Vi-rút Corona, dấu chỉ “Thời Sau Cùng”!
Có thể không phải là tận thế, nhưng con người cần đến nhau trước mối đe dọa của thời kỳ cuối khá rõ ràng này.
Một trong những cảnh báo mạc khải, được tiên đoán theo những hậu quả của vi rút Corona ngày càng gia tăng, là ngày tận cùng của thế giới đang tiến gần. Nhiều người gửi cho tôi những bức thư điện tử nói rằng, COVID-19 cho thấy Thời Kỳ Cuối đang đến, và họ mong tin này được phổ biến nhanh chóng. Nhưng họ đã quên sót vài điểm, thực tế là 2 hoặc 3 điểm.
Trước tiên là, chính Chúa Giêsu không khuyến khích sự suy đoán này. Trong Tin Mừng Matthêu có nói: “Vào ngày giờ không ai biết, ngay cả thiên thần trên thiên đàng cũng không biết, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi… Vì thế, hãy cảnh giác, vì anh em không biết được giờ nào Thiên Chúa của anh em sẽ đến” (Mt 24;36,42).
Điều thứ hai, tuy vậy, nhưng có một cảm giác rất rõ ràng, là chúng ta đang sống trong những Ngày Sau Hết. Điều này không mới. Vì thời gian Tận Thế trở lại sau 2.000 năm – từ khi Chúa sống lại và về Trời – và sẽ tiếp tục cho đến khi Ngài đến, bất cứ khi nào cũng là đúng cả. Có nghĩa là, chắc chắn mỗi người chúng ta sẽ gặp Đức Kitô, và đón nhận sự phán xét của Người, vào lúc mà chúng ta không biết trước được.
Sự hoang mang về mạc khải Ngày Tận Thế có vô số tiền lệ trong lịch sử. Thời đại trước đây, con người cũng phản ứng như thế trước những thiên tai và dịch bệnh. Bây giờ đến vi rút Corona. Nhưng – điểm thứ ba – bài học đến từ cơn đại dịch này, không phải là việc ngày Tận Thế sẽ xảy đến bây giờ. Mà là một họa đồ nhắc nhở đặc biệt rằng, nhân loại trên toàn thế giới là một gia đình (tuy là một gia đình đổ vỡ tan thương), vì thế câu trả lời đúng đắn cho thiên tai và dịch bệnh là, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ thiêng liêng, đồng thời kêu gọi nguồn lực lớn lao khắp nơi trong tình đoàn kết nhân loại.
Các Giáo Hoàng thường nhấn mạnh đến tính thống nhất căn bản của gia đình nhân loại, một cách mạnh mẽ. Chỉ xem một trong những thí dụ đó là, Đức Thánh Cha Piô XII, trong tông thư đầu tiên của ngài, đã đề cập đến sự hờ hững độc ác đối với nạn diệt chủng Do Thái.
Thời gian vào tháng Mười năm 1939, sau hai tháng Đức xâm lược Ba Lan, châm ngòi nổ cho Thế Chiến II. Đức Thánh Cha Piô XII viết, nguyên nhân nổi bật gây xung đột trầm trọng đã lộ diện, đó là sự chối từ tình liên kết nhân loại, được nhìn thấy quá đau thương trong chủ nghĩa dân tộc và chủng tộc – một đề cập rõ ràng đến Đức-quốc-xã, và trong chừng mực ít hơn, đến phát-xít Ý.
Xót xa cho “sai lầm chết người” này, Đức Giáo Hoàng cực lực lên án “sự bỏ qua luật bác ái và đoàn kết nhân loại, vốn đã đặt ra và được chấp nhận căn bản từ chúng ta và từ sự bình đẳng chủng tộc tự nhiên của con người, cho dù bất cứ họ thuộc về giống người nào” cũng như từ sự cứu chuộc tất cả nhân loại của Đức Kitô. Đức-quốc-xã biết Đức Piô nói đến họ, và ngài bị họ đưa vào danh sách kẻ thù, kể từ đó.
Không nghi ngờ gì nữa, đại dịch Coronavirus có liên quan đến điều này. Nhưng người ta băn khoăn về Thời Sau Cùng – và tất cả chúng ta cũng vậy – muốn tập trung tốt vào chuyện khác, ngay cả mối đe dọa do thiên tai tạo nên như: khủng hoảng thực phẩm của thế giới sắp xảy ra cho 230 triệu người – như thường lệ, người nghèo ở những nước nghèo – sẽ đối mặt với nạn đói và cái chết. Caritas, Tổ chức bác ái quốc tế Công giáo, cho biết rằng “dư chấn sau đại dịch” có thể sẽ “tinh vi và chết người” hơn cả ảnh hưởng của chính con vi rút này.
Hoa Kỳ đã chậm phản ứng với Coronavirus, và kết quả là số người chết như ta đã thấy. Chúng ta cũng sẽ chậm đáp trả với khủng hoảng này sao? Đây là một thách thức mạc khải thật sự, cho tình liên kết nhân loại, đáng để chúng ta quan tâm khi thời gian vẫn còn.
(What the coronavirus signalsabout the “End Times” / Russell Shaw – 22.5.2020)
Cành Dương chuyển ngữ
|