Cúm gia cầm: nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa
- Cúm gia cầm ở người là bệnh truyền nhiễm do virus có thể lây nhiễm cho người và các động vật khác.
- H5N1 là dạng cúm gia cầm phổ biến nhất.
- Các trường hợp cúm gia cầm ở người thường do các chủng ở Châu Á như cúm A(H5N1), cúm A(H5N6) và cúm A(H7N9) gây ra và tỷ lệ tử vong cao.
Nguyên nhân gây cúm gia cầm
- Cúm gia cầm lây từ động vật sang người.
- H5N1 là virus cúm gia cầm đầu tiên lây sang người, còn gọi là cúm gà.
- Ca mắc bệnh đầu tiên được phát hiện tại Hồng Kông vào năm 1997.
- Nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch là do các vấn đề liên quan đến xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh chưa thực hiện tốt.
Cúm gia cầm lây từ động vật sang người như thế nào?
- Virus H5N1 có vật chủ chính là gia cầm (vịt, gà tây, gà, ngan, ngỗng).
- Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt.
- Chợ và các địa điểm bán gia cầm trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh, chính là nơi dễ nhiễm bệnh và có thể truyền bệnh sang cộng đồng đông dân cư.
- Thịt hoặc trứng gia cầm bị nhiễm bệnh nếu chưa được chưa nấu chín hoàn toàn cũng có thể truyền bệnh cúm gia cầm.
Cúm gia cầm lây từ người sang người không?
- Hiện tại, virus cúm gia cầm không lây từ người sang người.
- Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng, virus H5N1 có nguy cơ trở thành mối đe dọa đại dịch cho con người.
Cách nhận biết mắc bệnh cúm gia cầm
- Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa; tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn.
- Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng
- Biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm (như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc).
- Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật.
- Các biểu hiện nặng hơn như khó thở hoặc viêm phổi, suy hô hấp với tỷ lệ tử vong cao.
Làm gì khi bị cúm gia cầm?
- Khi có biểu hiện lâm sàng, kèm theo tiền sử tiếp xúc với người đang mắc cúm gia cầm hoặc tiếp xúc với gia cầm trong khu vực đang có dịch, kể cả đi du lịch đến các vùng lưu hành cúm gia cầm.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh và phải đến ngay cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm chẩn đoán cúm để được khám và chẩn đoán kịp thời.
Cách dự phòng bệnh cúm gia cầm
- Các chiến dịch tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm đối với vi-rút cúm H5 và H7 giúp ngăn chặn chủ động sự lây lan vi-rút cúm từ các loài chim hoang dã tự nhiên sang gia cầm.
- Khi xác định có vi-rút cúm xuất hiện ở gia cầm, cần tiêu diệt đàn gia cầm bị nhiễm bệnh để tránh lây lan.
- Tránh tiếp xúc không được bảo vệ với các loài chim hoang dã, kể cả khi trông khỏe mạnh và các loài gia cầm có biểu hiện ốm yếu hoặc chết, nhất là không chạm vào các bề mặt có thể bị nhiễm nước bọt, chất nhầy hoặc phân của chúng.
- Khi phải tiếp xúc với gia cầm có biểu hiện bệnh, cần sử dụng trang phục bảo hộ (như găng tay, khẩu trang y tế và kính bảo vệ mắt) và rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần cách ly tránh tiếp xúc với người thân, đeo khẩu trang y tế và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.
PHÒNG DÂN SỐ & TRUYỀN THÔNG GDSK
Trạm Y tế Phường Thạnh Mỹ Lợi
Nguồn tin: Trung Tâm Y tế TP. Thủ Đức
|