Giới thiệu
 Chia sẻ tâm tình
 Lịch Sinh Hoạt (HT)
 Tư liệu phim ảnh
 Hình ảnh sinh hoạt
 

Lịch công giáo
Giờ lễ các nhà thờ
 
Tĩnh Tâm Nữ 15-16/07/2023 Tĩnh Tâm Nam 1-2/7/2023 Ngày Bạn Trẻ 27-28/05/2023
Ngày Gia Đình 2023 Lễ Thánh Gia 2022 Ngày Bạn Trẻ 4-5/6/2022
Chuyến du hành Đông Bắc và Hành hương Sở kiện - Mừng Ngày Gia Đình 21-25/01/2021 Chuyến du hành Bến Tre  - Hành hương Đức Mẹ La Mã và Linh địa Ba Giồng - Mừng Ngày Gia Đình 9&10/01/2021 Mừng Bổn Mạng và Ngày Gia Đình 27-12-2020
Mừng 25 Năm Vĩnh Ước Thầy-Cô NGÀY GIA ĐÌNH 2020 - MỪNG 25 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH 2019
NGÀY GIA ĐÌNH 2018 Tĩnh Tâm Huynh Trưởng Thường Niên 2017 HÌNH ẢNH NGÀY NGHỈ VỚI CHÚA CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG CĐ STMTY Tại Tu Viện Phanxicô - Thủ Đức  15-16/7/2017
Ngày Bạn Trẻ 2017 Chuyến đi Vinh-Lào-Thái NGÀY GIA ĐÌNH 2017
TĨNH TÂM QUI ƯỚC 09-2016 Ngày Bạn Trẻ 2016
 
   

Chuyên Mục Âm Nhạc
   
   
 GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (Chúa nhật 24 thường niên - Năm B)


 
1.        Chuyện chúng mình:
 
MỘT LINH MỤC Ý DẤN THÂN CHĂM SÓC NGƯỜI DI DÂN BỊ MỘT NGƯỜI TÂM THẦN ĐÂM CHẾT
Cha Roberto Malgesini, 51 tuổi, nổi tiếng với sự dấn thân chăm sóc cho người nghèo và người di dân ở miền bắc nước Ý, được tìm thấy đã chết vì bị đâm, vào khoảng 7 giờ sáng ngày 15 tháng 9.
Cha Roberto được tìm thấy chết trên một con đường gần giáo xứ thánh Rocco của ngài vì bị thương nặng do các vết dao đâm, bao gồm một vết đâm ở cổ.
Một người di dân gốc Tunisia 53 tuổi thú nhận đã đâm cha và sau đó tự nộp mình cho cảnh sát. Người này được cho là bị một số bệnh tâm thần. Cha Roberto biết người này và cho ông ngủ trong một phòng dành cho người vô gia cư do giáo xứ điều hành.
Cha Roberto là điều phối viên của một nhóm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Buổi sáng ngày bị giết, lẽ ra cha đến giúp bữa ăn sáng cho những người vô gia cư. Năm 2019, cha bị cảnh sát địa phương phạt vì cung cấp thức ăn cho những người sống dưới mái hiên của một nhà thờ cũ.
 
Linh mục dâng hiến sự sống cho Chúa nơi những người rốt cùng trong xã hội
Đức cha Oscar Cantoni của giáo phận Como đã chủ sự buổi lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho cha Roberto tại nhà thờ chính tòa Como vào lúc 8:30 tối cùng ngày 15 tháng 9. Ngài nói: “Chúng tôi tự hào là giám mục và là Giáo hội của một linh mục đã hiến mạng sống của mình cho Chúa Giê-su nơi những người “rốt cùng nhất”.
 
Thông cáo của giáo phận Como nói rằng “khi đối mặt với thảm kịch này, giáo phận Como cầu nguyện cho cha Roberto và cho người đã giết cha”.
 
