Phóng sự đặc biệt Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giáo Lý Viên toàn thế giới
Đức Giáo Hoàng nói với các Giáo Lý viên: Nếu không có ký ức về Thiên Chúa, tất cả mọi thứ trong cuộc đời ta hạn hẹp trong cái "tôi" của mình, trong tiện nghi riêng mình, và trong những thứ của cải mà chúng ta chiếm hữu được.
Tuy bầu trời xám xịt báo hiệu mưa có thể đổ xuống bất chợt, Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giáo Lý Viên toàn thế giới, là một phần trong những cử hành của Năm Đức Tin, đã diễn ra trước tiền đình Đền thờ Thánh Phêrô với sự tham dự của ít nhất là 150 nghìn người, đa số là các giáo lý viên, từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả châu Á.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các giáo lý viên hãy là những "ký ức về Thiên Chúa" và hãy đánh thức ký ức này nơi những người khác. Đức Thánh Cha đã đặc biệt khích lệ các giáo lý viên hãy thông truyền "toàn bộ đạo lý Công Giáo, không cắt xén, không thêm thắt".
Đức Thánh Cha đã liên kết "ký ức về Thiên Chúa" với "sự tự mãn của Si-on”, khi trích dẫn bài đọc thứ nhất của Thánh Lễ, trích từ sách tiên tri A-mốt
Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao; như Ða-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ!
Họ ăn, họ uống rượu, họ hát, họ chơi và họ chẳng quan tâm gì về những rắc rối của người khác.
Đức Thánh Cha liên kết bài đọc này với bài Phúc âm trình bày dụ ngôn người giàu có.
Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông, mình đầy ghẻ chốc, chỉ ước mong sao có được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho.
Người hành khất đói khổ ấy có một cái tên là Ladarô. Nhưng còn người nhà giàu kia tên ông ta tên là gì người đời không ai biết đến.
"Bất cứ khi nào vật chất, tiền bạc thế gian, trở thành trung tâm của cuộc sống của chúng ta, thì những thứ ấy nắm lấy chúng ta, chúng chiếm lấy chúng ta, làm chúng ta mất đi chính bản sắc nhân loại của mình. Người đàn ông giàu có trong Tin Mừng không có tên, ông chỉ đơn giản được gọi là “người nhà giàu kia”. Những thứ của cải điền sản của ông ta, là khuôn mặt của ông ta, ông ta không còn cái gì khác nữa".
Và ngài nói thêm: "Những điều đó xảy đến như thế nào? Làm sao một số người, trong đó có lẽ có cả chúng ta, ra đến nông nỗi là mình tự bị hấp thụ bởi chính mình và tìm kiếm an ninh trong những thứ vật chất mà suy cho cùng những thứ ấy đang cướp đi khỏi chúng ta khuôn mặt của chúng ta, khuôn mặt con người của chúng ta?
Điều đó xảy ra khi chúng ta không còn nhớ đến Thiên Chúa. Nếu chúng ta không nghĩ gì về Thiên Chúa nữa, tất cả mọi thứ kết thúc nơi cái "tôi" của mình, nơi sự thoải mái của riêng mình. Cuộc sống, thế giới, những người khác, tất cả đều trở thành những thứ không thật, họ không còn vấn đề, tất cả mọi thứ giản lược vào việc ta có được cái gì trong tay. Khi chúng ta không còn nhớ đến Thiên Chúa, chúng ta cũng trở thành hư không, chúng ta cũng trở nên trống rỗng, như người giàu có trong Tin Mừng, chúng ta không còn có một khuôn mặt.
Những người chạy theo hư không sẽ trở thành hư không - như tiên tri Jeremiah đã quan sát. Chúng ta được hình thành giống hình ảnh Thiên Chúa, không phải giống như các thứ vật chất, không phải giống như các ngẫu tượng!
Ngược lại, các giáo lý viên "làm sống lại ký ức về Thiên Chúa, họ giữ cho ký ức này sống động trong chính bản thân họ và họ có thể làm sống động ký ức ấy cả nơi những người khác".
