Nhìn lại “Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ”
Đầu thế kỷ 21, từ ngày 6 đến 8.9.2000, 189 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đã họp Đại Hội Đồng LHQ tại New York và đưa ra bản Tuyên Ngôn Thiên Niên Kỷ của LHQ, tuyên bố “Mục tiêu Phát triển Thiên Niên Kỷ” (Millennium Development Goals) là phải phấn đấu để đạt tới 8 mục tiêu sau đây vào năm 2015:
1- Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn
2- Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học
3- Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ
4- Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em
5- Cải thiện sức khỏe bà mẹ
6- Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác
7- Đảm bảo sự bền vững của môi trường
8- Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển
Nay đã 13 năm, những mục tiêu đó đã đạt tới đâu? Chúng tôi đã có Bản Phúc Trình Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ 2013 (The Millennium Development Goals Report 2013), nhưng chúng tôi thấy mục tiêu thứ nhất là quan trọng nhất, không đạt được mục tiêu đó, các mục tiêu khác đều khó đạt được. Đói nghéo làm phát sinh ra mọi thứ tệ nạn. Người đói không cần dân chủ tự do hay nhân quyền, người đói chỉ cần miếng ăn và khi cùng cực sẵn sàng bán nhân phẩm của mình để có miếng ăn. Do đó, hôm nay chúng ta thử tìm hiểu qua tình trạng nghèo đói trên thế giới hiện nay và kế hoạch của LHQ đang đi tới đâu.
NHÌN QUA CẢNH NGHÈO TRÊN THẾ GIỚI
Theo thông điệp của Tổng Thư ký LHQ nhân Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo 17.10.2013, trên toàn thế giới vẫn còn tới hơn 1,2 tỷ người sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, thách thức còn lớn hơn rất nhiều: Có2 tỉ người đang gặp các vấn đề về suy dinh dưỡng. Ông Jim Yong Kim, Giám Đốc Ngân Hàng Thế Giới cho biết trong số 1,2 tỷ người sống trong nghèo đói, có đến 480 triệu là trẻ em.
Theo báo cáo của Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế (FAO), 30% người nghèo sống ở Á Châu Thái Bình Dương, tức từ 739 triệu đến 563 triệu. Vùng Nam Á Châu là nơi tập trung nhiều người nghèo nhất. Ở Phi Châu cứ 4 người có 1 người nghèo. Số người nghèo ở đây được ước lượng từ 175 đến 239 triệu. Trong khi đó số người nghèo ở Mỹ Châu Latin đã giảm từ 14,6% xuống còn 8,3%, tức còn chỉ khoảng 49 triệu.
Báo cáo “Tình trạng người nghèo”cho biết trên thế giới hiện nay có 35 nước có số thu nhập thấp trên thế giới, trong đó có 26 nước ở Châu Phi. Tại những nước này có đến 100 triệu người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khó.
Khoảng cách giàu nghèo trên thế giới hiện nay cũng rất xa. Người ta khám phá ra có ba người giàu nhất thế giới giàu hơn 48 nước nghèo nhất thế giới, đó là Carlos Slim Helu & family, Bill Gates và Amancio Ortega. 225 người giàu nhất sở hữu khối lượng tài sản tương đương với thu nhập cá nhân của 47% người nghèo trên thế giới, tức là hơn 3 tỷ người. 4% tài sản của 225 người giàu nhất này có khả năng giải quyết các nhu cầu tối thiểu như ăn uống, sức khỏe, giáo dục… cho những người nghèo khổ trên toàn thế giới.
ẤN ĐỘ NGHÈO HƠN PHI CHÂU!
Tài liệu thống kê cho biết 1/4 dân số đói nghèo trên toàn thế giới tập trung tại Phi Châu. Nhưng “Dự án giảm đói nghèo và phát triển nhân lực Oxford” (Oxford Poverty and Human Development Project) của Liên Hiệp Quốc phát hiện số người nghèo ở 8 bang Ấn Độ cộng lại còn nhiều hơn cả số người nghèo của 26 nước nghèo nhất tại Phi Châu, mặc dầu Ấn Độ được công nhận là một nước tự do dân chủ, ở đó có chế độ đa đảng, có tự do bầu cử, có tự do ngôn luận, có hỏa tiễn liên lục địa, có cả bom nguyên tử!