Người đã sống Tin Mừng từng giây phút trong mỗi ngày
Luigi Nessi, một tình nguyện viên làm việc với cha Roberto nhận xét cha Roberto là một người đã sống Tin Mừng hàng ngày, trong mọi giây phút trong ngày. Ngài là một biểu hiện đặc biệt của cộng đoàn chúng tôi. Còn cha Andrea Messaggi chia sẻ: “Cha Roberto là một người đơn giản. Cha chỉ muốn là một linh mục và cách đây nhiều năm cha đã bày tỏ với Đức cha trước đây của giáo phận ước muốn này. Vì thế cha được gửi đến giáo xứ thánh Rocco, nơi mỗi sáng cha mang đồ ăn sáng cho những người rốt cùng. Ở đây mọi người biết cha và tất cả họ yêu quý cha”.
Cha Roberto qua đời là một nỗi buồn đau cho cộng đồng người di dân. (CNA 15/09/2020)
 
Hồng Thủy - Vatican News
 
2. Những con số biết nói
 
Stt
 
Quốc gia
 
Được chữa khỏi
 
Tử vong
 
Tổng số
1
Pháp
6.504.169
115.488
6.897.392
2
Bồ Đào Nha
999.083
17.853
1.054.673
3
UAE
719.163
2.062
728.266
4
Việt Nam
363.462
15.018
601.296
 
 
 
 
 
 
Thế giới
 
201.586.094
 
4.637.468
 
225.062.072
 
Cập nhật lúc 6g25, ngày 12.9.2021
 
3.        Khuôn vàng thước ngọc (Mc 8,27-35, Chúa nhật tuần XXIV Thường niên)

Thiên Chúa có thể cứu độ con người bằng nhiều cách. Thế nhưng, trong thực tế, Ngài đã chọn con đường đau khổ, con đường thập giá. Chính vì thế mà chúng ta đừng ngạc nhiên, đừng sợ hãi khi thấy đau khổ hay thập giá trong cuộc đời, bởi vì đó là con đường Đức Giêsu đã đi qua và cũng là con đường dẫn tới sự sống, dẫn tới vinh quang phục sinh.
 
Mỗi lần Đức Giêsu loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài, thánh Máccô thường cho kèm theo vài lời của Đức Giêsu về những hiệu quả của Mầu Nhiệm Vượt Qua, nhưng đồng thời cũng là những yêu sách đối với các môn đệ. Những yêu sách này cho thấy định mệnh của mọi tín hữu là phải hoạ lại định mệnh của Đức Giêsu. Đây là một trong những đỉnh cao của Tin Mừng và Kitô giáo. Ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Thành ngữ “vác thập giá mình” gợi lên tập tục theo đó người mang án tử hình bị treo trên thập giá phải tự mình vác thập giá đến nơi thọ hình.
Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi”. Đó là những lời Kinh Thánh trong Bài đọc I, được trích từ sách ngôn sứ Isaia. Đây là lời loan báo về những khổ hình mà Đấng Mêsia sẽ phải chịu để chu toàn sứ mạng cứu độ con người. Thế nhưng, khi đọc những lời này, những người Do Thái đã không coi đó là những điều nói về Đấng Mêsia, bởi vì họ quan niệm Đấng Cứu Thế phải là vị vua với binh hùng tướng mạnh, bách chiến bách thắng.
