Thế Giới Nhìn Từ Vatican 06/12 -12/12/2013 - Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Rôma - ĐTC Phanxicô là Nhân Vật Năm 2013 của báo Time
VietCatholic Network12/12/2013
1. Đức Thánh Cha đã được tạp chí TIME chọn là nhân vật năm 2013.
Bà Nancy Gibbs, chủ bút báo Time, đã công bố quyết định này sáng thứ Tư 11 tháng 12. Bà cho biết thật là rất hiếm khi có một nhân vật mới xuất hiện trên sân khấu thế giới mà đã có thể nhanh chóng gây được rất nhiều sự chú ý như thế, từ người trẻ đến người già, những người có lòng tin và cả những người hoài nghi.
Trước tin này cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã đưa ra một bản tuyên bố trong đó có đoạn viết: “Thật là một dấu hiệu tích cực khi một trong những cơ quan truyền thông có uy tín nhất quốc tế trao danh dự cho một người rao giảng các giá trị tinh thần, tôn giáo và đạo đức; và lên tiếng một cách hiệu quả cho hòa bình và công lý.”
Cha Federico Lombardi nói thêm: ‘Đức Thánh Cha không tìm kiếm những lời ngợi khen hay danh tiếng, nhưng chú trọng đến việc rao giảng Tin Mừng và khích lệ con người ngày nay sống theo tinh thần Phúc Âm. Nếu việc được chọn là nhân vật trong năm lôi cuốn con người ngày nay đến với thông điệp Tin Mừng nhiều hơn thì Đức Thánh Cha hoan nghênh việc ngài được chọn này.”
2. Đức Thánh Cha nói nạn đói hiện nay trên thế giới là tai tiếng trầm trọng nhất của nhân loại
Trong buổi triều yết chung sáng thứ Tư 11 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng chống lại tai ương của nạn đói trên thế giới. Ngài nói rằng đó là “vụ tai tiếng” trầm trọng vì trước tình cảnh hàng triệu người bị đói, thế giới vẫn thờ ơ, và những tình cảnh thê thảm này không làm con người xao xuyến và không thúc đẩy được con người trên thế giới ra tay hành động, cụ thể từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, các tổ chức, các chính phủ, cần phải hành động để loại bỏ sự bất công này .
Đức Thánh Cha đã đề cập đến chiến dịch gần đây của Caritas Quốc tế với chủ đề "Một gia đình nhân loại, và thực phẩm cho mọi người", để chấm dứt nạn đói và việc phung phí thực phẩm.
Khi chiến dịch này được Caritas đề ra, Đức Thánh Cha đã ngay lập tức hỗ trợ chiến dịch với một video đã được Tòa Thánh đưa ra trong tuần này, trong đó ngài lưu ý rằng gần một tỷ người vẫn bị đói trên toàn thế giới ngày hôm nay, và nói: "Chúng ta không thể nhìn hướng khác và giả vờ như chuyện này không hề tồn tại.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nhấn mạnh rằng bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta con đường: đó là tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và chia sẻ lương thực hàng ngày của chúng ta đồng thời không lãng phí thực phẩm.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm ngài khích lệ Caritas thực hiện sáng kiến này, và mời mọi người tham gia trong “làn sóng liên đới” do Caritas đề xướng.
Tiếp tục bài giáo lý hàng tuần về Kinh Tin Kính, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu hiện diện rằng chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về những điều mình đã làm và những điều mình lẽ ra phải làm nhưng đã không làm trong cuộc sống này.
Ngài nói thêm rằng Giáo Hội mời gọi chúng ta suy tư về phán quyết chung thẩm này với hy vọng vui tươi vì Chúa Giêsu sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta. Tuy nhiên, ngài lưu ý rằng "Phán xét của Thiên Chúa diễn ra trong cuộc sống của chúng tôi mỗi ngày, đối với cách thức chúng ta đáp lại những lời giảng dạy của Chúa Kitô và bắt chước ngài trong việc phục vụ anh chị em của chúng ta"
3. Kết thúc khóa họp của Hội đồng 8 Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha đã chấp nhận đề nghị của các Hồng Y cố vấn và sẽ thành lập một Ủy ban đặc biệt của Tòa Thánh để bảo vệ các trẻ em.
Trong cuộc họp báo sáng thứ Năm mùng 5 tháng 12, Đức Hồng Y Sean O'Malley, dòng Capuchino, Tổng Giám Mục giáo phận Boston, Hoa Kỳ, là một trong tám vị Hồng Y cố vấn của Đức Giáo Hoàng về việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh, cho biết Ủy ban đặc biệt mà Đức Thánh Cha đồng ý thành lập, có nhiệm vụ cố vấn cho ngài về sự quyết tâm của Tòa Thánh trong việc bảo vệ các trẻ em, và quan tâm săn sóc mục vụ cho các nạn nhân bị lạm dụng. Ủy ban cũng trình báo về tình trạng hiện nay của các chương trình bảo vệ trẻ em, đưa ra những đề nghị về những sáng kiến mới từ phía các cơ quan trung ương Tòa Thánh, trong sự cộng tác với các Giám Mục, các Hội Đồng Giám Mục, các Bề trên và Hiệp Hội các Bề trên dòng tu, đề nghị tên của những người thích hợp để đồng loạt thực hiện các sáng kiến mới, trong số này có cả giáo dân, linh mục, tu sĩ nam nữ, chuyên về vấn đề an ninh trẻ em, về quan hệ với các nạn nhân, về sức khỏe tâm thần, và việc áp dụng luật pháp, v.v..
