâu sắc của Ngài dành cho mỗi người trong chúng ta.”
9. Hội nghị Geneva lần thứ Hai về Syria
Đại diện của Tòa Thánh tham dự Hội nghị Geneva lần thứ Hai về Syria là Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi bày tỏ âu lo là hội nghị này khó lòng đem lại được hòa bình đích thực cho Syria.
Ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đã thu lại lời mời Iran tham dự Hội Nghị diễn ra vào thứ Tư 22 tháng Giêng tại Montreux và sau đó tại Geneva. Thêm vào đó, đã có các rạn nứt được ghi nhận trong phe đối lập Syria. Đó là những tín hiệu bi quan về khả năng hội nghị quốc tế này có thể đem lại hòa bình cho một đất nước đã trải qua gần 3 năm chiến tranh với con số tử vong 126,000 người và 300,000 trẻ mồ côi.
Quyết định của ông Ban Ki-moon đã được đưa ra sau khi chính quyền Teheran nói là họ không chấp nhận tham dự hội nghị nếu các nước kiên trì đòi thực hiện một quyết định đã được đưa ra hồi tháng Sáu năm 2012 theo đó chính quyền của tổng thống Bashar al-Asad bắt buộc phải ra đi như là tiền đề cho một quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria.
10. Lịch sử Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo
Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.
Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.
Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.
Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.
Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.
11. Căng thẳng giữa Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp tại Ukraine với chính phủ của tổng thống Viktor Yanukovych
Những căng thẳng giữa Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine với chính phủ của tổng thống Viktor Yanukovych đã lên đến mức Bộ Văn Hóa nước này đòi đặt Giáo Hội ra ngoài vòng pháp luật.
Theo thống kê hồi tháng 7 năm ngoái, trong tổng số 44,573,200 dân, Ukraine có 10.2% dân số theo Công Giáo trong đó gồm 2.2% là Công Giáo nghi lễ La Tinh, và 8% là Công Giáo nghi lễ Đông Phương thường được gọi là Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, là Giáo Hội hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh và là Giáo Hội lớn nhất trong số các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương trên thế giới.
Trong thời Liên Sô, Nga đã đưa sang Ukraine một số đông dân và đã tạo ra những nạn đói kinh hoàng trong âm mưu diệt chủng hay ít nhất cũng để làm suy yếu Ukraine hầu thực hiện một chính sách thống trị lâu dài quốc gia này. Tiêu biểu là nạn đói 1921-1922 cướp đi hơn một triệu sinh mạng dân Ukraine, và nạn đói 1932-1933 giết chết thêm 7 triệu người nữa.
Cuối năm 1991, Liên Sô sụp đổ và Ukraine trở thành một quốc gia độc lập như ngày nay. Tuy vậy, ngày nay người Nga (chiếm ¼ dân số) vẫn tiếp tục nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy công quyền và trong các hoạt động xã hội. Cả về mặt tôn giáo, Ukraine cũng còn chịu nhiều ảnh hưởng của Nga.
Từ tháng Mười Một năm ngoái những người dân Ukraine muốn hội nhập vào Liên Hiệp Châu Âu và đoạn tuyệt với Nga đã tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ tại quảng trường Maidan Nezalezhnosti để chống lại Tổng thống Viktor Yanukovych và những hậu duệ Nga, là những người muốn đưa đất nước trở lại quỹ đạo của Mạc Tư Khoa.
Các linh mục thuộc Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã cử hành những thánh lễ quy tụ hàng vạn người tại các cuộc biểu tình này.
Những thánh lễ này ngày càng gây những ảnh hưởng rất lớn trong dân chúng, kể cả những người không phải là tín hữu Công Giáo. Vì thế, hôm 13 tháng Giêng, vụ trưởng tôn giáo vụ Ukraine là ông Mykhailo Moshkola nói rằng “Các linh mục không có quyền cử hành các thánh lễ tại các cuộc biểu tình. Thái độ xem thường luật pháp một cách có hệ thống này cần phải bị trừng trị”.
Ông Mykhailo Moshkola đã đe dọa rút giấy phép hoạt động của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine và đặt Giáo Hội ra ngoài vòng pháp luật.
Tuy nhiên, lời đe dọa nghiêm trọng này xem ra chẳng dọa được hàng giáo phẩm Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine.
Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương nói:
“Mặc dù Giáo Hội không làm chính trị, nhưng Giáo Hội không thể khoanh tay đứng nhìn không làm gì cả khi các tín hữu đang tham dự các cuộc biểu tình yêu cầu được chăm sóc tinh thần.