Tuy nhiên, không chỉ có người Do Thái hiểu sai về một Mêsia thiên giới mà ngay cả các Tông đồ, tiêu biểu là Phêrô cũng có một quan niệm tương tự như vậy về Đấng Cứu Thế như chúng ta nghe thấy trong bài Tin Mừng. Thật vậy, ngay sau khi Đức Giêsu loan báo: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”, lập tức Phêrô đã kéo riêng Đức Giêsu ra và bắt đầu trách Ngài. Cũng dễ hiểu thôi; bởi vì, khi Đức Giêsu kết hợp sứ vụ của Đấng Mêsia với sự đau khổ và sự chết là Ngài đang đặt các môn đệ trước những điều khó tin và thật sự khó hiểu. Suốt đời, họ vẫn quan niệm về một Đấng Mêsia bách chiến bách thắng, thế mà bây giờ họ lại được nghe trình bày một ý niệm mới mẻ và hoàn toàn xa lạ nên đã khiến họ phải choáng váng. Chính vì lý do đó nên Phêrô đã mạnh mẽ phản đối Thầy.
Đáp lại phản ứng sai lạc của người môn đệ thân tín, Đức Giêsu đã nặng lời với Phêrô và gọi ông là Satan; bởi vì đây cũng chính là cơn cám dỗ của Satan dành cho Đức Giêsu, khi Ngài ăn chay bốn mươi đêm ngày trong hoang địa để chuẩn bị cho sứ vụ công khai của mình. Cơn cám dỗ của Satan là muốn Đức Giêsu từ bỏ công trình cứu độ của Thiên Chúa bằng con đường hy sinh và thập giá, để chọn lấy con đường rộng rãi và thênh thang, nghĩa là con đường cứu độ mà không cần phải hy sinh, không cần phải đau khổ và dĩ nhiên cũng chẳng cần phải chết. Chính Phêrô cũng đã bị cơn cám dỗ ấy mê hoặc khi ông ngăn cản Đức Giêsu bước vào con đường khổ nạn. Phêrô tưởng mình theo Chúa nhưng thực ra ông đang đi theo đường lối của Satan. Phêrô tưởng mình đứng về phía Đức Giêsu nhưng thực chất ông đang là đồng minh của ma quỷ, tức là ông đang ở thế đối nghịch lại với Thầy của mình.
Thế nhưng, bất chấp những rào cản của Satan cũng như của Phêrô, Đức Giêsu đã trung thành với con đường cứu độ ngang qua thập giá và khổ đau. Ngoài ra, Đức Giêsu cũng mời gọi những ai muốn làm môn đệ của Ngài thì cũng hãy bước theo con đường đó: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.Đức Giêsu mời gọi chúng ta vác thập giá theo Ngài; bởi vì sự sống đích thực được khởi nguồn và tuôn trào từ mầu nhiệm thập giá. Thật vậy: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12, 24).
Trong bài đọc II, thánh Giacôbê Tông đồ đã khuyên dạy chúng ta: Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì?” Bởi vì, “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”. Cũng vậy, nếu chúng ta chỉ tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô mà không sống những đòi hỏi của Ngài, thì liệu lời tuyên xưng ấy có cứu được chúng ta chăng? Cũng theo thánh Giacôbê Tông đồ, sống đức tin chính là sống giới luật bác ái yêu thương. Ngài nói: “Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: "Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm", mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?” (Gc 2, 14-18). Chớ gì chúng ta cũng có được một sự nhạy bén cần thiết để thấu hiểu và sẵn lòng chia sẻ những gì có thể cho anh chị em của mình.
 
