Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
 GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (Chúa nhật 26 thường niên, Năm B)


 
1.        Chuyện chúng mình:
60 NGÀY KỶ NIỆM ĐẸP TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
TGPSG-- Thấm thoắt hai tháng phục vụ tại bệnh viện dã chiến đã kết thúc. Nhớ ngày đầu tiên làm lễ ra quân, mưa xối xả, mưa như trút bầu tâm sự, mưa như tiếng khóc than bệnh nhân vẫy gọi. Hôm nay là giây phút chia tay, bầu trời lại thật trong xanh dọi chiếu những tia nắng ấm áp. Chúng tôi ra về nhưng lòng rạo rực sự xúc động khó tả. Tia nắng ấy báo hiệu với chúng tôi rằng mọi sự sẽ tốt đẹp, dịch bệnh sẽ mau chấm dứt, bệnh nhân sẽ sớm trở về với gia đình.
Giây phút chia tay 71 tình nguyện viên tại Nhà Thiếu Nhi diễn ra thật ấm cúng với những chia sẻ hết sức đơn sơ nhưng đong đầy ý nghĩa. Bác sĩ Lê Anh Tuấn - phó Giám đốc bệnh viện hồi sức covid - đã cảm ơn sự hiện diện của từng tình nguyện viên và cho biết số bệnh nhân được xuất viện khá nhiều. Thực vậy, khi phục vụ tại bệnh viện dã chiến, niềm vui lớn nhất của tôi là nghe tin bệnh nhân được trở về gia đình.
Giây phút này đây, tôi muốn tạ ơn Chúa, cảm ơn Đức Tổng Giám mục Giuse, cảm ơn Hội Dòng đã cho tôi có cơ hội được phục vụ. Khoảng thời gian quý báu tại đây đã cho tôi được trải nghiệm và dấn thân vào công việc tông đồ của Chúa, trở thành người cộng tác và là cánh tay nối dài để lan tỏa yêu thương. Bản thân tôi đã học được thế nào là yêu, thế nào là phục vụ, thế nào là loan báo Tin Mừng và thế nào là sự bất lực giữa ranh giới sự sống và cái chết. Những "hạt giống" mà tình nguyện viên đã gieo mầm, đã kết nối nơi bệnh viện dã chiến này chắc chắn sẽ lan tỏa tình yêu thương. Điều dưỡng Phước - người phục vụ tại khoa cấp cứu của bệnh viện Nhân Dân Gia Định - đã xúc động trong lúc chia tay các tình nguyện viên: "Xin cám ơn các sơ, các thầy - những tình nguyện viên xuất sắc, dũng cảm và nhiệt huyết đã cùng với chúng con chung sức đẩy lùi dịch Covid. Chúng con sẽ luôn nhớ đến mọi người, nhớ những kỉ niệm cùng nhau phục vụ bệnh nhân nơi đây. Các thầy, các sơ giữ gìn sức khỏe". Điều đó đã diễn tả được phần nào cảm xúc lưu luyến của người đi và nỗi nhớ của người ở lại. 
Bé Lan - một Phật tử nhí - ngậm ngùi: "Sơ về chúng con nhớ lắm...các bệnh nhân cũng nhớ sơ nữa, cứ hỏi sơ hoài. Sơ nhớ giữ liên lạc, nếu có dịp con sẽ đến thăm sơ...
Tuy thời gian hai tháng không phải là dài nhưng cũng không quá ngắn để mỗi người trong chúng tôi cảm nghiệm được sự nối kết yêu thương đặc biệt trong thời kỳ giãn cách này. Tại ngôi nhà thiếu nhi quận 9 đơn sơ nhưng ấm áp tình gia đình, chúng tôi đã không còn phân biệt tôn giáo để hòa chung nhịp đập yêu thương. Tuy giãn cách về không gian địa lý nhưng lòng lại gắn kết với nhau về mặt tinh thần. Hằng ngày, chúng tôi cùng đi làm, cùng ăn, cùng sẻ chia những kinh nghiệm để giúp bệnh nhân mau khỏe hơn. Vì thế, nơi đây thực sự đã để lại bao kỉ niệm đẹp về nhau trong mỗi người chúng tôi. Tôi sẽ khắc ghi trong tim những kỉ niệm đẹp này, sẽ nhớ mãi...nhớ để cầu nguyện, nhớ để quyết tâm hành động, nhớ để biến đổi cuộc đời.
