GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (Chúa nhật 25 thường niên - Năm B)
1. Chuyện chúng mình:
DINO IMPAGLIAZZO – ĐẦU BẾP CỦA NGƯỜI NGHÈO Ở ROMA
Có những người để lại dấu ấn sâu đậm và lâu dài không chỉ trong lòng những người thân thiết mà còn trong toàn thể cộng đồng. Họ là những người, theo một cách nào đó, làm nên lịch sử, chẳng hạn như sự kiên trì, dấn thân bền bỉ và niềm tin không thể lay chuyển. Dino Impagliazzo, người được gọi là “đầu bếp của người nghèo” là một trong số những người này.
Từ 20 năm nay, ông Dino đã cùng với các tình nguyện viên khác từ hiệp hội RomAmoR do ông sáng lập nấu các bữa ăn cho khoảng 300 người sống lang thang ở các nhà ga ở thủ đô Roma. Sau một thời gian dài bị bệnh, ông đã qua đời tại Roma, ngày 25/7/2021 hưởng thọ 91 tuổi.
Ông Dino chào đời tại quần đảo La Maddalena ở Sardegna, trong một gia đình giản dị. Ông kết hôn với bà Fernanda và có 4 người con: Marco, chủ tịch Cộng đồng thánh Egidio, Giovanni, Paolo và Chiara; tất cả đều tham gia công tác xã hội. Là một thành viên của Phong trào Focolare, ông Dino được nhiều người sống ở các châu lục khác nhau biết đến và yêu mến vì sự dấn thân của ông với người nghèo và những người khó khăn.
Hiệp hội RomAmoR ra đời từ việc một người nghèo xin bánh mì
Ông Dino đã bắt đầu công việc “đầu bếp cho người nghèo” từ cách nay 20 năm. Mọi chuyện bắt đầu vào một ngày Chúa Nhật, gần một nhà ga xe lửa, khi một người đàn ông nghèo xin ông một cái bánh mì sandwich. Ông hiểu rằng người này đang đói và cần được lắng nghe. Ông suy nghĩ: “Hôm nay là ngày của Chúa, và đây là người anh em của tôi. Làm sao tôi có thể từ chối anh ta?”. Sau đó ông Dino đã cùng với vợ con bắt đầu giúp đỡ nhiều người khác. Họ mua bánh mì, nhồi thịt vào, và phân phát cho người nghèo. Dần dần, cả hàng xóm, bạn bè của ông cũng tham gia công việc của ông, và cuối cùng là hiệp hội Quelli del Quartiere ra đời. Từ bánh mì ông chuyển sang chuẩn bị những bữa ăn nóng cho người nghèo.
Hiệp hội do ông Dino thành lập sau này được đổi tên thành Hiệp hội liên đới Appio Latino Tuscolano, và cuối cùng có tên là RomAmoR – Tình yêu Roma. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận tập hợp khoảng 300 tình nguyện viên và đảm bảo bữa ăn cho khoảng 300 người mỗi ngày, nhờ vào một mạng lưới liên đới bao gồm các thương nhân (từ các chủ cửa hàng nhỏ đến các siêu thị lớn, những người quyên góp các sản phẩm không bán được hoặc gần hết hạn sử dụng) và các tổ chức như Cộng đồng thánh Egidio và Ngân hàng Thực phẩm Lazio.
“Người nghèo đối với tôi là Chúa Giêsu"
Là người vui vẻ nhưng đồng thời cũng nóng tính, hòa đồng, luôn chào đón và có ý chí sắt đá, ông Dino luôn quan tâm đến người nghèo, những người mà ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ cho họ và không ngừng thực hiện các dự án hỗ trợ. Ông đã hoạt động vì những tù nhân, những người sống trong doanh trại, những người phải di dời và những nạn nhân của trận động đất. Ông đã giải thích về mình trong một cuộc phỏng vấn cách đây hai năm: “Người nghèo đối với tôi là Chúa Giêsu khi Người nói: “Bất cứ điều gì anh em đã làm cho những người bé nhỏ này, anh em đã làm cho Ta”, hoặc “Ta đói và anh em đã cho Ta ăn, Ta lạnh và khát… Khi anh em làm điều này và điều kia cho một người nào đó, anh em đã làm điều đó cho Ta ...”. Đây là tín điều của tôi. Tôi tin vào sự hiệp nhất của nhân loại. Tất cả chúng ta đều là những con người, chúng ta đều ở cùng một đẳng cấp, bởi vì chúng ta đều là con của cùng một Cha. Chúng ta được tạo nên bằng cùng một chất. Nếu một bộ phận nào đó trên cơ thể tôi gặp sự cố, đau nhức thì tôi phải làm gì? Tôi có cắt nó không? Không. Tôi cố gắng giúp nó, chữa lành nó, và điều này cũng xảy ra đối với mối quan hệ với người nghèo và với mọi người nói chung. Đây là những nguyên tắc chi phối tôi”.