Đức Hồng Y O'Malley cũng nói rằng thành phần và thẩm quyền của Ủy ban sẽ được Đức Thánh Cha thông báo với một văn kiện thích hợp.
Cũng trong cuộc họp báo, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong 3 ngày họp, Hội đồng 8 Hồng Y cố vấn đã duyệt qua các Bộ của Tòa Thánh với mục đích tiến hành việc cải tổ sâu rộng, cụ thể là đi tới một Tông Hiến mới, thay thế Tông Hiến Pastor bonus (Mục Tử nhân lành) do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ban hành hồi tháng 6-1988 về các cơ quan trung ương Tòa Thánh.
Trong khóa họp thứ 3 từ ngày 17 đến 19 tháng 2 năm tới, Hội đồng 8 Hồng Y cố vấn sẽ tiếp tục các công tác theo chiều hướng này, liền sau đó là công nghị các Hồng Y, trong hai ngày 20 và 21 tháng 2. Ngày 22 tháng 2, Đức Thánh Cha sẽ tấn phong các tân Hồng Y. Ngày 23 tháng 2 sau đó, ngài sẽ chủ sự thánh lễ với các tân Hồng Y và Hồng Y đoàn.
Tiếp đến, trong hai ngày 24 và 25 tháng 2, sẽ có khóa họp của Hội đồng chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa đặc biệt, sẽ tiến hành từ ngày 5 đến 19 tháng 10 năm tới, 2014, về ”Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh truyền giảng Tin Mừng”
4. Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban Thần Học quốc Tế
Trong buổi tiếp kiến sáng thứ Sáu mùng 6 tháng 12, dành cho Ủy ban thần học quốc tế, Đức Thánh Cha tái khẳng định rằng không thể sử dụng bạo lực nhân danh Thiên Chúa.
30 nhà thần học quốc tế nhóm khóa họp thường niên trong tuần này tại Vatican từ 2 đến 6-12, dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin. Điều hợp khóa họp là linh mục Tổng thư ký Serge-Thomas Bonino, Dòng Đaminh người Pháp.
Trong 5 ngày họp, 30 nhà thần học quốc tế tiếp tục nghiên cứu 3 đề tài quan trọng: trước tiên là độc thần giáo, tiếp đến là ý nghĩa đạo lý xã hội của Hội Thánh trong bối cảnh rộng lớn hơn của đạo lý Kitô; sau cùng là vấn đề sensus fidei, tức là cảm thức đức tin.
Chào đón Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Gerhard Mueller, chủ tịch Ủy ban thần học quốc tế nói:
“Chúng con chân thành cám ơn Tòa Thánh và đặc biệt là Bộ giáo lý đức tin”.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đề cập đến đề tài thứ nhất được Ủy ban thần học quốc tế bàn tới là “tương quan giữa tôn giáo độc thần và bạo lực”, và ngài khẳng định rằng
“Thiên Chúa không phải là một đe dọa cho con người! Niềm tin nơi Thiên Chúa và Ba Ngôi Chí Thánh không thể và không bao giờ có thể sinh ra bạo lực và bất bao dung.”
Trái lại, theo Đức Thánh Cha, đặc tính phù hợp với lý trí mang lại cho đức tin một chiều kích đại đồng, có khả năng liên kết những người thiện chí với nhau.
Đức Thánh Cha nói thêm:
“Anh em có nghĩa vụ quan trọng là phải đề ra những tiêu chuẩn giúp phân định những sự diễn tả đích thực cảm thức của các tín hữu”
Đức Thánh Cha không quên cảnh giác các nhà thần học trước những cám dỗ như tâm hồn trở nên khô cằn, kiêu ngạo, và thậm chí cả tham vọng nữa. Ngài nói: “Thánh Phanxicô Assisi có lần đã gửi một thư ngắn cho thầy Antonio thành Padova, trong đó ngài viết: “Tôi muốn thầy dạy thánh khoa thần học cho anh em, miễn là trong việc nghiên cứu, thầy không dập tắt tinh thần nguyện gẫm và sùng mộ”.
5. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 8 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm
Theo lịch chung của Giáo Hội hoàn vũ, ngày 8 tháng 12 là Chúa Nhật thứ 2 mùa vọng, nên lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm được dời sang ngày thứ hai hôm sau, 9-12. Nhưng Bộ Phụng Tự đã đặc biệt cho phép tất cả các giáo phận tại Italia được mừng kính Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm vào ngày Chúa Nhật 8 tháng 12 này.
Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa mầu nhiệm Đức Mẹ được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, dựa trên bài Tin Mừng của ngày lễ. Ngài nói:
Anh chị em thân mến, chào Anh Chị em!