Giáo Hội của chúng tôi luôn luôn đứng về phía sự thật và sẽ vẫn như vậy vì sứ mệnh tương lai đã được Chúa Kitô Đấng Cứu Thế giao phó, bất chấp tất cả các mối đe dọa. Chúng tôi đã nghĩ rằng thời áp bức đã trôi qua, nhưng lá thư này khiến chúng tôi đâm ra nghi ngờ. Chúng tôi không xấu hổ về sự hiện diện của chúng tôi tại quảng trường Maidan và sẽ tiếp tục ở lại đó"
Quảng trường Maidan Nezalezhnosti là quảng trường trung tâm của thủ đô Kiev nơi đang diễn ra những cuộc biểu tình chống khuynh hướng ngả về phía Nga của Tổng thống Viktor Yanukovych.
Trước thái độ cứng rắn của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, và sự bất bình của anh chị em giáo dân, hôm 15/1/2014, tổng thống Viktor Yanukovych đã đưa ra một tuyên bố hòa hoãn hơn.
Ông nói: “Chúng ta cần phải du di các yêu cầu pháp luật và bảo đảm rằng các tín hữu được tạo cơ hội để cầu nguyện bất cứ nơi nào họ muốn.”
12. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế khẳng định: niềm tin Kitô đối kháng với bạo lực và chiến tranh
Nhằm chống lại cáo buộc cho rằng tôn giáo là một nguyên nhân gây ra bạo lực và chiến tranh, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã ban hành một tài liệu nhấn mạnh rằng niềm tin Kitô vốn đối kháng với những lời kích động bạo lực.
Tài liệu mới này đã được công bố bằng tiếng Ý vào ngày 16 tháng Giêng, và sẽ sớm có những bản dịch ra các ngôn ngữ khác nhau.
Tài liệu có tựa đề: "Thiên Chúa, Chúa Ba Ngôi, và sự hiệp nhất của nhân loại: Thuyết độc thần Kitô Giáo và tính đối kháng của thuyết ấy với bạo lực " là kết quả của một dự án kéo dài 5 năm của Ủy ban thần học quốc tế đã được sự chấp thuận của Đức Tổng Giám Mục Gerhard Müller, Hồng Y Tân Cử, là bộ trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Trong buổi họp báo giới thiệu tài liệu này, Ủy Ban Thần Học Quốc tế cho biết:
"Niềm tin Kitô, trên thực tế, coi các kích động bạo lực nhân danh Thiên Chúa như là một sự băng hoại thê thảm nhất của tôn giáo. Kitô giáo xác tín như thế từ mạc khải của Chúa Kitô và từ sự phục sinh của Ngài, như là chìa khóa để các hòa giải nhân loại."
Thật vậy, trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, Ngài đã không lấy bạo lực để đáp trả bạo lực nhưng lấy tình yêu để bẻ gãy vòng lẩn quẩn của bạo lực, và hòa giải con người với Thiên Chúa.
13. Một Kitô hữu Syria bị chặt đầu chỉ vì đeo thánh giá trên cổ
Năm chiến binh thánh chiến Hồi Giáo đã chặt đầu một Kitô hữu Syria sau khi họ quan sát thấy anh đang đeo một cây thánh giá trên cổ của mình. Bản tin phát đi hôm 16 tháng Giêng của thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên.
Sự việc đã xảy ra ngày 8 tháng Giêng nhưng đến ngày 16 một linh mục ở Marmarita mới có thể liên lạc được với thông tấn xã Fides.
Hai thanh niên Công Giáo là Firas Nader, 29 tuổi, và Fadi Matanius Mattah, 34 tuổi, đang di chuyển bằng xe hơi từ Homs về làng Marmarita, là một làng Công Giáo thì bị một nhóm 5 chiến binh thánh chiến Hồi Giáo chặn xe. Họ đã nổ súng vào chiếc xe để chặn lại.
Khi đến gần xe, đám dân quân này thấy anh Fadi đang đeo một thánh giá nơi cổ đã lôi anh xuống xe và chặt đầu anh. Sau đó họ lấy tiền và các giấy tờ trên xe và bắn anh Firas nhiều phát súng.
Đám dân quân này bỏ đi, để mặc anh trên mặt đất tưởng rằng anh đã chết.
Firas đã tìm cách trốn thoát, đi bộ đến thị trấn Almshtaeih và sau đó được chuyển đến bệnh viện Tartou. Một số các tín hữu đã tìm được thi thể của anh Fadi và đưa anh về Marmarita mai táng.
