Món nên hạn chế ăn ngày Tết
Hạn chế ăn bánh chưng, đồ chiên xào, thịt đông, bánh kẹo ngọt..., nhất là người thừa cân, béo phì, mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu cao.
Chuyên gia dinh dưỡng Mộc Lan cho biết, mâm cơm ngày Tết không thể thiếu món ăn như bánh chưng, giò, chả, nem, thịt mỡ, dưa hành, thịt đông... Tuy nhiên, món ăn chiên, xào, nhiều tinh bột nên rất ngán và không tốt cho sức khỏe, nhất là người thừa cân béo phì.
Theo bà Lan, bánh chưng cung cấp rất nhiều năng lượng. Một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50 g cung cấp 150 kcal, bằng một lưng bát cơm. Ngoài ra, bánh chưng được làm từ gạo nếp, cứ 100 g gạo nếp có 344 kcal.
Để hạn chế nạp quá nhiều chất, bạn nên ăn ít bánh chưng hoặc ăn miếng nhỏ. Có thể thay nhân thịt mỡ bằng đậu xanh tốt cho gan giúp thải độc hoặc đậu đen tốt cho thận, đậu đỏ tốt cho máu... Ăn kèm salad, rau xanh đỡ ngấy. Hạn chế ăn bánh chưng rán. Không ăn bánh chưng vào buổi tối. Khi đã ăn thì không nên ăn thêm cơm hoặc các loại tinh bột khác như bún, phở...
Bánh chưng nhân cá hồi thay thế nhân thịt đảm bảo dinh dưỡng, chống ngấy. Ảnh: Ngọc Thành
Thịt đông chế biến từ những nguyên liệu như chân giò, tai, bì của lợn hoặc gà, ngan... nhiều cholesterol xấu, chất đạm và chất béo khiến người ăn dễ ngán, tăng cân, béo phì. Trong thịt còn có nhiều mỡ trắng, không tốt cho người mỡ máu cao, rối loạn chuyển hóa. Trẻ em ít vận động ăn nhiều thịt đông cũng có nguy cơ cao béo phì, tăng cân.
Để giảm độ béo, bạn có thể ăn thịt đông với dưa chua, dưa hành, dưa cải muối phối hợp, giúp cơ thể tiêu hóa thịt dễ dàng hơn. Ăn kèm thêm những loại rau xanh để tăng cường vitamin cho cơ thể, hạn chế lượng đạm vào cơ thể. Khi ăn thịt đông với cơm nên ăn lượng vừa phải hoặc hạn chế ăn cùng. Ăn kèm thêm một số hoa quả sau bữa ăn để bổ sung chất xơ, vitamin...
Các món chiên xào, đông lạnh, bơ, sữa, kem, bà nội trợ lưu ý cân đối và thay đổi cách chế biến để bữa ăn đa dạng, hấp dẫn. Tăng cường món ăn từ cá như cá hấp, cá om dưa, thay món xào, chiên bằng món hấp, luộc.
Trẻ nhỏ hạn chế ăn bánh, mứt, kẹo và nước ngọt, không thức quá khuya và ăn vặt vào buổi tối. Trẻ nên ăn theo bữa , không nên ăn quá no hay ăn quá nhiều bữa trong ngày.
Rượu, bia, đồ uống có ga nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp... Nên hình thành thói quen không có rượu bia đảm bảo sức khỏe và an toàn giao thông. Bổ sung nhiều nước để tránh cảm giác nóng trong người. Mỗi người nên uống khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày.
Gia đình nên duy trì thói quen tập luyện ngày Tết như cùng đi tập thể dục buổi sáng, vận động nhẹ trước khi ngủ hoặc tập bài tập nhẹ tại nhà để giảm bớt lượng calo ăn mỗi ngày.
"Quản lý thời gian và cân bằng dinh dưỡng là bí quyết giúp mọi người đón Tết an toàn, khỏe mạnh", chuyên gia Mộc Lan nói.
Thùy An
(VnExpress)
|