Chúa Nhật thứ hai mùa vọng này, trùng vào lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và vì thế, cái nhìn của chúng ta bị thu hút vì vẻ đẹp của Mẹ Chúa Giêsu, là Mẹ chúng ta! Giáo Hội rất vui mừng chiêm ngắm Mẹ là “Người đầy ơn phúc” (Lc 1,28), và khi bắt đầu bằng những lời này, tất cả chúng ta hãy kinh chào Mẹ: “Đầy ơn phúc”. Chúng ta hãy nói ba lần: “Đầy ơn phúc!”. Tất cả: “Đầy ơn phúc... Thiên Chúa đã nhìn Mẹ ngay từ lúc đầu tiên trong kế hoạch yêu thương của Chúa. Mẹ Maria nâng đỡ chúng ta trong hành trình hướng về Lễ Giáng Sinh, vì Mẹ dạy chúng ta cách sống Mùa Vọng này trong sự chờ đợi Chúa.
Tin Mừng theo thánh Luca trình bày cho chúng ta một thiếu nữ ở thành Nazareth, một thị trấn nhỏ bé của miền Galilea, ở vùng biên cương của đế quốc Roma và ở ngoài lề của Israel. Vậy mà Mẹ đã được Thiên Chúa đoái nhìn đến, đã chọn Mẹ làm mẹ của Chúa. Do chức phận làm mẹ ấy, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mắc tội tổ tông truyền, nghĩa là khỏi sự rạn nứt trong tình hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với thiên nhiên, vốn làm thương tổn sâu xa cho mỗi người. Nhưng sự rạn nứt ấy đã được chữa lành trước nơi Mẹ của Đấng đã đến để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội đã được ghi trong kế hoạch của Thiên Chúa; là kết quả của tình yêu Thiên Chúa Đấng cứu độ thế giới.
Và Đức Mẹ không bao giờ xa lìa tình yêu ấy; trọn cuộc sống, trọn con người của Mẹ là một lời “xin vâng” đối với Thiên Chúa. Nhưng thực ra điều ấy không dễ dàng đối với Mẹ! Khi Sứ thần gọi Mẹ là “Người đầy ơn phúc”, Mẹ rất “xao xuyến”, vì trong sự khiêm hạ, Mẹ cảm thấy mình không là gì cả trước Thiên Chúa. Sứ thần Chúa trấn an Mẹ: “Hỡi Maria, xin đừng sợ, vì Trinh Nữ đã được ân phúc nơi Thiên Chúa. Và này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai một con trai.. và sẽ gọi Người là Giêsu”. Lời loan báo này càng làm cho Mẹ Maria giao động hơn nữa, vì Mẹ chưa thành hôn với Giuse; nhưng Sứ thần nói thêm: “Thánh Linh sẽ ngự xuống trên Trinh Nữ.. vì thế hài nhi sinh ra sẽ là thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”. Mẹ Maria lắng nghe, trong tâm hồn vâng phục và thưa lại: “Này tôi là nữ tỳ Chúa: xin xảy đến cho tôi theo lời ngài”.
“Mầu nhiệm về thiếu nữ thành Nazareth ấy là người ở trong con tim của Thiên Chúa, không phải là điều xa lạ đối với chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa yêu thương đoái nhìn mỗi người nam nữ! Thánh Phaolô Tông đồ quả quyết rằng Thiên Chúa “đã chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ để chúng ta được nên thánh thiện và không tỳ ố”. Cả chúng ta, từ đời đời, đã được Thiên Chúa chọn để sống một cuộc đời thánh thiện, được giải thoát khỏi tội lỗi. Đó là một dự phóng yêu thương mà Thiên Chúa lập lại mỗi khi chúng ta đến cùng Ngài, nhất là qua các bí tích.
Vì thế, trong đại lễ này, khi chiêm ngắm Đức Mẹ vô nhiễm của chúng ta, chúng ta cũng nhìn nhận vận mệnh đích thực nhất của chúng ta, ơn gọi sâu xa nhất của chúng ta, đó là: được yêu mến, được tình thương biến đổi. Chúng ta hãy nhìn Mẹ, và để cho Mẹ nhìn ngắm chúng ta; để học cách trở nên khiêm nhường hơn, can đảm hơn trong việc sống theo Lời Chúa; để đón nhận vòng tay dịu dàng của Chúa Giêsu, Con của Người, vòng tay ban cho chúng ta sự sống, hy vọng và an bình.
6. Kính viếng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm
Lúc 4 giờ chiều Chúa Nhật 8 tháng 12, tiếp nối một truyền thống từ lâu đời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến đặt vòng hoa tôn kính và cầu nguyện trước cột đài Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Quảng trường Tây Ban Nha và trước trụ sở của Bộ truyền giáo. Cột đài này được Đức Chân phước Giáo Hoàng Piô 9 khánh thành ngày 8 tháng 9 năm 1857, tức là 3 năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cột cao 11,81 mét trên đó có tượng Đức Mẹ đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.
Khi Đức Thánh Cha tiến vào con đường Condotti, đã có đông đảo các tín hữu chờ hai bên đường để chào đón ngài. Ngài đừng lại trước Nhà thờ Chúa Ba Ngôi của các cha dòng Đa Minh người Tây Ban Nha, để nhận sự chào đón của Hiệp hội các thương gia tại khu vực có những cửa tiệm nổi tiếng nhất của thành Roma.