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết thể hiện đời sống đức tin của mình bằng những hành động bác ái, hy sinh và phục vụ mọi người một cách cụ thể nhất. Xin cho chúng con biết can đảm vác thập giá theo chân Chúa mỗi ngày và xin đừng để những cám dỗ làm lung lạc ý chí hay cản trở chúng con trên bước đường trở nên người môn đệ đích thực của Chúa. Xin cho chúng con biết khát khao dâng tặng sự sống của chính mình, để nhờ đó mà chúng con sẵn lòng hiến thân phụng sự Chúa và hết tình phục vụ tha nhân.
 
         4. Lời bàn
- Trích đoạn Sách Thánh mà chúng ta nghe hôm nay đã ghi lại một biến cố quan trọng trong cuộc đời của Đức Giêsu. Sự kiện này xuất hiện ở ngay giữa sách Tin Mừng theo thánh Máccô và có cảm giác là nó được cố ý sắp xếp như vậy. Tuy nhiên, nếu xét theo một phương diện nào đó, thì khoảnh khắc này cũng là một cơn khủng hoảng trong đời sống của Đức Giêsu. Cho dù các môn đệ Ngài có nghĩ gì đi chăng nữa, thì Đức Giêsu cũng đã biết chắc chắn ở phía trước, sừng sững một cây thập giá chẳng thể né tránh và mọi sự không còn kéo dài bao lâu nữa. Các phe phái chống đối đang tập trung lực lượng để tấn công Ngài. Vấn đề mà Đức Giêsu đang phải đối diện đó là: Ngài đã sống, đã giảng dạy, đã đi đây đó nhiều nơi và đã thực hiện bao việc lạ lùng, thế nhưng chẳng một ai nhận biết cách chân xác về Ngài. Chính vì vậy, Đức Giêsu đã muốn gấp rút chuẩn bị cho các môn đệ hiểu biết về Ngài cách sâu xa hơn bằng cách thực hiện một cuộc trắc nghiệm đối với các ông. Đức Giêsu bắt đầu bằng việc dò hỏi các môn đệ xem thiên hạ nói gì về Ngài. Đức Giêsu dễ dàng có ngay các câu trả lời từ các môn đệ, bởi vì chính họ nghe biết được từ dư luận của quần chúng. Tiếp theo là một khoảnh khắc im lặng đến nghẹt thở khi Ngài đặt một câu hỏi mang nhiều ý nghĩa: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đại diện cho các môn đệ, Phêrô mau chóng trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”. Là Kitô hữu, chúng ta cũng luôn đối diện với câu hỏi mà Đức Giêsu đã đặt ra cho các môn đệ. Tuy nhiên, phận vụ của chúng ta không chỉ trả lời cho câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” mà còn phải sống để cho người ta thấy rằng, người môn đệ đích thực của Đức Giêsu là như thế nào.
- Ngay sau khi Phêrô khám phá ra điều đó, Đức Giêsu bảo các ông không được nói điều này với ai. Tại sao vậy? Trước nhất và trên hết, Đức Giêsu cần thêm chút thời gian để dạy cho các ông biết Mêsia thật sự có nghĩa gì. Vậy, muốn hiểu rõ điều mà Đức Giêsu đang muốn truyền thụ cho các đồ đệ, chúng ta cần khảo sát một chút về các ý niệm liên hệ tới Đấng Mêsia vào thời Đức Giêsu.
+ Người Do Thái chẳng khi nào quên họ là tuyển dân của Thiên Chúa theo một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Vì lý do đó, lẽ tự nhiên, họ luôn mong dân tộc mình chiếm một vị trí ưu tuyển giữa lòng nhân loại. Họ luôn mơ ước một ngày nào đó, họ sẽ có một vua khác thuộc dòng dõi Đavít, một vị vua sẽ khiến họ trở thành vĩ đại trong sự công chính và trổi vượt về uy quyền trên các dân nước khác. Nhưng thời gian trôi qua, sự vĩ đại mà họ mơ ước đã không những không chinh phục được ai, không thống trị được nước nào mà trái lại, đất nước họ chẳng mấy khi nếm hưởng được sự thái bình an lạc.
 + Người ta tin rằng, trước thời Đấng Mêsia đến, sẽ có một giai đoạn đại nạn. Đó là cơn đau quặn, là cơn chuyển dạ của kỷ nguyên mới. Tất cả những gì khủng khiếp có thể quan niệm được sẽ bùng nổ trên trái đất, mọi tiêu chuẩn về vinh dự, về luân lý đạo đức đều bị đánh đổ, thế gian này sẽ trở thành một cảnh hỗn mang về cả phương diện thể chất lẫn tinh thần. Sách Mishnah kể ra các dấu hiệu cho biết Đấng Mêsia gần đến: "Sự khoe khoang tăng thêm, tham vọng nảy sinh. Các chính quyền biến thành tà giáo. Không có sự dạy dỗ nữa, các nhà hội dành cho việc dâm đãng. Con nít mắng chửi người già cả. Con trai khinh cha, con gái chống đối mẹ, nàng dâu nghịch cùng mẹ chồng. Kẻ thù của người ta là thân nhân ở trong nhà mình".Trước khi Đấng Mêsia đến là thời kỳ mà thế gian bị xé ra từng mảnh và mọi dây ràng buộc đều bị nới lỏng. Trật tự vật thể và tinh thần đều sụp đổ.
 
