ĐỨC MARIA TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH
 “Đứng gần thập giá có thân mẫu Đức Giêsu và bà chị của thân mẫu Người là bà Maria vợ ông Cơ-lô-phát cùng bà Maria Mácđala. Khai thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, đức Giêsu nói với thân mẫu: “Thưa bà đây là con bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ phút đó, người môn đệ rước bà về ở nhà mình”(Ga 19, 25 - 27).
Ngay từ sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã tiên báo về Đức Maria: “Ta sẽ gây mối thù giữa người với người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống người ấy. Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi” (St 3, 15).
Bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và Đức Maria đã là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Đấng Cứu Thế. Người là Mẹ Thiên Chúa vì Chúa Giêsu do chính Mẹ sinh ra để làm người như chúng ta.
Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu đã hân hoan đón nhận lời công bố của Người từ trên thập giá mà xưng tụng Đức Maria là Mẹ của Giáo hội, là Đấng trung gian chuyển cầu và là gương mẫu cho Giáo hội về tinh thần sống đức tin, sự khiêm cung khó nghèo hay thương xót, giúp đỡ, ủi an và lòng khâm phục đối với Thiên Chúa.
1. ĐỨC MARIA LÀ NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦY ƠN PHÚC
Giáo hội đã mượn lời truyền tin của sứ thần Gabrien và lời chào mừng của bà Êlisabét để làm thành kinh kính mừng ca ngợi Đức Mẹ cùng cầu xin người bảo trợ cho ta trước mặt Thiên Chúa.
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ (Lc 1, 28 - 42).
Tín hữu đọc kinh này mỗi ngày là có ý không ngừng chúc tụng Đức Mẹ trong đời sống của mình.
2. ĐỨC MARIA LÀ NGƯỜI DỰ PHẦN VÀO CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ
Giáo hội kính yêu Đức Maria không phải do cảm tình mà chính vì địa vị cao trọng của Đức Mẹ trong chương trình cứu độ. Sách Tân Ước thuật lại rõ hơn về vai trò của Đức Maria trong biến cố truyền tin (Lc 1, 26 - 28), trong lần thăm viếng bà Êlisabét (Lc 1, 39 - 45) và qua lời cụ già Simêon. Tiếp đến là sự can thiệp của Đức Mẹ trong tiệc cưới Cana (Ga 1, 12). Cuối cùng là giây phút Người đứng dưới chân thập giá để nhận lời trăng trối của Đức Giêsu (Ga 19, 25 - 27).
3. HỘI THÁNH TUYÊN XƯNG NIỀM TIN VÀO ĐỨC MARIA
Trong chương trình độ loài người, Đức Maria đã được trao cho nhiệm vụ đặc biệt là làm Mẹ Đức Kitô, làm Mẹ Giáo hội và làm Mẹ loài người. Vì vậy, Người rất được tôn kính và trọng vọng, dưới nhiều hình thức và danh hiệu khác nhau.
* Công bố các tín điều
Hội Thánh tin rằng Đức Maria đã được Thiên Chúa ban cho nhiều đặc ân và những đặc ân sau đây đã trở thành định tín.
a/ Đức Maria trọn đời đồng trinh do Công đồng Công-tăng-ti-nốp công bố năm 381
b/ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa do Công đồng Ê-phê-sô III công bố năm 431
c/ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Giáo hoàng Piô IX công bố năm 1854
d/ Đức Maria hồn xác lên trời do Đức Giáo hoàng Piô XII công bố năm 1950
4. ẤN ĐỊNH NHỮNG LỄ KÍNH, LỄ TRỌNG VỀ ĐỨC MẸ TRONG PHỤNG VỤ
Những lễ này gồm có lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Maria thăm viếng bà Êlisabét, lễ Đức Mẹ lên trời, lễ sinh nhật Đức Trinh nữ Maria, lễ Mai Khôi, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
5. KÍNH NHỚ TRONG THÁNH LỄ
Trong thánh lễ, Hội thánh kính nhớ Đức Mẹ trong Kinh Tạ Ơn
6. NHỮNG KINH ĐẶC BIỆT KÍNH ĐỨC MẸ
Gồm có kinh Truyền tin và kinh Mai Khôi
a/ Kinh Truyền tin
Giúp tín hữu suy gẫm về việc Ngôi Lời nhập thể và xin ơn giữ nghĩa cùng Chúa luôn để mai ngày được hưởng phúc vinh quang.
b/ Kinh Mai khôi
Là cách cầu nguyện theo nội dung Tin Mừng và được coi như bản tóm lược cuộc đời Chúa Cứu Thế.
Mai khôi có nghĩa là một loại ngọc quý và cũng là tên của một loại hoa hồng đẹp. có lẽ tùy địa phương, người ta đọc trại ra thành Mân Côi, Văn Côi, Môi Khôi. Kinh chính của chuỗi Mai Khôi là kinh Kính Mừng, được lặp đi lặp lại. 150 Kinh Kính Mừng được coi như 150 thánh vịnh để ca tụng Đức Mẹ. Khi lần chuỗi Mai Khôi, 150 Kinh Kính Mừng được ngắt thành từng chục một và chia đều thành 3 ý chính diễn tả 3 giai đoạn trong cuộc đời Chúa Cứu Thế.
· Niềm vui của thế gian được đón Thiên Chúa đến (Năm Sự Vui)
· Cuộc đời rao giảng của Đức Kitô (Năm Sự sáng – mới được Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II thêm vào năm 2003)
· Các nỗi đau thương của Đức Kitô trong cuộc thọ hình (Năm Sự Thương)
· Vinh quang phục sinh của đức Kitô (Năm Sự Mừng)
Kinh Lạy Cha đọc chen giữa mỗi chục là để phân biệt các biến cố trong từng giai đoạn. Còn Kinh Sáng Danh là để ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi kết thúc mỗi biến cố và giai đoạn.
(Giáo Lý Đại Cương Dành Cho Người Lớn – Nhà Xuất Bản Đức Tin & Văn Hóa , 2004)
|