Trước hết, "để nhớ đến Thiên Chúa, như Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã nhìn thấy những kỳ công lạ lùng của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình nhưng đã không nghĩ đến danh dự, danh tiếng, hay sự giàu có, Mẹ không trở thành tự hấp thụ mình. Thay vào đó, sau khi nhận được lời thiên thần truyền và thụ thai Con Thiên Chúa, Mẹ đã làm gì? Mẹ lên đường đến giúp người chị họ là Elizabeth, cũng vừa mang thai. Và điều đầu tiên Mẹ làm khi gặp gỡ bà Elizabeth là nhắc lại kỳ công của Thiên Chúa, lòng trung tín của Ngài, trong cuộc sống riêng của mình, trong lịch sử của dân tộc mình, trong lịch sử của chúng ta".
"Các giáo lý viên là những người Kitô hữu gợi lại ký ức này khi công bố, không phải về tầm quan trọng của mình, không phải về bản thân mình, nhưng về Thiên Chúa, về tình yêu của Ngài và sự trung tín của Ngài khi công bố toàn bộ đạo lý, không cắt xén hay thêm thắt".
Đức Thánh Cha kết luận: "Chúng ta phải làm những gì để tránh không trở nên những kẻ "tự mãn" - những kẻ tìm kiếm an ninh trong chính bản thân mình và trong những thứ của cải vật chất - nhưng trở nên những người nam nữ là ký ức về Thiên Chúa? Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô, khi viết cho Timothy, đã đưa ra một vài gợi ý cũng có thể là những hướng dẫn cho chúng ta trong công việc của một giáo lý viên: đó hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. (x. 1Tim 6:11).
Giáo lý viên là ký ức về Thiên Chúa nếu họ sống một mối quan hệ thường xuyên và sống động với Ngài và với người chung quanh, nếu họ là những người nam nữ có đức tin thực sự vào Thiên Chúa và đặt an ninh của họ nơi Ngài, nếu họ là những người nam nữ giàu lòng bác ái, yêu thương, và nhìn những người khác như anh chị em của mình, nếu họ là những nam nữ của " hypomoné" - chịu đựng và nhẫn nại, dám đối mặt với khó khăn, thử thách và thất bại với sự thanh thản và hy vọng vào Chúa, nếu họ hiền lành, thông cảm và giàu lòng thương xót.
Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa để tất cả chúng ta có thể là những người nam nữ giữ cho sống động ký ức về Thiên Chúa nơi chính chúng ta, ngõ hầu chúng ta có khả năng đánh thức ký ức ấy trong trái tim của những người khác. Amen".
Vào cuối Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa, đã trình lên Đức Thánh Cha sự hiện diện của các giáo lý viên từ các quốc gia mà ngài mô tả là đang chịu những thách thức cam go để sống đức tin, đó là các giáo lý viên đến từ Việt Nam, Pakistan, và Syria.
Trước khi chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cảm ơn tất cả người tham dự đặc biệt là Đức Thượng Phụ Youhanna X, thượng phụ chính thống giáo Hy Lạp thành Antiôkia và toàn cõi phương Đông, là vị mà Đức Thánh Cha đã gọi là người "anh em của tôi". Em trai của Đức Thượng Phụ, là Đức Cha Boulos Yaziji, giám mục của Aleppo, đã bị quân thánh chiến Hồi Giáo bắt cóc tại Syria trong nhiều tháng qua bây giờ vẫn chưa biết sống chết ra sao. Chào đón đức thượng phụ, Đức Giáo Hoàng nói thêm: "Sự hiện diện của hiền huynh một lần nữa mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Syria và Trung Đông".
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại việc phong Chân phước ngày hôm qua, tại Croatia cho cha Miroslav Bulešić, một linh mục triều đã chịu tử đạo vào năm 1947.
Đức Thánh Cha nói: “Ngợi khen Chúa, Đấng ban sức mạnh cho những người yếu đuối can đảm đưa ra những chứng tá tối hậu".
|