Tại Quảng trường Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng Y Vallini, Giám quản Roma và ông đô trưởng Roma, Ignazio Marino, và ông chủ tịch miền Lazio, Nicola Zingaretti đón tiếp. Đặc biệt tại đây có sự hiện diện của 150 anh chị em bệnh nhân ngồi trên xe lăn, do tổ chức từ thiện Unitalsi giúp đưa từ đảo Sardegna tới đây, cùng với hàng ngàn tín hữu. Ngoài ra cũng có sự hiện diện của Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo và hai vị Tổng Giám Mục Tổng thư ký của Bộ là Savio Hàn Đại Huy và Protase Rugambwa.
Sau lời nguyện mở đầu và đoạn sách Tông Đồ công vụ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh nguyện dâng lên Mẹ Thiên Chúa:
“Lạy Đức Trinh Nữ thánh và vô nhiễm, với lòng tín thác và yêu mến, chúng con hướng về Mẹ, Mẹ là vinh dự của dân tộc chúng con và là người ân cần bảo vệ thành thị của chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Đấng tuyệt đẹp, chẳng có tội lỗi nơi Mẹ. Xin khơi dậy trong chúng con một ước muốn mới là được nên thánh: xin cho ánh quang chân lý được rạng ngời trong lời nói của chúng con, cho bài ca bác ái vang dội trong các hoạt động của chúng con, và sự tinh tuyền và khiết tịnh ngự trị trong thân xác và tâm hồn chúng con, cho trọn vẹn vẻ đẹp của Tin Mừng hiện diện trong đời sống chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Đấng tuyệt đẹp! Lời của Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong Mẹ.
Xin làm cho chúng con đừng đánh mất ý nghĩa hành trình trần thế của chúng con: xin cho ánh sáng dịu dàng của đức tin chiếu sáng những ngày đời của chúng con, cho sức mạnh an ủi của hy vọng hướng dẫn bước chân của chúng con, cho sức nóng lan tỏa của tình yêu linh hoạt con tim của chúng con, cho mắt của tất cả chúng con hướng nhìn về nơi Thiên Chúa, nơi có niềm vui đích thực.
Lạy Mẹ Maria là Đấng tuyệt đẹp, xin lắng nghe lời nguyện của chúng con, nghe lời khẩn cầu của chúng con: xin Mẹ là vẻ đẹp của tình yêu thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu trong chúng con, xin Mẹ là vẻ đẹp thần linh đến cứu thoát chúng con, thành thị của chúng con và toàn thế giới. Amen
Rồi Đức Thánh Cha đã dâng vòng hoa tôn kính Đức Mẹ, trong khi cộng đoàn hát kinh cầu Đức Bà, rồi bài ca Ave Maria, trước khi ngài ban phép lành cho mọi người. Ngài chào thăm một số bệnh nhân ngồi trên xe lăn.
Rời đài Đức Mẹ, trên đường về, Đức Thánh Cha còn đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của Dân Roma. Thói quen này đã được Đức Gioan 23 khởi sự, rồi được Đức Gioan Phaolô 2 tiếp nối cho đến năm 1995, rồi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 năm 2006.
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài đến kính viếng và cầu nguyện trước Ảnh Đức Mẹ tại đây ngay sáng hôm 14 tháng 3 sau khi được bầu làm Giáo Hoàng.
7. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói về tình trạng sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 “vẫn minh mẫn và thỉnh thoảng vẫn tiếp khách”, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đã cho biết như trên hôm thứ Bẩy 7 tháng 12.
Đức Cha Georg Gänswein đóng một vai trò rất đặc biệt. Ngài hợp tác chặt chẽ với cả hai vị Giáo Hoàng. Ngài là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, và đồng thời là thư ký riêng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và sống chung với ngài tại tu viện Mater Ecclesiae. Đức Cha là một trong rất ít người có cơ hội tiếp xúc với cả hai vị hàng ngày.
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein cho biết:
"Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 có tiếp khách. Tuy nhiên, với một số lượng lành mạnh, nghĩa là không quá nhiều. Việc tiếp khách là niềm vui của ngài, và không phải là một gánh nặng. "
Cụ thể nhất là sau lễ Giáng Sinh, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ tiếp một vị khách đặc biệt là Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh của ngài.
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói thêm:
"Bào huynh của ngài sẽ đến sau lễ Giáng sinh, và sẽ ở đây cho đến cuối tháng Giêng năm tới. Chúng tôi biết Đức Ông sẽ mừng sinh nhật thứ 90 vào tháng Giêng, và Đức Ông sẽ ở đây với chúng tôi."
Đức Cha Georg Gänswein cũng cho biết Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 có sức khỏe tốt và tinh thần vẫn sáng suốt.
"Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 khoẻ mạnh. Dù lớn tuổi, nhưng ngài có một tinh thần minh mẫn, rất sáng suốt. Mùa Vọng đối với người Đức là rất đẹp vì chúng tôi có lòng sùng kính đặc biệt, rất rõ ràng biến cố này và điều này cũng áp dụng với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16."