Trong giây phút chia tay, chân bước đi nhưng đầu vẫn muốn ngoảnh lại. Ngoảnh lại một chút để nghe những lời chúc và nhắn nhủ giữa các tình nguyện viên đi về và ở lại, bùi ngùi và xúc động. Ngoảnh lại để thấy những cánh tay vẫy chào nhau đầy lưu luyến. Ở đó có cả lời chào, lời chúc phúc và cả nỗi buồn đọng trên mí mắt của cả hai. Ngoảnh lại để chào chỗ ở thân quen, ghế bố, hàng cây, sân rộng; chào những người bạn thân thương, từ xa lạ đã trở nên thân quen. Ngoảnh lại để mang theo, ôm tất cả vào trong lời cầu nguyện và lời cầu chúc bình an. Ngoảnh lại để cảm ơn các bạn đã cùng làm việc và luôn sống chan hòa tình yêu thương.
Ngồi trên xe, tôi bắt đầu hồi tưởng và cảm thấy mọi thứ trôi qua thật nhanh. Nhớ ngày đầu, bao nhiêu bỡ ngỡ trước sự cập rập, chuẩn bị không chu đáo; bỡ ngỡ trước người bên cạnh; bỡ ngỡ trước công việc chưa từng làm qua. Ngày đầu đó, cớ sao dài đằng đẵng. Ngày qua ngày, từng bước một quen dần nhịp sống, thì đã đến giờ chia tay. Quả thật, từ khắp mọi nơi không hẹn mà gặp, những tình nguyện viên đầy vui tươi và nhiệt huyết đã cùng nhau hội tụ tại đây để chung tay đẩy lùi nạn dịch. Họ đến với nhau bởi tình yêu thương giữa con người với con người, bên nhau như những người đồng đội, cùng chung một mục đích, cùng nhau vượt qua những khó khăn, vất vả để rồi khép lại một hành trình thật đẹp với nhiều ý nghĩa.
Đối với mỗi tình nguyện viên, bệnh viện dã chiến như một gia đình thứ hai, nơi nuôi dưỡng, vun đắp những tâm hồn cho bệnh nhân, nơi có những người bạn không phân biệt tôn giáo đã ngày đêm gắn bó trong tình yêu thương, trách nhiệm, sự đoàn kết trong suốt quá trình phục vụ. Vì thế, chuyến đi tình nguyện này đã giúp tôi trưởng thành và tự tin hơn để vững bước trên con đường phía trước và thấm thía hơn tình yêu mà Giêsu đã dành cho tôi.
Chắc hẳn chuyến phục vụ này không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều nhận được rất nhiều, có khi những gì nhận được còn lớn hơn cả những gì đã cho đi: nhận về sự chúc lành, lời cầu nguyện, sự động viên nơi hậu phương vững chắc; nhận về những mối quan hệ mới với nhân viên y tế, gia đình bệnh nhân và tình nguyện viên; nhận về những ánh mắt sáng lên niềm vui, những cái nháy mắt, gật đầu chào nhau qua bộ đồ bảo hộ.
Giờ đây, tôi về trước, nhưng tôi vẫn là "hậu phương"  vững chắc để đồng hành và gắn bó với các bạn còn ở lại qua lời cầu nguyện và hướng về mục đích chung là mong cho các bệnh nhân sớm được trở về bên gia đình thân yêu của họ.
Teresa Nguyễn Vui (Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục)
 
