CHỐNG GIẢ DỐI, XIN ĐỪNG CHỈ NÓI
Diễn đàn “Nói không với giả dối” trên Tuổi Trẻ thu hút gần 500 bạn đọc tham gia. Nhiều bạn đọc là người nước ngoài cũng quan tâm đến vấn đề này. Dưới đây là góc nhìn của một nhà báo Mỹ.
Scott Duke Harris - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nói về sự giả dối, theo tôi, là một điều thú vị, bởi đây là điều tồn tại ở mọi xã hội, trong không ít người nhưng người ta thường lên tiếng chỉ trích chứ ít ai dám thừa nhận.
Đầu tiên, phải xác định là không phải lời nói dối nào cũng đáng lên án. Trong tiếng Anh, có một câu nói vui và rất phổ biến là “lies, damn lies and statistics”, đại khái chúng tôi chia nói dối ra làm ba dạng: “lies” là những lời nói dối vô hại hoặc chấp nhận được, “damn lies” là lời nói dối dẫn đến hậu quả đáng kể. Còn từ “statistics” (thống kê) trong ngữ cảnh này để diễn tả những kẻ giả dối tột đỉnh, ngay cả những con số, bảng thống kê (thứ được cho là rất rõ ràng và đáng tin cậy) cũng bị họ bóp méo, đổi trắng thay đen để xoay chuyển tình huống phục vụ mưu đồ riêng.
Xã hội Mỹ tân tiến nhưng cũng từng và đang tồn tại nhiều sự dối trá. Đơn cử như trường hợp bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ ra đời vào thế kỷ 18 và vang danh khắp nơi vì đề cao quyền được sống bình đẳng của mọi người, thì xã hội Mỹ sau đó lại phát hiện nhiều cá nhân tuy ký bản tuyên ngôn trên nhưng vẫn thản nhiên sở hữu nô lệ. Điều này hiển nhiên gây ra nhiều hậu quả đáng kể.
Cá nhân tôi, thú thật cũng từng nói dối nhiều lần. Nói dối vô hại cũng có, nói dối vì sự ích kỷ hoặc muốn che giấu lỗi lầm, cứu vớt danh dự cũng có. Chỉ có điều khi nhìn lại, tôi luôn cảm thấy cắn rứt về những lần “nhúng chàm”.
Ý thức được hậu quả của việc thỏa hiệp với dối trá, chúng tôi hiện rất quan tâm tới việc uốn nắn người trẻ phải biết sống trung thực từ nhỏ. Phụ huynh lẫn giáo viên đều dành những hình phạt nghiêm khắc nhất cho giới trẻ trong các lỗi như đạo văn, gian lận trong thi cử... Bên cạnh điểm số cho thành tích học tập, chúng tôi cũng cho điểm về nhân cách của học sinh.
Nhiều người cho rằng, trung thực trong xã hội hiện tại là xuẩn ngốc, bản thân tôi lại nghĩ những kẻ thiếu khôn ngoan lại là người thích nghe lời mật ngọt. Tiếc là số người muốn nghe sự thật ngày một ít, ai cũng thích được bao bọc trong những lời hoa mỹ hơn.
Nói về Việt Nam, nơi tôi đã ở hai năm, tôi thấy người Việt chỉ thích nói ra suy nghĩ thật về những điều nhỏ nhặt, còn trước những vấn đề quan trọng trong cuộc sống thì họ lại tránh né. Theo quan sát của tôi, sự giả dối cũng tồn tại và được thỏa hiệp một cách đa dạng tại VN. Từ những anh lái taxi thường “tận thu” du khách, tới những cá nhân đang theo những ngành nghề đáng quý khác trong xã hội.
Tôi yêu nghề báo nên muốn lấy một ví dụ về lĩnh vực này. Theo tôi được biết, phóng viên ở VN thường được gửi phong bì (bên trong có khoản tiền từ vài trăm ngàn tới hàng triệu đồng) mỗi lần đi tham dự sự kiện, họp báo. Tôi không có ý nói nền báo chí Mỹ là tốt lành hơn hẳn nhưng theo nguyên tắc và luật, chúng tôi không nhận tiền của ai khác ngoài cơ quan chủ quản. Tôi tin việc nhận những khoản tiền trên sẽ khiến ngòi bút của nhà báo khó lòng đứng vững trước sự thật. Phân tích một cách đơn giản, khi bạn cầm tiền của ai đó là bạn đã “mắc nợ” và khi bạn “mắc nợ” thì làm sao giữ được sự khách quan, tỉnh táo cần thiết khi viết về người ấy? Và có mấy ai ở đây nghĩ rằng, việc cầm phong bì trước khi viết bài là phần nào thỏa hiệp với giả dối? Dĩ nhiên, cũng có một số “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành công nghiệp báo chí Mỹ nhưng con số đó không nhiều và thường rơi vào những blogger hoặc tờ báo quy mô nhỏ...
Làm báo là bạn phải đi tới cùng với sự thật. Chúng ta có thể nói dối để phục vụ mục đích điều tra, trà trộn tìm hiểu đề tài chứ đừng để bài viết thể hiện sự gian dối bởi những yếu tố ngoại cảnh như phong bì.
Tôi hi vọng chúng ta đừng chỉ khơi gợi đề tài lên rồi sau đó mọi thứ lại chìm vào quên lãng. Hãy nhìn lại, hành động kèm lời nói để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
SCOTT DUKE HARRIS
(nhà báo người Mỹ từng ở trong nhóm đoạt giải Pulitzer)
CÔNG NHẬT ghi
|