Ngày 27 tháng Tư năm tới, 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phong thánh cho Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 sẽ hiện diện trong buổi lễ hay không, Đức Cha Georg Gänswein nói khả năng ấy có thể xảy ra.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã phong Chân Phước cho vị tiền nhiệm của ngài ngày 1 tháng Năm năm 2011.
8. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh về giáo dân
Trong buổi tiếp kiến 80 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, sáng thứ Bẩy ngày 7 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ các tín hữu hãy linh hoạt sự hiện diện của Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông, theo tinh thần Tin Mừng.
Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân nhóm họp trong 3 ngày từ thứ Năm mùng 5 tháng 12 về đề tài “Loan báo Chúa Kitô trong thời đại kỹ thuật số”, dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Stanislaw Rylko người Ba Lan, là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân. Trong số các tham dự viên có 12 Hồng Y, hơn 20 giáo dân thành viên cùng với một số chuyên gia cố vấn.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhắc đến truyền thống của Giáo Hội ngay từ những thế kỷ đầu tiên vẫn quan tâm đến vấn đề đức tin và văn hóa: tìm hiểu, đối thoại với nền văn hóa xung quanh, đón nhận và thăng hoa những yếu tố tích cực. Đó cũng là điều các Giáo Phụ đã làm, đứng trước các nền triết học sâu xa. Các vị đã không thỏa hiệp với một số ý tưởng trái ngược với đức tin, nhưng biết nhìn nhận và hấp thụ những ý niệm cao cả nhất, biến đổi chúng từ bên trong dưới ánh sáng Lời Chúa.
Cũng vậy đối với văn hóa truyền thông và kỹ thuật tân tiến ngày nay. Đức Thánh Cha nói: “Giữa những cơ may và nguy hiểm của các mạng internet, cần thẩm định giá trị của mọi sự, với ý thức rằng chắc chắn chúng ta sẽ thấy trong đó những 'đồng tiền giả', những ảo tưởng nguy hiểm và những cạm bẫy cần tránh. Nhưng được Thánh Linh hướng dẫn, chúng ta cũng sẽ khám phá những cơ may quí giá để dẫn đưa con người tới tôn nhan rạng ngời của Chúa”.
Đức Thánh Cha nhận định rằng “Trong số những khả thể mà ngành truyền thông kỹ thuật số cống hiến, điều quan trọng nhất liên hệ tới việc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, thủ đắc những khả năng chuyên môn mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần gặp gỡ những con người nam nữ thực sự, nhiều khi bị thương tổn và ngỡ ngàng lạc hướng, để cống hiến cho họ những lý lẽ hy vọng chân thực. Việc loan báo còn phải có những quan hệ chân chính giữa con người với nhau và nhắm đến một cuộc gặp gỡ với Chúa.”
Vì thế, - Đức Thánh Cha nói- Internet mà thôi thì chưa đủ, kỹ thuật cũng không đủ. Cần làm sao để Giáo Hội hiện diện trên Internet với lối sống Tin Mừng; cần hiện diện trong các môi trường mà đối với bao nhiêu người, nhất là người trẻ, đó là một thứ môi trường sống của họ, để khơi dậy những thắc mắc không thể dồn nén được của con tim về ý nghĩa của cuộc sống, và chỉ dẫn con đường dẫn tới Đấng là câu trả lời, là Lòng Từ Bi Chúa nhập thể, là chính Chúa Giêsu Kitô”
9. Đức Thánh Cha Phanxicô gởi điện văn chia buồn với nhân dân Nam Phi trước cái chết của cố tổng thống Nelson Mandela.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Hôm thứ Sáu mùng 5 tháng 12, Đức Thánh Cha đã vinh danh ông Nelson Mandela và bày tỏ hy vọng rằng gương sáng của cố Tổng thống sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ người dân Nam Phi trong việc thăng tiến công lý và lợi ích chung lên hàng đầu trong những khát vọng chính trị của họ.
Trong điện văn chia buồn gởi Tổng thống Jacob Zuma của Nam Phi, Đức Thánh Cha viết:
Thật là nỗi buồn khi tôi nhận được tin về cái chết của cựu Tổng thống Nelson Mandela. Tôi gửi lời chia buồn và cầu nguyện đến gia đình ông Mandela, và tới các thành viên của Chính phủ và tất cả người dân Nam Phi. Xin phó thác linh hồn của người quá cố cho lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa toàn năng. Tôi cầu xin Chúa an ủi và nâng đỡ tất cả những ai đang than khóc sự mất mát này. Xin cho các cam kết kiên định mà ông Nelson Mandela đã dấn thân tiếp tục thăng tiến nhân phẩm của tất cả các công dân Nam Phi, và góp phần xây dựng một Nam Phi mới trên nền tảng vững chắc về bất bạo động, hòa giải và sự thật. Tôi cầu nguyện rằng gương của cố Tổng thống sẽ truyền cảm hứng cho những thế hệ người dân Nam Phi để đưa công lý và công ích lên hàng đầu trong những ước vọng chính trị của họ. Với những tâm tình này, tôi nguyện xin Thiên Chúa cho tất cả người dân Nam Phi những ân sủng của hòa bình và thịnh vượng.
10. Một cuốn sách giáo dục trẻ em về ý nghĩa ngày lễ Giáng Sinh
Dưới những quảng cáo thương mại ồn ào, đối với nhiều trẻ em Giáng Sinh dường như đồng nghĩa với những cây thông lớn, những đồ trang trí , quà tặng và tất cả mọi thứ tương tự. Cuốn sách dành cho trẻ em có tiêu đề “Bambinelli Sunday” cố gắng đưa mọi sự trở lại đúng với những ý nghĩa thực sự bằng cách tập trung vào ý nghĩa việc Chúa xuống thế làm người ở giữa chúng ta.
Từ “Bambinelli” có nghĩa là Hài Nhi Giêsu. Cuốn sách kể về câu chuyện của một cậu bé mà ông ngoại cậu có một cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở Naples. Nhưng gần đến lễ Giáng sinh, trong khi chơi đá banh, cậu bé lại vô tình phá vỡ một phần của một cảnh Giáng sinh, cụ thể là cậu làm bể tượng Chúa Hài Nhi Giêsu .
Những gì xảy ra tiếp theo là cuộc hành trình với ông bà của cậu, bạn bè và thậm chí cả những người lạ. Cuối cùng, cậu có một kinh nghiệm đáng ngạc nhiên ở Rôma khi tham dự với hàng ngàn người Công Giáo khác trong những lễ nghi ở Quảng trường Thánh Phêrô cùng với Đức Giáo Hoàng .
Cuốn sách được ưa chuộng tại Ý này viết bằng tiếng Anh bởi Amy Welborn và được minh họa bởi những hình ảnh của hoạ sĩ Ann Kissane Engelhart. Cuốn sách đã được khởi sự từ năm ngoái với ý hướng dành riêng cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.
11. Cao ủy tị nạn Liên Hợp Quốc cám ơn Đức Giáo Hoàng về những hỗ trợ cho người tị nạn
Hôm thứ Sáu mùng 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông António Guterres là chủ tịch Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc.
Hai vị đã đề cập đến cuộc khủng hoảng trong vùng Địa Trung Hải. Ông Guterres đã cảm ơn Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần kêu gọi toàn thế giới chú ý đến cuộc sống của những người rời bỏ quê hương của họ để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.
Các vị cũng đã đề cập đến tình hình ở Syria. Bạo lực vẫn tiếp tục hoành hành tại đất nước này, và bây giờ đã có đến hai triệu người Syria trốn sang các nước láng giềng. Guterres cũng bày tỏ mối quan tâm của ông với chính sách gần đây của các nước châu Âu muốn hạn chế việc tiếp nhận những người tị nạn Syria.
12. Đức Thánh Cha nói hãy bền bỉ trong lời cầu nguyện
Khẩn khoản và bền đỗ trong lời cầu nguyện, và đừng sợ rằng cầu nguyện như thế là làm phiền Thiên Chúa, vì người Kitô hữu xác tín rằng Thiên Chúa đang lắng nghe những lời cầu nguyện của họ. Đó là ý tưởng chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng thứ Sáu mùng 6 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha nói:
"Thiên Chúa có thể làm điều đó. Khi nào hoặc Ngài làm cách nào thì chúng ta không biết. Đó là sự bảo đảm của lời cầu nguyện. Điều cần thiết là phải nói cách trung thực với Chúa: ‘Lạy Chúa, con mù lòa, con đang cần điều đó. . con bị bệnh này, con phạm tội kia, con đang phải chịu những đau đớn này.’ Nhưng luôn luôn phải đúng với sự thật. Chúng ta hãy nghĩ đến nhu cầu của mình trong lời cầu nguyện của chúng ta. Nếu chắc chắn chúng ta có nhu cầu thực sự và chúng ta nói trong sự thật, thì chúng ta có thể tin chắc chắn rằng Chúa có thể thực hiện những gì chúng ta xin."
Đức Thánh Cha đã trích dẫn những thí dụ trong Tin Mừng khi có những người xin Chúa Giêsu giúp họ, và Ngài đã nhận lời. Đó là những người không bao giờ bỏ cuộc, và họ tin tưởng nơi Ngài.
13. Đức Thánh Cha tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Vọng của giáo triều Rôma
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Vọng đầu tiên vào sáng thứ Sáu mùng 6 tháng 12, tại Nhà nguyện Redemptoris Mater. Cha Raniero Cantalamessa thuộc dòng Phanxicô, và là giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng đã trình bày những suy tư về những cống hiến mà đời sống và sứ điệp của Thánh Phanxicô có thể mang lại cho Giáo Hội, đặc biệt là trong dịp Giáng sinh .
Chủ đề bài giảng của ngài là “Hướng tới biến cố Giáng sinh với sự đồng hành của Thánh Phanxicô thành Assisi”
Cantalamessa nói rằng việc cải cách của Giáo Hội phải được thực hiện thông qua con đường thánh thiện. Ngài cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự khiêm nhường trong cung cách sống của Thánh Phanxicô thành Assisi. Sau khi hoán cải, ngài dành toàn tâm toàn trí phục sự Chúa và Giáo Hội.