2. Những con số biết nói
 
Stt
 
Quốc gia
 
Được chữa khỏi
 
Tử vong
 
Tổng số
1
Anh
6.159.135
136.105
7.631.233
2
Argentina
5.109.853
114.849
5.249.840
3
Đức
3.952.000
93.966
4.200.990
4
Việt Nam
516.449
18.400
746.625
 
 
 
 
 
 
Thế giới
 
208.841.772
 
4.756.394
 
232.243.504
 
Cập nhật lúc 6g20, ngày 26.9.2021
 
3.       Khuôn vàng thước ngọc (Mc 9, 38-43.45.47-48, Chúa nhật, tuần XXVI Thường niên)
 
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở rằng, chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, hết thảy mọi người đều có khả năng và bổn phận làm việc thiện, việc tốt; đồng thời tránh xa sự dữ cũng như không được làm gương mù gương xấu cho tha nhân. Tuy nhiên, Kitô hữu chúng ta phải coi khả năng và bổn phận đó như là một ơn gọi đặc thù của mình. Đức Giêsu không chấp nhận một thái độ trung lập, nước đôi trước đòi hỏi thi hành những điều thiện hảo. Ngoài ra, Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi loại bỏ óc bè phái và tránh đòi cho mình được hưởng những đặc quyền đặc lợi. Điều chính yếu là phải biết bao dung cũng như liên đới với người khác để làm cho Danh Chúa được người đời ca tụng và Nước Chúa được lan rộng khắp nơi.
“Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.Qua câu trả lời này của Đức Giêsu giúp chúng ta hiểu rằng, trừ quỷ không phải là đặc quyền của các tông đồ. Cũng thế, làm việc tốt, sống bác ái yêu thương, không phải là đặc quyền dành riêng cho các Kitô hữu. Đừng sợ sống yêu thương và tôn trọng mọi người. Đừng dùng bạo lực để đáp lại bạo lực vì làm như thế là bắt chước lối sống man rợ của những người ưa dùng bạo lực. Khi dùng bạo lực, những người đó cho thấy nỗi thất vọng và tinh thần bất bao dung đang chế ngự tâm hồn họ. Chúng ta hãy sống như một Kitô hữu chính danh, luôn biết tôn trọng sự thật và sẵn lòng thi hành việc bác ái.
Mỗi người Kitô hữu chúng ta được Đức Giêsu ví như một ngọn đèn cháy sáng. Điều đó có nghĩa rằng, chúng ta có thể thua kém người khác về sự khôn ngoan trần thế, nhưng phải trổi vượt hơn người khác về đời sống thánh thiện. Thật vậy, Kitô hữu vốn là những người đã được tái sinh và kêu gọi làm chứng cho Đức Giêsu bằng đời sống thánh thiện trước mặt mọi người. Bởi đó, nếu chúng ta không sống lành thánh hơn, không sống tốt đời đẹp đạo hơn… như thế, chẳng phải là chúng ta đã trở nên gương mù gương xấu cho người khác sao?
Không sống tốt và đặc biệt không sống tốt hơn người ngoại đạo, chúng ta sẽ trở thành cớ vấp phạm cho người khác. Nếu sống không tử tế, chúng ta sẽ thiệt hại cho linh hồn mình. Nhưng nếu chúng ta nên cớ vấp phạm cho người khác, chúng ta đáng bị Chúa nguyền rủa và trách phạt. Bởi đó, Đức Giêsu mới nói: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn này vấp phạm, thì thà cột cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn”. Kẻ bé mọn ở đây có thể hiểu là những người hèn kém, không có địa vị gì trong xã hội, luôn bị người khác coi thường. Kẻ bé mọn cũng có thể được coi là những người yếu đức tin, kém đạo đức và thậm chí là những người tội lỗi. Như vậy, những kẻ bé mọn thay vì được nhìn thấy gương sáng của chúng ta để họ bắt chước mà trở nên tốt hơn thì ngược lại, chính gương mù của chúng ta khiến cho họ ngày càng trở nên chai lỳ hơn, bất mãn hơn. Do đó, chúng ta chẳng thể nào biện minh cho chính mình nếu một mai ra trước Tòa của Chúa. Cối đá buộc vào cổ mà ném xuống biển chỉ cho thấy một cái chết về mặt thể lý; nhưng chúng ta đừng nhầm, nó còn là biểu tượng nhằm diễn tả sự hư mất vĩnh viễn không có gì thay đổi được trong cuộc sống mai hậu.
Mặt khác, sống tốt và sống thánh thiện không phải là việc làm tuỳ thích, nhưng là một đòi hỏi quyết liệt đối với người Kitô hữu; đến độ nếu mắt, tay hoặc chân của chúng ta nên cớ vấp phạm, thì cũng phải móc, phải chặt những thứ ấy đi. Tại sao vậy? Xin thưa, bởi vì thà chột mắt, cụt tay, cụt chân mà được vào cõi sống còn hơn cả có đủ hai mắt, hai tay, hai chân mà phải chịu cực hình muôn kiếp hay phải sa hỏa ngục đời đời. Nhiều người nại đến lòng thương xót vô bờ của Chúa nên cứ nằm vùi trong tội và nhủ lòng rằng, đằng nào thì Chúa cũng sẽ tha thứ, chả nhẽ Chúa đi chấp tội với mình. Họ đã nhầm. Đúng là Chúa bao dung thật, thương xót thật; nhưng nếu con người cứ ỉ lại và không muốn đón nhận sự xót thương thì hẳn rằng, Thiên Chúa chẳng có lý do gì mà không chiều lòng họ. Chớ gì sứ điệp Lời Chúa hôm nay trở thành lời cảnh tỉnh cho hết thảy chúng ta. Chúng ta đừng cố bám víu và nương theo những điều bất hảo; bởi vì nếu như thế, chẳng những chúng ta thiệt thân mà còn gây phương hại cho anh chị em của mình nữa.
 
