7 cách loại bỏ đờm ở họng
Ho đúng cách, ăn thực phẩm tiêu đờm, uống nhiều nước, dùng máy tạo ẩm góp phần làm đờm loãng, dễ thoát ra ngoài.
Đờm hay chất nhầy được tạo thành từ protein, đường và phân tử. Chất nhầy bao phủ các bề mặt ẩm của phổi, xoang, miệng, dạ dày và các bộ phận cơ thể khác, có tác dụng bôi trơn, giảm khô. Ho đờm khiến người bệnh khó chịu, khó thở, chán ăn. Dưới đây là cách loại bỏ chúng ra khỏi họng.
Ho: Đây là cách cơ thể tống đờm đang vướng ở cổ, họng và ngực. Sử dụng cơ ngực nhiều hơn cơ hoành khi ho giúp tống đờm ra ngoài.
Đầu tiên hít hơi thật sâu để lấp đầy phổi, nín thở trong khoảng ba giây rồi thở ra thật mạnh. Người bệnh có thể nghe tiếng ồn ồn trong họng, đó là tiếng đờm bị tác động. Sau đó dùng cơ ngực ho tiếng to để tống đờm ra ngoài. Người bệnh cũng có thể nuốt đờm xuống bụng vì axit trong dạ dày loại bỏ và đưa ra khỏi cơ thể.
Thêm hạt tiêu vào thực phẩm: Hạt tiêu đen có tác dụng long đờm tự nhiên nhờ làm loãng chất nhầy. Người bệnh có thể thêm nhiều hạt tiêu hơn bình thường vào thức ăn trong mỗi bữa. Lưu ý không áp dụng cách này cho trẻ nhỏ.
Uống nhiều nước: Uống đủ nước cũng có thể làm loãng chất nhầy và giúp xoang mềm mại hơn. Nước ấm hiệu quả hơn nước lạnh vì hơi nóng giúp làm mềm và loãng chất nhầy, giảm ứ đờm trong cổ họng, ngực thông thoáng, dễ thoát ra ngoài hơn.
Ngoài nước lọc, người thường bị ho đờm cũng có thể uống trà ấm như trà gừng, trà hoa cúc, trà cam thảo. Tăng cường súp và nước canh, nước hầm xương cũng bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể.
Uống nhiều nước có thể làm loãng đờm. Ảnh minh họa: Freepik
Vận động nhẹ: Tập thể dục cũng là cách tốt để loại bỏ chất nhầy trong phổi. Các bài tập có thể thực hiện như đi bộ, yoga, bài tập giãn cơ.
Rửa mũi: Biện pháp này có thể ngăn ngừa cảm lạnh hoặc nhiễm trùng từ sớm. Rửa mũi tránh đờm nhầy tích tụ nhiều hơn trong khoang xoang xung quanh đường mũi, giúp mũi thông thoáng. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, nước lọc, nước muối hoặc nước vô trùng an toàn để rửa xoang, mũi.
Dùng máy tạo độ ẩm: Đặt máy tạo độ ẩm hoặc máy tạo hơi nước trong phòng ngủ có tác giữ ẩm cho mũi và cổ họng, giảm sản xuất chất nhầy và đờm. Mọi người nên vệ sinh máy tạo ẩm hàng ngày, tránh tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm mốc tích tụ.
Người bệnh cũng có thể đắp một chiếc khăn ấm lên mặt để làm tan chất nhầy và đờm trong khoang mũi. Tắm nước nóng bằng vòi hoa sen có tác dụng xông mũi, loãng đờm.
Ăn thực phẩm tiêu đờm: Mật ong, gừng, nghê, lá bạc hà, hành tây, chanh có khả năng tiêu đờm, giảm ho, tốt cho sức khỏe. Trong thời gian này, người bệnh nên hạn chế thực phẩm kích thích cổ, tăng tiết đờm như thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, bánh kẹo ngọt.
Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, khói bụi hóa chất, kê cao gối khi ngủ cũng cải thiện ho có đờm.
Anh Chi (Theo Livestrong)
(VnExpress)
|