RomAmoR, mong muốn đưa Roma trở thành thành phố nơi tình yêu ngự trị
Ông Dino muốn “tình yêu đối với tha nhân và trên hết là đối với người lân cận đang gặp khó khăn, bắt đầu từ những người xung quanh tôi, từ những người quen của tôi đến những căn hộ thuộc tòa nhà của tôi trong khu phố ngày càng lan tỏa nhiều hơn nữa, để Roma trở thành một thành phố của lòng hiếu khách, nơi mọi người yêu thương nhau, quý mến nhau. Vì vậy, chúng tôi đã gọi hiệp hội là RomAmoR, vì mong muốn sâu sắc được góp phần đưa Roma trở thành thành phố nơi tình yêu ngự trị”.
Năm 2020, ông Dino đã được Tổng thống Sergio Mattarella của Ý trao tặng Huân chương Danh dự của Cộng hòa Ý. Ông đã được vinh danh trong nhóm 32 “anh hùng của thời đại chúng ta” vì những dấn thân cao đẹp trong nhiều lĩnh vực, là một tấm gương cho đất nước.
Tình yêu đối với người nghèo chính là di sản mà ông Dino Impagliazzo để lại cho những người quý trọng và yêu mến ông. Những ai thương tiếc sự qua đời của ông biết làm thế nào để ông không bao giờ thực sự chết. Họ có thể tiếp tục công việc của ông bằng cách làm theo tấm gương của ông, bắt đầu với những người nghèo gần nhất, người đang đợi chúng ta dưới mái nhà. (Aleteia 27/07/2021)
Hồng Thủy - Vatican News
2. Những con số biết nói
Stt
|
Quốc gia
|
Được chữa khỏi
|
Tử vong
|
Tổng số
|
1
|
Nhật Bản
|
1.564.097
|
17.097
|
1.668.136
|
2
|
Bangladesh
|
1.498.654
|
27.182
|
1.541.300
|
3
|
Anh
|
5.958.691
|
135.147
|
7.400.739
|
4
|
Việt Nam
|
448.368
|
16.857
|
676.970
|
|
…
|
|
|
|
|
Thế giới
|
205.370.695
|
4.697.788
|
228.745.969
|
Cập nhật lúc 6g10, ngày 19.9.2021
3. Khuôn vàng thước ngọc (Mc 9,29-37, Chúa nhật, tuần XXV Thường niên)
Khi nói về sứ mạng của mình, Đức Giêsu đã quả quyết: “Con Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc cho muôn người”. Là những người bước theo Đức Giêsu, chúng ta không có một chọn lựa nào khác ngoài con đường yêu thương và phục vụ như Chúa đã nêu gương. Chính khi hành động như thế là lúc chúng ta đang thể hiện phẩm giá cao quí của mình là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngoài ra, Đức Giêsu còn dạy cho chúng ta biết: trong Nước Trời, đừng ai để ý tới địa vị lớn hoặc nhỏ. Điều quan trọng phải để ý đó là thái độ phục vụ: càng làm lớn thì càng phải phục vụ nhiều. Thứ đến, cần phải lưu ý tới việc tiếp đón mọi người, không phân biệt bất kỳ một ai cho dù người ấy là một kẻ hèn hạ, đói khổ hay đui mù bệnh tật. phải luôn luôn nhớ rằng, việc chúng ta tiếp rước và phục vụ những người như thế, chính là chúng ta đang làm cho Chúa và vì Danh của Ngài.
Bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay, kể lại việc Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn của Ngài. Dĩ nhiên, đây không phải là lần duy nhất Đức Giêsu nói về cuộc thương khó mà Ngài sẽ phải trải qua. Tin Mừng cho chúng ta biết, Đức Giêsu đã hơn một lần loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài như một chọn lựa duy nhất để hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa. Đồng thời, Ngài cũng mời gọi những ai muốn trở thành môn đệ thì cũng phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo Ngài.
Khi chọn lựa con đường đau khổ và cả cái chết là đích điểm cần nhắm tới, vậy thì phải chăng Đức Giêsu muốn đề cao chủ nghĩa ái khổ cũng như nhìn nhận tự bản thân chúng mang giá trị cứu rỗi? Chắc chắn là không. Thế nhưng, không thể yêu thương mà không có hy sinh; không thể phục vụ nếu không biết từ bỏ và không thể đạt tới sự sống mới mà không kinh qua cái chết. Điều đó cũng giống như hình ảnh hạt lúc mì, nếu nó không chấp nhận chết đi, không thối đi thì chẳng thể nào sinh nhiều bông hạt. Bởi đó, con đường hy sinh, con đường từ bỏ, con đường thập giá mà Đức Giêsu đã chọn lựa và mời gọi chúng ta bước theo, cũng chính là con đường của yêu thương và phục vụ nhằm đem lại sự sống mới đích thực.
Như vậy, yêu thương và phục vụ đã trở thành quy luật tất yếu của cuộc sống và cũng là ơn gọi của mọi người; bởi vì, tất cả chúng ta đều đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, mà bản chất của Ngài chính là yêu thương. Ngoài ra, yêu thương và phục vụ còn là một đòi hỏi đặc biệt đối với những ai nắm giữ quyền hành và địa vị trong bất kì chính thể nào. Vì lẽ đó, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Có quyền hành và địa vị trong tay mà thiếu tinh thần yêu thương và phục vụ thì chỉ là mối hoạ cho xã hội, chỉ làm khổ cho con người mà thôi. Rất nhiều người trong xã hội ngày nay đã không chịu làm theo những lời dạy của Đức Giêsu. Điều đó chẳng có gì lạ; bởi vì, chính các môn đệ của Đức Giêsu cũng hành xử như thế, tức là họ luôn mong chiếm được chỗ nhất mà chẳng bận tâm thứ gì là chính yếu nơi người lãnh đạo. Đó quả là một thực tế đáng buồn, nhất là nó lại diễn ra đúng vào lúc Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ bị người đời sỉ nhục, đánh đòn và giết chết.
Yêu thương và phục vụ là quy luật tất yếu của cuộc sống, là ơn gọi của tất cả mọi người. Thế nhưng, điều mà Đức Giêsu mong muốn là phải biết yêu thương và phục vụ trong khiêm tốn. Chính vì thế, Đức Giêsu đã đặt một em bé đứng giữa họ và nói: “Ai tiếp nhận một trẻ nhỏ như em này là tiếp đón chính Thầy”. Yêu thương và phục vụ trong khiêm tốn xem ra là điều ngược với bản tính tự nhiên của chúng ta. Vì lẽ đó, chúng ta chẳng thể nào hiểu được hết ý nghĩa của việc Đức Giêsu qùy xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy cho các ông bài học yêu thương và phục vụ trong tinh thần khiêm hạ.
Khi Đức Giêsu nhập thể, Ngài đã mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương con người. Trong cùng một ý nghĩa đó, chúng ta cũng có thể nói được rằng, cuộc đời của Đức Giêsu đã trở thành bài học yêu thương và phục vụ trong khiêm hạ dành cho hết thảy mọi người. Mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta sẽ nhận ra được bài học yêu thương và phục vụ ấy của Đức Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể. Nơi đây, Đức Giêsu tiếp tục nối dài hành động yêu thương của mình bằng cách trao hiến chính bản thân nhằm mang lại sự sống cho những ai khát khao tìm kiếm Ngài. Chớ gì điều đó sẽ giúp chúng ta ý thức hơn trong việc tham dự các cử hành Thánh lễ và nhất là cũng biết liên đới với những người đang cần chúng ta chia sẻ tình yêu thương. Ước chi hành động yêu thương và phục vụ của Đức Giêsu luôn là kiểu mẫu để chúng ta cũng biết yêu thương và phục vụ mọi người trong khiêm tốn như vậy.