Thử đi vào một vài nơi ở Ấn Độ, chúng ta sẽ thấy rõ tình hình hơn. Đến khu Nerhu Place, một khu mua bán máy điện toán và các linh kiện điện toán nổi tiếng ở thủ đô New Delhi, chúng ta thấy những rạp chiếu bóng lớn, các khách sạn 5 sao, các trung tâm thương mại đồ sộ, các khu biệt thự sang trọng…, nhưng bên cạnh đó là những túp lều lụp xụp do những người nghèo khó dựng lên để tạm làm nơi cư ngụ. Đến khu Old Delhi, cảnh nghèo khổ hiện lên rõ nét hơn. Nhiều người nằm vật vã ở vỉa hè, trên người chỉ có bộ quần áo rách tả tơi. Mỗi lần dừng xe ở ngã tư đều có những em bé mặc rách rưới đến xin tiền. Vòng quanh khuôn viên Đại học Jawaharlal Nerhu, người ta thấy một khu đất trống bên ngoài trường đại học đã được những người vô gia cư biến thành “làng” của họ, ở đó mọc lên những “căn nhà” chỉ caohơn 1 thước, được tô trét bằng đất. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy mỗi buổi sáng các xe xúc rác đi lượm những xác chết nằm lăn lóc đó đây để đem đi chôn, gióng như họ đi xúc rác vậy!
Đi về những tiểu bang xa xôi, nhất là những nơi những người được gọi là “cùng đinh” đang sinh sống, cuộc sống còn bi thảm hơi nữa.
Tại sao một nước có một nền dân chủ lớn như Ấn Độ lại không thể đem lại cuộc sống no ấm cho người dân? Tại vì tàn dư của một nền văn hóa và tôn giáo cũ vẫn còn được duy trì. Vì thế xã hội Ấn đang sống trong thời đại “homo homini lupus est” (người là lang sói đối với người), không phải chỉ giữa nhà cầm quyền với dân mà cả giữa các đảng cấp trong xã hội. Với một xã hội như thế, tự do dân chủ không giúp gì trong việc giải phóng con người mà phải có một cuộc cách mạng theo kiểu cộng sản ở Trung Quốc mới có thể xoá sạch các hủ tục được. Nếu chỉ cải cách thì phải mất vài thế kỷ nữa.
Khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Độ hiện nay cũng rất lớn. Tổng số tỉ phú ở nước này có thể nhiều hơn tổng số tỉ phú ở Anh và Canada cộng lại.
HƯỚNG VỀ NGƯỜI NGHÈO
Theo các nhà nghiên cứu của tổ chức PNUD, cần phải có khoảng 40 tỷ USD mỗi năm để giải quyết vấn đề nghèo đói, nước sạch, phòng chống những căn bệnh nguy hiểm như lao, bạch cầu, sốt rét. Khoản ngân sách này được cho là khổng lồ, nhưng nó còn ít hơn rất nhiều so với khoản chi 50 tỷ USD cho việc hút thuốc lá hàng năm, 105 tỷ USD cho bia rượu hay 400 tỷ USD cho thuốc phiện. Đó là chưa nói đến những khoản chi tiêu khổng lồ vào chiến tranh và súng đạn.
Nhờ sự đóng góp của nhiều quốc gia và nhiều tổ chức trên thế giới, số người nghèo đói đang giảm dần. Từ những năm 1990 đến nay, số lượng người nghèo đói trên thế giới đã giảm 132 triệu người, tức giảm từ 19% dân số thế giới xuống còn 12%. Tuy nhiên, ông Jose Graziano da Silva, Tổng Giám đốc của Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế, cho biết thành quả này hầu hết là từ trước năm 2007.
Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ thứ nhất của LHQ sắp được kết thúc vào năm 2015 với những kết quả chưa khả quan lắm. LHQ đang soạn thảo Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ thứ hai từ 2015 đến 2030.
SỰ GÓP PHẦN CỦA GIÁO HỘI
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình “Nơi Thiên Chúa khóc” do tổ chức Miserior tài trợ, Đức Giám Mục Kieran O’Reilly đã nói đến tình hình Giáo Hội tại Phi Châu và vai trò của Giáo Hội này đối với Giáo Hội hoàn vũ. Giáo Hội tại Phi Châu đã tăng quá nhanh: năm 1900, trên toàn lục địa Phi Châu chỉ có khoảng 1.200.000 tín hữu, nay con số đó đã lên trên 140 triệu. Vì thế, Giáo Hội phải góp phần tích cực vào việc thăng tiến Phi Châu.
Giáo Hội đã tham dự vào nhiều công trình bác ái, y tế, giáo dục và nhiều sáng kiến khác nhằm thăng tiến đời sống của con người, kể cả các công trình giúp đỡ nạn nhân bệnh AIDS, qua sự phối hợp của Caritas và Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình. Hiện nay, Giáo Hội Công Giáo Phi Châu đang hiện diện tại 1,074 bệnh viện, 5.373 bệnh xá, 186 trại phong cùi, 753 nhà dành cho người già và khuyết tật, 979 viện mồ côi, 1.997 trung tâm giữ trẻ ban ngày, 1.590 trung tâm huấn đạo về hôn nhân, 2.947 trung tâm phục hồi và 1.279 các cơ sở chăm lo sức khỏe khác.
Theo các dữ liệu của cơ quan UNAIDS, 26% các cơ sở trực tiếp can dự vào việc điều trị AIDS trên thế giới là do các cơ quan Công Giáo điều khiển.
Về giáo dục, Giáo Hội hiện có 12.496 trường mầm non (pre-school) với 1.266.444 học sinh; 33.263 trường tiểu học với 14.061.806 học sinh; 9.838 trường trung học với 3.738.238 học sinh. Về bậc cao đẳng Công Giáo, hiện có 54.362 sinh viên ghi danh; ngoài ra còn có 76.432 sinh viên theo học các môn khác nhau do các Đại Học Công Giáo bảo trợ.
Ít nhất có 4 nghị phụ đã lớn tiếng yêu cầu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu lên tiếng phản kháng các lạm dụng của các công ty đa quốc gia trong việc bóc lột các tài nguyên khoáng sản và rừng của Phi Châu cũng như làm độc nguồn nước, gây thiệt hại lớn lao cho dân chúng địa phương.
Đức Hồng Y Turkson nói rằng sự thật là Phi Châu đã bị truyền thông quốc tế làm méo mó quá lâu rồi với đủ mọi thứ rác rưởi của nhân loại, nay đã đến giờ phải “sang số” đòi lại công đạo cho Phi Châu, phải lấy tình yêu nói lên sự thật về Phi Châu, cổ vũ sự phát triển cho lục địa này để đem lại phồn vinh cho nó, và nhờ thế góp phần vào phúc lợi cho toàn thế giới. Các quốc gia G-8 và nói chung mọi quốc gia trên thế giới nên yêu thương Phi Châu trong sự thật.
Tại Ấn Độ, một nơi có nhiều kẻ nghèo khó hơn cả Phi Châu, Giáo Hội cũng muốn góp phần tích cực trong việc thăng tiến cuộc sống của những người nghèo khó. Nhưng ở đây Giáo Hội đã gặp một trở ngại rất lớn là các đảng cấp có quyền lực muốn duy trì “đảng cấp ti tiện” và sự nghèo đói để tiếp tục bóc lột như họ đã làm trong nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, Đức Giám Mục George Palliparampil cho biết nhiều bộ lạc đang đến với Giáo Hội, vì họ nhận thấy rằng trong Giáo Hội ít ra họ tìm được một ai đó đồng hành với họ và yêu thương họ.
Lữ Giang
(Vietcatholic)
|