14. Đức Tổng Giám Mục của thủ đô Kuala Lumpur kêu gọi người Công Giáo hãy can đảm đối mặt với sự đàn áp ngày càng tăng tại quốc gia này.
Tuần trước chúng tôi đã trình bày với quý vị và anh chị em câu chuyện đàn áp các tín hữu Kitô đang diễn ra tại Malaysia.
Trong thư Mục Vụ đưa ra hôm 18 tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục Murphy Pakiam, Giám Quản Tông Tòa thủ đô Kuala Lumpur kêu gọi người Công Giáo hãy can đảm đối mặt với sự đàn áp ngày càng tăng tại quốc gia này.
Đức Tổng Giám Mục viết:
"Thật là tồi tệ khi một số nhóm đang mưu toan tổ chức các cuộc biểu tình khổng lồ và những cuộc tuần hành trên đường phố. Những hành động vô nghĩa của những nhóm người này đã gây ra rất nhiều khó chịu, lo lắng và thậm chí giận dữ giữa những công dân Malaysia. Hơn nữa, sự ủng hộ cho những hành động như thế của một số các nhà lãnh đạo chính trị và sự im lặng không thể giải thích được của những chính trị gia khác đã trút thêm dầu vào lửa đến mức dường như cuộc khủng hoảng đang lan rộng không kiểm soát được.”
“Tôi kêu gọi các tín hữu Công Giáo phải mạnh mẽ để đương đầu với những nghịch cảnh và tiếp tục tuyên xưng đức tin của chúng ta với lòng can đảm và quyết tâm." ngài nói thêm.
15. Đức Thánh Cha ban phép lành cho hai con chiên được nuôi để lấy lông làm dây palliums
Sáng thứ Ba, 21 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành cho hai con chiên sẽ cung cấp các len để làm dây palliums cho các vị tổng giám mục được tuyển chọn trong năm nay. Truyền thống này đã có từ nhiều năm nhân Lễ Thánh Agnes.
Nghi thức đã được diễn ra tại Đền Thờ Thánh Agnes. Một con chiên đã được bao quanh bởi hoa trắng, và con chiên còn lại với hoa màu đỏ. Màu trắng tiêu biểu cho sự khiết trinh và màu đỏ cho sự tử đạo của các thánh.
Dây Pallium hay Dây Quàng Cổ có hai dải phía trước và phía sau, quàng bên ngoài áo lễ, được dệt bằng lông chiên màu trắng có thêu 5 thánh giá mầu đen, hai dải cũng kết thúc bằng len mầu đen. Nó biểu hiệu cho sự hiệp nhất của các Tổng Giám Mục Trưởng các Giáo Tỉnh trên toàn thế giới với Đức Giáo Hoàng, Chủ Chăn của Giáo Hội hoàn vũ, cũng như biểu hiệu cho quyền bính trên các Giám Mục khác thuộc giáo tỉnh.
Nghi lễ trao dây Palllium được tổ chức tại Roma ngày 29 tháng 6 hàng năm nhân dịp lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.
16. Án Phong Thánh cho cha Joseph Muzquiz đang được xúc tiến
Cha Joseph Muzquiz sinh năm 1912 và qua đời năm 1983 là một linh mục Tây Ban Nha, và là một trong những thành viên đầu tiên của Opus Dei. Ngài đã hoạt động không mệt mỏi để phong trào lan tràn trên toàn thế giới, đặc biệt tại Mỹ Châu.
Kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu tại Tây Ban Nha, anh thanh niên Joseph Muzquiz tuổi đã từ giã quê hương Badajoz để lên kinh thành Madrid theo học kỹ sư. Tại đó, anh đã gặp cha Josemaría Escrivá, vị sáng lập tương lai của phong trào Opus Dei. Tháng Giêng năm 1940, anh được nhận vào Opus Dei trong khi vẫn tiếp tục theo học kỹ sư để tích cực giúp tái thiết các cơ sở hạ tầng của đất nước tan nát vì chiến tranh.
Là một kỹ sư thông minh, Joseph Muzquiz đã lần lượt giật được 3 bằng tiến sĩ trong các lãnh vực rất khác nhau: Tiến sĩ về xây dựng các công trình dân dụng, tiến sĩ lịch sử và tiến sĩ luật.