Lạy Chúa, xin khai mở lòng trí để chúng con biết noi theo gương của Chúa mà hết lòng phục vụ mọi người trong âm thầm và khiêm tốn. Xin nâng đỡ để chúng con biết quảng đại đón tiếp hết thảy những ai đang đau khổ, đói khát, bệnh tật và sẵn sàng sẻ chia những gì có thể cho anh chị em của mình. Xin dạy chúng con biết cúi xuống thật thấp để có thể lắng nghe được tiếng kêu than của những kẻ đang âu sầu, tuyệt vọng. Và, xin đừng để chúng con bưng tai bịt mắt trước những nỗi thống khổ của những người anh chị em chung quanh mình.
4. Lời bàn
- Đoạn Tin Mừng này đánh dấu một giai đoạn quan trọng. Bấy giờ Đức Giêsu đã lìa khỏi vùng dất phía Bắc, là nơi Ngài được an toàn để đi những bước đầu tiên về Giêrusalem, tức là nơi mà thập giá đang chờ đợi Ngài ở đó. Lần đầu tiên, Ngài không muốn có đám đông dân chúng ở chung quanh mình. Đức Giêsu biết rõ rằng, Ngài sẽ thất bại, trừ khi Ngài chuyển trao thông điệp của mình cho những người mà mình đã chọn. Bất kỳ một thầy dạy nào cũng muốn để lại cho hậu thế những bài học bổ ích; thế nhưng đối với Đức Giêsu, bấy nhiêu đó thì chưa đủ. Ngài phải để lại sau lưng mình một đoàn người mà những lời tuyên bố của Ngài được ghi khắc trên họ. Ngài phải chắc chắn rằng sau khi thân xác Ngài rời bỏ thế gian này, vẫn còn một số người hiểu, dầu chỉ lờ mờ những gì Ngài từng phán dạy. Tuy nhiên lần này, lời cảnh cáo của Đức Giêsu còn gặp thất bại bi thảm và đau lòng hơn. Nếu đối chiếu bản văn này với đoạn sách trước đây, trong đó Ngài tiên báo sự chết của Ngài lần thứ nhất (Mc 8,31), chúng ta thấy có một ý tưởng mới được thêm vào đó là: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”.
- Trong nhóm các môn đệ, có một kẻ phản bội và Đức Giêsu biết rõ điều đó. Ngài vẫn nhìn thấu suốt cách Giuđa vận dụng tâm trí. Ngài biết rõ Giuđa hơn ông biết chính mình. Vì thế khi Ngài phán: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”, chẳng những Ngài thông báo một sự kiện, đưa ra một lời cảnh báo, mà Ngài còn đưa ra một lời kêu gọi cuối cùng đối với kẻ đang mưu tính một kế hoạch phản bội.
- Thế nhưng, ngay cả khi Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó lần thứ hai thì các môn đệ vẫn chưa hiểu được ý định của Ngài. Điều họ không hiểu nổi là mấy tiếng ngắn ngủi đề cập đến sự sống lại. Thật ra, rất có thể họ cũng đã ý thức được bầu không khí của tấn thảm kịch, nhưng cho đến tận những giờ phút sau cùng, họ vẫn không hiểu được một cách chắc chắn về sự phục sinh được Đức Giêsu nói đến ở đây có nghĩa là gì. Đây là một việc kỳ diệu quá lớn lao đối với họ, một việc kỳ diệu mà họ chỉ lãnh hội được khi nào nó trở thành một sự kiện đã hoàn tất, tức là sau khi Đức Giêsu đã khải hoàn vinh thắng.