+ Tiếp theo đó, người ta cũng tin rằng, thành Giêrusalem sẽ được thay một bộ cánh mới. Đôi khi người ta nghĩ thành phố hiện có sẽ được làm mới lại, nhưng thông thường hơn thì nghĩ rằng, thành Giêrusalem mới sẽ từ trời xuống. Ngôi nhà cũ sẽ được cuốn lại và đem đi chỗ khác, ngôi nhà mới được thế vào, “Tất cả cột trụ đều mới và đồ vật trang trí đều lớn hơn trong nhà cũ”.
+ Mặt khác họ cũng cho rằng, vào thời Đấng Mêsia cai trị, dân Do Thái đã bị lưu lạc khắp thế gian sẽ được gom về thành Giêrusalem mới. Nhằm hướng về ngày đó, bài cầu nguyện của người Do Thái mỗi ngày đều có lời khấn xin: “Xin hãy giương lên một ngọn cờ để thu góp những kẻ lưu lạc của chúng tôi khắp bốn phương trời lại”. Thật dễ thấy, thế gian này sẽ được làm mới lại theo cách nào dưới mắt người Do Thái. Lòng yêu nước của họ bao giờ cũng là yếu tố nổi bật.
- Có thể nói, các ý niệm về Đấng Mêsia vốn ngự trị trong tâm trí người Do Thái mãi cho tới lúc Đức Giêsu đến với họ. Các ý niệm ấy vốn tàn bạo, đầy tinh thần quốc gia cực đoan, gây đau thương và báo thù. Thật ra, chúng cũng được họ kết thúc bằng sự trị vì trọn vẹn của Thiên Chúa, nhưng muốn đạt đến đó, phải trải qua trận tắm máu và một sự nghiệp chinh phạt. Hãy nghĩ về việc Đức Giêsu bị đặt trong một bối cảnh như vậy, cho nên chẳng có gì để ngạc nhiên nếu Ngài cần huấn luyện cho các môn đệ hiểu biết về ý nghĩa đích thực của Đấng Mêssia. Đức Giêsu sắm vai là một Mêsia, nhưng Ngài đem đến một nền hòa bình, nơi mà công lý được bảo toàn và niềm vui thay cho thói bạo tàn, chết chóc.
- Bên cạnh đó, sứ điệp Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy sự thành thật nơi Đức Giêsu là điều đáng ngạc nhiên. Chưa hề có ai nói rằng mình đã bị xúi giục đi theo Đức Giêsu. Ngài không hề mua chuộc hay dẫn dụ người ta bằng cách đề nghị một con đường dễ dãi. Ngài không đề nghị với con người sự bình an, Ngài chỉ loan báo cho họ sự quang vinh mai hậu. Nói với một người phải sẵn sàng vác thập giá cũng có nghĩa là nói cho người ấy biết, họ phải sẵn sàng chịu người đời nhìn mình như một tên tội phạm và chấp nhận lãnh án tử hình. Đức Giêsu không bao giờ nghĩ đến chuyện lừa gạt và bảo người ta theo Ngài bằng cách hứa hẹn cho họ một con đường rộng mở thênh thang. Ngài đã tìm cách thách thức họ, khơi dậy chí khí đang ngủ mê trong tâm hồn họ, bằng cách đề nghị với họ con đường ngày càng lên cao, càng gian khổ. Ngài không hứa hẹn sẽ khiến đời sống họ được dễ dàng hơn, nhưng sẽ khiến họ trở thành vĩ đại hơn.
- Đức Giêsu không hề kêu gọi con người thực hiện thay đổi bất cứ chuyện gì mà chính Ngài lại không sẵn sàng đương đầu hay thực hiện trước. Chắc chắn đó là đặc tính của một lãnh tụ được nhiều người tin và đi theo. Đức Giêsu không phải là một lãnh tụ chỉ ngồi phía đằng xa và đùa giỡn với sinh mạng của người khác như là sử dụng những con chốt thí. Nếu Ngài đòi hỏi người ta phải đương đầu với điều gì, thì chính Ngài cũng sẵn sàng đối diện với nó. Đức Giêsu có quyền kêu gọi chúng ta hãy vác thập giá bởi vì chính Ngài đã từng sẵn lòng vác thập giá trước mặt nhân loại.
- Đức Giêsu dạy cho những ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải biết “liều mình”. Ta sẽ hiểu câu này rõ hơn theo nghĩa đen trong nguyên văn của nó. Câu này có nghĩa là “Hãy nói không với chính mình”. Nếu ai muốn theo Đức Giêsu thì luôn luôn phải trả lời “không” với chính mình và đáp “vâng” với Chúa. Người ấy phải đáp “không” với tính tự nhiên thích dễ dãi, an vui cho bản thân. Người ấy cũng phải trả lời “không” với hành động đặt nền tảng trên ý riêng và nhắm tìm tư lợi, thoải mái cho chính mình. Người ấy phải trả lời “vâng” với tiếng nói và lệnh truyền của Đức Giêsu mà không chút phân vân. Người ấy phải đồng hành với thánh Phaolô để cũng có thể thốt lên rằng: “Không phải tôi sống mà chính là Đức Kitô đang sống trong tôi”. Người ấy sẽ không thể sống để theo đuổi ý riêng nữa, nhưng để theo ý của Chúa, và trong khi phục vụ Ngài, người ấy thực sự cảm thấy mình được tự do hoàn toàn.
