ÁN PHONG THÁNH HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN CẤP GIÁO PHẬN KÊT LUẬN VÀO THÁNG TỚI
Một Tộc hệ ấn tượng
 Roma ngày 04.6.2013. Trang mạng “Korazym” công bố: Án phong Chân phước và phong Thánh cho vị hồng y Việt Nam Phanxicô Nguyễn văn Thuận, nguyên TGM Sàigòn và nguyên chủ tịch Hội đồng giáo hoàng Công lý và Hòa bình, sẽ kết thúc trên cấp giáo phận vào ngày 05 tháng 7 tới.
Vụ án đã được mở từ ngày 22 tháng 10 năm 2010, năm năm sau ngày Đức hồng y qua đời - đúng thời hạn như giáo luật qui định - trong một hội nghị do hồng y Agostino Vallini chủ tọa. Ngài là đại diện của ĐGH Bênêđictô XVI và hiện nay là đại diện của ĐGH Phanxicô.
Nghi lễ long trọng sẽ diễn ra trong phòng “Hòa giải” (Conciliation), điện Latran. Như án phong thánh của các chân phước tương lai do giáo phận Rôma tổ chức. Ngày hôm sau, 06 tháng Bảy, lễ Tạ ơn sẽ được cử hành lúc 11 giờ tại nhà thờ Santa Maria Scala
Một cuộc hồi tỉnh khó lý giải
Tất cả các tài liệu do Cáo thỉnh viên thu thập như những bài viết, chứng từ, những bản in sẽ được niêm phong và gởi về Vatican cho Bộ Phong thánh Rôma. Giai đoạn kế tiếp sẽ là việc xem xét các nhân đức nhân bản và Kitô giáo của vị Hồng y anh hùng cũng là người chứng nhân đích thực đức tin.
Tuy nhiên, một phép lạ phải được chứng thực là có sự can thiệp khẩn cầu của vị hồng y.
CNA/EWTN News đã loan báo một chứng từ xảy ra tại Denver, Hoa Kỳ. Năm 2009, một chủng sinh, Giuse Nguyên đã hồi tỉnh sau 32 ngày hôn mê. Tổ chức Hồng Y Nguyễn văn Thuận cho biết: Thầy này khẳng định trong cơn hôn mê đã 2 lần gặp ĐHY. Thầy này chưa hề gặp ĐHY, chỉ nghe từ gia đình, di cư sang Hoa kỳ năm 1975, kể lại về ngài.
Thầy này đang học năm thứ ba ở chủng viện thì bị bệnh cúm, có vẻ như là do vi rút H1N1. Lúc đó thầy xin về gia đình. Ngày 01 tháng 10, tình trạng thầy tồi tệ hơn, thầy ngộp thở, bố đưa vào bệnh viện. Phải cắt khí quản. Bố mẹ thầy cầu nguyện ĐHY Nguyễn văn Thuận. Nhưng có vẻ như não bộ thầy không hoạt động nữa.
Các bác sĩ coi như thầy đã chết và họ đang làm giấy khai tử. Thình lình thầy tỉnh dậy. Các bác sĩ cho rằng thầy phải mất nhiều tháng để có thể nói lại được, đi lại được và học được. Nhưng thầy chỉ mất vài ngày là có thể thở bình thường và chạy nhảy được. Một trong những người em gái của ĐHY, đang sống ở Canada, đã điện cho thầy và tặng thầy tràng hạt của ĐHY. Thầy Giuse tiếp tục việc học và làm mục vụ bệnh nhân với tinh thần từ bi hay thương xót và niềm hy vọng mới.
Hy vọng trong lao tù
Korazym nhắc qua lại tiểu sử của ĐHY. Ngài sinh ngày 17 tháng Tư 1928 tại Huế. Làm giám mục Nha trang năm 1967, ngài được ĐGH Phaolô VI đặt làm Tổng Giám mục phó Sàigòn năm 1975 khi thành phố rơi vào tay Chính quyền miền Bắc. ĐHY bị tù từ ngày 15 tháng 8 năm 1975 vì ngài là cháu của tổng thống Ngô Đình Diệm. Một thời gian dài ngài bị bỏ mặc đói khát. Trong nhà giam ngài bắt đầu viết sứ điệp cho cộng đoàn dân Chúa, nhờ những mảnh giấy một em bé 7 tuổi kín đáo chuyển cho ngài. Cuốn “Đường Hy vọng” ra đời như thế đó.
Năm 1980, ở Giang Xá, đêm khuya kín đáo ngài viết cuốn “Đường Hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và CĐ Vatican II" và “ Người Lữ hành trên đường hy vọng”. Từ Sài Gòn, ngài bị cùm và chuyển ra Nha Trang rồi vào trại cải tạo Vinh Quang. Sau đó ngài bị biệt giam 9 năm chỉ với 2 bảo vệ. Không được mang Kinh Thánh, ngài lượm những mảnh giấy nhỏ đóng thành một tập vở, trong đó ngài ghi lại hơn 300 câu Phúc âm mà ngài nhớ thuộc lòng.
Mỗi ngày vào lúc 3 giờ chiều, giờ Chúa chịu chết, ngài dâng lễ trong lòng bàn tay với 3 giọt rượu nho và 1 giọt nước ngài có được nhờ được tiếp tế dưới dạng thuốc đau bao tử. Ngài được trả tự do ngày 21 tháng Mười Một năm 1988, ngày lễ Đức Mẹ dâng mình.
Vị TGM phó Sàigòn được ĐGH Gioan Phaolô II ngày 24 tháng 11 năm 1994 mời làm phó chủ tịch Hội đồng giáo hoàng Công lý và Hòa bình. Ngày 24 tháng 6 năm 1998, ngài lên làm chủ tịch. Ngài đã giảng Tĩnh tâm Mùa chay cho ĐGH Gioan Phaolô II và giáo triều Rôma năm 2000. Ngài được phong Hồng Y dịp Hội nghị Hồng y ngày 21 tháng Hai năm 2001. Ngài từ trần ngày 16 tháng 9 năm 2002 sau thời gian dài bạo bệnh.
Korazym cũng nhắc lại từ 1689 đến 1885 tổ tiên ngài cũng chịu nhiều bách hại: Cụ cố ngài đã bị áp đặt trong một gia đình không Công giáo để cụ mất đức tin. Năm 1885, tất cả dân chúng trong làng của mẹ ngài bị thiêu cháy trong nhà thờ giáo xứ. Ông của ngài thoát chết vì lúc đó đang học bên Mã Lai. Cậu bé Thuận, nhờ đó, đã thấm nhiễm giáo huấn Kitô giáo và lịch sử tử đạo của gia tộc.
Nguyễn Đức Lân chuyển ngữ
|