- Lắm lúc chúng ta cũng ngạc nhiên và không hiểu tại sao các môn đệ của Chúa lại không lãnh hội được một việc đã được Ngài nói rõ ra như vậy. Tâm trí con người vốn có năng khiếu lạ lùng để loại bỏ những điều họ không muốn nghe hoặc không muốn thấy. Cách nào đó, chúng ta có khác gì những môn đệ của Chúa năm xưa đâu. Biết bao lần chúng ta đã nghe lời gọi mời của Chúa, chúng ta thừa biết những gì có thể đem lại vinh quang và cũng biết cả những gì có thể đưa đến thảm họa; nhưng rồi, rất nhiều người trong chúng ta vẫn cứ chọn đi theo con đường mình yêu thích mà dễ dàng bỏ qua những lời cảnh báo của Đức Giêsu.
- Trong sự kiện loan báo cuộc thương khó lần thứ hai này, chúng ta cũng không hề thấy chi tiết nào cho biết các môn đệ nhận thức được đầy đủ về ý nghĩa đích thực của Đấng Mêsia Thiên sai. Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại với họ những gì đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem. Thế nhưng, họ vẫn nghĩ vương quốc của Ngài như một vương quốc trên thế gian này và chính họ là những vị thượng thư hay bộ trưởng trong vương quốc ấy. Đức Giêsu đang nói về thập giá, còn các môn đệ lại tranh cãi xem ai sẽ được quyền cao chức trọng hơn cả. Đó là điều khiến Đức Giêsu phiền muộn về các ngài. Khi Đức Giêsu hỏi họ đang tranh cãi với nhau về chuyện gì thì họ chẳng dám trả lời. Đó là sự im lặng vì xấu hổ và hẳn nhiên, họ không có lý do gì để bào chữa.
- Tin Mừng nói tiếp: “Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người””. Khi một Rabbi dạy dỗ với tư cách như một bậc thầy dạy bảo học trò, và nhất là khi ông muốn tuyên bố một điều quan trọng, thì vị Rabbi ấy luôn luôn ở tư thế ngồi để giảng dạy. Trước khi ngỏ lời với các môn đệ, Đức Giêsu cũng đã đặt mình vào tư thế một Rabbi để dạy dỗ các ông. Ngài bảo họ nếu muốn làm lớn trong Nước Trời thì sẽ được chức vị cao trọng ấy, nhưng không phải bằng cách làm sao để đứng đầu, nhưng là tìm cách làm kẻ đứng sau rốt; không phải tìm cách làm chủ, nhưng phải làm tôi tớ mọi người. Đây không phải là một lý tưởng không thể thực hiện, nhưng là một đòi hỏi hết sức phù hợp với lương tri và khả năng của mỗi người chúng ta. Những nhân vật vĩ đại, những con người luôn luôn được mọi người nhớ ơn vì đã thật sự đóng góp cho đời, không phải là những người luôn tự hào vì mình đã đạt đến tột đỉnh các nấc thang danh vọng của quốc gia hay xã hội; nhưng luôn dựa trên sự kiện là người ấy sẵn sàng phục vụ quốc gia, xã hội và đồng bào mình bất cứ lúc nào, hoặc bất ở nơi đâu.
- Bài học dễ tiếp thu nhất là chân lý trừu tượng được minh họa bằng hình ảnh cụ thể. Nên nhớ là ở đây, Đức Giêsu vẫn còn nói đến vấn đề cao vọng xứng đáng và tham vọng bất chính. Ngài đem một đứa trẻ đặt giữa họ. Một đứa bé thì chẳng có tầm ảnh hưởng gì đối với người khác; một đứa trẻ cũng không thể giúp được ai thăng tiến trong sự nghiệp hoặc tăng thêm uy tín; và thông thường, một em bé chẳng có cái gì để cho chúng ta, trái lại thì đúng hơn. Một đứa trẻ cần đến cái này, cái kia, hoặc người ta phải làm việc này, việc nọ cho nó. Tuy nhiên, chính từ hình ảnh của em bé này, Đức Giêsu đã đưa ra những lời cảnh báo đến các môn đệ cũng như hết thảy chúng ta. Quả vậy, chúng ta thích làm bạn với những người có thể giúp đỡ chúng ta, những người mà tiếng tăm của họ có lợi cho ta. Ngược lại, chúng ta thường tìm cách xa lánh những người đang sa cơ thất thế, hoặc đang cần được chúng ta giúp đỡ. Thật dễ dàng khi chúng ta làm ơn hay dành ưu đãi nào đó cho những người có quyền thế, địa vị; nhưng lại ít quan tâm đến những ai chất phác, khiêm hạ, tầm thường. Chúng ta ưa tìm và kết thân với những người được mọi người chú ý, tôn trọng; nhưng hay tránh né những người nghèo khổ hoặc ít được người khác quan tâm. Thật ra, Đức Giêsu đã không dạy chúng ta không nên tìm cách kết thân với những người có thể giúp đỡ chúng ta về việc này, việc nọ; nhưng tốt hơn, nên biết tìm đến với những ai cần được chúng ta tương trợ, vì làm thế là chúng ta đang làm cho chính Ngài: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.