Lạy Chúa, xin thanh tẩy trí lòng để chúng con biết cộng tác với người khác trong sự chân thành và khiêm tốn. Xin tẩy trừ chúng con khỏi óc bè phái và những nghi ngại khi chung chia sứ vụ loan báo Tin Mừng. Xin đừng để những thành kiến biến chúng con thành những kẻ hẹp hòi trong việc quảng đại trao ban. Xin chỉ dạy những điều con chẳng biết và đừng để chúng con nên gương mù gương xấu cho anh em mà phải xa lửa hỏa muôn đời.
 
     4. Lời bàn
- Vào thời Đức Giêsu, ai nấy đều tin có ma quỷ. Mọi người đều tin rằng các thứ bệnh tật của thân thể lẫn tinh thần, đều do ma quỷ xui khiến. Có một phương pháp hết sức thông thường để trục xuất ma quỷ đó là, nếu ai biết được tên của một con quỷ nào mạnh hơn, thì có thể nhân danh nó mà truyền lệnh cho thứ ma quỷ đang ám hại nạn nhân và buộc nó ra khỏi bệnh nhân đó. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay trình bày một bối cảnh liên quan tới sự việc được tác giả Máccô ghi nhận ở đây. Tông đồ Gioan khi thấy có người nhân danh uy quyền của Đức Giêsu để đuổi quỷ, ông đã ngăn cấm vì người ấy không phải là một trong số những người thân cận với Thầy của mình. Thế nhưng, Đức Giêsu lại tuyên bố rằng, chẳng hề có ai hoàn toàn thù địch với Ngài lại có thể nhân danh Ngài mà làm được những việc quyền năng như thế. Bởi vì, “Hễ ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Đây là một bài học về sự khoan dung mà mọi người chúng ta cần lưu ý:
+ Mỗi người đều có quyền tự do tư tưởng cũng như tự do trong hành động. Thật vậy, ai nấy đều có quyền suy nghĩ về một điều gì đó cho đến khi nào tìm ra kết luận cho những điều mình tin. Đây là một nguyên tắc mà chúng ta phải tôn trọng. Chúng ta thường vội vàng lên án những điều mình không hiểu hoặc tìm cách phi bác những ý kiến đối nghịch với mình. Sự bất khoan dung là dấu hiệu của cả kiêu ngạo lẫn dốt nát. Đồng thời, nó cũng là dấu hiệu của kẻ tin mà không hề có chân lý nào khác ngoài chân lý mình đang nghĩ trong đầu. Thật ảo tưởng đối với những ai thích bám những nhận định chủ quan và luôn khẳng định mình đúng đắn. Thật khó chấp nhận những người chỉ thích đề cao ý tưởng của mình mà khinh thường những sáng kiến của người khác.
+ Tiếp đến, chúng ta chẳng những phải nhường lại cho mọi người quyền làm theo những gì họ nghĩ, mà còn phải dành cho người khác cơ hội để họ bộc lộ những suy nghĩ của mình. Trong tất cả các quyền tự do dân chủ, quyền quan trọng nhất là quyền tự do phát biểu ý kiến. Dĩ nhiên là cần phải có giới hạn. Nếu có ai đó muốn chứng tỏ mình là người đã xí hết phần khôn ngoan của người khác bằng việc đưa ra những lý lẽ nhằm phá hoại mọi thứ luân lý, lật đổ mọi nền tảng của xã hội văn minh và thậm chí là đả phá các học thuyết của Kitô giáo, thì chắc chắn kẻ ấy sẽ vấp phải sự kháng cự của rất nhiều người. Tuy nhiên, phương pháp để chống lại người ấy chắc chắn không phải là việc loại trừ người ấy bằng vũ lực, nhưng bằng cách chứng minh để họ biết là mình sai lầm
- Song song với đó, chúng ta cũng bắt gặp những lời giáo huấn trong đoạn trích này thật đơn sơ, nhưng không thể lầm lẫn vào đâu được. Nó thực sự rất bổ ích cho cuộc đời mỗi người trong chúng ta. Đó là:
+ Bất kỳ một việc tốt hay một sự giúp đỡ nào làm cho người của Chúa, đều không bị lãng quên hay mất phần thưởng. Những ai có nhu cầu đều có thể đòi hỏi chúng ta giúp đỡ, bởi vì họ đều được Thiên Chúa yêu thương. Cần chú ý rằng, sự trợ giúp được Đức Giêsu nhắc đến ở đây rất đơn giản: Một chén nước lã. Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta làm những chuyện lớn lao hay những việc vượt quá khả năng của mình. Ngài đòi hỏi chúng ta phải làm những việc mà bất cứ ai cũng có thể làm, cũng có thể giúp đỡ người khác; nhưng hẳn nhiên, thái độ đi kèm với việc trao tặng ấy mới là điều quan trọng. Ông bà ta xưa nay vẫn dạy cho con cháu: “Của cho không bằng cách cho”. Như vậy, chính tâm tình ẩn chứa nơi những thứ được trao tặng mới khiến người nhận cảm thấy ấm lòng, còn người trao thì tự thưởng cho mình một nụ cười mãn nguyện.
+ Bất kỳ một việc xấu nào cũng có thể đưa đến những hậu quả tai hại. Giúp người thì sẽ được phần thưởng; còn làm cho một người anh em yếu đuối hơn vấp phạm là tự chuốc lấy hình phạt đời đời. Có thể coi đó là một hình phạt rất nghiêm khắc. Tại Palestine có hai loại cối: cối đá xay bằng tay, tức là một loại cối nhỏ mà phụ nữ thường dùng trong nhà và loại thứ hai, tức là cối đá lớn đến nỗi phải cột vào một con lừa mới kéo nổi. Chắc rằng, loại cối đá mà Đức Giêsu nói ở đây thuộc vào loại thứ hai. Bị ném xuống biển với một thớt cối lớn buộc vào người, chắc chắn không hy vọng trở về. Như vậy, tự mình phạm tội đã là chuyện khủng khiếp, huống chi còn dạy kẻ khác phạm tội thì chẳng phải là càng tệ hại hơn sao!
- Ngoài ra, trích đoạn này cũng nêu lên một chân lý căn bản, đó là khi đã chọn cho mình một mục tiêu thì chúng ta dám hy sinh tất cả để đạt đến nó. Về phương diện thể lý, có lẽ người ta sẵn sàng chịu mất chân, tay hay một phần thân thể nào đó, để bảo toàn sự sống cho toàn thân. Trong thực tế, có những trường hợp mà người ta phải cưa tay, chân, hoặc cắt bỏ một cơ phận nào đó trong cơ thể nhằm tiếp tục duy trì sự sống. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu Đức Giêsu đang nói đến ở đây lại nhắm đến lãnh vực tinh thần. Trong con người, có một số bản năng, một số các chi thể bẩm sinh dễ xui khiến người ta phạm tội. Chúng ta không nên hiểu câu nói này của Đức Giêsu theo nghĩa đen, bởi vì đây là một cách nói hết sức gợi hình theo lối người phương Đông, ngụ ý rằng, người ta có một mục đích để sẵn sàng vì đó mà hy sinh bất cứ điều gì để chiếm hữu cho bằng được.
- Ông Origen đã hiểu ý này theo nghĩa biểu tượng. Theo ông, có lẽ cần phải khai trừ vài kẻ theo tà giáo hoặc vài kẻ gian ác nào đó, không cho họ hiệp thông cùng Hội Thánh để giữ cho thân thể Đức Kitô được thuần khiết. Nhưng câu này còn ngụ ý dạy chúng ta phải ứng dụng nó cho chính mình trước nhất. Nó dạy chúng ta cần phải từ bỏ, khai trừ một tật xấu, từ bỏ một thú vui, cẩn trọng trong các mối tương giao với những người xấu, cắt đứt một điều nào đó vốn rất thiết thân với chúng ta để vâng phục trọn vẹn ý Chúa. Đây không phải là một điều mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Nó là vấn đề lương tâm mỗi cá nhân; chính vì vậy, nếu có bất cứ việc gì ngăn trở chúng ta vâng phục hoàn toàn ý Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải nhổ bỏ tận gốc. Việc dứt bỏ đó có thể gây đau đớn như một cuộc giải phẫu, có thể giống như phải chặt bỏ đi một chi thể. Nhưng nếu muốn đạt đến sự sống, hạnh phúc và bình an đích thực thì chúng ta phải quyết tâm thi hành. Điều đó nghe có vẻ lạnh lùng, nghiêm khắc, nhưng thật ra, đó là thái độ cần phải có đối với các sự kiện của đời sống của tất cả mọi người.
