NỮ TIẾP VIÊN QUÊN MÌNH CỨU HÀNH KHÁCH GẶP NẠN
Các nữ tiếp viên của hãng Asiana Airlines được ca ngợi là những anh hùng, vì quên đau đớn của bản thân để giúp đỡ hành khách bị nạn trong vụ chiếc Boeing 777 gãy đuôi khi hạ cánh tại San Francisco.
Nữ tiếp viên hàng không anh hùng Lee Yoon-hye làm việc cho hãng Asiana Airlines gần 20 năm. Ảnh: Yonhap
Tiếp viên trưởng Lee Yoon-hye, người cuối cùng rời chiếc máy bay cháy, là một trong số những người được khen ngợi vì nỗ lực giúp đưa hành khách đến nơi an toàn, theo hãng thông tấn AP.
Cô Lee kể lại công tác sơ tán vào thời khắc sau vụ va chạm khi hạ cánh. 305 trong số 307 người trên chuyến bay thoát chết. Lee cho biết một trong các đồng nghiệp của cô ở cuối máy bay đã cõng một học sinh tiểu học trên lưng, trượt xuống cầu trượt thoát hiểm khẩn cấp.
Hãng thông tấn cho biết bản thân Lee đã dập lửa và hướng dẫn hành khách đến nơi an toàn, mặc dù xương cụt bị gãy khiến cô phải đứng trong suốt cuộc họp báo với các phóng viên Hàn Quốc tại một khách sạn ở San Francisco. Lee nói cô đã không biết mình bị thương nghiêm trọng đến thế nào cho tới khi một bác sĩ ở bệnh viện tại San Francisco điều trị cho cô.
Giám đốc sở cứu hỏa San Francisco, Joanne Hayes-White đã khen ngợi Lee, người mà bà đã nói chuyện sau cuộc sơ tán. "Cô ấy bình tĩnh đến nỗi tôi cứ tưởng cô đến từ nhà đón khách", bà nói. "Cô ấy muốn biết chắc rằng mọi người đều đã ra ngoài... Cô ấy là một anh hùng".
Hành khách Eugene Anthony Rah, người ngồi khoang thương gia trên chuyến bay 214 của Asiana, cũng nhớ lại cảnh tượng tương tự trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal.
Cảnh tượng ngổn ngang trong máy bay. Ảnh: NTSB
Ông miêu tả cảnh hỗn loạn sau khi hạ cánh, và nói rằng ông đã thấy một tiếp viên hàng không giúp đỡ hành khách đến cầu trượt thoát hiểm. "Cô ấy là anh hùng", Rah nói. "Cô gái bé nhỏ này đã cõng mọi người trên lưng, chạy khắp nơi, nước mắt chảy trên mặt. Cô ấy khóc, nhưng cô vẫn rất bình tĩnh, giúp đỡ mọi người".
Tuy nhiên, ở một số khu vực trên máy bay, hành khách vẫn phải chỉ huy khi các tiếp viên đang làm việc ở nơi nào đó khác, theo New York Times. Benjamin Levy, ngồi ghế 30K, nói anh đã giúp mở một trong những cửa thoát hiểm và hướng dẫn hơn 30 hành khách ra khỏi máy bay. "Chúng tôi phải giúp đỡ lẫn nhau", ông nói.
USA Today cho hay dù hành khách có thoát ra khỏi chiếc phi cơ như thế nào, "tốc độ sơ tán của chuyến bay Asiana 214 .... cho giới quan sát một ví dụ mẫu mực về cách đưa hơn 300 hành khách thoát khỏi máy bay sau vụ va chạm và trước khi nó cháy".
"Thật khó tin khi nhìn thấy những gì các tiếp viên hàng không có thể đạt được, với chỉ một nửa số cửa", Leslie Mayo, một tiếp viên hãng American Airlines làm việc trên những chiếc 777, cũng là điều phối viên truyền thông quốc gia của Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Chuyên nghiệp, nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng "những hành động anh hùng, tư duy mau lẹ trong những phút sau vụ va chạm khủng khiếp của máy bay tại sân bay quốc tế San Francisco, cùng sự cải tiến của công nghệ trong những năm gần đây đã giúp các hành khách dễ sống sót hơn trong các vụ tai nạn".
Còn với Lee, nữ tiếp viên 40 tuổi, làm việc cho Asiana gần 20 năm, nói cô cảm thấy có điều gì bất thường với chuyến bay 214, khi nó ở gần đường băng. "Ngay trước khi hạ cánh, tôi đã cảm thấy như chiếc máy bay đang cố gắng cất cánh. Tôi đã nghĩ: 'Điều gì đang xảy ra vậy?' và tôi cảm thấy một tiếng đập mạnh", Lee nói. "Tiếng đập đó cảm giác như mạnh hơn một cú hạ cánh thông thường. Nó là cú va chạm rất mạnh. Sau đó là một cú va đập nữa và máy bay lắc sang bên phải rồi bên trái".
Rồi phi công ra lệnh sơ tán máy bay, và Lee nói cô đã hành động theo bản năng. "Tôi đã không nghĩ nhiều, nhưng cơ thể tôi bắt đầu tiến hành những bước cần thiết cho một cuộc sơ tán", Lee nói. "Tôi chỉ nghĩ về việc cứu thoát hành khách tiếp theo".
"Tôi chỉ nghĩ cần phải dập lửa nhanh chóng. Tôi không có thời gian để cảm thấy rằng ngọn lửa sẽ làm hại tôi", nữ tiếp viên kể khi cô phát hiện ra đám cháy.
Trọng Giáp
(Vnexpress)
|