- “Người nghèo đối với tôi là Chúa Giêsu khi Người nói: “Bất cứ điều gì anh em đã làm cho những người bé nhỏ này, anh em đã làm cho Ta”, hoặc “Ta đói và anh em đã cho Ta ăn, Ta lạnh và khát… Khi anh em làm điều này và điều kia cho một người nào đó, anh em đã làm điều đó cho Ta ...”. Đây là tín điều của tôi”. Có lẽ chúng ta đã khá quen thuộc với các khái niệm “Giáo Hội của những người nghèo”, “Người nghèo là tài sản của Giáo Hội” hay “Hãy giơ tay ra với người nghèo” (ĐTC Phanxicô nói điều này nhân Ngày thế giới người nghèo năm 2020); thế nhưng, coi người nghèo chính là hiện thân của Đức Giêsu và việc phục họ như là “một tín điều”, thì chắc rằng, đó là một thứ rất mới mẻ và gây ra sự tò mò nơi nhiều người trong chúng ta. Chưa dừng lại ở đó, ông cụ Dino tiếp tục gây bất ngờ cho chúng ta khi nói: “Tôi tin vào sự hiệp nhất của nhân loại. Tất cả chúng ta đều là những con người, chúng ta đều ở cùng một đẳng cấp, bởi vì chúng ta đều là con của cùng một Cha. Chúng ta được tạo nên bằng cùng một chất”. Khám phá ra những ý nghĩa tích cực từ cuộc sống và biến chúng thành “những nguyên tắc chi phối trong đời”, đã khiến cụ Dino Impagliazzo quyết tâm dành cả cuộc đời để theo đuổi. Ông trở thành đầu bếp của người nghèo cũng từ những cơ duyên như vậy. Mặc dù được vinh danh như một anh hùng của thời đại, nhưng niềm vui lớn lao nhất mà ông có được chính là hết lòng phục vụ người người khác như là một niềm đam mê, được thổi bùng lên nhờ lòng yêu mến Đức Giêsu đang ẩn khuất đâu đó nơi những người khốn khổ.
- Đại dịch Covid vẫn đang hoành hành khắp nơi và nó khiến cho nhân loại này luôn thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Ngay thời điểm hiện tại, con số những người nghèo đã tăng lên một cách nhanh chóng ở cấp độ quốc gia chứ không riêng gì ở một cộng đồng nhỏ lẻ nào nữa. Trong bối cảnh dịch bệnh khiến cho người nghèo trở thành những người dễ bị tổn thương nhất thì cũng là lúc khơi dậy nơi chúng ta những niềm ước mơ. Chúng ta mơ cho nhân loại này sớm thoát cảnh lầm than khốn khổ do dịch bệnh. Chúng ta mơ cho ngày càng có thêm nhiều những tâm hồn quảng đại, sẵn sàng sẻ chia để cứu giúp những người đang hoạn nạn. Chúng ta mơ cho ngày càng xuất hiện thêm nhiều những con người đầy lòng nhân ái như cụ ông Dino, để nhờ họ mà những người nghèo đói vượt qua cơn bĩ cực. Và, chúng ta mơ cho hết thảy mọi người trên trái đất này, biết đối đãi nhau bằng tình yêu mến, biết trợ giúp nhau bằng những việc làm tử tế và biết xoa dịu cho nhau bằng những nghĩa cử đưa đến sự chữa lành.
Viết Cường, O.P.
|