14. Hàng trăm ngàn Kitô hữu chạy trốn cuộc thanh trừng tôn giáo tại Trung Phi. Đức Giáo Hoàng gặp tổng thống Congo.
Sáng thứ Hai 9 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Cộng hòa Congo là ông Denis Sassou Nguesso tại Điện Tông Tòa của Vatican. Cuộc gặp gỡ này có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt xét vì những gì đang diễn ra tại nước lân bang là Cộng hòa Trung Phi.
Tháng Ba vừa qua phong trào Hồi Giáo cực đoan Séléka cướp chính quyền tại Cộng hòa Trung Phi sau cuộc đảo chính lật đổ tổng thống hợp hiến là ông François Bozizé. Phong trào này lập tức tăng tốc một cuộc thanh trừng tôn giáo trên quy mô toàn quốc nhằm Hồi Giáo hóa toàn đất nước.
Trong bản tin đánh đi hôm Chúa Nhật 8 tháng 12, thông tấn xã AP ghi nhận 40,000 Kitô hữu đang trốn trong Trung Tâm Truyền Giáo Bossangoa của Giáo Hội Công Giáo dưới sự bảo vệ của 400 quân nhân của quân đội Pháp. Bossangoa là một thành phố nhỏ ở phía Tây nước này nơi bình thường chỉ có 35,000 dân sinh sống.
Tổng thống Pháp hứa tăng quân Pháp trong vùng lên 1,600. Trong khi đó, 2,500 quân nhân thuộc Liên Hiệp Phi Châu cũng đang được điều tới thủ đô Bangui nơi một linh mục nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc là có 5,000 người đang trốn trong nhà thờ của ngài và các thành viên Séléka sẵn sàng bắn chết bất cứ Kitô hữu nào chúng bắt được trên đường phố.
Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga của tổng giáo phận thủ đô Bangui ước lượng phải có đến hàng trăm ngàn các Kitô hữu đang phải tản cư.
Đức Thánh Cha đã có cuộc hội kiến riêng với tổng thống Denis Sassou Nguesso trong thư viện Giáo Hoàng về những gì đang diễn ra trong khu vực. Hai vị cũng đã đề cập đến mối quan hệ giữa hai nước, cũng như vai trò của Giáo Hội ở Congo, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.
Sau cuộc tiếp kiến riêng, tổng thống Congo đã giới thiệu với Đức Thánh Cha phái đoàn của mình, trong đó có các vị Bộ trưởng và Đại sứ Congo cạnh Tòa Thánh.
Tổng thống đã tặng Đức Giáo Hoàng đã hai tạp chí về địa lý chính trị Phi Châu, trong đó có những bài ông viết về một phương thế phát triển bền vững và an ninh ở châu Phi. Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đã cho tặng tổng thống một huy chương triều đại giáo hoàng của Ngài.
15. Đức Thánh Cha nói: Các Kitô hữu đừng nói một đàng làm một nẻo
Trong Thánh lễ buổi sáng thứ Năm 5 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng các Kitô hữu Kitô hữu đừng nói một đàng làm một nẻo. Làm như thế chỉ gây đau thương và chia rẽ trong Giáo Hội.
Đức Thánh Cha nói:
"Những lời nói của người tín hữu Kitô vắng bóng Chúa Kitô chỉ dẫn đến hư không, tự mãn, và quyền lực. Thiên Chúa hạ bệ những kẻ như thế. Chúng ta thấy điều ấy thường xuyên trong suốt lịch sử ơn cứu độ. Bà Anna, mẹ của tiên tri Samuel đã nói như thế. Đức Maria trong kinh Magnificat cũng nói như vậy. Chúa phá hủy những gì là phù hoa, là vênh váo tự hào của những ai tin rằng họ vững chãi như đá tảng. "
Đức Giáo Hoàng nói khi chúng ta nghe Lời Chúa và đưa Lời Chúa vào thực tế cuộc sống, thì đó là lúc chúng ta xây dựng đời mình trên một tảng đá ổn định.
16. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Coptic Ai Cập
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho tình trạng chia rẽ và thù nghịch sớm được chấm dứt Thánh Địa và Trung Đông, và hòa bình được vãn hồi tại các miền này.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng thánh lễ đồng tế sáng ngày 9 tháng 12, tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở Vatican, cùng với Đức Thượng Phụ Ibrahim Isaas Sidrak, Giáo chủ Công Giáo Coptic Ai Cập, đến Roma để cử hành thánh lễ hiệp thông với Đức Thánh Cha sau khi đắc cử Thượng Phụ.
Hiện diện trong thánh lễ cũng có Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, một số Giám Mục, linh mục tu sĩ nam nữ và tín hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo Coptic.
Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
"Tôi vui mừng vì lần đầu tiên trong tư cách là Giám Mục Rôma tôi được chào đón Đức Thượng Phụ đến đây để hoàn thành một hành động quan trọng trong sự hiệp thông với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô."
Dựa vào các bài đọc trong thánh lễ, Đức Thánh Cha khích lệ cộng đoàn Công Giáo tại Ai Cập hãy “can đảm, đừng sợ hãi” dù đang phải chịu tình trạng bất an và bạo lực, nhiều khi chỉ vì đức tin Kitô. Ngài cũng nói rằng:
“Chúng ta hãy tín thác cầu nguyện để tại Thánh Địa và toàn vùng Trung Đông, hòa bình luôn có thể trỗi dậy từ những chướng ngại quá thường xuyên và nhiều khi ở trong tình trạng thê thảm. Ước gì những chia rẽ và hận thù được chấm dứt mãi mãi. Ước gì những hiệp định hòa bình, nhiều khi bị tê liệt vì những đối nghịch và những quyền lợi đen tối, được mau lẹ mở lại. Và sau cùng ước gì những bảo đảm thực sự về tự do tôn giáo được thực hiện cho tất cả mọi người, cùng với quyền của các tín hữu Kitô được sống thanh thản tại nơi họ sinh ra, nơi quê hương mà họ yêu mến từ 2 ngàn năm nay, hầu góp phần như từ trước đến nay cho thiện ích của mọi người”.
Giáo Hội Công Giáo Coptic Ai Cập chỉ có gần 166 ngàn tín hữu với 1 Thượng Phụ, 6 Giám Mục chính tòa và 3 Giám Mục phụ tá. Ngoài Giáo Hội Công Giáo Coptic, tại Ai Cập còn có Giáo Hội Chính Thống Coptic chiếm khoảng 8% trong tổng số 85 triệu dân.
17. Cuốn sách đầu tiên viết về Đức Thánh Cha Phanxicô.
Theo truyền thống, các vị Giáo Hoàng thường không chấp nhận các cuộc phỏng vấn. Nhưng linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro đã phá vỡ khuôn sáo ấy thành công trong cuộc phỏng vấn được Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho tạp chí "American Magazine", một ấn phẩm của Dòng Tên tại Hoa Kỳ.
Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp nhận. Cuộc phỏng vấn đã phác thảo ra những ưu tiên hàng đầu của Đức Tân Giáo Hoàng trong việc loan báo Tin Mừng và cải cách hệ thống quản trị của Giáo Hội.
Cha Antonio Spadaro, là Giám Đốc Civilttà Cattolica, cho biết như sau:
"Đức Giáo Hoàng nhẹ nhàng từ tốn, nhưng ngài cũng giống như một ngọn núi lửa. Khi nói, ngài không theo một cuộc trò chuyện thẳng thừng, thay vào đó khi lên khi xuống. Đầu tiên ngài tung ra một cái gì đó để thách đố bạn, sau đó, ngài lại tiếp tục tung ra những thách đố khác. Thành ra, để sản phẩm cuối cùng có ý nghĩa bạn phải xâu tất cả lại với nhau và trình bày lại toàn bộ cuộc đối thoại. Phỏng vấn ngài không thể thực hiện theo dạng thức những câu hỏi và trả lời đơn giản."
Nội dung cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha giờ đây được viết thành sách với nhan đề “My Door is Always Open” – Cánh cửa của tôi lúc nào cũng rộng mở.
Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga, một trong 8 vị Hồng Y cố vấn cho Đức Thánh Cha cho biết như sau:
"Tựa đề của cuốn sách đã nói rất nhiều về thái độ của Đức Giáo Hoàng. Với Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, cụm từ chính của ngài là : ‘Đừng sợ’. Đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 là ‘Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô’ và bây giờ với Đức Thánh Cha Phanxicô đó là ‘Cánh cửa của tôi lúc nào cũng rộng mở’"
Cha Antonio Spadaro nói thêm:
"Khi viết và xuất bản cuộc phỏng vấn này, tôi nhận thấy rằng vẫn còn rất nhiều việc phải nói. Tôi thấy cần chia sẻ những điều tôi đã do dự chưa muốn xuất bản, vì rất khó để giải thích."
Cuộc phỏng vấn đã được thực hiện trong ba buổi chiều hồi vào tháng Tám. Đó là khoảng thời gian khi Đức Giáo Hoàng đang chuẩn bị cho tông huấn đầu tiên của Ngài.
Vì đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên của Đức Giáo Hoàng, cho nên trong buổi ra mắt cuốn sách người ta thấy đông đủ rất nhiều vị như cha Fabian Padacchio, người Á Căn Đình, là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng và Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
18. Đức Giáo Hoàng nói: Một Kitô hữu không có niềm hy vọng đang sống một cuộc đời vô nghĩa
Trong bài giảng sáng thứ Ba 10 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến sự dịu dàng của Thiên Chúa. Ngài nói rằng Thiên Chúa an ủi mỗi Kitô hữu với sự dịu dàng, và mang lại hy vọng cho cuộc đời của họ. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về những nguy cơ con người đánh đi mất hy vọng.
Đức Thánh Cha nói:
"Khi người tín hữu Kitô quên đi hy vọng của mình, hoặc tệ hơn, là đánh mất đi niềm hy vọng, thì cuộc sống của người ấy là vô nghĩa. Lúc đó đời người ấy như húc phải một một bức tường: Tất cả là hư vô. Nhưng Chúa an ủi chúng ta và dẫn đưa chúng ta về phía trước với niềm hy vọng."
Kết thúc bài giảng của mình, Đức Thánh Cha nói rằng Thiên Chúa không bao giờ sợ tiếp cận con người với sự dịu dàng. Ngược lại, các Kitô hữu cũng đừng bao giờ sợ hãi tìm kiếm niềm ủi an nơi Thiên Chúa.
|