CÂN NHẮC TRƯỚC KHI NÓI VỀ MỘT NGƯỜI KHÁC
Trong xã hội cổ đại Hy Lạp, Socrates (469-399 B.C.) thường được xem là một triết gia có kiến thức rộng rãi vì ông rất tự tin và khéo léo về sự hiểu biết của mình. Một hôm, có thân hữu đến gặp nhà học giả nổi tiếng và nói với ông như sau:
- Tôi vừa nghe chuyện về một nguời bạn của ông, Socrates, tôi kể cho ông nghe nhé?
Socrates trả lời ngay:
- Khoan, khoan đã, tôi không muốn nghe gì hết, trước khi ông vui lòng trả lời câu hỏi ngắn, tôi gọi nó là cuộc trắc nghiệm “Ba lần cân nhắc”…
- Ba Lần cân nhắc?
Socrates tiếp tục:
- Đúng vậy. Trước khi ông nói chuyện về người bạn của tôi cho tôi nghe, tốt nhất là tôi hỏi trước… Đầu tiên là cân nhắc Sự Thật, những gì mà ông sắp nói cho tôi nghe có đúng hay không?
- Không đâu, thật sự là tôi chỉ mới nghe người ta nói thôi và….
- Được rồi, như thế ông không biết chắc là chuyện sắp nói đúng hay sai. Thôi mình sang phần hai với sự cân nhắc về Tốt và Xấu. Tôi tin là những gì ông sắp nói về bạn tôi đều tốt đẹp cả… có đúng không nào?
- Ngược lại chỉ toàn xấu…
Socrates ngắt lời ngay... ”Ông muốn nói với tôi là bạn tôi có những chuyện không tốt, nhưng ông lại không biết chắc chắn là chuyện ấy đúng hay sai phải không… Thôi thì mình sang phần chót, cân nhắc về Lợi Ích của câu chuyện. Chuyện ông sắp nói về bạn tôi cho tôi nghe, liệu có ích lợi gì cho tôi không”…
- Không, không chắc đâu tôi nghĩ không...
Socrates lắc đầu và kết luận:
- Nếu chuyện ông sắp nói cho tôi nghe về bạn tôi không đúng, không tốt và cũng chẳng ích lợi gì cho tôi hết… Vậy ông nói với tôi làm gì cho phí thì giờ của cả hai?
Chuyện vui này cho chúng ta thấy tại sao Socrates có tiếng là học giả thông minh và khôn ngoan nhất trong cổ sử Hy Lạp. Socrates cũng nói cuộc sống là cần thiết nhưng cần thiết hơn nữa là phải sống như thế nào… Và cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta cố gắng sống tốt hơn với mọi người.
Cung Nhật Thành lược dịch
|