- “Khoảng thời gian quý báu tại đây đã cho tôi được trải nghiệm và dấn thân vào công việc tông đồ của Chúa, trở thành người cộng tác và là cánh tay nối dài để lan tỏa yêu thương. Bản thân tôi đã học được thế nào là yêu, thế nào là phục vụ, thế nào là loan báo Tin Mừng và thế nào là sự bất lực giữa ranh giới sự sống và cái chết. Những ‘hạt giống’ mà tình nguyện viên đã gieo mầm, đã kết nối nơi bệnh viện dã chiến này chắc chắn sẽ lan tỏa tình yêu thương”. Đây chắc chắn không phải là tất cả những gì còn đọng lại sau những tháng ngày đi thiện nguyện, nhưng dù sao đi chăng nữa, nó đã được ghi lại một cách rất thật và lột tả được tấm chân tình mà con người dành cho nhau. Chẳng mấy ai trong số các tình nguyện viên có tham vọng làm được nhiều điều hơn như thế. Chúa không quên những người chỉ dành tặng cho nhau chén nước lã, vậy thì hà cớ gì Ngài có thể quên những con người đã quảng đại đáp lời mời để ra đi và gieo những hạt giống tin yêu cho tha nhân. Họ, những tình nguyện viên không phân biệt tôn giáo, đã cùng nhau thắp lên những ngọn lửa, đủ sức lan tỏa hơi ấm tình người vào tận nơi mà dường như người ta chỉ còn thấy hoang mang và tuyệt vọng. Họ, những con người còn rất trẻ, chưa nhiều lần nếm trải thương đau, nhưng lại thừa nhiệt huyết để cống hiến hết mình vì người khác. Họ, những con người dám “phung phí” sự sống của chính mình, với mong ước đem lại sự đoàn viên cho những bệnh nhân mà họ chưa từng quen tên hay biết mặt trước đây. Tất cả những gì mà họ đã trao tặng cho người và cho đời, chắc hẳn sẽ mãi là những tia nắng ấm, không chỉ giúp cho những hạt giống mà họ vừa gieo được nẩy mầm, nhưng còn tiếp tục góp phần để những cây non mới mọc lên được phát triển vững bền. Mong sao cho những thành quả mà họ đạt được, sẽ trở thành một khối men, đủ sức khơi dậy tình tương thân tương ái; đồng thời xóa đi những ích kỉ, nhỏ nhen, óc bè phái và cả những toan tính hơn thua trong cuộc đời này.
 
 Viết Cường, O.P. 


Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 25 thường niên - Năm B) (19/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 24 Thường niên - Năm B) (12/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 23 thường niên -Năm B) (5/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 22 Thường niên - Năm B) (29/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 21 TN, Năm B) (23/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Đức Mẹ hồn xác lên trời 15/08/2021) (15/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (08/08/2021) (8/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật, 01/08/2021) (1/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (27/7/2021) (27/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (26/7/2021) (26/7/2021)
 Các tin khác:  1   2   3 
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn