GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (Chúa nhật 23 thường niên - Năm B)
1. Chuyện chúng mình:
VẠCH TRẦN BỘ MẶT THẬT CỦA “THẦN Y” CHỮA BỆNH CÂM, ĐIẾC
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video quay cảnh một nam thanh niên chữa bệnh câm điếc cho người khác bằng cách dùng tay liên tục ấn, vỗ mạnh vào tai của người mắc bệnh rồi hét lớn vào tai người này hỏi: “Nghe không?” Khi thấy người mắc bệnh gật đầu, thanh niên đưa ngón tay cái ra, biểu thị bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Tiếp đó, một cô gái câm điếc cũng được “thần y” chữa bệnh. Nhưng với bệnh nhân nữ, cách chữa bệnh có đôi chút khác biệt. Đầu tiên, “thần y” bấm mạnh vào mặt cô gái khiến cô ta giật nảy người lên, rồi lần lượt vỗ mạnh tay ở phía bên phải, bên trái trong tiếng ú ớ của bệnh nhân. Chưa dừng lại ở đó, “thầy” còn dùng khăn bọc tay để cầm lưỡi nữ bệnh nhân rút mạnh ra khiến cô gái gục xuống đau đớn…
Ngay sau khi đoạn video trên được chia sẻ trên mạng xã hội, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Công an huyện Tư Nghĩa khẩn trương điều tra xác minh. Trung tá Phạm Văn Bình, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Tư Nghĩa cho biết, qua điều tra xác minh đã làm rõ đối tượng “thần y” là Nguyễn Thành N. (19 tuổi, ở thôn La Châu, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa), sinh viên năm nhất của một học viện âm nhạc.
Ông Huỳnh Tấn Thạnh, ở thôn An Hà 3, xã Nghĩa Trung, cho hay, ông đã nhờ N. chữa bệnh câm, điếc cho người con nuôi tên Ngô Hóa (30 tuổi). Sau khi được N. chữa bệnh với những phương pháp như trên, anh Hóa không khỏi bệnh mà lưỡi bị đau suốt nhiều ngày phải đưa đi bệnh viện điều trị. “Nghe N. bảo chữa được bệnh câm điếc nên tôi vui mừng dẫn thằng Hóa đến. Sau khi vỗ tai, kéo lưỡi nhưng không hết bệnh. Những ngày sau đó lưỡi của đứa con nuôi luôn đau rát”.
Và không chỉ trường hợp anh Hóa, các bệnh nhân khác, sau khi được N. chữa bệnh câm, điếc đều không bớt bệnh, nhưng cổ họng bị đau rát, rất khó khăn trong ăn uống...
Ngày 13/4, làm việc với cơ quan Công an, N. đã thú nhận việc làm sai trái của mình. N. hối lỗi: “Tôi thấy việc làm của tôi sai trái với pháp luật. Cách chữa bệnh phản khoa học. Ngoài ra tôi chưa có bằng y tế về cấp phép chữa bệnh. Vụ việc làm mất ANTT trên địa bàn Quảng Ngãi”.
Qua trao đổi sự việc, các bác sỹ của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, phương pháp chữa bệnh của N. hoàn toàn sai với các bước kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế quy định. Do đó, người dân mắc bệnh nên tới các cơ sở điều trị, các phòng, khoa chuyên môn có chứng nhận, chứng chỉ hành nghề đúng quy định đã được cấp phép để chữa trị. Mọi hình thức chữa bệnh câm, điếc bằng phương pháp phản khoa học như kéo lưỡi, vỗ tai… có thể dẫn tới thương tật, tai biến bất cứ lúc nào.
Trung tá Trần Định, Phó trưởng Công an huyện Tư Nghĩa cho biết thêm, thời gian qua việc nhiều người tự xưng “thần y” chữa bệnh bằng những phương pháp phản khoa học đã khiến cho nhiều gia đình tiền mất, tật mang gây bức xúc dư luận. Cơ quan Công an đã khuyến cáo người dân trên địa bàn nếu phát hiện vụ việc tương tự thì kịp thời báo cơ quan chức năng để xác minh, xử lý. Không nên đặt niềm tin vào việc chữa bệnh phản khoa học để rồi nhận lãnh hậu quả không tốt và gây mất ANTT địa bàn...
Trà Câu
2. Những con số biết nói
Stt
|
Quốc gia
|
Được chữa khỏi
|
Tử vong
|
Tổng số
|
1
|
Lithuania
|
283.305
|
4.598
|
302.014
|
2
|
Nigeria
|
182.46
|
2.522
|
195.052
|
3
|
Estonia
|
135.317
|
1.297
|
143.533
|
4
|
Việt Nam
|
282.516
|
12.793
|
511.117
|
|
…
|
|
|
|
|
Thế giới
|
197.560.579
|
4.573.973
|
221.071.565
|
Cập nhật lúc 6g30 ngày 5.9.2021
3. Khuôn vàng thước ngọc (Mc 7,31-37;Chúa nhật, tuần XXIII Thường niên)
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại việc Đức Giêsu chữa người vừa điếc vừa ngọng. Đức Giêsu làm hai tác động để chữa bệnh cho anh: đặt ngón tay vào lỗ tai và lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh. Ngài cầu nguyện và nói: “Hãy mở ra”, để tai bệnh nhân mở ra và bệnh nhân nói được rõ ràng. Hai việc lạ lùng này cho thấy: Đức Giêsu được Thiên Chúa sai đến trần gian vì mục đích cứu độ; những việc lạ lùng đó chỉ là dấu hiệu làm biểu tượng cho công cuộc giải thoát, cho ơn cứu độ Ngài mang đến. Ngang qua việc chữa lành này, Đức Giêsu đã thực hiện đúng như lời ngôn sứ xưa kia đã loan báo về ngày Đức Chúa báo phục cho dân: “Bấy giờ, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được” (Is 35,5). Trong nghi thức thánh tẩy cho trẻ nhỏ, chủ sự lấy ngón tay cái rờ vào tai và miệng em nhỏ, rồi cầu xin Đức Giêsu ban cho em nhỏ sớm có thể đón nhận lời Ngài và tuyên xưng đức tin để ca tụng và tôn vinh Chúa Cha.Vừa câm lại vừa điếc thể lý, quả là một bất hạnh. Thế nhưng, câm và điếc thiêng liêng còn bất hạnh hơn gấp bội. Chẳng hạn, chúng ta có thể điếc thiêng liêng khi chúng ta không muốn nghe Lời Chúa hoặc nghe mà không hiểu, không lĩnh hội được.
Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy, những người câm thường là những người điếc. Như vậy, đã câm lại thêm điếc thì thật đau khổ biết là chừng nào! Thực ra, đó là chuyện bình thường; bởi vì, chỉ khi nào nghe thì người ta mới tập nói theo được. Thế nhưng, một cách nào đó, như vậy cũng lại là một điều may. May bởi vì giả như câm nhưng không bị điếc, thì khi nghe được, hiểu được, mà không nói lên được suy nghĩ của mình thì thật là đau khổ; nhất là lúc có điều bất bình muốn được phân trần thì lại không thể nói được, do đó lại càng khổ tâm hơn. Ngược lại, nói được mà không nghe được thì lại thành ra “ông nói gà bà nói vịt”; và rồi họ cũng sẽ đau khổ không kém. Bởi thế, đôi khi vừa điếc lại vừa câm, xem ra cũng là một điều may mắn.
Dẫu vậy, cái may mắn như thế lại chẳng có ai mong ước. Nghe được, nói được vẫn là điều có phúc. Bởi đó, chúng ta không lạ gì khi biết rằng, những phép lạ cho người điếc được nghe, người câm nói được đã trở thành dấu chỉ cho biết Đấng Cứu Thế đã xuất hiện và Nước Trời đã đến như chúng ta vừa đọc thấy trong Bài đọc I: “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước” (Is 35,5-7). Và lời ngôn sứ này đã được ứng nghiệm khi Đức Giêsu chữa lành một người vừa câm vừa điếc như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại.
Bên cạnh đó, có một thứ câm điếc nguy hiểm hơn, khó trị hơn mà Đức Giêsu muốn chữa lành cho chúng ta, đó là bệnh câm điếc tinh thần. Thật thế, giả như có ai hỏi chúng ta: “Bạn có biết, bạn cũng đang bị vừa câm lại vừa điếc không?”, chắc chắn chúng ta sẽ cho đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. Thế nhưng, câu hỏi ấy lại không hề ngớ ngẩn chút nào, nếu chúng ta hiểu đó là thứ câm điếc thiêng liêng. Thứ câm điếc này còn nguy hiểm hơn thứ câm điếc thể xác rất nhiều, nhưng thường khó được nhận biết. Do vậy, nó cũng khó được chữa lành.
Chúng ta có thể điếc thiêng liêng khi chúng ta không thích nghe Lời Chúa, bởi vì Lời Chúa không ngừng tra vấn lương tâm chúng ta, không ngừng đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, từ bỏ, vác thánh giá. Chúng ta cũng có thể điếc thiêng liêng khi chúng ta không dám lắng nghe sự thật, cho dù sự thật đó đến từ đâu kể cả từ phía kẻ thù của chúng ta. Đặc biệt, chúng ta cũng có thể mắc bệnh điếc thiêng liêng khi chúng ta bịt tai để khỏi phải nghe những tiếng kêu gào của những người đang gặp cảnh khốn cùng, để khỏi nghe tiếng kêu cứu của những anh em đang cần tới sự giúp đỡ của chúng ta. Và chúng ta cũng có thể mắc bệnh câm thiêng liêng khi chúng ta không dám nói lên sự thật vì sợ sự thật gây mất lòng. Chúng ta cũng có thể mắc bệnh câm thiêng liêng khi chúng ta không dám nói Lời Chúa, không dám nói lên những đòi hỏi của Tin Mừng, không dám lên tiếng bênh vực Giáo Hội, bênh vực những con người nghèo khổ và bị áp bức…
Nếu câm và điếc thiêng liêng là như thế, thì ai trong chúng ta dám tự phụ cho mình không có nguy cơ mắc phải. Chỉ tiếc rằng chúng ta không nhận ra căn bệnh trầm trọng này. Trong sách Khải huyền của thánh Gioan tông đồ, Đức Giêsu đã nói với chúng ta: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Nếu bị điếc, chúng ta sẽ không nghe được tiếng gõ cửa của Chúa; và như thế, Ngài sẽ thất vọng bỏ đi, còn tâm hồn chúng ta sẽ chìm ngập trong đau khổ và bất hạnh vì không có Chúa ở cùng.
Lạy Chúa, Chúa đã đến trần gian để cứu thoát và chữa lành những thương tật nơi tâm hồn cũng như nơi thể xác chúng con. Xin cho chúng con cũng noi theo lòng nhân hậu của Chúa để rồi chúng con cũng biết đỡ nâng những anh chị em kém may mắn hơn mình. Xin đừng để chúng con bưng tai bịt mắt trước những lầm than khốn khổ của tha nhân. Xin canh chừng môi miệng để chúng con chỉ biết nói lời yêu thương thay vì thốt ra những điều gây xúc phạm hoặc tổn thương cho những người đồng loại. Xin biến chúng con thành những khí cụ bình an của Chúa, đồng thời biết liên đới với những người khác để kiến tạo một thế giới công bình và bác ái hơn.
4. Lời bàn
- Câu chuyện này kể lại khởi đầu của một chuyến đi kỳ thú. Đức Giêsu đang từ Tia đến vùng đất chung quanh biển Galilê, nghĩa là Ngài đang từ Tia ở phía Bắc đi xuống phía Nam Galilê, ngang qua ngả Siđôn để đến vùng Thập tỉnh. Đây là một hành trình khá lạ bởi vì Siđôn nằm ở tận cực bắc của đất nước, giáp ranh với Li Băng. Chính vì chỗ khó hiểu này mà nhiều học giả cho rằng văn bản này đã chép sai, đáng lý ra Siđôn chẳng dính dáng gì đến chuyện ở đây. Nhưng hầu như chúng ta có thể chắc chắn rằng, văn bản đúng như hiện có. Một số học giả khác nghĩ rằng, chuyến đi này kéo dài không dưới tám tháng, hoặc lâu hơn thế nữa. Có thể chuyến đi dài hạn này là giai đoạn bình yên trước khi “bão tố” ập đến, một thời gian dài để Đức Giêsu và các môn đệ gắn bó với nhau trước khi cơn giông bão cuối cùng nổi lên. Ngay trong chương tiếp theo, Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế (Mc 8,27-29), và có thể chính nhờ chuyến đồng hành lâu dài này, với nhiều cơ hội được sống riêng với nhau mà ý tưởng đó đã dần ăn sâu vào lòng Phêrô và ngày càng trở nên chắc chắn. Đức Giêsu cần có quãng thời gian đủ dài để chung sống và huấn luyện các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn.
- Khi Đức Giêsu trở lại khu vực Galilê, Ngài đến vùng Thập tỉnh, tại đây người ta đem đến cho Ngài một người vừa điếc vừa ngọng, chắc chắn hai khuyết tật đó đi đôi với nhau, chính bệnh điếc đã khiến người ấy không thể nói rõ. Không có phép lạ nào nêu rõ cách Đức Giêsu hành động đối với bệnh nhân của mình giống như trong phép lạ này.
+ Trước hết, Đức Giêsu tách người điếc riêng ra khỏi đám đông. Đây là sự quan tâm hết sức dịu dàng. Người điếc luôn luôn ngượng nghịu, lúng túng. Theo một vài phương diện thì điếc còn khó chịu hơn đui mù. Người điếc biết mình không nghe được, nên trong đám đông có người tức tối hét vào tai, cố nói cho người ấy nghe, người ấy càng cảm thấy thất vọng hơn. Đức Giêsu đã tỏ ra hết sức dịu dàng đối với người ấy, vì biết người ấy đã phải gặp nhiều khó khăn trong đời sống trước đó.
+ Qua phép lạ này, Đức Giêsu đã hành động như sắp diễn một vở kịch câm, Ngài đặt tay lên lỗ tai người điếc, thấm nước miếng và xức vào lưỡi anh ta; sau đó Ngài ngước mặt lên trời để chứng tỏ rằng chỉ có Thiên Chúa mới giúp được cho loài người. Tiếp đến, Ngài nói một tiếng “Hãy mở ra” và lập tức người điếc được chữa lành. Câu chuyện này cho thấy cách chữa bệnh hết sức sống động của Đức Giêsu. Ngài nhìn thấy và biết bệnh nhân này đang có một nhu cầu, một vấn đề đặc biệt; chính vì vậy, bằng sự quan tâm, Đức Giêsu đã giúp người ấy không cảm thấy khó chịu hay bất ngờ nhưng là khiến anh ta có thể hiểu được điều mà Ngài đang làm.
- Trình thuật hôm nay ghi lại một chi tiết khá lạ với chúng ta. Theo quan niệm hiện nay liên quan tới việc tìm mọi cách để khử trùng trong khi khám chữa bệnh, thì Đức Giêsu lại có những hành động xem chừng rất mất vệ sinh. Thông thường khi chữa bệnh, Đức Giêsu chỉ phán hoặc đặt tay thì bệnh tật đã bị đẩy lui; riêng ở đây, Ngài đặt ngón tay vào lỗ tai và bôi nước miếng vào lưỡi bệnh nhân. Có lẽ chúng ta nên hiểu thế này, Đức Giêsu lúc bấy giờ đang ở trên phần đất của dân ngoại. Rất có thể, theo quan niệm y khoa của vùng đó, người ta sẽ chạm tay vào những cơ phận đang có vấn đề, đồng thời dùng nước bọt, là thứ nước được xem như nguồn sống và kề cận với lời nói mà bôi lên lưỡi. Vì thế, việc Đức Giêsu hành động cũng đã khá quen thuộc với những người chung quanh; chỉ có điều, hiệu quả của những việc làm như thế mới khiến cho họ ngỡ ngàng: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”. Lẽ ra, trình thuật này đã có thể kết thúc ngay sau khi bệnh nhân nói năng được rõ ràng; thế nhưng, tác giả lại ghi chú thêm việc đám đông vi phạm lệnh cấm của Chúa, đồng thời hé mở thân phận Thiên Sai của Đức Giêsu, điều mà Phêrô sẽ tuyên xưng trong chương tiếp theo.
- Thật vậy, sau khi làm phép lạ này, dân chúng đã tuyên bố Ngài làm mọi việc đều tốt lành. Đây là câu kết luận rất quen thuộc với chúng ta, nhất là khi có dịp đọc lại Sách Thánh liên quan tới việc tạo dựng (St 1,31). Khi Đức Giêsu đến, Ngài đem theo sự chữa lành cho thân thể và sự cứu rỗi cho linh hồn con người; như thế, Ngài tiếp tục công cuộc sáng tạo thêm một lần nữa. Từ nguyên thủy, mọi sự đều tốt lành, nhưng vì tội lỗi của nhân loại đã phá hỏng tất cả; nên bây giờ, Đức Giêsu đem trả lại cho thế gian vẻ đẹp đẽ mà Thiên Chúa đã ban ngay từ thuở tạo thiên lập địa.
- “Đầu tiên, ‘thần y’ bấm mạnh vào mặt cô gái khiến cô ta giật nảy người lên, rồi lần lượt vỗ mạnh tay ở phía bên phải, bên trái trong tiếng ú ớ của bệnh nhân. Chưa dừng lại ở đó, ‘thầy’ còn dùng khăn bọc tay để cầm lưỡi nữ bệnh nhân rút mạnh ra khiến cô gái gục xuống đau đớn…”. Tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” đã khiến cho nhiều bệnh nhân cũng như gia đình của họ rơi vào cảnh lao đao vì tiền thì mất mà tật vẫn mang. Câu chuyện trên đây chắc chắn không phải là cá biệt, bởi vì đã từng có rất nhiều người tự nhận mình là “thần y”, có khả năng chữa bá bệnh nhưng kỳ thực, họ chẳng dựa trên bất kỳ một cơ sở khoa học nào cả. Những đồn thổi trong dân gian có thể đến từ một trường hợp ăn may nào đó, hoặc do người ta đã khéo léo đánh bóng tên tuổi của mình bằng những chiêu trò quảng cáo không đúng sự thật. Vì tiền, người ta sẵn lòng làm mọi thứ, bất chấp những gào thét của lương tri; còn bệnh nhân thì chịu thêm một lần đau như bị xát muối, chưa kể đến việc họ còn phải gánh lấy những vết thương do ngoại lực tác động. Đức Giêsu trong câu chuyện hôm nay cũng chữa người bị câm điếc như vậy; thế nhưng, ở đó chúng ta bắt gặp tình thương và lòng trắc ẩn vượt lên trên hết thảy mong chờ của bệnh nhân. Anh ta được chữa lành mà không phải đón nhận thêm bất kì sự khó chịu hay đau đớn nào.
- Knute Nelson, một cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, có lần đã nói rằng: “Giữa những ngày tháng gian khó này, sức khỏe và giấc ngủ tốt là điều làm ta thoải mái”. Có lẽ điều đó vẫn rất đúng với tình cảnh của chúng ta hiện nay. Giữa cơn đại dịch, người ta tìm đủ mọi cách để phòng ngừa cũng như chữa bệnh cho những ai chẳng may bị nhiễm Covid. Rất nhiều cách thức được giới thiệu, từ gia truyền cho đến hiện đại; nhưng dường như chẳng có một phương pháp nào đem lại kết quả vượt trội và đáng tin. Chính vì vậy, mọi người đổ xô tìm cách bảo vệ bản thân cũng như gia đình mình. Lợi dụng tình hình đó, nhiều kẻ đã dùng đủ mọi thủ đoạn để thu lợi bất chính từ những người nhẹ dạ cả tin. Điều này để lại những hệ quả đáng tiếc. Chẳng ai phủ nhận sức tàn phá khủng khiếp của Corona virus, nhất là trong bối cảnh mà các nhà khoa học chưa đưa ra được một phác đồ điều trị thực sự hiệu quả. Chính vì thế, các bệnh nhân bị dương tính càng trở nên hoang mang và dễ tuyệt vọng hơn. Chàng thanh niên xưa kia bị khiếm thính đã phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống thế nào; thì ngày nay, các bệnh nhân bị mất khứu giác cũng rơi vào tình cảnh khốn khó y như vậy. Tuy nhiên, điều khác biệt rất lớn đó là, nếu như chàng thanh niên bị mất thính giác nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng thì ngược lại, những bệnh nhân bị mất khứu giác luôn đối diện với nguy cơ tử vong. Như vậy, sức khỏe thể lý luôn là điều quan trọng đối với hết thảy chúng ta.
- Bài học từ Sách Thánh của ngày hôm nay còn nhắc cho chúng ta nên biết lưu tâm đến một thứ quan trọng hơn, đó là sức khỏe tinh thần. Thật vậy, chúng ta thường mau lẹ trong việc chữa chạy một khi sức khỏe thể lý có vấn đề; nhưng lại thường trễ nải trong việc nhận diện và chữa trị những tật bệnh tâm linh. Nữ văn sĩ người Anh, bà Virginia Woolf, đã có những đánh giá sâu sắc về vấn đề này. Bà nói: “Nếu người ta thành công cao độ trong nghề nghiệp của mình, họ đánh mất tri giác. Thị giác mất đi. Họ không có thời gian để ngắm tranh. Thính giác mất đi. Họ không có thời gian để nghe nhạc. Tiếng nói mất đi. Họ không có thời gian để chuyện trò. Nhân tính mất đi. Kiếm tiền trở nên quan trọng đến mức họ phải làm cả ngày cả đêm. Sức khỏe mất đi. Và họ trở nên ganh đua đến mức họ không chia sẻ thành quả của mình với người khác dù bản thân họ có nhiều hơn. Vậy con người còn lại gì khi mất đi thị giác, thính giác, và cảm nhận cân xứng? Chỉ là kẻ què quặt trong hang mà thôi”. Mong sao những điều này sẽ góp phần soi sáng cũng như giúp ích cho mỗi người, nhất là trong việc đánh giá để xem đâu là thứ tật bệnh mà chúng ta cần chạy chữa càng sớm càng tốt.
Viết Cường, O.P.
|