Ngày 25 tháng sáu năm 1944, kỹ sư Joseph Muzquiz là một trong ba thành viên đầu tiên của Opus Dei được thụ phong linh mục. Cha được gửi sang Hoa Kỳ vào năm 1949, nơi ngài đã thành lập trung tâm Opus Dei ở Chicago và Washington, DC. Ngài cũng đã đặt nền móng cho các hoạt động của Opus Dei ở Canada, Nhật Bản và Venezuela. Trong những năm 1960 và 1970, ngài làm việc ở châu Âu và châu Á và thúc đẩy việc phong thánh cho người sáng lập của tổ chức.
Trở lại Hoa Kỳ vào năm 1976, cha cư ngụ tại trụ sở Opus Dei tại Pembroke, Massachusetts. Ngày 20 Tháng Sáu năm 1983, ngài bị một cơn đau tim trong khi đang giảng dạy tại một lớp học ở đó, và qua đời vào ngày hôm sau tại Bệnh viện Jordan ở Plymouth.
Án phong thánh cho cha đã được bắt đầu vào ngày 02 tháng 6 năm 2011 tại Tổng Giám Phận Boston, Hoa Kỳ. Vị tôi tớ Chúa Joseph Muzquiz có lẽ sẽ được phong Chân Phước trong năm nay.
17. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ đoàn đại biểu của EXPO Milan 2015
Sáng thứ Sáu 17 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp một phái đoàn của EXPO Milan 2015. Cùng đi với nhóm có Đức Tổng Giám Mục của thành phố này, là Đức Hồng Y Angelo Scola và Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, người tình cờ cũng vừa từ Milan trở về Rôma.
Chủ đề của EXPO Milan 2015 là “Nuôi dưỡng hành tinh, năng lượng cho cuộc sống”. Trong cuộc gặp gỡ, một trong những nhà tổ chức, là ông Giuseppe Sala, đã trình bày với Đức Thánh Cha những diễn tiến mới nhất của dự án.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với những nhà tổ chức EXPO Milan 2015 ban đầu được dự trù vào tháng 12 năm ngoái, nhưng Đức Thánh Cha bị cảm mất vài ngày nên đã được dời lại.
EXPO Milan sẽ được tổ chức từ ngày 01 tháng Năm, 2015 đến ngày 31 tháng 10, 2015.
18. Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Melkite tại Syria kêu gọi thế giới cầu nguyện cho đất nước này
Trước thềm hội nghị quốc tế về Syria diễn ra tại Geneva vào ngày 22 tháng Giêng, Đức Thượng Phụ Gregory Laham Đệ Tam đã lên tiếng kêu gọi một chiến dịch toàn thế giới “cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, Thánh Địa, thế giới Ả Rập và cả thế giới."
Trong tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Syria, ngài đã kêu gọi tất cả người Công Giáo Syria cầu nguyện cho hòa bình, và kêu gọi các Kitô hữu ở khắp mọi nơi trên thế giới tham gia trong chiến dịch. Đức Thượng Phụ cũng mong mỏi các nhà lãnh đạo thế giới hãy gạt bỏ những thành kiến và những lợi ích cục bộ để hành động có hiệu quả cho "một nền hòa bình công chính tại Syria."
Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết sau 3 năm nội chiến cay đắng ở Syria, gần 9 triệu người – tức là gần 40% dân số của cả nước trước chiến tranh đã phải bỏ nhà bỏ cửa chạy trốn cuộc xung đột. 2.3 triệu người đã phải tị nạn ở nước ngoài và 6.5 triệu người phải tản cư bên trong đất nước của họ.
Sau 36 tháng chiến tranh, 126,000 người chết và 300,000 trẻ mồ côi. Các tín hữu Kitô tại đất nước này đang lo ngại những thỏa hiệp của các cường quốc sẽ dẫn đến việc hình thành một thứ nhà nước Hồi Giáo dựa trên luật Sharia.
19. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Hán Thành thủ đô Nam Hàn
Sáng thứ Tư 22 tháng Giêng, cha Federico Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã thông báo là theo dự trù sơ khởi, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Hàn Quốc trong khoảng từ ngày 10 đến 17 tháng Tám năm 2014 để tham dự Ngày Giới Trẻ Á Châu tại Daejeon.
Ngài sẽ là vị Giáo Hoàng thứ hai đến thăm đất nước này 20 năm sau khi Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đặt chân đến bán đảo Triều Tiên. Tháng Năm năm 1994, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã đến Hán Thành để phong thánh cho 103 vị tử đạo người Hàn Quốc, sau đó đã đi thăm Papua New Guinea, Solomon Islands, và Thái Lan.
|