- Có nhiều điều hay muốn giữ thì mất, nhưng nếu đem ra sử dụng thì giữ lại được. Bất cứ tài năng nào của con người cũng vậy. Nếu sử dụng, nó sẽ phát triển thành thuần thục và chuẩn xác hơn. Còn nếu chúng ta không chịu dùng đến nó, cuối cùng nó sẽ mai một đi. Trước hết và trên hết mọi sự, cuộc đời của con người vốn giống y như vậy.
- Chúng tôi tự hào là giám mục và là Giáo hội của một linh mục đã hiến mạng sống của mình cho Đức Giêsu nơi những người “rốt cùng nhất”. Quả thật, khi nhìn vào cuộc đời tận tụy và hết lòng với tha nhân của cha Roberto Malgesini, chúng ta thực sự có nhiều điều để tự hào về ngài. Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống để sử dụng chứ không phải đem giấu đi hay giữ lại cho riêng mình. Nếu chúng ta sống mà lúc nào cũng ưu tiên suy nghĩ về lợi lộc, thoải mái, an toàn hay về sự sung túc của riêng mình; nếu mục đích duy nhất của chúng ta là kéo dài cuộc đời nhằm trốn tránh đau khổ càng nhiều càng tốt, hoặc nếu chúng ta chỉ chịu lỗ lực khi nào có lợi cho riêng mình,… thì cuối cùng chúng ta sẽ đánh mất đời sống của chính chúng ta. Nhưng nếu chúng ta dùng đời sống mình mà phục vụ tha nhân, nếu đầu tư thì giờ, sức khỏe, tài sản của một việc gì đó cho Chúa và cho những người mà Ngài đã chịu chết thay, chúng ta luôn luôn trở thành người thắng cuộc. Điều gì sẽ xảy ra trên thế giới này nếu như các bác sĩ, các khoa học gia đều không chịu liều mình mà làm các thí nghiệm và thường là trên chính bản thân họ. Chuyện gì sẽ xảy ra cho thế giới này, nếu mọi người chỉ muốn sống an nhàn vô sự ở nhà, chẳng ai chịu đi tiên phong thực hiện những cuộc thám hiểm?
- Vince Lombardi từng nói: “Một người có thể trở nên vĩ đại như anh ta muốn. Nếu bạn tin tưởng vào bản thân, có được lòng dũng cảm, sự cương quyết, sự cống hiến, một tinh thần thích cạnh tranh và bạn sẵn sàng hi sinh những điều nhỏ bé của cuộc sống, sẵn sàng trả giá cho những thứ xứng đáng thì bạn hoàn toàn có thể làm được. Cha Roberto Malgesini đã dành cả đời để theo đuổi ước mơ được dâng tặng chính mình. Đó là một cuộc phiêu lưu mà chính ngài đã tự nguyện tham gia. Ngài đã chấp nhận mòn hao thân xác khi tận lực hiến dâng, nhưng điều đó lại trở thành cơ may để ngài có thể nhận lại được sự sống mà Thiên Chúa đã hứa ban. Jim Rohn, một diễn giả nổi tiếng người Mỹ từng nhận xét rằng: “Nếu bạn không dám mạo hiểm với những điều không bình thường, bạn sẽ mãi chôn chân với những điều bình thường”. Chắc hẳn cuộc đời của cha Roberto cũng đi theo một lộ trình như thế khi ngài chọn dấn thân vào một công việc mà không nhiều người coi đó là một thứ “đam mê” để theo đuổi. Thế nhưng, đó lại là điều tạo nên sự khác biệt nơi vị linh mục đáng kính này. Có lẽ mỗi người chúng ta cũng được mời gọi nhìn vào cuộc đời của cha Roberto để duyệt lại động lực dấn thân của mình. Hãy luôn luôn nhớ rằng, ngày nào cũng làm cho đời sống của mình bùng cháy lên, thì vẫn còn hơn là để cho nó ra han rỉ, vì đó chính là con đường đưa chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Viết Cường, O.P. 


Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 26 thường niên, Năm B) (26/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 25 thường niên - Năm B) (19/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 23 thường niên -Năm B) (5/9/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 22 Thường niên - Năm B) (29/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật 21 TN, Năm B) (23/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Đức Mẹ hồn xác lên trời 15/08/2021) (15/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (08/08/2021) (8/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (Chúa nhật, 01/08/2021) (1/8/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (27/7/2021) (27/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (26/7/2021) (26/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (25/7/2021) (25/7/2021)

Góc suy gẫm – Mùa dịch Covid 19 (24/07/2021) (24/7/2021)
 Các tin khác:  1   2   3 
 
 
  Trang chủ Giáo hội Gia đình Bồi dưỡng tâm linh Mục vụ Chuyên đề Thông tin diễn đàn