GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19 (23/07/2021)
1. Chuyện chúng mình:
BIẾT CHÚA QUA SÁCH VỞ: ƠN TRỞ LẠI CỦA NỮ TU PIERMARIA KONDO RUMIKO, NGƯỜI NHẬT BẢN
Sơ Piermaria Kondo Rumiko sinh trong một gia đình theo đạo Shinto hay còn gọi là Thần đạo.Trong thời thơ ấu kinh nghiệm tôn giáo của sơ ảnh hưởng từ người bà. Trở thành nữ tu ở tuổi 24, sau một thời gian trải qua những khó khăn cuộc sống cá nhân và bệnh. “Đức tin là một ân sủng; ơn gọi cho tôi niềm vui”.
Từ Thần đạo đến niềm say mê sách vở và cuộc gặp gỡ Tình yêu Giêsu
Sơ Piermaria Kondo Rumiko sinh ở tỉnh Ehime, phía Tây Bắc vùng Shikoku, Nhật Bản, con của một người thợ mộc. Gia đình của sơ Rumiko theo đạo Shinto hay còn được gọi là Thần đạo. Đạo Shinto hay còn gọi là Thần đạo, là tôn giáo bản địa của người Nhật, có mối quan hệ rất mật thiết với địa lý và lịch sử của Nhật Bản, chính vì vậy nó có nhiều điểm tương đồng với tính cách của người Nhật; một tôn giáo đã định hình văn hóa Nhật Bản cũng như được chính nền văn hóa Nhật Bản định hình. Một điểm khác của Thần đạo so với các tôn giáo khác là nó không có kinh thư hay Kinh thánh, không có các điều răn và cũng không có các điều luật để tín đồ phải tuân theo. Nó chỉ có những câu cầu nguyên đã được truyền khẩu từ đời này sang đời khác.
Từ bé sơ Rumiko đã được cha mẹ dâng vào đền thờ của Shinto như phần lớn những người Nhật khác. Sau đó mỗi năm vào dịp đầu năm mới sơ quay trở lại ngôi đền này. Khi được 9 tuổi, sơ tham gia vào một vũ điệu truyền thống, đánh dấu cho việc trưởng thành của mình.
Trong thời thơ sấu, kinh nghiệm tôn giáo của sơ Rumiko chịu ảnh hưởng rất lớn từ người bà. Sơ nhớ lại: “Bà tôi là một tín đồ trung thành của Thần đạo và còn là người thực hành Phật giáo. Bà cầu nguyện bất cứ lúc nào khi thấy một tượng Phật. Điều này hình thành một cảm giác sâu sắc về tình yêu đối với Thiên Chúa trong tôi”.
Trở thành Kitô hữu
Vào năm 24 tuổi sơ Rumiko trở thành Kitô hữu, sau một thời gian trải qua những khó khăn cá nhân và bệnh tật. Sơ kể lại kinh nghiệm trở thành Kitô hữu như sau: “Tôi yêu thích đọc sách, vì vậy tôi thường xuyên đến các tiệm sách. Ngoài ra đối với tôi, khi đến các cửa hàng sách tôi cảm thấy được sự bình an, thanh thản, khích lệ. Và một lần tình cờ tôi gặp được một cuốn sách của Carl Hilty với tựa đề ‘Cho những đêm không ngủ”. Trong cuốn sách này có rất nhiều đoạn được trích dẫn từ Kinh Thánh. Các câu của Tin Mừng đối với tôi là một niềm an ủi lớn. Như thế tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh”.
Sơ tiếp tục: “Tôi nhận ra rằng Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi tôi cho dù bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống tôi. Tôi nhận ra điều này khi đọc Tin Mừng của Thánh Gioan “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6,37). Tôi cũng thích một bài hát của Tin lành, tôi cảm thấy Chúa gọi tôi qua bài hát này”.
Thiếu nữ Kitô trẻ bắt đầu tham dự các cử hành phụng vụ ở một nhà thờ tin lành. Nhưng sau đó Rumiko cảm thấy được thúc đẩy dâng hiến tất cả cuộc sống cho Thiên Chúa. Rumiko chia sẻ ước muốn này cho một mục sư. Mục sư khuyên cô nên đến một nhà thờ Công giáo, bởi vì theo mục sư trong Tin lành không có đời sống tu trì.
Tại nhà thờ Công giáo Rumiko gặp một phụ nữ, người sau này trở thành mẹ đỡ đầu của sơ. Sơ cho biết: “Tôi đã kể với bà ý định của tôi muốn trở thành một nữ tu; bà đã hướng dẫn và động viên tôi. Sau hai năm học giáo lý, tôi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Mẹ đỡ đầu tôi có hai người bạn là nữ tu của Dòng Nữ tử thánh Phaolô. Thế là bà hướng dẫn tôi vào hội dòng này”.
Sơ cho biết: “Cha mẹ tôi không đồng ý cho tôi trở thành nữ tu, nhưng cũng không ngăn cản tôi. Vào năm 2012 tôi đã tuyên khấn vĩnh viễn. Tôi không cảm thấy cần phải tìm cách thúc đẩy cha mẹ tôi trở lại đạo Công giáo bởi vì đức tin là một ân sủng. Tôi tin chắc rằng họ tin vào Chúa, ngay cả khi những thực hành tôn giáo của cha mẹ tôi khác với tôi. Cha tôi đã qua đời. Hiện nay, tôi còn mẹ tôi và một em trai duy nhất, họ không hiểu sự chọn lựa của tôi, nhưng họ hài lòng, bởi vì ơn gọi đã cho tôi niềm vui”.
2. Những con số biết nói
Stt
|
Quốc gia
|
Được chữa khỏi
|
Tử vong
|
Tổng số
|
1
|
Iran
|
3.204.136
|
88.063
|
3.623.840
|
2
|
Bangladesh
|
969.610
|
18.685
|
1.140.200
|
3
|
Jordan
|
745.551
|
9.929
|
763.106
|
4
|
Việt Nam
|
13.417
|
370
|
78.177
|
|
…
|
|
|
|
|
Thế giới
|
175.624.993
|
4.150.245
|
193.326.479
|
Cập nhật lúc 6g05, ngày 23.07.2021
3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 13,18-23;thứ Sáu, tuần XVI Thường niên)
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy, Đức Giêsu đã giải thích ý nghĩa của dụ ngôn cho các môn đệ; các loại đất được nói tới ở đây là thái độ của những người nghe và đón nhận Lời Chúa: Có người hời hợt, có người thành tâm nhưng không kiên vững, có người cũng thành tâm nhưng đồng thời còn lo lắng nhiều việc khác và có người nghe đồng thời cố gắng thi hành. Chúng ta có thể hiểu rằng, lời giải thích là của Giáo Hội muốn biến dụ ngôn về Lời Chúa thành ngụ ngôn về thái độ khác nhau của những kẻ đón nghe Lời Chúa. Một khi đã chấp nhận tiềm năng của Lời Chúa, mỗi tín hữu phải cộng tác tối đa để lời ấy thật sự mang lại kết quả cao nhất.
Chuyện kể rằng, sở dĩ thánh Phanxicô Xaviê đã từ bỏ tất cả, từ bỏ mọi vinh quang trần thế để hiến dâng cuộc đời cho Chúa, cho việc loan báo Tin Mừng cứu độ, là nhờ một người bạn thân đã không ngừng lặp lại cho ngài câu Kinh Thánh, đó là: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? ” (Mc 8,36). Thế nhưng, mặc dù Lời Chúa là hạt giống tự nó có sức mạnh tác động và biến đổi tâm hồn con người, nhưng để nó thực sự sinh hoa kết trái, thì tâm hồn chúng ta phải là một mảnh đất tốt, nghĩa là phải có những điều kiện cần thiết để Lời ấy được lớn lên và trổ sinh bông hạt.
Trước hết, để hạt giống Lời Chúa có thể tác động và biến đổi tâm hồn, đòi hỏi chúng ta phải hiểu Lời Chúa. Một khi không hiểu, thì Lời Chúa chúng ta nghe được ví như những hạt giống bị quỉ dữ đến cướp mất. Chính vì thế, việc lắng nghe không thôi thì chưa đủ, chúng ta cần phải nghiền ngẫm để Lời được thấm vào tâm hồn, trở nên lương thực và trở thành máu thịt của chúng ta nữa.
Kế đến, để hạt giống Lời Chúa có thể sinh hoa kết trái trong tâm hồn, đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn để cho Lời Chúa âm thầm tác động, soi sáng và hướng dẫn ngay cả khi chúng ta gặp khó khăn thử thách. Chúng ta được mời gọi noi theo gương của Mẹ Maria, dù không hiểu, Mẹ vẫn ghi nhớ Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng. Nhờ đó mà Mẹ được kết hợp với con của mình cách sâu xa nhất.
Cuối cùng, để hạt giống Lời Chúa có thể sinh hoa kết trái trong cuộc đời cũng như trong tâm hồn, đòi hỏi chúng ta phải biết hy sinh, từ bỏ; bởi vì, Lời Chúa luôn luôn có những đòi hỏi đi ngược lại với những ước muốn tự nhiên của con người. Đức Giêsu mời gọi những ai muốn theo Ngài thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo. Như thế, nếu muốn theo Chúa thì tất nhiên chúng ta cũng phải biết hy sinh, thậm chí là phải hy sinh cả mạng sống của mình.
Tuy nhiên, dụ ngôn này không chỉ nói đến người nghe, nhưng đồng thời nó còn để cập đến người đi gieo Lời Chúa nữa. Nó không chỉ có ý nói với đám đông đang lắng nghe, nhưng còn muốn nói đến nội bộ các môn đệ. Không khó để có thể thấy rằng trong lòng các môn đệ đôi khi cũng có sự nản lòng, ngờ vực. Đức Giêsu đối với họ là tất cả, là người khôn ngoan nhất và là người kỳ diệu hơn bất kì ai khác. Tuy nhiên, nói theo kiểu người phàm thì thành công đến với Ngài quả là rất khiêm tốn. Cửa hội đường đã khép dần lại trước mắt Đức Giêsu, những nhà lãnh đạo Do Thái là những kẻ chỉ trích Ngài cay nghiệt nhất và rõ ràng họ đang tìm cách thủ tiêu Ngài. Đám đông đến để nghe Ngài, nhưng có ít người thật sự được biến đổi. Có quá nhiều người đến để xin hưởng quyền năng chữa bệnh của Ngài, nhưng khi nhận được rồi họ bỏ đi và lãng quên. Có rất nhiều người đến với Đức Giêsu chỉ vì những điều họ có thể nhận được từ Ngài mà phớt lờ những điều được kêu mời để dần trở nên hoàn thiện. Các môn đệ đối diện với một tình trạng là dường như Đức Giêsu không làm dậy lên được điều gì khác hơn là sự thù ghét của giới lãnh đạo tôn giáo và đáp ứng yếu ớt của đám đông trước lời mời gọi hoán cải để đón nhận Tin Mừng. Thế nhưng, dẫu thế nào đi chăng nữa, việc Đức Giêsu kể ra dụ ngôn này là nhằm nhắc các môn đệ phải tiếp tục gieo vãi hạt giống Lời Chúa. Họ luôn được mời gọi đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và kiên trì: Dù thành công hay thất bại, dù đất đai có tươi tốt hay khô cằn, dù thiên nhiên có bất lợi hay thuận lợi thì mùa gặt tươi tốt vẫn luôn là niềm hy vọng cho những kẻ đi gieo trồng.
Lạy Chúa, xin biến đổi tâm hồn chúng con thành mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ để hạt giống Lời Chúa đã gieo vãi nơi ấy được bén rễ sâu và phát triển từng ngày. Xin bồi bổ tâm hồn chúng con bằng nguồn ân thánh để cây đức tin nơi chúng con được trở nên kiên cường và đủ sức trụ vũng trước những gian nguy của cuộc sống. Ước gì lời Chúa hôm nay đem lại niềm tin và hy vọng cho chúng con. Xin cho Lời Chúa củng cố chúng con trong niềm xác tín rằng, những gì chúng con gieo trong đau thương và nước mắt sẽ được trổ bông chín vàng trong ngày Chúa quang lâm.
4. Lời bàn
- Bài học của dụ ngôn này thật rõ ràng, đó là mùa gặt chắc chắn phải có. Đối với những nhà truyền giáo thiếu tự tin, thì bài học về việc mô tả hạt giống sinh sôi nảy nở thật phong phú ở cuối dụ ngôn là một liều thuốc khích lệ tinh thần. Một số hạt giống có thể rơi nhằm lối đi, một số khác có thể rơi nhằm lớp đất mỏng và không bao giờ có thể lớn lên được. Một số có thể rơi nhằm bụi gai và bị chèn ép đến chết. Dù vậy, mùa gặt phải đến, mùa gặt chắc chắn phải có. Không có nông dân nào kỳ vọng mọi hạt giống gieo xuống đất đều đâm bông kết trái, người ta biết quá rõ là một số sẽ bị gió cuốn đi, một số rơi nhằm những chỗ không thể mọc được, nhưng điều đó không thể ngăn cản việc gieo hạt giống của họ; cũng như không làm làm tiêu tan hy vọng nơi họ về mùa gặt. Người làm ruộng gieo giống với niềm tin tưởng rằng, dù phải mất đi một số hạt giống nhưng mùa gặt sẽ đem đến cho họ nhiều hơn những gì họ đã bỏ ra. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội hôm nay cũng vậy. Chúng ta được mời gọi kiên trì trong việc rao giảng Lời Chúa, đừng mong thu nhận kết quả trong một sớm một chiều và cũng đừng sờn lòng nếu gặp phải những thử thách gian truân. Hãy nhớ tới lời dạy của thánh Phaolô mà thêm nhiệt, thêm tin tưởng vững vàng: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).
- Khi một người đi gieo lời của Chúa, người ấy chỉ gieo và không cần biết kết quả hoạt động đó sẽ như thế nào. Công tác của chúng ta là gieo không chút nản lòng, phần còn lại hãy để cho Chúa. Khi một người đi gieo giống, anh ta không thể và không được trông đợi kết quả tức khắc. Trong thiên nhiên, sự tăng trưởng không bao giờ vội vã, phải mất một thời gian dài để hạt giống đơm hoa kết quả. Và có thể còn phải mất một thời gian dài hơn nữa để hạt giống nảy mầm trong lòng người ta. Chúng ta đang sống trong thời đại mà người ta muốn tìm những thành quả tức thời, thu hồi vốn mau chóng và lợi nhuận càng cao càng tốt. Thế nhưng trong việc truyền giáo, chúng ta phải biết kiên nhẫn và hy vọng, nhiều khi chúng ta phải mất nhiều năm mới thu hoạch được và thậm chí là chúng ta gieo nhưng những sứ giả đến sau rất lâu mới có cơ hội hưởng nếm trái ngọt. Hãy kiên gan và đừng phiền muộn vì những điều đó.
- Có người nghe với một tâm trí đóng kín. Có những người mà lời nói không hề thấm vào tâm trí họ như thể hạt giống đã rơi xuống chỗ đất chai cứng vì bị nhiều bàn chân giẫm lên. Nhiều điều có thể đóng kín tâm trí con người, thành kiến có thể khiến người ta đui mù đối với mọi điều mà họ không muốn nhìn thấy. Một tâm trí ngoan cố có thể dựng lên một rào cản không dễ gì đánh đổ được. Tâm hồn ngoan cố có thể là hậu quả của hai điều: Trước hết, có thể là hậu quả của lòng kêu ngạo không biết rằng mình cần biết. Thứ hai, có thể là hậu quả của sự sợ hãi trước một chân lý mới và ngần ngại xông pha mạo hiểm trên những nẻo đường tư duy. Đôi khi lối sống vô đạo đức có thể đóng cửa tâm trí con người ta lại, vì có thể chân lý sẽ lên án những điều họ yêu thích và tố giác đường lối cũng như hành động của họ. Thật không ai đui mù bằng những kẻ cố tình không chịu mở mắt ra để tìm kiếm chân lý.
- Có những người nghe với tâm trí như mảnh đất nông cạn. Họ suy nghĩ thiếu cặn kẽ và thấu đáo. Có những người thích chạy theo trào lưu. Họ chấp nhận thật nhanh rồi bỏ cuộc cũng mau lẹ không kém. Họ luôn luôn chạy theo thời trang, họ bắt đầu một sở thích mới và theo đuổi một thành tích mới với lòng nhiệt thành, nhưng khi gặp khó khăn thì bỏ cuộc, hoặc lòng nhiệt thành tàn lụi thì họ để việc đó sang một bên. Nhiều người suốt đời bắt tay vào rất nhiều việc mà chẳng hoàn tất được việc nào. Đối với đời sống đức tin cũng vậy, một người nghe giáo lý có thể bị lôi cuốn bởi cảm xúc, nhưng không ai có thể sống bằng cảm xúc. Con người có trí tuệ nên buộc phải có đức tin sáng suốt. Kitô giáo có những đòi hỏi và người ta phải đối diện với những đòi hỏi này trước khi tiếp nhận. Kitô giáo không chỉ mang đến quyền lợi nhưng cũng đòi hỏi bổn phận đi kèm. Một tấm lòng nhiệt thành bột phát đột ngột thường có thể trở thành một ngọn lửa mau chóng tàn lụi.
- Có những người nghe nhưng lại có quá nhiều sở thích đến nỗi những điều quan trọng nhất bị đẩy ra khỏi cuộc sống của họ. Đặc điểm của đời sống hiện đại là càng ngày càng náo nhiệt và vội vã. Người ta trở nên quá bận rộn không thể cầu nguyện nổi. Đầu óc bị choán quá nhiều thứ đến nỗi quên mất việc học Lời Chúa, họ có thể xông xáo trong những ban bệ, những công tác, những tổ chức từ thiện đến nỗi không còn chút thời giờ nào rảnh dành cho Đấng khởi nguồn của tình yêu và phục vụ. Công việc làm ăn của người ta có thể bám chặt lấy họ đến độ mà người ấy quá mệt mỏi và không còn nghĩ đến chuyện nào khác. Không phải chỉ có điều xấu hiển nhiên mới là nguy hiểm mà đôi khi có cả những điều tốt, vì điều hơi tốt luôn luôn là kẻ thù số một của điều tốt nhất. Người ta không phải cố tình bỏ qua sự cầu nguyện, học hỏi và đọc Kinh Thánh; có thể họ thường nghĩ đến điều đó, mong ước có thì giờ và định sắp xếp thời gian dành cho việc ấy, nhưng rồi cách này hay cách khác, đời sống sôi động không bao giờ buông tha họ và rồi họ quên béng những dự định tốt lành. Chúng ta phải cẩn thận để đừng đẩy Chúa ra khỏi địa vị ưu tiên nhất trong đời sống của mình.
- Có người giống như mảnh đất tốt. Người ấy tiếp nhận Lời Chúa với tâm trí lúc nào cũng mở ra, lúc nào người ta cũng muốn học hỏi. Người ta sẵn sàng nghe Lời Chúa dạy, họ thu xếp công việc để thấy mình không quá bận rộn đến nỗi không thể suy niệm điều mình đã lắng nghe. Đây là những người con thánh thiện và không ngừng khát khao đạt đến Chân lý vẹn toàn. Họ sẵn sàng dành cả đời để đi lục lọi tìm kiếm những giá trị của Nước trời. Đối với họ, mọi sự khác đều là phụ thuộc, là thứ yếu. Họ qui hướng tất cả mọi sự đều nhằm làm vinh danh Thiên Chúa. Họ là những con người thực sự hy sinh mọi sự để đi tìm viên ngọc quý và kho tàng trong ruộng. Họ là tấm gương trong không vương chút bụi trần. Họ tiếp nhận ánh sáng của Thiên Chúa và phản chiếu ánh sáng của Chúa cho tha nhân. Họ biết rõ chân giá trị của cuộc đời và quyết tâm theo đuổi đến cùng.
- “Tôi không cảm thấy cần phải tìm cách thúc đẩy cha mẹ tôi trở lại đạo Công giáo bởi vì đức tin là một ân sủng. Tôi tin chắc rằng họ tin vào Chúa, ngay cả khi những thực hành tôn giáo của cha mẹ tôi khác với tôi”. Ơn gọi của chị nữ tu này thật đẹp. Điều đó đã một lần nữa cho chúng ta thấy rằng, Lời Chúa có khả năng lan tỏa sức mạnh cách kỳ lạ. Chưa một lần được nghe rao giảng, chưa từng học những nền tảng đạo lý, chị Rumiko vẫn được đánh động và yêu mến Lời Chúa nhờ đam mê đọc sách của mình. Voltaire từng nhận thức rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra với một cái mũi và mười ngón tay, nhưng không ai sinh ra có sẵn nhận thức về Chúa”. Chúng ta có lẽ may mắn hơn chị ấy vì được sinh ra trong một gia đình đã được thừa hưởng gia tài đức tin từ nhiều thế hệ đi trước. Nhờ vậy mà nhiều người trong chúng ta có được sự nhận thức về Chúa ngay từ thuở bé. Đó có thể coi là một lợi thế cho đời sống đức tin. Thế nhưng, liệu rằng chút lợi thế đó có giúp cho đời sống đạo của chúng ta sâu sắc và năng động hơn người nữ tu ấy không? Tôi e rằng, chẳng có gì bảo đảm là chúng ta có được một cảm thức đức tin sâu đậm hơn chị ấy. Chẳng có gì bi quan ở đây cả; bởi vì, dẫu rằng hạt giống Lời Chúa được gieo vào mảnh đất tâm hồn của chúng ta từ rất sớm, nhưng điều đó không thể minh chứng sự vững vàng trong đức tin đương nhiên tỉ lệ thuận với quãng thời gian chúng ta được làm con Chúa. Thật vậy, mấy ai trong chúng ta có đức tin đủ mạnh như chị Rumiko; bởi vì, chẳng những chị coi đức tin là một ân sủng mà còn quả quyết rằng, cha mẹ chị cũng tin vào Chúa cho dù chẳng cần phải là một tín đồ Công giáo. Có lẽ chúng ta hãy cùng với người nữ tu này tạ ơn Chúa vì đã cho chị cơ hội tiếp xúc với những tư tưởng của Carl Hilty, bởi vì chính ông là người đã gieo vào tâm hồn tôi tớ của Ngài một thứ đức tin tinh ròng, chân thực và sống động đến diệu kỳ.
Viết Cường, O.P.
|